Nguy hại ép con rèn chữ trước tuổi
Nhiều bậc cha mẹ vẫn cho con đi rèn chữ viết đẹp tự bậc mẫu giáo, trước khi vào lớp 1. Tuy nhiên, tác hại của việc này ra sao, không phải bậc cha mẹ nào cũng biết.
Nhiều cha mẹ mong muốn con mình khi bắt đầu vào lớp 1 đã có thể viết thành thạo và chữ phải đẹp, muốn con mình không bị chậm so với bạn bè. Do đó, đã có nhiều bậc cha mẹ ép các bé phải rèn chữ từ lúc còn bé (mới 3 đến 5 tuổi).
Theo thạc sĩ Lê Minh Công, phó trưởng khoa tâm lý lâm sàng, bệnh viện Tâm thần TW2, TP.HCM: Trước tuổi đến trường (6 tuổi) khả năng vận động tinh (là những vận động tinh tế như cầm bút, đồ vật, sử dụng kéo…) của trẻ đang trong quá trình hoàn thiện. Khớp xương cổ tay, xương ngón tay của trẻ chưa tốt, không thể uốn các nét chữ được.
Ở lứa tuổi này, khả năng tập trung của trẻ chưa cao. Tất cả những việc diễn ra xung quanh đều có thể khiến trẻ bị phân tán tư tưởng.
Trong khi đó, tập viết chữ đòi hỏi sự tập trung, chú ý cao độ với những yêu cầu vượt quá khả năng của trẻ như cầm bút đúng cách, ngồi đúng tư thế. Do đó, cố bắt ép trẻ gò chữ chẳng có tác dụng gì. Ngược lại, nó có thể gây ra hàng loạt những sự cố ngoài ý muốn của người lớn.
Do tính hiếu động, hoạt bát, trẻ dễ nản lòng với những việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo như viết chữ. Càng bắt trẻ ngồi gò chữ, trẻ càng dễ chán và sợ các giờ học viết chữ hơn. Hậu quả, không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề tâm lý, gây hại cho khả năng học tập của trẻ về sau mà có thể gây ra những biến dạng về mặt sinh học đối với cơ thể trẻ.
Thạc sĩ Công đã phải điều trị cho em bị rối loạn về kỹ năng viết, kỹ năng học tập do bị ép rèn chữ sớm.
Video đang HOT
“Việc ép con rèn chữ chỉ giúp thỏa mãn cho bố mẹ chứ không phải cho chính đứa trẻ”, thạc sĩ Công cho biết.
Ngoài ra, ở độ tuổi này, xương các bé còn rất non. Việc ngồi gò theo những nét chữ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của xương, rất dễ gây vẹo cột sống, vẹo xương ngón tay…
Trước khi vào lớp một, trẻ chỉ cần được làm quen với cách cầm bút và sự khéo léo trong việc sử dụng các vật có trong tay. Quá trình này nên được hiểu là để chuẩn bị tâm thế cho trẻ trước khi bước vào đi học.
Bà Trần Thị Thúy, Giám đốc trung tâm rèn chữ đẹp Nét Việt (Q.1 TP.HCM) cho biết: “Việc dạy viết chữ đẹp phải hướng các em đến với những cảm xúc từ chữ viết do mình viết ra. Lúc đầu, trung tâm cũng đã có nhận những em chưa vào lớp một vì “nể nang”, nhưng sau đó, trung tâm thấy khả năng viết chữ của các em hạn chế, nên trung tâm không nhận, đồng thời tư vấn cho các bậc phụ huynh cân nhắc khi cho con em mình đến học”.
Theo một số chuyên gia giáo dục tiểu học, người lớn vẫn có thể xây dựng và nuôi dưỡng hứng thú học tập cho trẻ bằng cách lợi dụng những trò chơi phù hợp với lứa tuổi như tô màu, vẽ hình đơn giản…Khi bé đã quen với việc cầm bút, bạn có thể cho trẻ tập viết chữ cái hoa hoặc chữ thường với khổ chữ lớn nhằm mục đích chính là giúp bé nhận mặt chữ.
Bình Nguyên – Hương Giang
Theo VNN
Học trước chương trình, trẻ sớm... hết "vốn"
Với tâm lý để con không thu kém bạn bè, một số phụ huynh cho con đi học chữ trước khi vào lớp 1. Thế nhưng "vốn liếng" đó của trẻ chỉ được thời gian đầu và sẽ sớm cạn kiệt so với các trẻ học đúng chương trình.
Điều này được các chuyên gia giáo dục khẳng định tại hội thảo "Chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1" diễn ra vào sáng 6/5 tại trường Quốc tế Việt Úc, TPHCM.
TS Trần Lan Hương, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và HTQT trường CĐ Sư phạm TW, chuyên gia nghiên cứu trẻ em của Bộ GD-ĐT cho rằng, nhiều phụ huynh (PH) cho con đi học chữ trước khi vào lớp 1 vì họ ngộ nhận sự chuẩn bị là tập trung vào việc hình thành các kỹ năng học tập, những thứ cơ bản trẻ học ở lớp 1 như viết, đọc, đếm...
Nhiều phụ huynh quan tâm đến việc có nên cho con học chữ trước khi vào lớp 1 hay không.
