Nhà 100 triệu đồng xuất hiện tại TP.HCM, điều gì sẽ xảy ra?
Mới đây, tỉnh Bình Dương đã khánh thành giai đoạn 1 của dự án nhà ở xã hội loại nhỏ với 5 ngàn căn hộ, đồng thời tiếp tục khởi công giai đoạn 2, xây tiếp 10 ngàn căn nữa.
Mỗi căn hộ với diện tích 30m2, giá khoảng 100 triệu đồng (tùy tầng) đang tạo ra một làn sóng hy vọng cho người thu nhập thấp. Trong đó, nhiều người thắc mắc, có thể “bưng” loại nhà này về TP.HCM được hay không?
Cảnh báo khu ổ chuột giữa lòng thành phố?
Hiện nay, nhu cầu về nhà ở, đặc biệt là giá thấp hoặc nhà ở xã hội là rất cao, đặc biệt là với một đô thị đông dân như TP.HCM. Anh Trần Huy Bằng (quê Hà Tĩnh, hiện đang thuê trọ tại Q.2) chia sẻ: “Tôi vào làm việc và sinh sống ở đây đã 10 năm, đến nay đã lập gia đình và có một cháu nhỏ. Dù đã tích lũy được ít tiền, nhưng vẫn chưa thể mua được một căn chung cư, vì nó quá nhiều tiền so với năng lực của chúng tôi. Trong khi đó, để tiếp cận các nguồn vốn vay cũng là điều rất khó khăn”.
Nếu “dời” nhà 100 triệu đồng về TP.HCM thì còn nhiều câu chuyện phải bàn.
Khi được hỏi nếu có loại nhà 100 triệu đồng như của Bình Dương thì anh có mua hay không, anh Bằng nói: “Mua ngay. Bởi, hiện thuê phòng trọ cũng đã hơn 2 triệu đồng/tháng, trong khi đó diện tích cũng chưa đầy 20m2 và rất thiếu các quy chuẩn của các loại nhà ở như phòng cháy chữa cháy, giá điện, nước cao hơn bình thường, thiếu sân chơi cho trẻ em. Vì thế, nếu có nhà như vậy thì chúng tôi sẽ mua ngay”.
Nhu cầu là có thật, tuy nhiên để có thể sở hữu loại nhà này ở TP.HCM thì có lẽ là chuyện phải bàn. Phải nói thêm rằng, mỗi căn hộ đã và đang xây dựng ở Bình Dương có tổng diện tích loại phổ biến là 30m2, trong đó 20m2 là sàn và 10m2 là gác. Nó chỉ phù hợp với những gia đình ít người, đặc biệt là những đôi vợ chồng trẻ và một con. Chính vì vậy, nếu đưa mô hình này vào áp dụng vào TP.HCM thì nhiều người cho rằng sẽ rất khó.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc công ty Xây dựng Tuấn Phát cho rằng, ngoài sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và chủ trương, sự quyết tâm mạnh mẽ của UBND TP thì cũng còn đó rất nhiều chuyện khác phải bàn. Đó là tính pháp lý của loại nhà này. Ví như, chuẩn diện tích tối thiểu.
Hiện nay, TP.HCM đang chuẩn bị phê duyệt quy định diện tích tối thiểu trên đầu người. Nếu quy định này được thông qua thì cũng là một rào cản lớn cho loại hình căn hộ này có thể tồn tại. Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc sở Xây dựng TP.HCM cho biết, theo quy định hiện hành thì mỗi người chỉ cần sở hữu 5m2 nhà ở là có thể nhập khẩu vào TP.HCM. Tuy nhiên, trong Tờ trình của sở Xây dựng và Công an TP thì sẽ nâng lên thành 8m2/người cho khu vực 2, là các huyện và 16m2/người cho khu vực 1 là các quận.
Do vậy, theo các chuyên gia, nếu xây dựng các khu căn hộ nhỏ thì có thể áp dụng được cho các huyện, nơi có quy chuẩn diện tích tối thiểu thấp. Còn xây dựng trong các quận thì rất khó. Tiến sỹ, luật sư Nguyễn Đăng Liêm, Hiệu trưởng trường đại học Gia Định, cố vấn cao cấp văn phòng Luật sư Quang Trung, thành viên Hội Luật gia Châu Á cho rằng, tốt nhất là triển khai ở các khu vực ngoại ô, để tránh vi phạm về diện tích căn hộ.
