Nguy cơ leo thang căng thẳng khi các nhóm thân Iran ở Iraq liên tục tấn công Israel
Các nhóm vũ trang người Hồi giáo dòng Shi’ite thân Iran ở Iraq đã tăng cường các cuộc tấn công bằng rocket và tên lửa vào Israel trong những tuần gần đây, làm dấy lên mối lo ngại về khả năng Israel trả đũa và leo thang trong khu vực nếu gây ra đổ máu.
Gia tăng các vụ tấn công Israel
Các tay súng của nhóm vũ trang Ketaeb Hezbollah tại Baghdad, Iraq. Ảnh: AFP/TTXVN
Trang japantimes.com dẫn nguồn tin phương Tây cho biết, mặc dù các cuộc tấn công thường ở cách xa hàng trăm km và không gây ra mức độ đe dọa tương tự đối với Israel như các cuộc tấn công trực tiếp của Hamas và Hezbollah, nhưng các cuộc tấn công đã gia tăng về số lượng và mức độ phức tạp.
Theo các quan chức Mỹ và quân đội Israel, ít nhất hai tên lửa đã rơi trúng mục tiêu và nhiều chiếc đã bị lực lượng phòng thủ của Mỹ và Israel bắn hạ.
Từ tháng 5, các nhóm ở Iraq đã thường xuyên dùng nhiều loại vũ khí mới như tên lửa hành trình và khiến lực lượng phòng không khó đối phó hơn.
Ông Mike Knights, một thành viên tại Viện Chính sách Cận Đông (Mỹ), nhận định: “Nhìn chung, cường độ và loại hệ thống vũ khí được sử dụng đã tăng mạnh mẽ, làm phức tạp thêm nhiệm vụ của Israel và làm tăng chi phí đối phó”.
Các nguồn tin nhận định rằng, các cuộc tấn công của các phe phái ở Iraq, trong đó có Kataib Hezbollah và Nujaba, là nguyên nhân khiến Mỹ ngày càng lo ngại. Các cuộc tấn công này cũng khiến một số người ở Iran và nhóm Hezbollah ở Liban cảm thất bất an. Từ trước tới nay, Hezbollah luôn tính toán cẩn thận để các cuộc xung đột với Israel không biến thành xung đột toàn khu vực.
Một nhân vật cấp cao của các nhóm thân Iran bên ngoài Iraq nói: “Các cuộc tấn công từ Iraq có thể khiến họ tham gia vào một việc mà hiện tại họ không muốn”. Iran và Hezbollah trước đây đã phải chật vật để kiềm chế các phe phái ở Iraq.
Trong khi đó, theo Hussein al-Mousawi, người phát ngôn của Nujaba (một trong những phe phái Shi’ite vũ trang chính ở Iraq tham gia tấn công Israel), các cuộc tấn công là bước phát triển tự nhiên về vai trò của các nhóm ở Iraq và nhằm mục đích tăng chi phí chiến tranh cho Israel. Các nhóm này có ý định tấn công từ bất cứ đâu, miễn là cần thiết. Ông Mousawi nói rằng các nhóm thân Iran không bị ràng buộc bởi thời gian hoặc không gian, cũng không sợ hậu quả.
Video đang HOT
Trong khi đó, chính phủ Iraq muốn cân bằng quan hệ cẩn thận với các nhóm vũ trang nói trên, Mỹ và Iran, không chính thức chấp thuận các cuộc tấn công nhưng không thể hoặc không muốn ngăn chặn.
Iraq không công nhận Israel và có một luật năm 2022 trừng phạt những người tìm cách bình thường hóa quan hệ với Isael bằng án tử hình hoặc chung thân. Trong khi đó, Israel coi Iraq là hành lang chính để vận chuyển vũ khí từ Iran đến các nhóm vũ trang khác như Hezbollah.
Các nhóm vũ trang thân Iran ở Iraq hình thành từ thời cuộc chiến chống quân đội Mỹ ở Iraq sau khi lật đổ nhà lãnh đạo Saddam Hussein năm 2003. Kể từ đó, các nhóm này đã mở rộng phạm vi hoạt động trong khu vực.
Gia tăng nguy cơ
Theo ông Knights, các nhóm Iraq phát động cuộc tấn công Israel từ các khu vực phía Nam Baghdad và khu vực biên giới Iraq – Syria. Để đi từ Iraq tới Israel, tên lửa phải bay qua Syria, Jordan hoặc Saudi Arabia.
Một nhân vật cấp cao trong các nhóm thân Iran ở ngoài Iraq cho biết, mặc dù Iran rất mong muốn các phe phái ở Iraq đóng góp vào cuộc chiến khu vực chống Israel, nhưng xu hướng tính toán sai lầm của các nhóm này là nguyên nhân thường xuyên gây lo ngại.
Ông này cho biết các nhóm Iraq đã vô tình gây ra tình hình leo thang nghiêm trọng trong khu vực vào tháng 1, khi họ giết chết 3 lính Mỹ trong một cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái vào một tiền đồn của Mỹ ở Jordan.
Cuộc tấn công đó đã vượt qua nhiều ranh giới đỏ của Mỹ và khu vực khi tấn công một quốc gia Arab láng giềng và giết chết người Mỹ, dẫn đến Mỹ trả đũa bằng chiến dịch không kích ở Iraq và Syria.
Lực lượng Mỹ đã thực hiện các vụ không kích nhằm vào 3 cơ sở của nhóm vũ trang Ketaeb Hezbollah và các nhóm khác ở Iraq. Ảnh: TTXVN phát
Nguy cơ leo thang nghiêm trọng đến mức chỉ huy Lực lượng Quds của Iran đã tới Baghdad để yêu cầu các phe phái giảm bớt các cuộc tấn công vào Mỹ.
