Nguyên nhân khiến Hải Dương chậm kiểm soát dịch Covid-19
Các chuyên gia nhận định dịch Covid-19 tại Hải Dương còn khá phức tạp, cách ly xã hội là chưa đủ để địa phương này sớm kiểm soát tình hình.
Từ ngày 27/1 đến sáng 18/2, tỉnh Hải Dương ghi nhận 557 ca mắc Covid-19. Kể từ ngày 27/1 đến nay, dịch xuất hiện trên toàn tỉnh và lan đến nhiều nơi khác trên cả nước.
Ổ dịch Covid-19 lớn nhất cả nước phải thực hiện cách ly xã hội toàn tỉnh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng Hải Dương đang gặp khá nhiều vấn đề trong việc kiểm soát dịch.
Chậm xét nghiệm, lây chéo trong khu cách ly
Trao đổi với Zing , bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), nhận định tình hình dịch tại Hải Dương còn khá phức tạp do xuất hiện những ca dương tính chưa rõ nguồn lây.
Chuyên gia này cho biết bên cạnh biến chủng B117 khiến tỷ lệ lây nhiễm tăng mạnh, một số yếu tố khách quan và chủ quan cũng khiến Hải Dương chưa thể kiểm soát được đợt bùng phát từ 27/1.
“Có lẽ ngay từ khi phát hiện những ca bệnh đầu tiên, Hải Dương chưa lường trước được tình hình trở nên nguy hiểm và nghiêm trọng đến như vậy. Thông thường, đứng trước một mối nguy cơ, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng kịch bản, thậm chí là tình huống xấu nhất có thể xảy ra để ứng phó kịp thời. Sự chuẩn bị chưa kỹ lưỡng có thể khiến ngành y tế lúng túng hơn”, chuyên gia nói.
Gần 100 y bác sĩ ra quân lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại TP Chí Linh, Hải Dương. Ảnh: Thạch Thảo.
Bên cạnh đó, bác sĩ Khanh cũng cho rằng Hải Dương được thông báo về ca bệnh đầu tiên là nữ công nhân công ty POYUN dương tính tại Nhật Bản khá chậm. “Chúng ta mất khoảng 9 ngày từ khi bệnh nhân này dương tính tại Nhật đến khi bắt đầu có những giải pháp can thiệp. Thời gian này, rất có thể, virus đã lan ra khỏi phạm vi công ty”, ông nói thêm.
Nguyên nhân thứ 3 khiến tình hình tại địa phương này chưa thể sớm ổn định và dịch lan xa là ngay từ đầu, Hải Dương vẫn chỉ xác định ổ dịch tại Công ty POYUN và tập trung truy vết, khoanh vùng tại đây.
Chuyên gia nhấn mạnh việc phát hiện ca bệnh không rõ nguồn lây có nghĩa là trong cộng đồng có thể đã có rất nhiều người nhiễm bệnh. Do đó, dù xác định ổ dịch tại công ty hơn 2.000 người, ngành y tế cần phải lên phương án đi xa hơn, truy vết rộng hơn chứ không chỉ giới hạn trong một quần thể nhỏ.
“Thời gian đầu, chúng ta có tình trạng ca bệnh xuất hiện ở đâu thì mới truy vết đến đó để chặn nguồn lây. Như vậy là chúng ta đã đi sau virus. Để kiểm soát và ngăn chặn được dịch, chúng ta phải chặn trước đường đi của chúng”, bác sĩ Khanh khẳng định.
Một chuyên gia bệnh truyền nhiễm lý giải thêm nguyên nhân quan trọng khiến dịch tại Hải Dương chưa kiểm soát là công tác mở rộng truy vết, xét nghiệm tầm soát rộng trong cộng đồng chưa triệt để.
Video đang HOT
“Trong khoảng hơn một tuần, đợt bùng phát được xem là nghiêm trọng nhất tại TP.HCM được kiểm soát gọn gàng. Ngoài yếu tố là thành phố may mắn hơn khi phát hiện ca bệnh sớm, chủ động hơn, phải kể đến sự tập trung dồn lực lấy mẫu rất nhanh của ngành y tế. Quan trọng hơn là tìm người trong cộng đồng có nhiễm nhiều hay chưa. Muốn biết điều này thì không còn cách nào nhanh hơn xét nghiệm. Trong khi đó, chúng ta thấy công tác xét nghiệm tại Hải Dương chưa thực sự mở rộng và nhanh chóng”, chuyên gia nói.
