Nguyên nhân khiến nhiều học sinh lớp 10 dễ chọn nhầm môn/tổ hợp môn
Có 4 lí do chính khiến học sinh lớp 10 chọn nhầm môn/ tổ hợp môn nên các em xin thay đổi là chuyện đương nhiên.
Bài viết “Học sinh xin chuyển tổ hợp môn, trường rối bời, bao giờ Vụ Giáo dục Trung học có hướng dẫn?” đăng tải trên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 28/11/2022 nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.
Trong phạm vi bài viết này, người viết xin được phân tích một số nguyên nhân chính khiến nhiều học sinh lớp 10 xin chuyển môn/ tổ hợp môn và đề xuất một số giải pháp tháo gỡ.
Ảnh minh họa, nguồn: P.L/ giaoduc.net.vn
Học sinh lớp 10 được tư vấn chọn tổ hợp môn thế nào?
Ngày 3/8/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chi tiết về môn học bắt buộc và môn học tự chọn ở bậc trung học phổ thông, bắt đầu áp dụng ở lớp 10 năm học 2022-2023.
Theo đó, học sinh được lựa chọn 4 môn học trong 9 môn học (Địa lí; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lí; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mỹ thuật).
Về lí thuyết, nếu trường học xây dựng đủ 9 môn tự chọn thì học sinh có 124 tổ hợp môn. Trường nào bỏ môn Âm nhạc và Mĩ thuật thì chỉ còn 35 tổ hợp. Tuy vậy, các nhà trường thường ấn định sẵn khoảng 5, 6 tổ hợp môn dựa trên nhân sự (giáo viên) có sẵn.
Cụ thể, các trường thường phân ra các lớp thuộc ban tự nhiên (đa số) và các lớp thuộc ban xã hội. Còn các môn Công nghệ, Tin học được ghép vào hai ban tự nhiên và xã hội sao cho đồng đều. Rất nhiều trường trung học phổ thông không đưa môn Âm nhạc, Mĩ thuật vào giảng dạy vì không có giáo viên bộ môn đứng lớp.
Vào thời điểm cuối tháng 8/2022, sau khi học sinh trúng tuyển vào lớp 10 (theo hình thức xét tuyển và thi tuyển), các trường trung học phổ thông mới thành lập ban tư vấn tuyển sinh giúp học sinh và phụ huynh học sinh chọn tổ hợp môn học sao cho phù hợp.
Người viết đã từng tham dự buổi tư vấn chọn tổ hợp môn cho học sinh (ở Thành phố Hồ Chí Minh) thì thấy rằng, hiệu phó chuyên môn cũng chỉ cung cấp cho phụ huynh một số thông tin cơ bản như: môn học bắt buộc, môn học tự chọn, hay sau này học sinh có nguyện vọng vào ngành Công nghệ thông tin thì chọn môn Tin học, học sinh có năng khiếu nghệ thuật thì chọn môn Mĩ thuật, Âm nhạc…
Riêng cụm chuyên đề thì hầu hết học sinh và phụ huynh học sinh đều hiểu rất lơ mơ, nhiều bậc cha mẹ xem đây là môn học nâng cao, học thêm. Và sau đó nhà trường cung cấp địa chỉ trang web để học sinh, phụ huynh học sinh vào tham khảo và đăng kí tổ hợp môn.
Nguyên nhân khiến học sinh xin chuyển tổ hợp môn
Thứ nhất, ở bậc trung học cơ sở, lớp 6, lớp, 7, lớp 8, học sinh chủ yếu học đều các môn để cuối kì, cuối năm được nhận các danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi. Rất ít học sinh, phụ huynh học sinh quan niệm môn chính, môn phụ, có chăng nhiều gia đình có điều kiện thì đầu tư cho con em học thêm ngoại ngữ.
Nhưng lên lớp 9, học sinh bắt đầu học lệch chỉ nhằm mục đích phục vụ cho kì thi tuyển sinh 9 lên 10. Ví dụ, học sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh chỉ chú tâm học Toán, Ngữ văn, Anh văn. Còn các tỉnh thành khác thì học sinh tập trung học Toán, Ngữ văn và chờ đến cuối học kì 2 của năm học mới học thêm môn thứ 3 khi Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương công bố thêm môn thi tuyển sinh.
Việc học sinh học lệch nên các em cũng không biết bản thân có thế mạnh về lĩnh vực tự nhiên, xã hội hay năng khiếu. Và thế là, khi lên lớp 10 học sinh thường chọn theo cảm tính, hoặc bị cha mẹ chi phối hoặc chọn theo bạn bè.
