Nguyễn Chí Thanh – Đại tướng lội ruộng băng đồng
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có những công lao to lớn không chỉ trong chiến đấu mà cả trong công tác xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng.
Nhưng ông còn được biết tới là Đại tướng của nông dân – “vị tướng lội ruộng băng đồng” trong quãng thời gian 1961-1964, khi ông được giao phụ trách Ban Nông nghiệp của Đảng, với mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp tiên tiến, năng suất cao.
Đại tướng nông dân
Tại cuộc hội thảo tròn 100 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh diễn ra năm 2014 do Tổng cục Chính trị tổ chức mà tôi may mắn được tham dự, tôi vẫn còn nhớ rất rõ nhiều nhân chứng bày tỏ sự xúc động khi kể lại những kỷ niệm sâu sắc về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nghiên cứu bản đồ tác chiến năm 1967.
Với họ, ông là một vị tướng quân hết sức bình dị, gần gũi và đặc biệt là có sự gắn bó máu thịt với nông dân. Ông tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1.1.1941 tại làng Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Năm 1959, ông được phong hàm Đại tướng. Năm 1961, ông được giao nhiệm vụ phụ trách Ban Nông nghiệp của Đảng.
Cố nhà báo Hữu Thọ khi đó đã chia sẻ câu chuyện về Đại tướng mà ông biết khi còn làm PV Báo Nhân Dân. Khi được giao phụ trách nông nghiệp, Đại tướng nói với mọi người: “Các cậu cứ tranh luận thoải mái, mình xuất thân nông dân, suốt đời trận mạc, nay được giao phụ trách nông nghiệp nhiều điều chưa biết nên sẽ cùng tham gia. Tranh luận có ý đúng, ý chưa đúng là chuyện bình thường, nếu cậu nào nói đúng một nửa thì cũng đã giữ 50% chân lý, rất oách rồi còn gì”.
Trong không khí thoải mái đó, cấp dưới của Đại tướng nhiều lúc quá mạnh bạo, nói xong mới thấy run.
Ngày đó, đoàn cố vấn về thủy lợi của Trung Quốc do bà Bộ trưởng Tiền Chính Anh dẫn đầu sang tư vấn phương châm “ba chính” trong công tác thủy lợi: Giữ nước là chính; thủy lợi nhỏ là chính; nhân dân làm là chính. Ý kiến của các đoàn cố vấn Trung Quốc thường có sức nặng ghê gớm.
Nghe phổ biến “ba chính”, một số cán bộ của ta băn khoăn nhưng chỉ xầm xì với nhau. Nhà báo Hữu Thọ đã mạnh dạn thưa Đại tướng: “Ở ta có vùng hạn, vùng úng mà chống úng xem ra khó hơn, nhưng nhất loạt “giữ nước là chính” để chống hạn thì không bao quát tình hình; cần làm nhiều thủy lợi nhỏ nhưng phải làm thủy lợi vừa và lớn mới có nguồn để chủ động cấp nước và tiêu nước thì chống úng, chống hạn mới hiệu quả”.
Động chạm tới ý kiến của cố vấn là chuyện to, buột miệng nói ra rồi nên ông chờ nghe phê phán. Thế nhưng Đại tướng chỉ ôn tồn: “Ta cứ khiêm tốn lắng nghe ý kiến cố vấn, khi làm thì điều chỉnh cho phù hợp với tình hình cụ thể của cả nước và từng vùng”.
Trong lần đi công tác miền Trung, đến Khe Nước Lạnh ở vùng nam Thanh, bắc Nghệ đã quá trưa, Đại tướng và mọi người ngồi dưới gốc cây gạo giở cơm nắm ra ăn rồi nghỉ ngơi. Nhà báo Hữu Thọ tranh thủ hỏi Đại tướng về câu ca dao nhớ nhất, người thư ký nghiêm mặt hàm ý “hãy để Đại tướng nghỉ ngơi”. Nhưng Tướng Thanh suy nghĩ một lúc rồi nói: “Mình nhớ nhất câu “Rồi mùa, toóc rã, rơm khô/Bạn về quê bạn, biết mô mà tìm”, tức là gặt xong thì thóc của nhà chủ vào bồ, rơm len đống rạ (toóc) ngoài đồng đã mục, mình mất luôn tình bạn của những kẻ làm thuê theo mùa”.
Video đang HOT
“Cái máu đậm tình nghĩa bạn bè thuở hàn vi cứ đeo đẳng cái tính cách người lãnh đạo, nên ở anh luôn nặng lòng với những người nghèo khổ. Anh là người lãnh đạo thích đi cơ sở, thích nói chuyện tâm tình với dân và không bao giờ “sáng đi tối về”, không có chuyện thao thao diễn thuyết, chỉ thị suồng sã”.