Gần 2.000 công nhân công ty POYUN được di dời đến điểm cách ly mới để phòng lây nhiễm chéo. Ảnh: Thạch Thảo.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, vấn đề đáng tiếc xảy ra trong quá trình kiểm soát dịch của Hải Dương là có sự lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Nhiều trường hợp là F1 của các ca mắc trước đó đã được xác định dương tính với SARS-CoV-2. Điều đó là yếu tố góp phần khiến tình hình dịch trở nên nghiêm trọng hơn.
“Chúng ta cần có quy định cách ly mạnh mẽ và kiên quyết hơn. Tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm chéo tại nơi cách ly tập trung”, ông nhấn mạnh.
Về việc xét nghiệm tầm soát đối tượng nguy cơ trong cộng đồng, bác sĩ Khanh cho rằng tương tự TP.HCM và Đà Nẵng, Hải Dương nên thực hiện công tác này càng sớm càng tốt.
Các địa điểm có nguy cơ cao là khu công nghiệp với các nhà máy, xí nghiệp, công ty, chợ, siêu thị… Việc này nhằm đánh giá được mức độ lây lan của dịch. “Nếu càng chờ thì càng lây lan nhanh hơn, nhiều hơn”, chuyên gia này nhận định.
Theo bác sĩ Khanh, tình hình dịch ở Hải Dương có nhiều yếu tố nguy cơ hơn nhưng vẫn chưa quá nghiêm trọng như Đà Nẵng. Bởi virus chưa xâm nhập vào cơ sở y tế, vẫn còn ở cộng đồng.
Dịch Covid-19 ở Đà Nẵng cũng lây lan trong cộng đồng rất nhiều và được kiểm soát trong khoảng một tháng. Chuyên gia bày tỏ hy vọng Hải Dương cũng sớm ổn định được tình hình.
“Hải Dương thực hiện cách ly xã hội là chưa đủ, cần tăng cường xét nghiệm trong cộng đồng. Thời gian kiểm soát dịch phụ thuộc vào khả năng xét nghiệm và chặn trước đầu lây của virus. Khi thực hiện tốt công tác truy vết, xét nghiệm diện rộng và cách ly nghiêm ngặt, hy vọng trong khoảng 15-20 ngày, tình hình có thể được kiểm soát”, ông nói.
Hải Dương đang nỗ lực hết mình
Trả lời Zing, bác sĩ Hoàng Văn Huỳnh, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hải Dương, chia sẻ họ chưa thể đưa ra dự đoán về tình hình hiện tại. Song ngành y tế đang nỗ lực hết mình để làm mọi biện pháp dập dịch.
CDC Hải Dương khẳng định tỉnh đang nỗ lực hết mình để dập dịch. Ảnh: Thạch Thảo.
Đại diện CDC Hải Dương cho biết số liệu trong ngày liên tục được các huyện cập nhật. Hiện 12/12 huyện, thành phố của Hải Dương đều ghi nhận ca bệnh. Theo ông Huỳnh, đến nay, ổ dịch mới đáng chú ý là 4 ca bệnh sống trong một gia đình ở phố Trần Sùng Dĩnh (phường Hải Tân, TP Hải Dương).
Họ được phát hiện thông qua giám sát sốt, ho trong cộng đồng. Những người này gồm vợ chồng bà N.T.T. (nữ, 52 tuổi), con trai bà T. và người giúp việc tên N.T.C. (quê ở thôn Tiên Động, xã Hồng Phong, huyện Thanh Miện).
CDC Hải Dương đã chỉ định lấy mẫu xét nghiệm tất cả trường hợp tiếp xúc gần liên quan bệnh nhân N.T.T.
“Quan điểm của địa phương là công khai, minh bạch trong công tác phòng, chống dịch. Hải Dương đang nỗ lực để khống chế dịch Covid-19″, Phó giám đốc CDC Hải Dương khẳng định.
Hiện Hải Dương có 5 ổ dịch lớn gồm: TP Chí Linh, Cẩm Giàng, Kinh Môn, Nam Sách và TP Hải Dương. Theo nhận định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Hải Dương, đây là ổ dịch có tính chất phức tạp.
Nguyên nhân là thời gian ủ bệnh đã lâu nên các F0 tiếp xúc với nhiều người. Việc truy vết cũng gặp khó khăn vì vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Ổ dịch tại TP Hải Dương có tính chất phức tạp thậm chí còn hơn Cẩm Giàng.
PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Hà Nội), Trưởng đoàn công tác của Bộ Y tế tại Hải Dương, cho hay các ổ dịch hiện tại nằm trong khu công nghiệp đông công nhân, liên quan mật thiết đến cộng đồng dân cư đông đúc và địa phương lân cận.