Thứ hai, phạm vi kiến thức (độ khó) các môn học ở bậc trung học cơ sở khác với bậc trung học phổ thông nên nhiều học sinh vẫn chưa thực sự nhận ra bản thân có thế mạnh về môn nào. Ví dụ, kiến thức môn Vật lí, Hóa học, Sinh học ở bậc trung học cơ sở ở mức đơn giản nhưng lên bậc trung học phổ thông thì mang tính chuyên sâu, kể cả hàn lâm.
Nhiều học sinh lớp 10 ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ với người viết rằng, ở bậc trung học cơ sở các em học khá tốt môn Vật lí, Hóa học, Sinh học nên lên lớp 10 chọn tổ hợp có các môn học này. Tuy vậy, qua hai tháng học tập, tháng 9, tháng 10 thì nhận thấy môn Vật lí khó hơn rất nhiều nên có ý định chuyển môn.
Một điều khiến người viết cũng rất băn khoăn đó là, nhiều học sinh thi tuyển sinh đạt điểm khá giỏi môn Ngữ văn nhưng đến lúc kiểm tra giữa học kì 1 lớp 10 các em chỉ được 5, 6 điểm. Thì ra, lớp 9 các em học thuộc một số bài văn mẫu để thi, còn lên lớp 10, để kiểm tra ra ngoài sách giáo khoa nên nhiều em làm bài không tốt – đây cũng là một trong những lí do khiến học sinh chọn sai tổ hợp môn.
Video đang HOT
Thứ ba, có hiện tượng nhiều giáo viên ở bậc trung học cơ sở đánh giá môn học còn dễ dãi dẫn đến học sinh lầm tưởng mình học khá dẫn đến việc chọn tổ hợp môn chưa đúng. Cá biệt, nhiều giáo viên cho học sinh điểm cao (điểm kiểm tra thường xuyên) nếu em nào có tham gia học thêm làm cho học sinh, phụ huynh học sinh ảo tưởng về lực học.
Chị Thúy ở huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh, đã từng trò chuyện với người viết rằng, con chị học lớp 9 có điểm trung bình môn Toán 9,5. Chị cũng cho biết con chị học Toán giỏi nhất lớp và có tham gia học thêm môn Toán với giáo viên chủ nhiệm.
Tuy vậy, kì thi tuyển sinh năm 2022, con chỉ chỉ được 6 điểm môn Toán, không vào được những trường trung học phổ thông tốp đầu (nguyện vọng 1, 2) khiến chị rất buồn bã, thất vọng. Đến bây giờ chị vẫn không hiểu vì sao con chị học Toán nhất lớp nhưng điểm thi tuyển sinh chỉ ở mức trên trung bình.
Thứ tư, học sinh chọn sai môn/ tổ hợp môn vì Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có hướng dẫn về thi tốt nghiệp phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Học sinh, phụ huynh học sinh vẫn chưa biết Bộ Giáo dục tổ chức thi đại học thế nào sau khi học sinh lớp 12 học xong Chương trình mới.
Nhiều học sinh và phụ huynh học sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh có hỏi tôi rằng, sau năm 2025, sau khi học sinh học xong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ được tiến hành thế nào, tôi cũng chỉ biết dự đoán theo kinh nghiệm bản thân.
Có thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo 4 bài thi bắt bắt buộc, gồm các môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Hoặc học sinh được phép chọn thêm 1, 2 môn trong tổ hợp môn đã học. Như thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trả kì thi đại học về cho các trường tổ chức riêng.
Thay lời kết
Có thể nhận thấy, có bốn lí do chính khiến học sinh lớp 10 chọn nhầm môn/ tổ hợp môn nên các em xin thay đổi là chuyện đương nhiên.
Cá nhân tôi cho rằng, trước mắt Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm sửa đổi Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông theo hướng, chấp nhận cho học sinh chuyển đổi môn/ tổ hợp môn vào giữa học kì học kì 1 của năm học lớp 10 để các em còn có thời gian học tập, kiểm tra.
Cùng với đó, nhà trường cần xây dựng các bài giảng và chuyển lên LMS (hệ thống quản lí học tập) giúp học sinh tự học. Sau một thời gian tự học, nếu học sinh cảm thấy tự tin, đảm bảo yêu cầu kiến thức thì nhà trường tổ chức cho các em kiểm tra (thường xuyên và giữa kì). Học sinh chỉ cần đạt mức 4/10 thì được phép chuyển đổi môn học. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp “chữa cháy” trước mắt.
Về giải pháp dài hơi, Bộ Giáo dục cần nghiên cứu cắt giảm nội dung các môn học, ví như Hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương… và bắt buộc học sinh phải học hết các môn thì mới giải quyết triệt để việc học sinh chọn sai tổ hợp môn.
Trường học ở Hải Phòng kiểm tra theo chương trình GDPT mới như thế nào?
Đổi mới kiểm tra đánh giá theo CT GDPT 2018, các trường ở Hải Phòng chỉ đạo thực hiện đánh giá phải hướng tới sự phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh.
Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên cấp trung học phổ thông thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10.
Không riêng đổi mới về nội dung chương trình, công tác tổ chức kiểm tra đánh giá đối với học sinh cũng có nhiều sự thay đổi.
Thay vì chú trọng kiểm tra cuối kỳ, cuối năm dựa trên kỹ năng ghi nhớ, chương trình mới sẽ kết hợp kết quả đánh giá phong cách học và năng lực vận dụng kiến thức trong quá trình giáo dục và tổng kết cuối kỳ, cuối năm học để hướng tới phát triển năng lực của học sinh.
Coi trọng đánh giá để giúp đỡ học sinh về phương pháp học tập, động viên sự cố gắng, hứng thú học tập của học sinh trong quá trình dạy học. Đa dạng hóa chủ thể, sản phẩm, phương pháp, hình thức đánh giá.
Mục tiêu đánh giá là cung cấp thông tin chính xác, khách quan, có giá trị, kịp thời về mức độ cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh.
Từ đó, hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lý và phát triển chương trình, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục.
Căn cứ đánh giá là các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong chương trình tổng thể và chương trình môn học.
Phạm vi đánh giá bao gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, môn học và chuyên đề học tập lựa chọn và môn học tự chọn.
Trong tháng 11, các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng tổ chức bài kiểm tra định kỳ đầu tiên cho lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Để đảm bảo đánh giá học sinh theo tiêu chí mới, từ đầu năm học 2022 - 2023, các nhà trường đã sát sao trong chỉ đạo các tổ nhóm chuyên môn và có định hướng cụ thể cho giáo viên và học sinh.
Chương trình mới sẽ kết hợp kết quả đánh giá phong cách học và năng lực vận dụng kiến thức trong quá trình giáo dục và tổng kết cuối kỳ, cuối năm học (Ảnh: Phạm Linh)
Đa dạng hình thức kiểm tra đánh giá
Tại Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân, Hải Phòng), để thực hiện việc đổi mới kiểm tra đánh giá đối với học sinh, nhà trường đã chỉ đạo các tổ nhóm chuyên môn thực hiện đánh giá phải hướng tới sự phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh thông qua mức độ đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng, thái độ và các biểu hiện năng lực, phẩm chất của học sinh dựa trên mục tiêu giáo dục; coi trọng đánh giá để giúp đỡ học sinh về phương pháp học tập.
Cô Nguyễn Thị Đoan Trang - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn cho biết, nhà trường tổ chức kiểm tra chung tất cả các môn học đối với cả 3 khối, chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn phải thống nhất xây dựng bản đặc tả và ma trận đề thi.
Giáo viên và học sinh sẽ được thông báo công khai trước 3 đến 4 tuần so với thời điểm tổ chức kiểm tra.
Đối với đánh giá thường xuyên, nhà trường chỉ đạo các thầy cô giáo đa dạng hóa hình thức, công cụ đánh giá.
Cụ thể, học sinh được đánh giá thông qua các hoạt động trên lớp; hồ sơ học tập, vở học tập; báo cáo kết quả thực hiện dự án học tập, nghiên cứu khoa học, kết quả thực hành - thí nghiệm; bài thuyết trình (viết, trình chiếu, video clip...) về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập.
Ngoài ra, nhà trường cũng chú trọng đánh giá thường xuyên kết hợp đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết cuối kỳ, cuối năm học.
Kết hợp đánh giá của giáo viên và đánh giá lẫn nhau của học sinh, đánh giá của cha mẹ học sinh và cộng đồng.
Phó Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh, chương trình mới coi trọng việc đánh giá sự tiến bộ của mỗi học sinh, không so sánh học sinh với nhau.
Đồng thời, coi trọng việc động viên, khuyến khích sự hứng thú, tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của học sinh, giúp học sinh phát huy năng khiếu cá nhân.
Nhà trường đưa ra tiêu chí phải đảm bảo công tác kiểm tra đánh giá kịp thời, công bằng, khách quan, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên.
Các nhà trường coi trọng đánh giá để giúp đỡ học sinh về phương pháp học tập (Ảnh: Phạm Linh)
Đổi mới kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn có gây khó khăn cho các nhà trường?
Tháng 7/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.
Trong đó yêu cầu: "Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kỳ, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.
Khuyến khích việc xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh.
Xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm. Khi nhận xét, đánh giá các sản phẩm của học sinh, cần tôn trọng và khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật".
Việc ra đề mở, lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để kiểm tra đối với môn Ngữ văn bước đầu còn khiến nhiều người băn khoăn khi lứa học sinh lớp 10 năm học 2022 - 2023 trước đó vẫn học và kiểm tra đánh giá theo chương trình cũ tại cấp trung học cơ sở.
