Nguyên Chủ tịch huyện Hoàng Sa: Bằng chứng tố cáo TQ quá rõ
Liên quan đến vụ việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981 vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam, ngày 9/5, ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch huyện Hoàng Sa (TP.Đà Nẵng) đã có những chia sẻ, nhận định về vấn đề này.
Thưa ông, trước những hành động của Trung Quốc khi đưa giàn khoan vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam và sử dụng tàu đâm vào tàu chấp pháp của Việt Nam, cảm xúc của ông trong những ngày qua như thế nào?
Ông Đặng Công Ngữ: Tôi nguyên là Chủ tịch huyện Hoàng Sa, giờ là một công dân và tôi cũng như tất cả người dân Việt Nam đang rất phẫn nộ trước hành động ngang ngược này của phía Trung Quốc. Rõ ràng khi mình bảo vệ chủ quyền trên phạm vi lãnh thổ của mình, mà có người khác gây hấn bằng những hành động táo tợn để họ đạt được mục tiêu của họ là xâm phạm chủ quyền của mình, khi xem những hình ảnh đau lòng đó, ai cũng bức xúc, căm phẫn.
Nhận định của ông về vấn đề này?
Rõ ràng Trung Quốc đã ngang nhiên coi thường các Công ước Quốc tế, các Luật về biển đảo, cũng như các tuyên bố, cam kết giữa hai Chính phủ bằng các hành động trắng trợn, thô bạo. Chúng ta bảo vệ chủ quyền của mình một cách chính đáng, đó là quyền tự vệ, quyền chủ quyền trên lãnh thổ của mình.
Tàu bảo vệ giàn khoan HD-981 của TQ chủ động đâm, va vào tàu thực thi pháp luật của Việt Nam ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Anh: Pháp luật TPHCM
Theo ông, ý đồ của Trung Quốc khi đưa giàn khoan vào biển Việt Nam là gì?
Video đang HOT
Nhìn lại lịch sử từ trước tới nay, có thể thấy từ lâu Trung Quốc đã thể hiện tham vọng, muốn bành trướng của mình ra biển Đông, tất cả được chứng minh bằng việc Trung Quốc vẽ và công khai bản đồ đường lưỡi bò.
Bản đồ này không chỉ ảnh hưởng tới Việt Nam, mà còn ảnh hưởng tới các nước bạn như Philippines, Malaysia… Cùng với Việt Nam, các nước bạn và quốc tế ngay lập tức đã phản ứng vấn đề này vì bản đồ này hoàn toàn không có căn cứ khoa học và phi lý.
Vùng biển Quốc tế là vùng biển chung, còn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam được luật pháp Quốc tế giới hạn trong 200 hải lý, nhưng Trung Quốc đã lấn vào sâu trong lãnh thổ của Việt Nam 80 hải lý. Việc này hoàn toàn sai trái và phi lý.
Không chỉ sự kiện này mà thời gian những năm cuối thế kỷ 20, Trung Quốc đã từng bước, từng bước muốn xâm chiếm biển đảo của Việt Nam. Cụ thể, năm 1956, Tưởng Giới Thạch chiếm các đảo phía Đông của Hoàng Sa trong lúc Việt Nam đang chiến đấu với thực dân Pháp. Tới năm 1974, Trung Quốc chiếm đảo phía Tây. Năm 1988, họ tiếp tục đánh chiếm các đảo ở Trường Sa.
Việc đặt giàn khoan lần này của Trung Quốc vào vùng biển của Việt Nam là một trong những hành động táo tợn tiếp theo cùng với mục đích muốn thâu tóm biển Đông. Hành động của Trung Quốc đã vi phạm các Công ước Quốc tế, các cam kết họ đã ký kết như vậy là không thể chấp nhận được.
Tối 8/5, ông Dịch Tiên Lương – vụ phó Vụ Đại dương và Biên giới thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đổ lỗi cho Việt Nam cố tình va chạm với tàu Trung Quốc trên biển Đông. Ông Dịch ngang ngược cho rằng phía Trung Quốc đã “hết sức kiềm chế” khi chỉ sử dụng vòi rồng và khẳng định Bắc Kinh chỉ gửi tàu dân sự tới khu vực này. Tuy nhiên ông Dịch lại nói rằng Trung Quốc sẵn sàng cố gắng giải quyết vấn đề với Việt Nam thông qua đối thoại nhưng Việt Nam phải rút tàu về trước. Thưa ông, ông có nhận định như thế nào về tuyên bố ngang ngược này của phía Trung Quốc?