“Thực tế, thời gian qua, có những dự án căn hộ có diện tích nhỏ quá TP đã không cấp phép xây dựng. Do đó, bây giờ cho phép triển khai các căn hộ có diện tích nhỏ như vậy thì lại mâu thuẫn. Lúc đó, chủ trương đó sẽ đi ngược với quy chuẩn, nhất là đối với TP đặc biệt như TP.HCM. Nếu UBND TP và Liên đoàn Lao động xét thấy những căn hộ nhỏ như vậy phù hợp thì cần xây dựng ở Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè hay một phần ở Thủ Đức… Khi đó, phải có phương tiện đưa đón công nhân. Một số nước cũng đang triển khai theo cách này. Nếu không, xây dựng ở ngoại ô công nhân không ở, lại cho thuê, rồi vào trung tâm thuê nhà”, Tiến sỹ, luật sư Liêm phân tích thêm.
Chính vì lo ngại vướng vào quy chuẩn diện tích tối thiểu mà nhiều người cho rằng sẽ khó hình thành các khu ổ chuột trong lòng TP. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cách làm ở Bình Dương là xây dựng những khu căn hộ diện tích nhỏ. Nghĩa là họ đảm bảo và kiểm soát được các khu đô thị kiểu này. Nó hoàn toàn trái ngược với các loại nhà trọ mọc mỗi nơi một kiểu, lại thiếu thốn các điều kiện đảm bảo cho cuộc sống, sinh hoạt.
Ai sẽ nhảy vào?
Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, ở Bình Dương, tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – TNHH một thành viên (Becamex IDC) là một doanh nghiệp Nhà nước, hơn nữa họ cũng là đơn vị triển khai cơ sở hạ tầng cho hầu hết các dự án của tỉnh thì lợi nhuận trong các dự án này có vẻ “chưa cần bàn tới nhiều”. Tuy nhiên, nếu nhân rộng mô hình này tại TP.HCM thì tại đây phải có một đơn vị tương tự như vậy để thực hiện.
Xem thêm video: Hai nữ quái liều lĩnh cậy cốp trộm đồ.
“Với các doanh nghiệp thì điều đầu tiên được tính đến là lợi nhuận, trong khi đó làm các dự án này lợi nhuận rất ít. Do vậy, khi mà lợi nhuận được đặt sau thì liệu có ai mặn mà hay không?”, ông Tuấn phân tích. Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng cho rằng, ngay cả các chương trình xây dựng nhà ở xã hội ở TP.HCM hiện nay cũng thu hút được ít doanh nghiệp tham gia vì lợi nhuận thấp.
Video đang HOT
“Sau khi kiểm toán định giá xong thì họ chỉ thu được lợi nhuận khoảng 10% trên mỗi dự án, trong khi đó lại phải chi nhiều khoản khác mà kiểm toán không thể định giá được. Do vậy, nhiều doanh nghiệp không mấy mặn mà với các dự án nhà ở xã hội”, ông Châu nói. Mặt khác, ông Dương Chí Thành, Giám đốc công ty Đầu tư – Phát triển Dương Thành cho rằng, nếu TP.HCM muốn học theo mô hình căn hộ 100 triệu đồng như ở Bình Dương thì chính các doanh nghiệp sử dụng lao động cũng phải tham gia tích cực vào việc xây dựng các loại căn hộ nhỏ, giá rẻ này.
Ví như tại Bình Dương, 20% giá trị căn hộ được các doanh nghiệp trả trước cho người lao động, nghĩa là họ cũng muốn người lao động gắn kết với mình lâu dài. Đó chính là đảm bảo lợi ích của họ và của cả người lao động. Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp tại TP.HCM còn lờ các khoản phúc lợi của người lao động, chứ chưa bàn tới chuyện hỗ trợ mua nhà. Đó là điều khó thực thi.
Cũng theo ông Châu, các sản phẩm nhà ở giá rẻ này đang đáp ứng được nhu cầu của đại bộ phận người thu nhập thấp. Do vậy, nếu triển khai tốt, đặc biệt là kết nối với các hệ thống giao thông, các dịch vụ khác… sẽ giải quyết được rất nhiều về nhu cầu nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp.