Bà Hương cảnh báo: Trẻ không hào hứng và chưa "chín" về các kỹ năng như phát triển cơ tay nhỏ, khả năng tập trung... mà bị ép học thì các con chữ, chữ số sẽ trở thành nỗi sợ hãi của trẻ, điều này làm mất hứng thú học tập và thật sự không có lợi cho việc học tập lâu dài của trẻ.
Trẻ học trước chương trình có thể xảy ra rất nhiều bất lợi. Vì có một "số vốn" nhất định, trẻ sẽ chủ quan cho rằng mình biết rồi dẫn đến việc sẽ không năng tập trung chú ý. Mất khả năng này nên sau 2 - 3 tháng "hết vốn" phải đối mặt với nhiệm vụ học tập đã nghiêm túc và ổn định, trẻ sẽ rất khó khăn để bắt đầu rèn kỹ năng tập trung. Điều nguy hiểm hơn là trẻ học trước chương trình nhưng không đúng, đến khi sửa sẽ cực kỳ khó.
"PH không cần chạy đua với việc con mình biết trước chữ trước hay không. Quan trọng là tạo động cơ học cho trẻ và sát cánh cùng trẻ để giải quyết các khó khăn trẻ gặp phải trong những ngày đầu đến trường", TS Trần Lan Hương chia sẻ
Bà Hương cũng cho hay sự chuẩn bị cần thiết cho trẻ vào lớp 1 là phát hiển các chức năng tâm sinh lý để đảm bảo cho việc học với 4 yếu tố: sẵn sàng về mặt thể chất, về cảm xúc và quan hệ xã hội, về mặt ngôn ngữ và về mặt nhận thức.
Việc chuẩn bị này cần sự phối hợp giữa trường mầm non có trách nhiệm thiết kế các hoạt động giúp trẻ đạt được các chuẩn phát triển theo độ tuổi, khả năng; gia đình phối hợp với nhà trường thực hiện những hoạt động để củng cố và phát triển những khả năng của con. Đặc biệt, trường tiểu học cần chuẩn bị môi trường học tập chất lượng và thân thiện để tiếp nhận trẻ.
Nói về tâm lý cho con học chữ trước của PH, nhà giáo ưu tú Nguyễn Hoa Mai - hiệu trưởng hệ thống trường Dân lập Quốc tế Việt Úc, nguyên Trưởng phòng Tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM cho hay có thời kỳ một số trường tiểu học thực hiện khảo sát HS vào lớp 1. Đây không phải là chủ trương của ngành mà do khi đó bậc mầm non chưa có chương trình chuẩn bị trẻ 5 tuổi tốt, còn các trường tiểu học lại thực hiện chưa đúng việc khảo sát.
Trẻ cần được phát triển cơ tay nhỏ trước khi thực hiện hoạt động viết chữ.
Điều đó dẫn đến nhiều PH tưởng lầm con biết chữ trước sẽ vào học thuận lợi. Nhưng họ không biết rằng, việc học chữ được dạy bởi những người không đúng chuyên môn là một nguy hại cho trẻ. Viết chữ là cả một quá trình hình thành từ sự phát triển tâm sinh lý, nhất là cơ tay nhỏ. Không đảm bảo các yếu tố này mà học viết chữ trước, chữ sẽ bị hư và rất khó chỉnh sửa. Thực tế cách đây vài năm, khi rộ phong trào cho con đi học chữ từ lúc mẫu giáo, khi vào lớp 1 chữ các em rất xấu. Nhiều em được dạy chữ bằng cách được đưa cho cuốn tập, cây viết cùng mẫu chữ rồi nằm bò lăn lê như tô màu, đồ chữ chứ không ngồi ngay ngắn đúng tư thế.
"Ở mẫu giáo chỉ ở mức độ làm quen với hoạt động tô vẽ để trẻ phát triển cơ tay. Còn hoạt động viết chỉ có thể thực hiện khi chắc các kỹ năng như ngồi thế nào, tay mắt làm sao, cơ thể phối hợp thế nào để đúng tư thế... Những kiến thức, kỹ năng này chỉ GV lớp 1 mới được trang bị để giúp các em làm quen dần dần khi đi học", bà Mai nhấn mạnh.
Theo nhà giáo này, để việc học của con thành công, việc chuẩn bị cho con trước khi vào lớp 1 là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, PH cần hiểu đúng sự chuẩn bị đó gồm các yếu tố về sức khỏe, ngôn ngữ, nhận thức, khả năng tự phục vụ... để giúp con sẵn sàng cho việc học cũng như các mối quan hệ với bạn bè, thầy cô chứ không phải dạy trước chương trình cho trẻ.
Trước lo lắng của PH khi trẻ đi học, GV lớp 1 thường dạy trên "nền" các trẻ đã biết chữ, bà Mai cho rằng theo nguyên tắc, GV lớp 1 phải dạy từ khởi đầu. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa trường mầm non và trường tiểu học.
Hoài Nam
Theo dân trí
Để mỗi ngày đến trường thêm hứng thú Trường học không chỉ là nơi cung cấp những kiến thức chuyên môn cho sinh viên mà còn cần giúp các em phát huy tối đa năng lực bản thân và định hướng tốt cho tương lai. Sau gần hai năm thành lập với tiêu chí Thực học - Thực nghiệp, bên cạnh việc được đánh giá là một môi trường đào tạo...