Dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh tại Burkina Faso
Trong những năm gần đây, Burkina Faso chứng kiến sự gia tăng ca mắc sốt xuất huyết. Từ ngày 1-1 đến 19-11-2023, quốc gia Tây Phi ghi nhận hơn 100.000 trường hợp mắc bệnh.
Theo AFP, đợt bùng phát sốt xuất huyết, căn bệnh lây truyền do muỗi, đã cướp đi sinh mạng của 356 người ở Burkina Faso từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11, nâng số người chết lên 570 trường hợp kể từ ngày 1-1.
Tính từ đầu tháng 1 đến ngày 19-11, Burkina Faso ghi nhận 123.804 trường hợp nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, với 56.637 ca có biểu hiện lâm sàng của bệnh. Tỷ lệ tử vong trên số ca lâm sàng là 1%.
Chỉ riêng từ ngày 13 đến ngày 19-11, 59 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết đã được xác nhận. Trong cùng khoảng thời gian, Burkina Faso phát hiện 13.896 ca nghi ngờ mắc bệnh, gồm 6.829 ca có biểu hiện lâm sàng và 1.101 ca nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng.
Muỗi mang vi rút là nguồn lây lan sốt xuất huyết. Ảnh: Reuters
Video đang HOT
Để ngăn chặn sự lây lan của dịch sốt xuất huyết, chính phủ quốc gia Tây Phi đã phát động chiến dịch phun thuốc chống muỗi tại 1.642 ngôi nhà, 696 không gian công cộng ở thủ đô Ouagadougou và Bobo-Dioulasso, hai thành phố chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Trong nỗ lực hỗ trợ Burkina Faso ứng phó với đợt bùng phát mới nhất, Mỹ đã viện trợ 17.750 thiết bị có khả năng phát hiện bệnh. Những thiết bị này được thiết kế để nâng cao năng lực của các chuyên gia y tế ở Burkina Faso, cho phép họ xác định các ca mắc nhanh chóng và chính xác. Đây cũng là một phần trong nỗ lực quốc tế nhằm quản lý và giảm thiểu sự lây lan của dịch sốt xuất huyết trong khu vực.
Sốt xuất huyết có những biểu hiện tương tự như sốt rét nên dễ gây nhầm lẫn trong quá trình chẩn đoán. Bệnh lây lan qua vết muỗi đốt mang vi rút, phổ biến tại những quốc gia nhiệt đới, khu vực thành thị và bán thành thị.
Tổ chức Y tế thế giới cho biết, toàn cầu ghi nhận từ 100 đến 400 triệu ca mắc sốt xuất huyết mỗi năm. Đến nay, sốt xuất huyết vẫn là một trong những thách thức sức khỏe trên thế giới, khiến khoảng 20.000 người tử vong mỗi năm.
Tình hình trở nên đáng lo ngại hơn do tỷ lệ mắc sốt xuất huyết đã tăng gấp 8 lần kể từ năm 2000, chủ yếu do tác động bởi những yếu tố như biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa… Tổ chức Y tế thế giới đã gióng hồi chuông cảnh báo ở nhiều khu vực thuộc châu Phi với đặc điểm khí hậu nóng tạo điều kiện lý tưởng cho bệnh lây lan.
Sốt xuất huyết có thể gây sốt cao, nhức đầu, buồn nôn, nôn, đau cơ. Xuất huyết là biểu hiện nghiêm trọng nhất của bệnh, có nguy cơ khiến người mắc tử vong. Do đó, việc ngăn ngừa sự lây lan của bệnh đòi hỏi các biện pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả.
Phòng ngừa là chìa khóa trong nỗ lực ngăn bệnh lan rộng. Người dân ở những khu vực bị ảnh hưởng cần thực hiện các biện pháp như sử dụng thuốc chống côn trùng, mặc áo dài tay, sử dụng màn ngủ, loại bỏ các nguồn nước đọng để ngăn muỗi sinh sản. Những người có triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết cần đi khám ngay. Chẩn đoán sớm và chăm sóc thích hợp có thể cải thiện đáng kể cơ hội sống sót.
Thủ phạm gây bùng phát dịch sốt xuất huyết tồi tệ nhất ở Bangladesh
Các chuyên gia Bangladesh cảnh báo nhiệt độ tăng cao và các đợt gió mùa kéo dài hơn ở nước này, do tác động của biến đổi khí hậu, đang tạo điều kiện sinh sản lý tưởng cho muỗi làm lây lan bệnh sốt xuất huyết.
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết được điều trị tại bệnh viện ở Dhaka, Bangladesh ngày 18/9/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Bangladesh đang đối mặt với đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Dữ liệu chính thức cho thấy, trong hơn 10 tháng đầu năm nay (đến ngày 12/11), nước này ghi nhận gần 292.000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết và gần 1.500 ca tử vong. Số ca không qua khỏi từ đầu năm đến nay cao gấp 5 lần so với năm 2022 (281 ca) và là mức cao nhất kể từ khi các dữ liệu bắt đầu được thu thập năm 2000.
Ông Kabirul Bashar, nhà côn trùng học và giáo sư động vật học tại Đại học Jahangirnagar, cho biết đây là năm đầu tiên dịch sốt xuất huyết ghi nhận ở tất cả các địa phương trong cả nước với khoảng 170 triệu dân. Theo ông, nhiệt độ, lượng mưa và các yếu tố khác đang thay đổi hình thái do biến đổi khí hậu, tạo điều kiện sinh sản lý tưởng cho muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết. Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, chuyên gia này nhấn mạnh sự cần thiết phải giám sát nguy cơ gây sốt xuất huyết tại cộng đồng hằng năm.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm sốt xuất huyết cho bệnh nhân tại bệnh viện ở Dhaka, Bangladesh ngày 18/9/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Dịch sốt xuất huyết thường bùng phát ở các nước Nam Á vào mùa gió mùa từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm, thời điểm muỗi Aedes aegypti phát triển mạnh. Bệnh sốt xuất huyết có thể gây sốt cao, đau đầu, nôn, đau cơ và trong trường hợp nguy hiểm nhất gây chảy máu ồ ạt và có thể dẫn đến tử vong. Hiện chưa có thuốc kháng virus hoặc phương pháp điều trị đặc hiệu đối với căn bệnh này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo sốt xuất huyết và các bệnh khác do virus lây truyền qua muỗi như sốt chikungunya, sốt vàng da và Zika đang lây lan nhanh và nhiều hơn do tình trạng biến đổi khí hậu.
Lào ghi nhận hơn 30.000 ca mắc sốt xuất huyết Trung tâm Thông tin Y tế Giáo dục Sức khỏe (Bộ Y tế Lào) cho biết, kể từ đầu năm 2023 đến ngày 10/10, nước này đã ghi nhận 30.121 ca mắc và 17 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Oudomxay, Thủ đô Vientiane và Khammuan là 3 địa phương đứng đầu về số ca mắc sốt xuất huyết tại Lào....