Chị Ba Liên – người từng phụ trách nấu ăn cho Đại tướng ở Bộ Chỉ huy miền, không thể nào quên được những bài học đầu đời mà Đại tướng đã chỉ bảo. Nhỏ tuổi nhất nên lúc ấy chị thường gọi các thủ trưởng là chú, xưng cháu, nhưng Đại tướng thì lúc nào cũng xưng “đồng chí”. Có lần dọn cơm cho Đại tướng, chị rót nước mắm hơi đầy. Sau bữa cơm, Đại tướng gọi lên, chỉ vào chén nước mắm nói: “Đồng chí thấy chưa, anh em tụi tôi ăn đâu phải tiền bạc của gia đình mà của nhân dân, của đồng bào đóng góp. Đồng chí rót như vậy, ăn hết thì không sao nhưng thừa bỏ thì lãng phí. Nói như vậy để đồng chí rút kinh nghiệm. Anh em bộ đội giờ còn ăn nước muối, không có nước mắm mà ăn, đồng chí có đau lòng không?”.
“Nghe chú Sáu nói vậy, tôi thấm thía vô cùng. Sau đó tôi chuẩn bị một chiếc lọ nhỏ rót nước mắm vào, đến bữa ăn mang cả lọ nước mắm ra cho chú, ăn bao nhiêu chú tự rót”, chị kể và cho hay, chưa khi nào Đại tướng phàn nàn về việc ăn uống cực khổ, luôn dặn dò nấu cho chú ăn thì nhớ tiết kiệm, làm nhiều bỏ thì lãng phí.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – con trai Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vẫn nhớ kỷ niệm một lần làm việc với Đại sứ Mỹ Ted Osius. Khi Đại sứ chúc mừng QĐND Việt Nam vì buổi làm việc đúng ngày 22.12.2017, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã chia sẻ với Đại sứ: “Cha tôi hy sinh trên đường vào chiến trường miền Nam chống Mỹ. Hình ảnh của cha luôn khiến tôi phải nỗ lực học tập và noi theo, đặc biệt là sự giản dị của ông trong công việc, tính kiên quyết trong chiến đấu và tình yêu thương mà ông giành cho gia đình…”.
Mỗi khi đi làm về, Đại tướng hay ghé vào nhà bếp xem tình hình ăn uống của anh em. Ông thường hỏi vui: “Thế nào, hôm nay nhà bếp có gì cải tiến, tươi tươi cho anh em không?”. Sau đó đi một vòng, mở hết các nồi ra xem. Ngày đó, sinh hoạt trong căn cứ khó khăn, đồ ăn tươi rất hiếm. Mọi người chăm lo sức khỏe của Đại tướng nên thường có cơm trắng và thức ăn tươi, nhưng đến bữa, Đại tướng lại chia phần cơm của mình cho cán bộ, chiến sĩ đang bệnh và đổi lấy cơm ngô và cá khô. Bác sĩ Thuận rất lo lắng vì như vậy Đại tướng sẽ không đảm bảo sức khỏe, nhưng nói thế nào ông cũng không nghe.
“Trong công việc chú Sáu rất nghiêm khắc, nên lúc đầu tụi tôi ai cũng sợ. Tiếp xúc rồi tôi thấy chú rất vui và quan tâm mọi người. Có khi lên rẫy, chú gọi mấy anh chị văn công đi cùng, vừa làm vừa hát hò rất vui. Chú kể chuyện cho tụi tôi nghe, căn dặn từ cách ăn ở, nói năng đến công việc hàng ngày. Với tôi, chú như một người cha”- chị tâm sự.
Ra đi trên đường vào chiến trường
Bà Nguyễn Thanh Hà – con gái Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – luôn nhớ về ba với những kỷ niệm sâu sắc. Khi mới chuyển về sống ở ngôi nhà số 34 Lý Nam Đế, một ngôi biệt thự rộng rãi có vườn hoa đẹp thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm. Bác bảo “nhà chú Thao đẹp, gọn gàng vậy là tốt. Nhưng nhiều vườn hoa quá, lãng phí, nên trồng rau tăng gia tốt hơn”.
Thế là ngày hôm sau, cả nhà cùng nhau đào vườn hoa, cuốc đất trồng rau, cây ăn quả. Đại tướng còn tìm vài cây dừa miền Nam trồng ở trước và sau nhà. Đến năm 1967, khi chuẩn bị vào Nam lần thứ 2 thì cây dừa bói lứa quả đầu. Ông cho hái mấy quả, quả đầu tiên đưa lên cho mẹ, còn lại bổ lấy nước cho mấy cha con uống.
