Nguyên nhân biến trẻ thành đầu gấu ở trường
Bị người khác bắt nạt hoặc muốn tìm kiếm sự chú ý có thể là nguyên nhân khiến trẻ thích gây sự với bạn bè.
Theo trang No Bullying, nguyên nhân gây ra nạn bắt nạt học đường rất phức tạp, có thể là kết hợp của nhiều yếu tố.
Cảm thấy bất lực trong đời sống riêng
Việc bắt nạt hay hành hung người khác có thể xuất phát từ việc khao khát được thể hiện quyền lực. Những người bị nhắm đến thường do đi đôi giày quá cũ, quá lùn so với bạn bè, quá thông minh so với lứa tuổi, hành động ngớ ngẩn hoặc quá yểu điệu… Nhưng lý do không thật sự quan trọng.
Đứa trẻ đi bắt nạt thích thú khi chinh phục được kẻ khác. Chúng thường bốc đồng, nóng nảy và càng mạnh bạo hơn khi nạn nhân co rúm vì sợ.
Cảm giác chống lại sự bất lực thường xuất phát từ vấn đề nào đó ở nhà. Trẻ có thể gặp phải tình huống quá sức chịu đựng như bố mẹ ly hôn, một thành viên trong nhà nghiện rượu hoặc ma túy.
Bị người khác bắt nạt
Trong nhiều trường hợp, bắt nạt sinh ra bắt nạt. Một đứa trẻ cảm thấy ấm ức khi bị bắt nạt bởi bố mẹ, anh chị hay học sinh khóa trên có thể bị cám dỗ bởi cảm giác bắt nạt người khác. Nghiên cứu cho thấy những người từng trải qua chuyện bắt nạt có gấp đôi khả năng bắt đầu hành động xấu này.
Nhiều kẻ đi bắt nạt vì bị người khác bắt nạt. Ảnh minh họa: NST
Trong thời đại công nghệ, trẻ bị bắt nạt ở ngoài đời dễ trở thành kẻ đầu têu bắt nạt người khác qua mạng. Khi bị xem là yếu đuối hoặc tự đánh giá thấp bản thân, trẻ sử dụng Internet để thử đổi mới mình thành một người mạnh mẽ hoặc đáng sợ hơn. Chúng có thể tham gia các cuộc trò chuyện hay diễn đàn mở, đe dọa người khác.
Thông thường, bắt nạt qua mạng thường là phần mở rộng của bắt nạt trong thế giới thực. Chẳng hạn, trẻ có thể xâm nhập vào tài khoản mạng xã hội để hiển thị tin đồn tiêu cực về người mình ghét.
Ghen tị hoặc thất vọng
Khi trẻ chọn bắt nạt người luôn giơ tay phát biểu đầu tiên hoặc đạt điểm cao nhất trong các bài kiểm tra, nguyên nhân sâu xa là ghen tị với người kia hoặc cảm thấy thất vọng về bản thân.
Sự thông minh, khả năng tập trung và tính sáng tạo thường đại diện cho các thuộc tính mà kẻ bắt nạt muốn có được. Bằng cách phá hoại các kỹ năng của người khác, kẻ bắt nạt nghĩ mình đang tạo ra sân chơi bình đẳng hơn.
Video đang HOT
Thiếu sự hiểu biết hoặc thấu cảm
Trong một số trường hợp, một đứa trẻ đi bắt nạt vì có một khía cạnh về nhân cách của người khác mà nó không hiểu hoặc không chấp nhận. Chúng có thể thành kiến với chủng tộc, tôn giáo, khuynh hướng tình dục của bạn bè, thậm chí nghĩ rằng bắt nạt người chúng nghĩ có hành vi sai trái là điều tốt.
Sự thấu cảm này có thể được học từ nhà. Ví dụ, nếu thấy bố có thái độ kỳ thị chủng tộc, trẻ sẽ thể hiện tương tự. Ngoài ra, không ít trẻ gặp vấn đề tâm lý làm giảm khả năng thấu cảm người khác.
Tìm kiếm sự chú ý
Một số kẻ bắt nạt không bao giờ nghĩ mình là kẻ bắt nạt. Chúng chỉ nghĩ tất cả những gì mình làm chỉ là trêu chọc một chút, thậm chí là cố gắng để kết bạn với người mà chúng đang bắt nạt. Những vấn đề xã hội này khiến trẻ gặp rắc rối trong giao tiếp lành mạnh, thay vào đó dùng cách lăng mạ hoặc bạo lực thể xác.
Thực tế, những kẻ bắt nạt kiểu này thường dễ “hoàn lương” nhất, bởi vì chúng cũng dễ cởi mở với khái niệm tử tế. Trẻ có thể bớt bắt nạt người khác, thậm chí đối xử tốt với người chúng từng bắt nạt tùy vào cách được đối xử. Trao cho kẻ bắt nạt sự chú ý tích cực trước khi chúng có cơ hội tìm kiếm sự chú ý tiêu cực, nạn nhân có thể khiến mọi thứ tốt hơn cho cả hai.