Các cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ đã dừng lại. Có một thời gian tạm lắng ngắn ngủi và sau đó, các nhóm này chuyển chú ý sang Israel.
Theo một quan chức cấp cao Iran, thay đổi trọng tâm này là một phần trong kế hoạch nhằm tiếp tục gây áp lực lên Israel trong cuộc chiến ở Gaza.
Một quan chức quốc phòng Mỹ thì nhận định rằng các cuộc tấn công vào Israel gây nguy hiểm cho sự ổn định của Iraq và khu vực vì làm tăng nguy cơ hành động quân sự từ Mỹ cũng như Israel.
Quan chức này cho biết: “Quân đội Mỹ sẽ không ngần ngại hành động để bảo vệ lực lượng Mỹ và hỗ trợ phòng thủ cho các đồng minh”.
Sau khi Hamas phát động cuộc tấn công Israel vào ngày 7/10/2023 và gây ra cuộc chiến ở Gaza, các phe phái vũ trang ở Iraq đã cam kết thực hiện các cuộc tấn công để thể hiện tình đoàn kết với người Palestine.
Ban đầu, họ tấn công chủ yếu vào lực lượng Mỹ đóng tại Iraq và Syria. Nhưng vào ngày 2/11/2023, họ tuyên bố tấn công lần đầu tiên vào Israel.
Một số cuộc tấn công khác vào Israel diễn ra trong vài tháng sau đó, trong đó có bốn cuộc tấn công vào tháng 2.
Số vụ tấn công đã tăng lên 17 vụ vào tháng 3 và lại tăng gấp đôi vào tháng 5, trung bình hơn một vụ mỗi ngày.
Các cuộc tấn công thường đi kèm với video đăng trên mạng xã hội với mục đích cho thấy các quả đạn được bắn từ các địa điểm sa mạc xa xôi ở Iraq.
Chính quyền Israel đã xác nhận ít nhất hai cuộc tấn công nhằm vào thành phố ven biển Eilat mà truyền thông Israel cho rằng xuất phát từ Iraq. Một cuộc tấn công xảy ra ở một trường học vào tháng 11/2023 và một cuộc tấn công nhằm vào căn cứ hải quân hồi tháng 4. Ngoài ra, quân đội Israel đã công bố nhiều vụ đánh chặn đạn pháo đến từ Iraq.
Ông Amos Yadlin, một tướng không quân Israel đã nghỉ hưu, cho rằng mức độ đe dọa mà các cuộc tấn công từ Iraq gây ra cho Israel là không bằng so với Hezbollah hoặc Houthi.
Các tên lửa được bắn từ Iraq đã bị lực lượng Mỹ hoạt động từ nhiều địa điểm khác nhau ở Trung Đông đánh chặn trong khuôn khổ cam kết bảo vệ Israel và an ninh khu vực.
Một quan chức Mỹ nói: “Tần suất của những hành động này đã tăng lên để đối phó với số lượng mối đe dọa ngày càng tăng”.
Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo nguy cơ lan rộng xung đột ở Trung Đông
Ngày 14/4, Tổng thống Iraq Abdel Latif Rashid đã kêu gọi giảm căng thẳng ở Trung Đông sau cuộc tấn công chưa từng có của Iran vào Israel, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn xung đột lan rộng.
Hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt) của Israel được kích hoạt tại Jerusalem để đánh chặn máy bay không người lái (UAV) và tên lửa từ Iran tối 13/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, trong tuyên bố, ông Rashid cho rằng cần phải giải quyết cuộc xung đột ở Dải Gaza và tìm giải pháp cho vấn đề Palestine, vì đây là yếu tố cơ bản cho sự ổn định của khu vực.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran Hossein Amirabdollahian, trong đó ông Fidan nhấn mạnh Ankara không muốn căng thẳng leo thang hơn nữa trong khu vực.
Về phần mình, Ngoại trưởng Iran cho hay chiến dịch tấn công đáp trả của nước này nhằm vào Israel đã kết thúc, đồng thời khẳng định Tehran sẽ không phát động chiến dịch mới trừ phi bị tấn công.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản tối 14/4 đã phát đi thông báo khuyến cáo công dân nước này không nên đến Iran. Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng đã kêu gọi công dân nước này đang ở Iran cân nhắc rời đi khi các chuyến bay thương mại vẫn còn hoạt động. Công dân Nhật Bản ở Iran cũng được khuyến nghị cập nhật thông tin từ nhiều nguồn khác nhau và chú ý đảm bảo an toàn cho bản thân.
Theo hãng tin Kyodo, tính đến cuối ngày 14/4 vẫn chưa ghi nhận có thông tin nào về việc có công dân Nhật Bản bị thương vong trong vụ tấn công của Iran vào Israel đêm 13/4.
Cũng trong ngày 14/4, Đại sứ quán Pháp tại Tehran khuyến cáo công dân nước này nên tạm thời rời khỏi Iran do căng thẳng trong khu vực tăng cao. Tuyên bố của Đại sứ quán Pháp tại Tehran nêu rõ: "Công dân Pháp ở Iran hãy tạm thời rời khỏi đất nước này".
Trong khi đó, Chính phủ Hà Lan khuyến cáo công dân không đến Israel do tình hình an ninh bất ổn sau vụ tấn công của Iran.
Căng thẳng Trung Đông lan đến eo biển Hormuz Iran dọa phong tỏa eo biển Hormuz và trả đũa các động thái của Israel trong khu vực, trong khi Israel đưa ra tuyên bố cứng rắn. Eo biển chiến lược Tư lệnh hải quân Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Alireza Tangsiri mới đây tuyên bố Iran có thể phong tỏa eo biển Hormuz nếu cần, đồng thời...