Nguy cơ xóa sổ liên thông
Quy định sinh viên hệ trung cấp, CĐ học liên thông phải dự kỳ thi tuyển sinh ĐH chính quy đã khiến không chỉ sinh viên mà ngay cả lãnh đạo các trường cũng lo lắng.
Vừa nghe thông tin muốn liên thông từ CĐ lên ĐH phải thi chung kỳ thi tuyển sinh với thí sinh chính quy, H. – một sinh viên Khoa Kế toán hệ CĐ của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội – đã tỏ ra lo lắng. Trượt ĐH kỳ thi tuyển sinh năm 2010, H. chọn con đường học CĐ để liên thông lên ĐH, hy vọng có thể dễ dàng xin việc sau này. Tuy nhiên, với quy định mới, nữ sinh này sẽ trải qua một kỳ thi tuyển sinh khá căng thẳng để có thể học tiếp lên bậc ĐH.
Tránh “vàng thau lẫn lộn”
Cũng lo lắng không kém, Tuyết Lan – một sinh viên đang học ngành quản trị kinh doanh – dự định học liên thông lên hệ ĐH của Trường ĐH Thương mại, cho biết quy định này gây khó cho không chỉ cô mà nhiều sinh viên khác. Thực tế, để tốt nghiệp được CĐ phải mất 3 năm. Ba năm ấy kiến thức toán, lý, hóa không dùng đến đã mai một đi rất nhiều, làm sao có thể nhớ để dự thi tuyển sinh cùng thí sinh chính quy được. Trong trường hợp này, chỉ có thể vừa học chương trình CĐ trên lớp vừa phải đi ôn thi theo chương trình phổ thông để theo kịp các thí sinh khác. “Nếu Bộ GD-ĐT ban hành quyết định như vậy thì em chắc phải đi luyện thi toán, lý, hóa với học sinh lớp 12 ngay từ bây giờ” – Tuyết Lan cho biết.
Trao đổi với phóng viên, một chuyên viên của Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết dự thảo quy định này bắt nguồn từ quan điểm lấy bằng ĐH hệ chính quy thì phải tôn trọng các quy định trong đào tạo chính quy (đầu vào như nhau, học như nhau). Liệu một học viên trung cấp (chỉ xét đầu vào chứ không phải thi tuyển), học hành lớt phớt mà lấy bằng tốt nghiệp ĐH hệ chính quy như các sinh viên chính quy khác thì có công bằng không? Để bảo đảm chất lượng đào tạo thì thi chung với chính quy là công bằng, nếu “vàng thau lẫn lộn” dễ dẫn đến thiệt thòi cho những người học chăm chỉ.
Quan điểm của Bộ GD-ĐT không chỉ khiến các sinh viên đang học CĐ, trung cấp gặp khó khăn mà ngay cả cán bộ quản lý các trường cũng dẫn ra nhiều bất hợp lý. Lãnh đạo một trường ĐH cho rằng thay vì yêu cầu sinh viên phải thi cùng thí sinh khác trong kỳ thi tuyển sinh chính quy, bộ nên tăng cường giám sát các kỳ thi liên thông của các trường CĐ, ĐH.
Video đang HOT
Thí sinh nộp hồ sơ học liên thông tại Trường Đại học Công nghiệp TPHCM.
Không ai thi được!?
Với những trường thường xuyên phải xin phép bộ hoán đổi chỉ tiêu đào tạo chính quy sang chỉ tiêu liên thông vì tuyển không đủ chỉ tiêu thì việc sinh viên liên thông phải thi như chính quy sẽ gây rất nhiều khó khăn cho trường. Ông Lê Trọng Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Mỏ – Địa chất, cho rằng liên thông theo tín chỉ là tích lũy kiến thức, tích lũy đủ thì đạt được văn bằng. Nếu đang học theo hình thức tín chỉ mà buộc phải thi lên ĐH thì không ai thi được.
Cũng theo ông Thắng, chất lượng liên thông có thể làm Bộ GD-ĐT lo lắng nhưng phải có một giải pháp khác hài hòa hơn, như thi một môn toán hoặc văn và hai môn chuyên môn. Còn nếu thi như thi ĐH thì chắc chắn sẽ không có mấy người đỗ và trượt ở đây không phải kém mà vì kiến thức phổ thông qua thời gian đã mai một dần. “Nếu vậy, hình thức liên thông sẽ có nguy cơ đóng cửa vì không có thí sinh trong khi chất lượng đào tạo liên thông tốt hơn đào tạo tại chức rất nhiều” – ông Thắng khẳng định.
Ông Đặng Thế Huy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh, cho rằng yêu cầu cao như vậy là rất khó cho cả sinh viên cũng như các trường. Bản thân việc tổ chức thi chung với thí sinh chính quy như vậy cũng phức tạp vì học sinh phổ thông chỉ có vài khối nhưng sinh viên liên thông thì rất nhiều ngành. Phải nghiên cứu kỹ để tạo điều kiện cho người học phấn đấu trên con đường học vấn của mình.
Cần giải pháp phù hợp Một chuyên gia giáo dục đánh giá việc liên thông hiện nay quá dễ dãi, để tuyển cho đủ chỉ tiêu, không ít trường tìm cách hạ chuẩn. Việc đào tạo cũng không khác gì đào tạo tại chức. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng thừa nhận quy định như dự thảo đang gặp phải những tranh cãi “nảy lửa” giữa các nhà quản lý. Việc tìm ra một giải pháp phù hợp nhất để vừa nâng cao chất lượng đào tạo vừa bảo đảm quyền lợi của người học xem ra không phải là việc dễ dàng.