Ảnh hưởng của gia đình
Hoàn cảnh gia đình của những kẻ bắt nạt là một yếu tố quan trọng. Thiếu sự hỗ trợ tinh thần, bố mẹ độc đoán, ly hôn, bạo lực gia đình và kết nối kém với bố mẹ là những nguyên nhân tiềm ẩn trong cuộc sống.
Tiến sĩ Nerissa Bauer, chuyên gia Mỹ về vấn đề này cho biết: “Bố mẹ là những hình mẫu có vai trò rất lớn và trẻ sẽ bắt chước hành vi của họ, muốn trở thành người như họ. Chúng có thể tin rằng bạo lực là cách giải quyết vấn đề và áp dụng với bạn bè. Chúng có thể đánh người khác chỉ vì nghĩ rằng đang đi theo con đường của bố”.
Điều quan trọng là những người đang chứng kiến bạo lực ở nhà nên nói chuyện để định hướng hành vi cho trẻ. Đôi khi, phụ huynh nên tìm đến phương pháp điều trị tâm lý.
‘Phần thưởng’ từ hành vi xấu
Nhiều trẻ không cố ý bắt nạt kẻ khác để được phần thưởng. Tuy nhiên, vô tình trẻ phát hiện mình lấy được tiền ăn trưa hoặc đồ đạc của bạn bè sau khi bắt nạt, hoặc được nổi tiếng, chú ý, củng cố quyền lực ở trường. Những phần thưởng không chủ ý này khích lệ hành vi xấu, khiến trẻ ngày càng lún sâu.
Không có khả năng điều chỉnh cảm xúc
Khi nản chí hay tức giận, trẻ có thể phản ứng thái quá. Những phiền toái nhỏ đột nhiên thổi bùng lên cảm xúc tiêu cực. Chẳng hạn, một đứa trẻ vô tội đi xuống hội trường và vô tình va vào kẻ bắt nạt. Dù nhận được lời xin lỗi, kẻ bắt nạt vẫn không giữ được bình tĩnh mà đẩy nạn nhân vào tường để đánh. Đây được xem là cách giải tỏa cảm xúc của chúng.
Theo VNE
10 dấu hiệu trẻ bị bắt nạt ở trường
Thường xuyên mất đồ hay nhịn đi vệ sinh tới khi về nhà là dấu hiệu cho thấy trẻ có thể là nạn nhân của bắt nạt học đường.
Khi bị bắt nạt, trẻ bị tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần. Trong nhiều trường hợp, trẻ chọn cách giấu người lớn vì lo sợ trả thù. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tâm lý hoặc hoạt động trong lĩnh vực giáo dục chỉ ra bố mẹ có thể nắm được tình hình của con ở trường qua các dấu hiệu cụ thể.
1. Thường xuyên đau ốm
"Trẻ không muốn đến trường vào đầu năm học hay sau một kỳ nghỉ là chuyện bình thường. Điều bất thường là sau khi đi học khoảng 8-10 tuần, trẻ đang vui vẻ bỗng đau dạ dày liên tục và không muốn đến trường nữa", bác sĩ nhi khoa Meg Meeker (Mỹ), tác giả cuốn "12 nguyên tắc nuôi dạy một đứa trẻ tốt" cho biết trên trang Today.
Có thể trẻ kiếm cớ trốn học, không tham gia hoạt động chung, cũng có thể việc bị bắt nạt khiến tâm sinh lý thay đổi và ảnh hưởng xấu đến các cơ quan trong cơ thể.
Phụ huynh nên quan tâm đến những dấu hiệu như đau dạ dày hoặc đau đầu, nếu diễn ra thường xuyên thì có thể là vấn đề lớn. Tuy nhiên, trẻ bị ốm mà vẫn vui vẻ và kể chuyện về trường lớp trong suốt bữa tối cùng gia đình thì điều đó không đáng ngại.
2. Thay đổi hành vi
Bên cạnh dấu hiệu thể chất nói trên, bác sĩ Meeker nhấn mạnh biểu hiện liên quan đến hành vi cảm xúc. Nếu hiểu con, phụ huynh có thể đọc được nét mặt và quan sát được sự thay đổi tâm trạng của trẻ, biểu hiện qua các hành vi.
Vì lo lắng phải tỉnh dậy và đi học vào sáng hôm sau, trẻ khó ngủ, thường xuyên tỉnh giấc giữa đêm hoặc gặp ác mộng. Tâm trí không thoải mái cũng khiến trẻ làm mọi thứ không được suôn sẻ. Ngôn ngữ cơ thể của chúng nói lên rằng: "Mẹ ơi, con không ổn".
Nhiều trẻ âm thầm chịu đựng chuyện bị bắt nạt khi đi học mà không dám nói với bố mẹ. Ảnh: El Tribuno
3. Điểm số xuống dốc
Nếu trẻ thường có kết quả học tập tốt nhưng điểm số đang dần đi xuống trong thời gian gần đây, đó có thể là dấu hiệu của việc bị bắt nạt. Trẻ bất an khi ở trường thường gặp khó khăn trong việc tập trung nghe giảng hoặc làm bài tập về nhà.