Dịch xảy ra vào thời điểm giáp Tết nên khó khăn cho công tác phòng, chống dịch. Chuyên gia của Bộ Y tế cũng nhận định tình hình chung về dịch bệnh ở Hải Dương còn phức tạp, khó lường với nhiều nguy cơ.
Ảnh: Người dân tâm dịch Chí Linh mang tem phiếu đi chợ theo ngày chẵn - lẻ
Sáng 17/2, TP Chí Linh (Hải Dương) triển khai phát thẻ vào chợ cho người dân theo ngày chẵn - lẻ nhằm đảm bảo giãn cách, ngăn ngừa sự lây lan của dịch COVID-19.
Sáng 17/2, các chợ dân sinh trên địa phận TP Chí Linh (Hải Dương) kiểm soát người dân vào chợ bằng tem phiếu. Mỗi gia đình sẽ đi chợ theo ngày chẵn - lẻ được ghi rõ trên thẻ vào chợ.
Mỗi hộ gia đình được phát 5 thẻ/15 ngày, cứ 3 ngày đi chợ 1 lần và tự điền thông tin vào thẻ.
Thẻ có giá trị sử dụng 1 lần/chợ bất kỳ tại TP Chí Linh.
Thẻ dùng cho người dân sẽ ghi tên UBND xã, phường, đi theo ngày chẵn và lẻ, đại diện hộ gia đình, địa chỉ và số điện thoại.
Trả lời PV VTC News, ông Nguyễn Tiến Hưng - phụ trách Ban Quản lý chợ Sao Đỏ (TP Chí Linh) cho biết, Ban Quản lý chợ hoặc tổ quản lý sẽ thu lại thẻ này, lưu theo ngày, phục vụ điều tra dịch tễ khi cần thiết. Việc người dân đi chợ ngày chẵn - lẻ dù gây một số bất tiện cho người dân nhưng trong tình hình dịch COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp sẽ đảm bảo giãn cách xã hội.
Bên cạnh đó, đại diện UBND phường Sao Đỏ (TP Chí Linh) cho hay, khu dân cư Nguyễn Trãi 1 sẽ được phát thẻ đi theo ngày lẻ. Với 825 hộ dân, mỗi hộ dân được 5 phiếu, phường Sao Đỏ sẽ cấp 4.075 phiếu cho người dân phường Sao Đỏ.
Cầm 10 thẻ vào chợ cho 2 hộ gia đình sống chung nhà, bà Nguyễn Thị Bảy (67 tuổi, phường Sao Đỏ, TP Chí Linh) cho biết, từ đầu năm tới nay bà chưa đi chợ ngày nào, các gia đình sống gần nhau nhưng cũng không tới nhà chơi để phòng dịch COVID-19. "Tôi rất ủng hộ phương thức này của chính quyền địa phương. Chúng tôi sẽ chủ động mua đồ ăn cho cả gia đình trong 3 ngày", bà Bảy nói.
Ngoài người dân, đối với hộ kinh doanh bán cố định, chính quyền địa phương cấp thẻ ra vào chợ có thời hạn cụ thể (dựa vào tình hình thực tế tại các chợ có thể cho phép bán hàng từ 2-3 ngày luân phiên trong một tuần). Bà Hà, một tiểu thương ở chợ Sao Đỏ cho biết, ngay khi vào chợ bán hàng, thẻ của bà được Ban Quản lý chợ Sao Đỏ thu lại. Từ ngày dịch bùng phát tới nay, hàng hóa của bà ế ẩm. Người dân đi chợ theo ngày chẵn - lẻ cũng ảnh hưởng tới việc kinh doanh của các tiểu thương nhưng để khống chế được dịch, bà và các tiểu thương khác luôn ủng hộ và chấp hành nghiêm chỉnh.
Bên cạnh thẻ vào chợ, người dân cùng các tiểu thương ở chợ cũng được Ban Quản lý chợ Sao Đỏ phát phiếu khai báo y tế, tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch.
Đôi vợ chồng 'trị Covid-19' Đêm 30 Tết, bác sĩ Ánh vẫn mặc đồ bảo hộ rồi chạy ra tầng hai khu xét nghiệm để được nhìn chồng từ xa, xem như đã cùng đón giao thừa. Bác sĩ Vũ Quy Bắc, Khoa khám bệnh, trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Covid-19, cùng vợ là chị Nguyễn Thị Ánh, là một trong 5 thành viên của tổ...