Nguyên nhân gây nắng nóng lên tới gần 50 độ C ở Tây Phi
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, đợt nắng nóng gay gắt ở Tây Phi khiến nhiệt độ tăng vọt hơn 45C vào đầu tháng này là do biến đổi khí hậu do chính con người gây ra.
Đây là kết quả nghiên cứu mới công bố hôm 18/4 của nhóm nhà khoa học thuộc World Weather Attribution (WWA) chuyên điều tra mối liên hệ giữa hiện tượng nóng lên toàn cầu và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trên toàn thế giới. Bằng cách sử dụng kết hợp dữ liệu thời tiết lịch sử và mô hình máy tính, tổ chức so sánh các sự kiện trong đời thực với các kịch bản giả định trong đó biến đổi khí hậu không tồn tại để xác định mức độ tồi tệ hơn do lượng phát thải khí nhà kính của con người gây ra.
Nghiên cứu đã xem xét đợt nắng nóng như thiêu đốt các vùng của Tây Phi và khu vực phía Tây Sahel của lục địa này vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 vừa qua. Theo nghiên cứu, nhiệt độ nóng nhất được ghi nhận vào ngày 3/4 tại Mali với 48,5C. Con số chính xác các ca ốm bệnh và tử vong liên quan đến nhiệt vẫn chưa được xác định, mặc dù hàng triệu người bị ảnh hưởng do nhiệt độ quá khắc nghiệt. Tại thủ đô Bamako, Bệnh viện Gabriel-Toure thông báo số ca tử vong tăng vọt, với 102 ca tử vong trong bốn ngày đầu tháng 4.
Nhiệt độ ở các vùng của Burkina Faso cũng lên tới 45C. Theo nhà sử học thời tiết Maximiliano Herrera, người theo dõi nhiệt độ kỷ lục trên khắp thế giới, đây là nhiệt độ tháng 4 nóng nhất từng được ghi nhận ở châu Phi.
Nắng nóng cực độ cũng thiêu đốt nhiều vùng ở Niger, Nigeria, Benin, Togo, Ghana, Côte d’Ivoire, Mauritania, Senegal, Gambia, Guinea-Bissau và Guinea.
Video đang HOT
Theo các nhà khoa học, Tây Phi là nơi có những nhóm dân cư dễ bị tổn thương, thiếu khả năng tiếp cận với điện, thiết bị làm mát hoặc nước uống sạch. Phần lớn khu vực này cũng trải qua quá trình đô thị hóa mạnh mẽ trong những năm gần đây, làm giảm không gian xanh hoặc bóng râm và tăng nhiệt độ cục bộ trong một hiện tượng được gọi là hiệu ứng đảo nhiệt đô thị.
Nguy cơ đối với nhiều người có thể tăng cao do nhiệt độ khắc nghiệt. Đợt nắng nóng trùng với tháng thánh lễ Ramadan, khi nhiều người Hồi giáo kiêng ăn hoặc uống từ lúc bình minh đến hoàng hôn, một tập tục có thể khiến một số người dễ bị tổn thương hơn trước những nguy cơ sức khỏe do nắng nóng cực độ gây ra.
Một số quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, bao gồm Burkina Faso và Mali, cũng đang phải vật lộn với tình trạng mất điện thường xuyên do cơ sở hạ tầng điện cũ kỹ, nhu cầu ngày càng tăng và mạng lưới điện ngày càng quá tải. Mất điện cũng trùng với đợt nắng nóng gần đây ở cả hai nước, làm giảm khả năng tiếp cận máy điều hòa.
Phát biểu tại cuộc họp báo công bố phát hiện này, ông Kiswendsida Guigma, nhà khoa học khí hậu thuộc Trung tâm Khí hậu Trăng lưỡi liềm đỏ và Chữ thập đỏ tại Burkina Faso và đồng tác giả của nghiên cứu mới, cho biết: “Nắng nóng đã dẫn đến việc cắt điện và việc cắt điện đã làm trầm trọng thêm tác động của nắng nóng cực độ trong khu vực”.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy một đợt nắng nóng như gần đây vẫn còn tương đối hiếm, ngay cả trong điều kiện khí hậu ngày nay nóng lên 1,2C. Trên khắp khu vực Tây Phi rộng lớn hơn, nhiệt độ ban ngày cao tương tự có thể xảy ra khoảng 30 năm một lần. Tuy nhiên, nhiệt độ ban ngày giống như nhiệt độ ở Mali và Burkina Faso dự kiến sẽ xảy ra khoảng 200 năm một lần.
Dù vậy, các nhà khoa học cũng cảnh báo các đợt nắng nóng cực độ như trên sẽ trở nên phổ biến hơn và thậm chí còn nguy hiểm hơn, trừ khi thế giới tránh xa nhiên liệu hóa thạch và các quốc gia nhanh chóng giảm lượng khí thải xuống mức 0. Nếu toàn cầu nóng lên thêm 2C, như dự báo sẽ xảy ra vào những năm 2040 hoặc 2050, những hiện tượng tương tự sẽ xảy ra thường xuyên hơn gấp 10 lần, trừ khi nhanh chóng hạn chế được lượng phát thải khí nhà kính.