Theo người lao động
Giáo viên phấp phỏng lo mất việc vì bằng tại chức
Hơn 30 giáo viên tiếng Anh tiểu học ở thành phố Nam Định đang bị "dọa" cho thôi việc vì bằng tại chức, hầu hết trong số đó đã học liên thông đại học và chuẩn hóa đại học chính quy.
Một giáo viên tiếng Anh (xin được giấu tên) đang công tác tại trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP Nam Định) chia sẻ, năm 1996, Sở GD&ĐT Nam Định liên kết với Viện ĐH Mở Hà Nội mở lớp Cao đẳng Anh văn cấp bằng chính quy. Chị hào hứng theo học.
Đây là khóa học tập trung 6 ngày/tuần, mỗi năm học 11 tháng (nghỉ hè 1 tháng). Nhưng phải đến khi gần tốt nghiệp các sinh viên mới biết bằng mình được nhận không phải chính quy mà là tại chức. Tuy nhiên, lúc này giáo viên tiếng Anh tiểu học đang rất cần nên đa số sau tốt nghiệp đều được đi dạy với hợp đồng 3 tháng.
"Đã hơn chục năm giảng dạy nhưng chúng tôi vẫn là giáo viên hợp đồng, cứ 3 tháng lại tái ký một lần. Tiền lương nhận được thì rất bèo bọt, 300.000 đồng một tháng năm 2009 và 700.000 đồng năm 2010. Tiền này được lấy từ quỹ lương do phụ huynh học sinh đóng góp (10.000 đồng mỗi cháu một tháng)", nữ giáo viên nói và cho hay, năm học này chưa được ký hợp đồng và cũng chưa biết lương được nhận bao nhiêu.
Hơn 10 năm gắn bó với nghề, nhiều giáo viên tiếng Anh tiểu học ở TP Nam Định đang bị dọa mất việc vì bằng tại chức. Ảnh minh họa: Hoàng Thùy.
Chị cũng tâm sự, tiền lương tháng ít ỏi nhưng các chị phải tự đóng bảo hiểm và khoảng 2, 3 tháng mới được nhận một lần. Sau khi trừ các khoản thì còn lại chẳng đáng là bao. Để đảm bảo cuộc sống, chị phải đi làm gia sư, một vài giáo viên khác thì xin làm cấp dưỡng, công nhân hay đi chợ buôn bán...
Nghĩ rằng mình cố gắng thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn, chị và nhiều đồng nghiệp cùng cảnh đã học thêm 2 năm tại chức ngành tiếng Anh sư phạm tại ĐH Ngoại ngữ Hà Nội. Sau đó nhiều người học thêm lớp chuẩn hóa 8-10 tháng để có Chứng nhận bổ túc kiến thức đạt trình độ đại học chính quy.
"Thế mà giờ lại nghe thông tin sắp mất việc vì bằng tại chức khiến chúng tôi lo đến mất ăn mất ngủ. Nếu không nhận chúng tôi thì ngành giáo dục nói không từ đầu, giờ đã hơn 10 năm làm giáo viên, bắt chúng tôi bỏ dạy thì làm việc gì để sống. Tuổi cao, xin vào các công ty không ai nhận, mà ra chợ bán hàng thì bôi bác cho ngành giáo viên quá", nữ giáo viên bày tỏ.
Cùng chung tâm trạng, chị Kim Hoa (giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Trãi) cho biết, nhà trường chưa có thông báo chính thức cho nghỉ việc, nhưng đã bóng gió sau cuộc họp với ủy ban. Nguyên nhân mà mọi người được biết là UBND tỉnh không cho thu tiền Tin học và tiếng Anh (đồng nghĩa với không có khoản thu để trả lương cho các chị), còn Sở Nội vụ thì không đồng ý nhận người có bằng dân lập, tại chức.
Chị Hoa cho biết, những năm qua, dù cố gắng đi học nâng cao, chuẩn hóa đại học chị vẫn chỉ được ký hợp đồng 3 tháng với tiền lương vài trăm nghìn, trong khi đó bạn bè chị trong biên chế nhận được khoảng 2 triệu đồng mỗi tháng.
"Đại học Ngoại ngữ đã công nhận chúng tôi đạt chuẩn đại học chính quy, thế mà bây giờ thành phố lại dọa đuổi vì bằng tại chức. Bảo hiểm xã hội đã đóng được vài năm, rồi chúng tôi biết làm gì để sống", chị Hoa than thở.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục Nam Định cho biết, về việc hơn 30 giáo viên có thể mất việc ông đã nắm được. Tuy nhiên, hệ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được tỉnh phân cấp cho các huyện, nên việc điều động, đề bạt, luân chuyển cán bộ là do cấp huyện quản lý.
Trước đó, trong đợt thi công chức diễn ra vào ngày 16-17/10, tỉnh Nam Định đã loại những người tốt nghiệp trường dân lập ra khỏi danh sách được dự thi. Ông Trần Tất Tiệp, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh cho hay, ở những vị trí này cần tuyển người giỏi, còn những người học dân lập chưa tạo được lòng tin.
Hoàng Thùy
Theo vnexpress
Tuyển sinh ĐH-CĐ 2012: Vẫn thi "3 chung" "Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2012 cơ bản giữ ổn định theo phương pháp "ba chung" nhưng sẽ có điều chỉnh, bổ sung". Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga trong Hội nghị sơ kết 1,5 năm thực hiện Chỉ thị số 296/CT-TTG của Thủ tướng và tổng kết năm học...