Nếu không khéo thì dẫn tới tai hại kép
Nói về mô hình này, Tiến sỹ, luật sư Liêm cho rằng, nếu triển khai các dự án này thì phải lập một khu riêng để không ảnh hưởng đến tiêu chuẩn căn hộ. Nếu làm không cẩn trọng và tính toán kỹ lưỡng thì không những vi phạm các quy chuẩn đặt ra mà còn hình thành nên những khu nhà ổ chuột, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị của TP.HCM.
Theo Đời Sống & Pháp Luật
Công nhân được mua nhà giá 100 triệu đồng
Những căn hộ rộng 30m2 (trong đó diện tích sàn 20m2, gác 10m2) với giá chỉ 100-150 triệu đồng, người lao động chỉ phải trả trước 20%.
Vợ chồng anh Trần Văn Vững (30 tuổi, quê Long An) và chị Hoàng Thị Mai (29 tuổi) cùng con trong căn hộ tại tầng 3, block A2e, khu nhà ở xã hội Hòa Lợi, Bình Dương - Ảnh: Bá Sơn
Ngày 3-4, UBND tỉnh Bình Dương đã khánh thành gần 5.000 căn nhà ở xã hội và tiếp tục khởi công 10.000 căn hộ mới. Cùng với Đồng Nai, Bộ Xây dựng nhận định đây là những mô hình thành công tạo cơ hội an cư lạc nghiệp cho hàng chục ngàn người lao động.
Những căn hộ rộng 30m2 (trong đó diện tích sàn 20m2, gác 10m2) với giá chỉ 100-150 triệu đồng, người lao động chỉ phải trả trước 20%.
"Mỗi tháng chúng tôi chỉ phải trả góp 1,8 triệu đồng, gần bằng tiền thuê trọ trước đây nhưng sau năm năm chúng tôi sẽ có nhà"
Anh TRẦN VĂN VỮNG
(Công ty Saigonstec, người vừa mua một căn nhà ở khu nhà ở xã hội Hòa Lợi, Bình Dương)
Gom tiền thuê trọ thành nhà
Chúng tôi có mặt tại căn hộ của vợ chồng anh Trần Văn Vững (30 tuổi, quê Long An) và chị Hoàng Thị Mai (29 tuổi, quê Thanh Hóa) tại tầng 3, block A2e, khu nhà ở xã hội Hòa Lợi, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương. Sau giờ tan ca, trong căn hộ nhỏ chỉ 30m2, chị Mai đang tất bật lo bữa cơm tối, còn anh Vững phụ vợ trông nom cậu con trai chỉ mới 1 tuổi.
Anh Vững kể hai vợ chồng làm chung Công ty Saigonstec chuyên sản xuất linh kiện điện tử, tổng thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng. Gom góp tiền, hai vợ chồng bàn nhau mua một căn hộ ở tầng 3 với giá 132 triệu đồng, trong đó chỉ phải trả trước 20 triệu là nhận nhà.
"Khoảng hơn một năm trước, vợ chồng tôi phải đi thuê một kiôt ở ngoài với giá 2 triệu đồng/tháng, chưa kể điện, nước phải dùng giá cao. Nay mỗi tháng chúng tôi chỉ phải trả góp 1,8 triệu đồng, gần bằng tiền thuê trọ trước đây nhưng sau năm năm chúng tôi sẽ có nhà" - anh Vững tính toán.
Bài toán của vợ chồng anh Vững - chị Mai cũng là cách tính của nhiều công nhân khác khi mua nhà ở xã hội. Vợ chồng anh Dương Văn Mẫn (33 tuổi, công nhân Công ty Mai Thư trong Khu công nghiệp VSIP 2) và chị Nguyễn Thị Thúy Liễu (30 tuổi) mua một căn hộ ở tầng 5 với giá gần 100 triệu đồng.
"Nếu so với ở trọ bên ngoài hằng tháng cũng phải trả tiền như vậy thì ở nhà xã hội sạch sẽ, thoáng mát và an ninh hơn rất nhiều. Từ nhà tôi đến công ty chỉ mất ba phút, trường học cũng gần nên chúng tôi tranh thủ lúc đi làm và tan ca đưa đón con cũng rất tiện" - chị Liễu nói.