Uống xong, ông khà lên một tiếng sảng khoái rồi nói: “Chà, nước dừa ngon quá, uống một hớp thế này chết cũng sướng”. Vài hôm sau thì ông mất thật. Cũng lạ, hai cây dừa trước cửa cũng chết vài tháng sau đó. Còn vườn dừa sau nhà năm nào cũng sai quả, cả nhà không ai ăn, được bao nhiêu bán đi, dành tiền làm giỗ ba và sau này là giỗ mẹ.
Cuối năm 1950, ông Nguyễn Chí Thanh được bổ nhiệm giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (1951), được cử vào Bộ Chính trị. Năm 1959, ông được phong quân hàm Đại tướng. Năm 1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng ông tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành T.Ư, được cử vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Năm 1961, ông được giao phụ trách Ban Nông nghiệp của Đảng. Ông liên tục phát động các phong trào thi đua trong các hợp tác xã, giúp ổn định tình hình phát triển trong hoạt động sản xuất nông nghiệp miền Bắc. Trong Chiến tranh chống Mỹ, Ban Chấp hành T.Ư điều ông trở lại quân đội.
Theo Danviet
Ở đảo Cồn Cỏ, nhớ về những lễ "truy điệu sống"
Xác định có thể hy sinh bất cứ lúc nào nên những người thực hiện nhiệm vụ tiếp lương tải đạn ra đảo Cồn Cỏ đều được làm lễ "truy điệu sống" mỗi khi lên đường. Câu chuyện về tinh thần gan dạ, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc đã làm lay động biết bao người.
"Truy điệu sống"
Những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi ghé thăm ngôi nhà nhỏ của nữ cựu chiến binh Võ Thị Lý, nay đã 74 tuổi, trú An Đức 3, thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Linh, Quảng Trị. Rót ly chè xanh mời khách, bà Lý vuốt mái tóc bạc trắng in dấu vết thời gian, chầm chậm kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng oanh liệt, khi bà cũng những người đồng đội làm nhiệm vụ tải đạn cho bộ đội đánh giặc trên đảo Cồn Cỏ.
Nằm lệch về phía Bắc vĩ tuyến 17 cách sông Bến Hải khoảng 15 hải lý, cao hơn mặt biển 63,4m, rộng trên 2km2, đảo Cồn Cỏ có rừng cây, đất đỏ bazan, núi đá, bãi cát... Sau Hiệp định Geneva, Cồn Cỏ trở thành vị trí chiến lược, là vọng gác tiền tiêu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa nên trở thành mục tiêu giặc Mỹ đánh phá dữ dội. Việc tiếp tế cho bộ đội chiến đấu bảo vệ đảo vì vậy mang tính quyết định.
Ông Hồ Văn Triêm, người từng cùng đồng đội đưa món quà đặc biệt của Bác Hồ ra đảo Cồn Cỏ. Ảnh: Ngọc Vũ
Bà Lý nhớ lại: Tháng 3.1965, 13 chiếc thuyền buồm chở lương thực, vũ khí ra Cồn Cỏ đã không thể trở về vì bị tàu địch phát hiện, và đánh chìm. Ngay sau đó, một cuộc họp toàn xã được tổ chức với mục đích tìm ra những người dám chấp nhận hy sinh để thực hiện việc tiếp lương cho bộ đội.
Bà Lý cùng chị gái mình là bà Võ Thị Khiêm - khi ấy vừa tròn 25 tuổi, đã xung phong ra đảo. Thấy cánh tay nhỏ nhắn, gầy guộc mong manh của hai cô gái trẻ giương cao, mọi người vỗ tay rào rào. Rồi cứ thế như là phản xạ tự nhiên, hàng trăm cánh tay khác của người dân làng biển đồng loạt giơ cao. Họ biết, họ đang tình nguyện chấp nhận đương đầu với hy sinh, vì mục tiêu thống nhất đất nước.
Đảo Cồn Cỏ ngày nay được xây dựng vừa phục vụ nhiệm vụ an ninh quốc phòng vừa phát triển kinh tế. Ảnh: Ngọc Vũ
Sau ít ngày huấn luyện, hai chị em bà cùng với 16 nam thanh niên được tổ chức lễ "truy điệu sống", trước khi lên 3 thuyền chèo chở đầy vũ khí, lương thực tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Chuyến đi đó thành công và chị em bà Lý trở thành những người phụ nữ đầu tiên có mặt ở đảo Cồn Cỏ thời bấy giờ. Sở dĩ có lễ "truy điệu sống" như vậy là vì trước khi đi, ai cũng biết sẽ phải đối mặt với mũi súng của giặc bất cứ lúc nào và sẽ khó tránh được cái chết. Chị em bà Lý và hàng trăm người khác đã được "chết" nhiều lần như thế!