Ghi nhận tại Trường Trung học phổ thông Kiến Thụy (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng), về kiểm tra đánh giá đối với học sinh lớp 10, nhà trường triển khai trên cơ sở đảm bảo được mức độ kiến thức, phạm vi chương trình.
Cô Nguyễn Thị Hồng Nhung - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Kiến Thụy chia sẻ: "Khối lượng kiến thức của chương trình mới sẽ có sự khác biệt, có những môn kiến thức có sự tích hợp nhiều cấp chứ không như lộ trình của chương trình cũ.
Theo đó, đòi hỏi các thầy cô phải đầu tư công sức, thời gian để đảm bảo kiến thức cho học sinh. Không để xảy ra tình trạng không học mà kiểm tra, đánh giá.
Bắt tay vào triển khai tất nhiên sẽ có những khó khăn nhưng theo tôi chương trình mới rất ý nghĩa, rất hay và phát huy được khả năng chủ động tìm tòi, sáng tạo của học sinh.
Bản thân giáo viên cũng phải tìm hiểu, khai phá và đổi mới mình để bắt kịp chương trình mới, nhất là về phương pháp giảng dạy, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh".
Kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn có sự thay đổi rõ nét (Ảnh: Phạm Linh)
Trong các môn học, việc kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn có sự thay đổi rõ nét nhất so với chương trình cũ: "Với môn Ngữ văn, trước đây sẽ phân chia ra 3 phân môn tiếng Việt, làm văn và văn bản văn học thì chương trình mới sẽ tích hợp tất cả trong 1 bài. Trong một bài sẽ có cả 3 phân môn trên kèm theo kiến thức liên quan lý luận văn học.
Bên cạnh đó, học sinh được học kỹ năng tiếp cận theo đặc trưng của thể loại bởi khi tham gia thi, kiểm tra, tác phẩm sẽ không nằm trong sách giáo khoa, học liệu mở.
Môn Ngữ văn theo chương trình mới thực sự là sân chơi giúp học sinh được tự khám phá bản thân, hình thành kỹ năng trình bày được, thể hiện được khả năng của mình.
Trong tiết học theo chương trình mới, thầy cô sẽ đóng vai trò hướng dẫn, định hướng, hình thành năng lực và có khoảng trống để học sinh được phát triển tư duy hình tượng.
Sau khi học xong một tác phẩm, học sinh sẽ đọc được, nói được, viết được và hình thành một số kỹ năng nhất định, có tư duy liên hệ giữa ý nghĩa của tác phẩm với cuộc sống" cô Hồng Nhung cho biết.
Cũng theo cô Hồng Nhung, bước đầu triển khai, các thầy, cô giáo cũng chia sẻ những băn khoăn về việc thực hiện kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn theo chương trình mới, ngữ liệu để cho vào đề kiểm tra sẽ không nằm trong các tác phẩm đã học của sách giáo khoa.
Bên cạnh đó, học sinh lớp 10 năm học này trước đó vẫn học và được kiểm tra đánh giá theo chương trình cũ không tránh khỏi sự ngỡ ngàng, lúng túng.
Hồng Nhung cho biết thêm: "Thời gian đầu, các thầy cô cũng rất lúng túng khi đón nhận yêu cầu mới, không chỉ đổi mới phương pháp mà còn phải đổi mới trong tư duy dạy học của các thầy cô - điều này rất quan trọng.
Với vai trò định hướng, ban giám hiệu chú trọng giúp các thầy cô nhận thức được đặc điểm, tính chất, ý nghĩa của chương trình mới để từ đó chủ động thay đổi.
Các bộ phận chuyên môn của nhà trường đã tập huấn cho các thầy cô rất nhiều. Tác động mạnh để thay đổi nhận thức của giáo viên.
Tổ nhóm chuyên môn sẽ tiếp cận với bài giảng mẫu, cùng ngồi lại với nhau để phân tích, rút ra phương pháp giảng dạy phù hợp với nhóm đối tượng học sinh khác nhau.
Sau khi tổ chức kiểm tra giữa học kỳ I, giáo viên và học sinh nhà trường cơ bản nắm bắt được những điểm mới trong kiểm tra đánh giá và từ đó có sự điều chỉnh về phương pháp dạy và học, ôn luyện phù hợp để đảm bảo chất lượng giáo dục".
Chương trình giáo dục phổ thông mới với khối THPT: Cần tăng cường định hướng cho học sinh Sau hơn 2 tháng áp dụng, hiện nay các trường THPT trên địa bàn Quảng Ninh và học sinh đã bắt đầu thích nghi với chương trình giáo dục phổ thông mới năm học 2022-2023 ở khối lớp 10. Vốn học thiên về các môn xã hội nên Nguyễn Thị Trà My, học sinh lớp 10A2, Trường THPT thị trấn Quảng Hà (huyện...