4. Nghỉ chơi với bạn bè
Trẻ con thường xuyên thay đổi bạn theo từng giai đoạn, tuy nhiên nếu trẻ không có bất cứ người bạn nào, đây là dấu hiệu xấu. Bạn có thể nhận ra bằng cách biết con ăn trưa một mình ở trường hoặc không thấy những người bạn từng thân thiết của con ghé nhà chơi như trước.
Khi trẻ nói "Không ai thích con cả", bạn đừng nên coi nhẹ. Những kẻ bắt nạt thường muốn cô lập nạn nhân.
5. Không hứng thú với những thứ từng rất thích
Cảm giác không thỏa mãn là dấu hiệu quan trọng của sự bế tắc, chán nản. Nếu trẻ mất cảm giác với món ăn, trò chơi hoặc thú vui từng rất thích, bạn cần chú ý. "Nỗi buồn nhỏ luôn tồn tại trong cuộc sống. Nhưng khi bắt đầu trở nên tuyệt vọng, thiếu niềm vui và vẻ rạng rỡ, con bạn đang có nhiều nỗi buồn sâu kín bên trong. Điều này có thể xuất phát từ việc bị bắt nạt hoặc rất nhiều nguyên nhân khác. Bạn không có cách nào biết sự thật nếu không hỏi", Stan Davis, nhà nghiên cứu về nạn bắt nạt người Mỹ nói trên Real Simple.
6. Thường xuyên mất đồ
Ngoài dấu hiệu dễ nhận ra như các vết xước hay thâm tím trên cơ thể, trẻ có thể bị bắt nạt theo cách đe dọa trấn đồ. Nếu thấy con thường xuyên mất đồ chơi, dụng cụ học tập, quần áo, tiền, điện thoại hoặc thậm chí ăn ngấu nghiến khi trở về nhà (do bị cướp bữa trưa), bạn nên tìm hiểu nguyên nhân. Khi bị bắt nạt liên tục, trẻ thường nói dối làm mất đồ hoặc không bịa ra được nguyên nhân hợp lý.
7. Sợ đi xe buýt của trường
Với những đứa trẻ thích bắt nạt bạn học, xe buýt của trường là địa điểm hoàn hảo. Giám sát nhiều đứa trẻ cùng lúc là việc khó khăn, nhất là khi người lớn duy nhất trên xe lại là tài xế. Hơn nữa, một đứa trẻ bị bắt nạt trên chiếc xe buýt đang chạy sẽ không có cách tẩu thoát để bảo vệ bản thân.
Dấu hiệu đáng lo ngại là trẻ tỏ ra sợ hãi khi phải lên xe buýt, cố tình nhỡ chuyến hay tìm lý do để đi phương tiện khác. Trẻ cũng có thể nói bóng gió về "một người bạn" bị bắt nạt trên xe buýt. Nếu tình trạng kéo dài, trẻ dễ né tránh các tình huống tương tự như đi ôtô đông người.
8. Nhịn đi vệ sinh đến khi về nhà
Phụ huynh cần nhìn vào thực tế rằng các vụ bắt nạt ít khi diễn ra ngay trên sân trường mà ở những nơi kín đáo, không có người lớn giám sát như cổng sau, góc khuất chân cầu thang, hành lang, đặc biệt là nhà vệ sinh. Trừ trường hợp đặc biệt, không học sinh nào muốn nhịn giải quyết nhu cầu ở trường.
9. Tự ti
Bị bắt nạt ảnh hưởng xấu đến lòng tự trọng của mỗi người, hoặc sự tự ti cũng chính là nguyên nhân khiến trẻ rơi vào "tầm ngắm" của những kẻ bắt nạt ngay từ đầu. Jan Urbanski (Đại học Clemson, Mỹ) giải thích: "Một khi trẻ trở thành nạn nhân của bắt nạt học đường, chúng bắt đầu nghĩ có lẽ mình làm sai, có lẽ mình chưa đủ tốt".
10. Bắt nạt trẻ nhỏ hơn
Đối với một số trẻ, khi không thể phản kháng kẻ bắt nạt mình, chúng tìm cách giải tỏa bằng cách bắt nạt những đứa trẻ khác hoặc anh chị em trong gia đình. "Nếu phát hiện con bắt nạt người khác, bạn hãy bắt con chịu trách nhiệm, nhưng đồng thời tìm hiểu con có bị ai bắt nạt như vậy hay không", Urbanski khuyên.
Theo VNN
Phụ huynh Trung Quốc đánh nhau giữa sân chơi trẻ em Một nhóm phụ huynh ở phía nam Trung Quốc lao vào đánh nhau khi thấy các con tranh giành đồ chơi. Theo South China Morning Post ngày 12/10, video quay cảnh những người lớn ẩu đả trong sân chơi thuộc một trung tâm mua sắm ở Thâm Quyến lan truyền mạnh mẽ trên mạng, thu hút sự quan tâm lớn của dư luận...