Theo tìm hiểu, một số công ty như Mai Thư tại Khu công nghiệp VSIP 2, Công ty TNHH Finecs VN tại Khu công nghiệp VSIP1... đã có chính sách hỗ trợ rất tốt để người lao động mua được nhà ở xã hội, từ đó yên tâm làm việc cho công ty.
Chẳng hạn Công ty Mai Thư đã phối hợp với chủ đầu tư để người lao động trong công ty mua được hàng chục căn nhà ở xã hội, trong đó công ty ứng trước một phần tiền gốc cho công nhân vay để nhận nhà. Số tiền còn lại công ty sẽ trích lương hằng tháng để đóng cho công nhân. Với những công nhân làm đủ năm năm, công ty sẽ cho công nhân 10 triệu đồng trong phần mà công ty đã ứng ra để mua nhà...
Sẽ triển khai hàng loạt
Mới có 20% công nhân có nhà ở
Theo Bộ Xây dựng, hiện cả nước có trên 2,2 triệu công nhân lao động trực tiếp đang làm việc tại các khu công nghiệp.
Tuy nhiên, mới có khoảng 20% công nhân có chỗ ở, hầu hết công nhân vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm.
Các phòng trọ thuê của tư nhân hầu hết đều rất chật hẹp (diện tích sử dụng bình quân 2-3m2/người), điều kiện vệ sinh, môi trường không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu đã gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống của công nhân.
Với cách làm này, rất nhiều công nhân có thu nhập thấp tại Bình Dương đã có nhà. Tới nay, tại Bình Dương đã xây dựng được gần 5.000 căn nhà ở xã hội tại nhiều địa điểm quanh các khu công nghiệp gồm: khu Hòa Lợi (TP Thủ Dầu Một): 2.435 căn, khu Việt Sing (thị xã Thuận An): 752 căn, khu Mỹ Phước (thị xã Bến Cát): 1.388 căn, khu Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng): 320 căn...
Còn tại Đồng Nai, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp VN (IDICO) cũng đang triển khai hàng ngàn căn nhà ở xã hội tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch. Trong đó, khu đầu tiên với quy mô 3.520 căn hộ đã có 447 căn hộ vừa hoàn thành, số lượng công nhân chuyển đến ở đã chiếm đến 80%.
Anh Lê Đình Duyên - công nhân Công ty Posco VST - cùng vợ và hai con nhỏ vừa chuyển vào căn hộ ở đây cho biết: "Giá căn hộ tôi mua là 230 triệu đồng, sau khi trả 20% (tương đương 47 triệu) thì nhận nhà vào ở ngay.
Số còn lại tôi vay từ gói 30.000 tỉ đồng, mỗi tháng cả gốc và lãi là 2,5 triệu". Trước đó anh Duyên cùng vợ con đã ở trọ bảy năm ngoài khu công nghiệp này với giá thuê phòng trọ mỗi tháng từ 1-2 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Đạt, tổng giám đốc IDICO - chủ đầu tư dự án nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch, cho biết dự án của IDICO mới giải quyết được chỗ ở cho 10.000 công nhân, tức khoảng 10% nhu cầu tại riêng khu vực này.
"Có thể thấy nhu cầu nhà ở công nhân, người thu nhập thấp là rất lớn. Sắp tới chúng tôi đang tiếp tục xây dựng hàng loạt" - ông Đạt nói.
Việc xây dựng các khu nhà ở xã hội không chỉ tạo cơ hội sở hữu nhà để người lao động yên tâm làm việc mà còn tạo ra một diện mạo, sức sống mới cho các khu đô thị.
Có mặt tại khu nhà ở xã hội Hòa Lợi chiều 1-4, đây là khu nhà ở xã hội quy mô lớn nhất hiện tại của Bình Dương với gần 2.500 căn hộ. Càng về tối, khu nhà ở xã hội này càng đông đúc do công nhân đi làm về. Công nhân có thể mua đồ nấu ăn, thực phẩm, thuốc, quần áo hoặc các dịch vụ khác ngay trong "thành phố thu nhỏ" này.