Mình hãy nhìn kỹ vào những gì Trung Quốc đã làm, việc họ đã ngang nhiên đưa nhiều tàu quân sự hộ tống tàu đưa giàn khoan vào vùng biển một nước có chủ quyền, âm mưu của họ đã quá rõ ràng.
Nhưng chúng ta đã có những hình ảnh, những tư liệu về hành động ngang ngược của Trung Quốc được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế. Đây là những bằng chứng tố cáo hành động của họ và chúng ta không phải giải thích gì thêm!
Xin cảm ơn ông!
Theo Khampha
Hội Luật gia Việt Nam ra tuyên bố, phản bác hành động phi pháp của Trung Quốc
Hội Luật gia Việt Nam khẳng định, việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan HD 981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam là bất chấp luật pháp quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Chiều 9-5, tại Hà Nội, Hội Luật gia Việt Nam đã ra "Tuyên bố về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam".
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh
Tuyên bố như sau: Ngày 2-5 Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan HD-981 tại toạ độ 15029'58" vĩ Bắc - 111012'06" kinh Đông, phía Nam đảo Tri Tôn, sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý để tiến hành khoan thăm dò thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời huy động số lượng lớn tàu hộ tống đi cùng, trong đó có cả tàu quân sự.
Các tàu này đã cố tình đâm va vào các tàu thực thi pháp luật - tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư - của Việt Nam đang hoạt động chấp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây thiệt hại về tài sản và đe dọa nghiêm trọng tính mạng.
Khu vực giàn khoan HD-981 và các tàu bảo vệ của Trung Quốc hoạt động hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo quy định tại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Các việc làm trên của Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, vi phạm ngang nhiên chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (Điều 58, Điều 77) mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên. Hành động này cũng đã đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN. Mặc dù Tuyên bố đã nêu rõ: "Tất cả các bên cam kết kiềm chế thực hiện những hoạt động làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định", nhưng hành động nêu trên của Trung Quốc rõ ràng là đã làm phức tạp tình hình và gây bất ổn định ở khu vực Biển Đông.
Việc Trung Quốc cho rằng đây là "hoạt động tác nghiệp bình thường" và so sánh hành động này của Trung Quốc với các hoạt động thăm dò, khai thác do Việt Nam thực hiện trên Biển Đông là hết sức vô lý vì các hoạt động của Việt Nam được tiến hành trong phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo đúng quy định tại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, được các nước công nhận và cùng hợp tác, trong khi Trung Quốc tiến hành thăm dò tại thềm lục địa của Việt Nam chỉ dựa trên yêu sách đơn phương của Trung Quốc, trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và không được bất cứ quốc gia nào khác công nhận.
Hội Luật gia Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút hết giàn khoan HD-981 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam, không để tái diễn những hành động tương tự trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Hội Luật gia Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển năm 1982, theo đó, không ai có quyền tiến hành thăm dò thềm lục địa hay khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa, nếu không có "sự thỏa thuận rõ ràng của quốc gia ven biển".
Hội Luật gia Việt Nam cũng yêu cầu Trung Quốc thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết được nêu trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông.
Hội Luật gia Việt Nam kêu gọi giới luật gia các nước trên thế giới có tiếng nói bảo vệ công lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, đặc biệt là bảo vệ Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
Hội Luật gia Việt Nam khẳng định mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa nhân dân Việt Nam - Trung Quốc nói chung và giữa giới luật gia hai nước nói riêng; đồng thời sẵn sàng làm hết sức mình để góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, giữ gìn hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực và trên thế giới.
An Huy
Theo ANTD
Hợp tác Biển Đông vì an ninh và phát triển Ngày 11-11, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao Việt Nam và Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 5 "Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực". Hơn 200 đại biểu là các học giả, chuyên gia, quan chức chính phủ trong nước và quốc tế, cùng đại...