Bí quyết của quốc gia châu Phi nơi trường học không điều hòa vẫn mát mẻ giữa nắng 40 độ C
Đối mặt với vô vàn thách thức, từ kinh phí, vật tư, điện nước hạn hẹp... nhưng các kiến trúc sư Burkina Faso đã thiết kế được một số ngôi trường luôn duy trì nhiệt độ mát mẻ cho các học sinh mà không cần điều hòa, ngay cả dưới thời tiết nắng nóng gay gắt.
Trường tiểu học Gando. Ảnh: Kere Architecture
Kiến trúc sư Diébédo Francis Kéré lớn lên ở ngôi làng nhỏ Gando và hiểu rõ những thách thức trong xây dựng tại địa phương. Ông và các kiến trúc sư khác đang tìm ra những cách khéo léo để sử dụng vật liệu rẻ tiền mà vẫn đảm bảo rằng trường học và trại trẻ mồ côi mà họ xây dựng ở Burkina Faso là những nơi mát mẻ, thân thiện môi trường.
Trường tiểu học Gando thi công năm 2001 là công trình đầu tiên của Kéré sau khi ông hoàn thành chương trình học tại Đức. Người dân địa phương đã cùng chung tay xây dựng trường học, kết hợp các kỹ thuật truyền thống như sàn đất sét với công nghệ hiện đại hơn để tạo cảm giác thoải mái.
Trại trẻ mồ côi Noomdo gần thành phố Koudougou là một dự án khác của kiến trúc sư Kéré. Ông Pierre Sanou làm việc tại trại trẻ mồ côi này chia sẻ công trình mát mẻ khi trời nóng và ấm áp trong thời tiết lạnh. Ông Sanou khẳng định không cần dùng điều hòa nhiệt độ. Trong khi nhiệt độ tại đây trong thời điểm nóng nhất có thể lên tới 40 độ C.
Bên cạnh đó, ông Sanou kể lại: "Kiến trúc sư Kéré xây dựng bằng vật liệu từ địa phương như đá ong và sử dụng rất ít bê tông". Bê tông là vật liệu chuyển từ nơi khác đến bởi vậy nó thường đắt đỏ và sản sinh nhiều rác thải hơn.
Trại trẻ mồ côi Noomdo. Ảnh: Kere Architecture
Ông Eduardo González tại Trường Kiến trúc ở Madrid (Tây Ban Nha) trong khi đó phân tích các công trình của ông Kéré tại Burkina Faso dựa trên sự chuyển động của không khí tự nhiên và bảo vệ khỏi ánh nắng Mặt Trời. Ví dụ, chúng được xây dựng với những bức tường rất chắc chắn và mái nhà nhẹ để không khí mát mẻ đi vào từ bên dưới sẽ đẩy không khí nóng ra ngoài.
Một sự đổi mới đặc biệt khéo léo là việc kiến trúc sư Kéré sử dụng ý tưởng cổ xưa về mái kim loại được nâng cao và mở rộng. Các phòng của trại trẻ mồ côi Noomdo được bao phủ bởi mái cong hình trụ nông, nằm trên dầm bê tông nhưng có khe hở. Phía trên có tấm kim loại bảo vệ mái khỏi nắng, mưa trực tiếp. Ngoài ra, nó còn tạo điều kiện để không khí nóng thoát ra. Ông González cho biết kỹ thuật này cũng được áp dụng trong kiến trúc bản địa của Vịnh Ba Tư.
Ông Soura cho biết: "Học sinh có thể đến học vào ban đêm và sạc điện thoại vì có ánh sáng nhờ các tấm pin Mặt Trời. Học sinh tập trung hơn vì nhiệt độ dễ chịu trong lớp. Nếu học sinh, ban giám hiệu và giáo viên giảng dạy và học hành tốt, môi trường trong lớp thuận lợi thì kết quả sẽ tốt hơn. Bạn biết rằng thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh, nếu lớp học quá nóng, tất cả đều cảm thấy mệt mỏi".
Tính đến cuối năm 2020, Burkina Faso đứng thứ 184 trong số 191 quốc gia về Chỉ số phát triển con người. Theo dữ liệu từ Ngân hàng Phát triển châu Phi, chỉ có 22,5% dân số Burkina Faso được sử dụng điện.
Dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh tại Burkina Faso Trong những năm gần đây, Burkina Faso chứng kiến sự gia tăng ca mắc sốt xuất huyết. Từ ngày 1-1 đến 19-11-2023, quốc gia Tây Phi ghi nhận hơn 100.000 trường hợp mắc bệnh. Theo AFP, đợt bùng phát sốt xuất huyết, căn bệnh lây truyền do muỗi, đã cướp đi sinh mạng của 356 người ở Burkina Faso từ giữa tháng 10...