Thời kỳ ác liệt ấy có những gia đình dành toàn bộ "quân số" để tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Như gia đình cụ Nguyễn
Văn Trí (thôn Thái Lai, Vĩnh Thái, Vĩnh Linh). Cụ Trí góa vợ từ năm 30 tuổi, để lại hai con Nguyễn Văn Trái và Nguyễn Thị Lý. Năm 1965, cả ba cha con cụ Trí cùng viết đơn tình nguyện xin đi tiếp tế Cồn Cỏ...
Món quà đặc biệt của Bác Hồ
Ghé thăm thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch (Vĩnh Linh), chúng tôi gặp người lính già 81 tuổi Hồ Văn Triêm. Ông kể, những ngày Cồn Cỏ nằm trong tầm pháo quân giặc, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến những chiến sĩ giữ đảo. Trong số những món quà Bác gửi tặng Cồn Cỏ, có một món quà vô giá, đó là chiếc radio hiệu Sony. Chiếc đài này là món quà do Đảng Cộng sản Nhật Bản tặng Bác, Bác đã dành tặng lại cho chiến sĩ Cồn Cỏ.
Bác bảo, đây là tiếng nói, là lời động viên, khích lệ của miền Bắc xã hội chủ nghĩa để chiến sĩ đảo tiền tiêu giữ vững tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
Hai chị em bà Võ Thị Lý (trái) và Võ Thị Khiêm ôn lại chuyện xưa những ngày xung phong tiếp lương, tải đạn ra đảo Cồn Cỏ. Ảnh: Ngọc Vũ
Ông Triêm nhớ lại, sáng 29.6.1965, ông được giao làm thuyền trưởng cùng 5 đồng chí khác (trong đó có bà Lý và bà Khiêm) thực hiện một nhiệm vụ tối quan trọng là vận chuyển vũ khí và món quà đặc biệt của Bác Hồ trao tận tay cho Trung tá Nguyễn Hữu Tứ - Đại đội trưởng pháo binh đảo Cồn Cỏ.
Trời vừa chập tối, cả đội nhắm hướng Cồn Cỏ chèo như tên. Nhưng khi ra khỏi bờ chưa xa, máy bay địch phát
hiện bắn tới tấp nên ta buộc phải rút lui. Vài tiếng sau, cả đội thuyền lại lao ra biển trước sự truy cản của kẻ thù. Khi cách đảo vài km, địch bắn pháo sáng, ném bom dữ dội nhưng rất may các chiến sĩ Cồn Cỏ yểm trợ kịp thời nên đội thuyền thoát chết. Rưng rưng nước mắt, Trung tá Nguyễn Hữu Tứ cùng chiến sĩ Cồn Cỏ nhận món quà quý của Bác Hồ.
Xúc động trước sự hy sinh của người dân Vĩnh Linh, sự quan tâm của Bác Hồ, các chiến sĩ Cồn Cỏ đã gan dạ kiên cường giữ đảo. Trong 1.400 ngày đêm đánh Mỹ, các chiến sĩ Cồn Cỏ đã đánh hơn 1.000 trận lớn nhỏ, bắn rơi 48 chiếc máy bay, bắn chìm 17 tàu chiến và hải thuyền của Mỹ... Toàn đảo đã được Bác Hồ gửi tặng ảnh chân dung và hai câu thơ: "Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận/Đánh cho tan xác giặc Huê Kỳ".
Hướng đôi mắt xa xăm về phía đảo Cồn Cỏ, ông Hồ Văn Triêm tâm sự, giữa lòng biển khơi kia, linh hồn, thân xác đồng đội vẫn nằm đó.
Không phụ những hy sinh, mất mát của quân và dân ta trong thời chiến, thế hệ ngày nay đang từng ngày cố gắng xây dựng đảo Cồn Cỏ giàu mạnh, nhân dân đảo ấm no, hệ sinh thái được bảo tồn. Hai mẻ cá bè vàng lịch sử 160 tấn và 120 tấn trị giá tiền tỷ của ngư dân tỉnh Quảng Trị đánh bắt được ở quanh đảo Cồn Cỏ đã minh chứng cho điều đó.
Giờ đây, những đoàn khách trong và ngoài nước có thể ngồi trên con tàu Cồn Cỏ Tourist trị giá 20 tỷ đồng, mất khoảng 1 giờ để ra thăm thú, lặn biển, thưởng thức những đặc sản trên đảo tiền tiêu...
Theo Danviet
Trúng đậm chưa từng có: Chuyến đi xa đầu năm, thu về 7 tỷ Quăng mẻ lưới trúng 150 tấn cá xước vàng, 50 tấn cá ngừ và 18 tấn cá hố,... những chuyến ra khơi chở về tiền tỷ, thậm chí cả chục tỷ ngày đầu năm mới của ngư dân báo hiệu một năm làm ăn thuận buồm xuôi gió. Quăng mẻ lưới trúng 150 tấn cá, thu 7 tỷ đồng Những ngày đầu năm...