Nguyễn Quán Quang và chuyện đuổi giặc Mông Cổ bằng hòn đá
Nguyễn Quán Quang (chưa rõ năm sinh và năm mất) ở xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc, nay là xã Tam Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh.
Ông là người đỗ đầu tại kỳ thi năm 1246, đời vua Trần Thái Tông. Nhiều ý kiến cho rằng ông chính là vị trạng nguyên đầu tiên của đất nước.
Theo nghiên cứu của nhà sử học Lê Văn Lan, sau khi thi đỗ, ông được vua ban quốc tính (được đổi họ thành Trần Quán Quang), làm quan tới chức Bộc xạ, được tặng hàm Đại tư không sau khi mất.
Sách Thần đồng Việt Nam viết rằng Quán Quang sinh ra trong gia đình nghèo, không có tiền đi học nên thường lân la cửa lớp để nghe lỏm khi thầy dạy học trò trong làng sách Tam tự kinh. Cậu bé này ngồi ngay giữa sân lấy đất viết chữ xuống nền gạch.
Một hôm tan học, thầy giáo nhìn thấy sân nhà có nhiều chữ đẹp, liền nói rằng “đây mới chính là trò giỏi” rồi gọi Quán Quang đến học.
Tranh vẽ màn đối đáp của Nguyễn Quán Quang với tướng Mông Cổ. Tranh minh họa: Báo Bình Phước.
Tương truyền, Nguyễn Quán Quang học một biết mười. Chẳng bao lâu, ông đã nổi tiếng trong vùng.
Gặp khoa thi Hương, ông ứng thí và đỗ đầu, gọi là Giải nguyên. Đến thi Hội, ông lại đỗ Hội nguyên. Khi vua Trần Thái Tông mở khoa thi Đại tỷ (bấy giờ chưa gọi là thi Đình), ông tiếp tục đỗ đầu.
Sau ngày bái tổ vinh quy, Nguyễn Quán Quang vào chầu vua để đăng quan. Thấy ông cao to, khí phách hơn người, nhà vua tỏ lòng quý mến, ban cho quốc tính mang tên Trần Quán Quang.
Bấy giờ, quân Mông Cổ tiến sát biên giới, lăm le xâm chiếm nước ta. Vua ra chiếu cử Nguyễn Quán Quang sang thương nghị với giặc.
Tướng Mông Cổ nổi tiếng kiêu căng, hung bạo và thâm thúy. Cho rằng Quán Quang đến để mang ba tấc lưỡi thuyết khách, hắn nghĩ cách dùng uy để chế áp ông.
Khi đi qua cái ao, tướng giặc vớt một cây bèo lên, cầm vào lòng bàn tay rồi bóp chặt. Lát sau, hắn mở ra cho Quán Quang xem cây bèo đã nát vụn. Hắn cười to ra vẻ đắc ý lắm.
Video đang HOT
Quán Quang hiểu tướng giặc tỏ ý coi nước Việt như những cánh bèo non yếu, chỉ cần khẽ đánh là tan. Ông bèn nhặt một hòn đá to rồi ném xuống giữa ao. Bèo dạt ra một khoảng trống nhưng chỉ giây lát lại kéo sát vào nhau.
Tướng Mông Cổ hiểu rằng người Việt rất đoàn kết để bảo vệ giang sơn, không sức mạnh nào có thể khuất phục. Hắn hoãn binh, không dám tiến quân nữa.
Là nhà Nho có tài, ở kinh sư một thời gian, ông từ quan về quê nhà mở lớp dạy học, sống cuộc đời thanh đạm.
Người dân Tam Sơn cho rằng ông là người khai sáng cho nền Hán học của quê hương, mở đường cho đường “Ba gò” sau này có “một kho nhân tài”.
Sau khi Nguyễn Quán Quang qua đời, để tưởng nhớ tới ông, dân làng dựng ngôi chùa ở chỗ trước kia ông dạy học. Họ cũng lập đền thờ trên núi Vường và tôn ông là Thành hoàng làng của Tam Sơn.
Theo Zing
Tam nguyên trạng nguyên dạy dân dệt chiếu
Phạm Đôn Lễ là người đỗ đầu cả 3 kỳ thi trong lịch sử khoa cử nước ta. Nhờ có công truyền kỹ thuật dệt chiếu, ông được người dân yêu mến và tôn xưng Trạng Chiếu.
Phạm Đôn Lễ là trạng nguyên dưới thời vua Lê Thánh Tông. Theo Đại Việt sử ký Bản kỷ thực lục, vì có công dạy dân làng dệt chiếu cói nên ông thường được gọi là Trạng Chiếu. Ông cũng là vị tam nguyên (đỗ đầu cả 3 kỳ thi Hương, Hội, Đình) thứ hai trong lịch sử khoa cử nước ta.
Phạm Đôn Lễ sinh năm 1457, quê làng Hải Triều, còn gọi làng Hới, thuộc tổng Thanh Triều, phủ Long Hưng, huyện Ngự Thiên, tỉnh Hưng Yên (nay là thôn Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).
Lai lịch vị tam nguyên này mang đậm tính lãng mạn và nhân văn. TheoLễ hội Việt Nam, Lễ là kết quả của mối tình giản dị giữa chàng đánh cá họ Phạm người Hải Dương và cô gái làng Hải Triều bán nước bên sông.