Anh Trần Nam Thanh (quê Thái Bình, chủ tiệm tạp hóa Nam Thanh) cho biết hai vợ chồng anh gom góp tiền mua căn hộ tại tầng trệt với giá 480 triệu đồng với diện tích 57m2. Đây vừa là nơi buôn bán tạp hóa, vừa là nơi ở của hai vợ chồng và hai đứa con.
Anh Thanh cho biết với căn nhà này, nếu mua trả góp thì hai năm đầu mỗi tháng phải trả 4 triệu đồng. "Tôi đi làm công ty có lương, còn vợ tôi ở nhà vừa bán tạp hóa vừa trông con. Thu nhập của hai vợ chồng gom góp lại cũng đủ trả tiền nhà và sinh hoạt" - anh Thanh nói.
Với mỗi khối nhà, các chủ căn hộ cũng bầu ra những người đại diện giống như "tổ trưởng khu phố", bầu ra ban quản trị chung cho cả tòa nhà... Các căn nhà ở xã hội được cấp "giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và đồng sở hữu đất" nên người mua nhà thật sự được là chủ ngôi nhà mà mình đang ở.
Tháo gỡ cơ chế
Theo đề án phát triển nhà ở xã hội do UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt và giao Becamex IDC thực hiện, năm 2015 sẽ phải xây dựng được 64.700 căn hộ, nhưng tới nay mới thực hiện được một phần nhỏ. Chủ đầu tư nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn liên quan tới cơ chế, nguồn vốn và quỹ đất.
Ông Bùi Văn Chiến - phó tổng giám đốc Becamex IDC - cho rằng dù chính sách nhà ở xã hội có tác dụng lớn, mang lại ý nghĩa xã hội nhưng sự hỗ trợ vốn từ các ngân hàng còn rất hạn chế. Trong tổng số 4.000 khách hàng mua nhà ở xã hội của Becamex thì chỉ có khoảng 400 người (chiếm khoảng 10%) tiếp cận được gói tín dụng ưu đãi.
Còn ông Nguyễn Văn Đạt cho rằng vấn đề quan trọng là các khu nhà ở công nhân phải có hạ tầng đồng bộ như: y tế, trường học... nên rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Ông Đạt nói nhà trẻ, mẫu giáo, chợ búa chủ đầu tư có thể đáp ứng được nhưng trường cấp I, cấp II, hay các cơ sở y tế - bệnh viện trong khu thì doanh nghiệp đang không đủ điều kiện xây.
"Chính sách nhà nước nên cho doanh nghiệp được phép điều chỉnh một phần đất khu công nghiệp thành đất xây nhà ở cho công nhân trong nội khu các khu công nghiệp. Miễn tiền thuê đất và các thủ tục cấp phép đầu tư thuận lợi. Thứ hai là cơ chế hỗ trợ cho người mua nhà, cho họ vay với lãi suất hợp lý" - ông Đạt đề xuất.
Sẽ có nhà ở xã hội 40-70m2
Cũng trong ngày 3-4, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo tỉnh Bình Dương, chủ đầu tư đã khởi động xây dựng 10.000 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2 tại các khu Định Hòa (TP Thủ Dầu Một), Việt Sing (thị xã Thuận An).
Trong đó, ngoài mô hình căn hộ 30m2, sẽ xây dựng những căn hộ có diện tích lớn hơn, từ 40-70m2 để phù hợp với nhu cầu trong tình hình mới.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đánh giá mô hình nhà ở xã hội bước đầu thành công, tạo chỗ ở cho hàng chục ngàn người lao động. Thời gian tới, khi Luật nhà ở đã có hiệu lực, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp cùng các bộ ngành tạo cơ chế chính sách thông thoáng, tốt hơn nữa để khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Trong đó sẽ kiến nghị Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại dành ít nhất 3% nguồn vốn để người lao động mua nhà ở xã hội theo giá ưu đãi.
Theo Tuổi Trẻ
Nam Cường không thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng đất? Tập đoàn Nam Cường trả lại hơn 800 ha đất dự án tại Thạch Thất trong khi đã bỏ ra một số tiền không nhỏ cho công tác chuẩn bị đầu tư. Vì sao Nam Cường lại "hào hiệp" đến thế hay có uẩn khúc gì đằng sau? Phối cảnh Khu đô thị Thạch Thất (nguồn: website Tập đoàn Nam Cường) "Chủ động"...