Hai người gặp nhau trong một đêm mưa gió bão bùng. Họ yêu nhau rồi nên duyên vợ chồng. Tuy nhiên, hạnh phúc chưa được bao lâu thì người chồng qua đời. Người vợ vất vả mang thai, sinh Phạm Đôn Lễ.
Đền thờ trạng nguyên Phạm Đôn Lễ ở làng Hải Triều, Thái Bình. Ảnh: Wordpress.
Hồi nhỏ, ông đi lạc rồi lưu lạc đến xứ Thanh. Một người hiền đức, khá giả nhận nuôi Lễ, dạy bảo ông thành người, cho ăn học tử tế.
Năm 1481, dưới thời vua Lê Thánh Tông, Phạm Đôn Lễ vào kinh ứng thí, đỗ trạng nguyên khoa Tân Mùi. Vì trước đó, ông đỗ đầu kỳ thi Hương và Hội nên được tôn xưng là tam nguyên.
Sau khi Lễ đỗ trạng nguyên, cha nuôi nói hết ngọn nguồn lai lịch. Mặc dù rất biết ơn cha nuôi, Phạm Đôn Lễ vẫn canh cánh về quê nhà cùng người mẹ tảo tần.
Ông tìm về quê, gặp lại mẹ đang sống trong cảnh cô đơn, khốn khó. Sau quãng thời gian hạnh phúc ngắn ngủi, bà cụ qua đời. Mặc dù không lớn lên tại quê nhà nhưng vùng đất Hải Triều vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong lòng trạng nguyên.
Phạm Đôn Lễ vốn giỏi văn thơ, chính trị, kinh tế nên được triều đình trọng dụng. Làm quan đến chức Tả thị lang, ông được cử đi sứ triều Minh.
Trên đường đi sứ qua vùng Quế Lâm, thấy phong cảnh nơi đây hữu tình, đoàn sứ dừng lại thưởng lãm.
Phạm Đôn Lễ tình cờ thấy người dân dệt chiếu nhưng dùng kỹ thuật khác với người dân quê ông, dệt nhanh hơn, cho ra những tấm chiếu đẹp và bền hơn. Thế là ông quyết tâm đưa kỹ thuật dệt này về quê nhà.
Hoàn thành trách nhiệm đi sứ, khi về qua Quế Lâm, trạng nguyên mua bàn dệt chiếu rồi mang về làng Hới. Ông gọi người phường dệt đến tháo nó ra để nghiên cứu nhưng họ than khó và bỏ cuộc.
Phạm Đôn Lễ bèn tự nghiên cứu. Nhờ tư chất thông minh, ông nhanh chóng nắm được cách dệt và truyền lại cho người dân.
Từ đó, nhờ phương pháp dệt mới, chiếu làng Hới nổi tiếng khắp vùng. Trạng nguyên sai người đóng thêm bàn dệt, truyền nghề cho làng khác. Ông còn chỉ dân cách trồng và chăm sóc cói.
Nhờ quyết tâm của Phạm Đôn Lễ, cuộc sống của người dân ngày càng khấm khá. Mọi người yêu mến, gọi ông là Trạng Chiếu.
Ông nổi tiếng là vị quan thanh liêm, hết mực thương dân, tính tình lại cương trực, cực ghét bọn nịnh thần.
Dưới thời vua Lê Uy Mục, triều đình suy thoái, gian thần lộng hành. Phạm Đôn Lễ, lúc đó đã làm đến chức Thượng thư, trở thành đối tượng bị công kích.
Biết chuyện bản thân bị hãm hại, ông liền từ quan, dẫn theo vợ con đến nhiều địa phương để dạy học, truyền nghề dệt chiếu và quyết định định cư tại làng Mỹ Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.
Trạng Chiếu mở trường, dạy học đến cuối đời. Sau khi ông qua đời, dân làng cảm kích tấm lòng vị trạng nguyên liêm khiết nên xây lăng mộ khá quy mô.
Quê nhà làng Hải Triều cũng lập đền thờ Phạm Đôn Lễ và chạm khắc bài thơ ca ngợi ông:
Nước sông mênh mang nguồn dòng dài
Nhà từ đường rực rỡ, hương hoa ngát thơm
Vị thần giáng xuống ánh sáng rực rỡ
Mây sáng phiêu diêu, xa giá lượn quạnh
Giáng vẻ ung dung, vang khắp mùa xuân
Hát vang bài ca yên vui, điển chương yên lành
Phúc thần dạt dào, nhân kiệt địa linh
Từng bước đi đưa hương, báo đáp thần linh
Đời đời thờ thần, mãi mãi hoà bình.
(Viện Hán Nôm dịch).
Theo Zing
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và những lời sấm truyền Trạng nguyên thời Mạc - Nguyễn Bỉnh Khiêm - không chỉ nổi danh nhờ tài học sâu rộng, tầm nhìn chiến lược mà còn được người đời tôn kính vì những lời sấm truyền chính xác. Trong lịch sử khoa cử nước ta, Nguyễn Bỉnh Khiêm là vị trạng nguyên đặc biệt. Ông không nổi tiếng vì thành danh khi còn ít tuổi....