Nguy cơ lây lan dịch sởi ở phía nam
Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM là 3 tỉnh có số ca mắc sởi tương đối cao từ tháng 8 trở lại đây. Trong khi đó, nhiều trẻ mắc sởi từ các tỉnh lân cận tiếp tục chuyển về TP.HCM điều trị.
Bệnh nhi mắc bệnh sởi đang điều trị tại Khoa Nhiệt đới BV Nhi đồng Đồng Nai – LÊ LÂM
60% ca sởi ở Đồng Nai chưa tiêm ngừa
Ghi nhận của PV Thanh Niên tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng Đồng Nai cho thấy hơn một tháng nay tại khoa nhiệt đới luôn có trên 10 bệnh nhi mắc bệnh sởi phải nằm điều trị thường xuyên.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Nhiệt đới, cho hay từ đầu năm 2018 đến tháng 8 chỉ vài ca nhưng từ tháng 8 trở lại đây số lượng tăng đột biến, tại khoa luôn có 13 – 14 ca phải nằm điều trị. Trong đó, 4 ca bị biến chứng phải chuyển qua khoa hồi sức tích cực chống độc để điều trị.
Bác sĩ Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai, cho biết thống kê từ đầu năm 2018 đến nay toàn tỉnh có 125 ca mắc sởi, trong đó từ tháng 8 đến nay là 100 ca; tập trung ở H. Nhơn Trạch (55 ca), TP.Biên Hòa (28), H.Long Thành (15 ca), H.Trảng Bom (10 ca), còn lại rải rác ở các địa phương khác. Trong số 125 ca bệnh sởi, có đến 60% chưa tiêm chủng vắc xin; 20% chưa đến tuổi tiêm chủng (dưới 9 tháng tuổi), 8% đã được tiêm…
“Những nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, dân nhập cư đông, nhiều bậc cha mẹ chưa quan tâm đến việc tiêm chủng cho con, cộng với việc quản lý dân cư chưa tốt nên đã để sót những trường hợp không được tiêm vắc xin ngừa sởi”, bác sĩ Bình nói.
Về lý do có trường hợp mặc dù đã tiêm vắc xin nhưng vẫn mắc sởi, bác sĩ Bình cho rằng do thao tác người tiêm chưa đúng cách, vắc xin bảo quản chưa đúng chuẩn và do cơ địa của trẻ.
Video đang HOT
Nguy cơ lây nhiễm từ bệnh viện
Ghi nhận của PV tại BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho thấy khoa nhiễm của BV hiện có 26 ca sởi điều trị nội trú (cùng kỳ 2017 không có ca nào), trong đó có 6 ca từ Đồng Nai chuyển tới. Từ đầu tháng 8 đến nay, tại BV có 74 ca sởi xuất viện, bao gồm 27 ca khai địa chỉ lưu trú tại Đồng Nai. Đa số trẻ nhập viện đều chưa tiêm ngừa, chưa đến tuổi tiêm.
Còn tại Khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), từ giữa tháng 8 đến nay tiếp nhận trên 30 trẻ bị sởi, đa số là trẻ ở các tỉnh đưa về chưa được tiêm ngừa sởi và dưới 9 tháng tuổi. Có trường hợp gia đình 3 người bị sởi. Hiện trong khoa nhiễm còn 4 trẻ điều trị.
Trước tình hình bệnh sởi các tỉnh đổ về TP.HCM điều trị và có nguy cơ lây lan cho bệnh nhân ở TP, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết thời điểm này bệnh sởi là mối quan tâm đặc biệt, hiện TP cũng đã có 8 ca bệnh sởi. “Các BV thực hiện nghiêm túc phòng chống nhiễm khuẩn nhằm tránh lây lan cho bệnh nhân khác và Sở Y tế sẽ đi kiểm tra. Điểm nguy cơ lây nhiễm sởi lớn nhất hiện nay là các BV”, ông Hưng nói, đồng thời mong muốn người dân đưa con em đi tiêm ngừa sởi vì đây là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả nhất trong phòng chống bệnh sởi.
Về biện pháp phòng chống lây lan, thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Minh Thu, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Nhi đồng 2, cho biết tại BV bệnh nhân khám ngoại trú nếu phát hiện phát ban sẽ cho di chuyển đường riêng vào phòng riêng, bác sĩ khoa nhiễm sẽ lọc lại và quyết định ca nào phải điều trị nội trú, đồng thời hướng dẫn cách tránh lây lan ra xung quanh. Với bệnh nhân nội trú ở bất kỳ khoa nào nếu thấy dấu hiệu phát ban cũng sẽ được chuyển vào phòng riêng của khoa đó để xác định, có biện pháp điều trị phù hợp.
Phòng chống dịch tại địa phương
TS-BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, lưu ý sởi lây qua đường hô hấp và có tốc độ lây nhiễm rất nhanh, đặc biệt ở những vùng có tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt như mong muốn; di biến động dân cư cao; giao lưu đi lại nhiều, như ở các tỉnh miền Đông Nam bộ, nơi có nhiều người lao động đến từ khắp nơi trong và ngoài nước.
Viện Pasteur cũng lưu ý hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại khu vực phía nam ghi nhận có sự gia tăng bệnh sốt phát ban, sởi trong tháng 8 – 9 năm nay. Tại khu vực phía nam, so với cùng kỳ năm 2017, mặc dù ghi nhận số ca sốt phát ban nghi sởi, rubella chỉ tăng 1,46% nhưng số ca mắc sởi tăng rất cao. Số ca mắc tập trung chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi, phần lớn tập trung tại Đồng Nai, TP.HCM và Bình Dương, đặc biệt là Đồng Nai. Dữ liệu giám sát hiện nay cho thấy vi rút sởi đang tồn tại trong cộng đồng và có nguy cơ cao tiếp tục lây lan nếu không áp dụng đầy đủ và hiệu quả các biện pháp kiểm soát lây lan bệnh.
“Từ đầu tháng 9.2018, Viện Pasteur TP.HCM đã thành lập đoàn giám sát, kiểm tra, trực tiếp làm việc với Sở Y tế Đồng Nai về tình hình bệnh sốt phát ban nghi sởi, sởi trên địa bàn. Cán bộ của Viện trực tiếp giám sát và điều tra, phân tích dữ liệu, đánh giá tình hình và hỗ trợ kỹ thuật cho địa phương trong các hoạt động phòng chống”, TS-BS Thượng nói và cho biết các biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn hiện bao gồm giám sát, phát hiện sớm ca bệnh; áp dụng triệt để các biện pháp phòng chống dịch như cách ly ca bệnh, vệ sinh khử trùng để ngăn ngừa dịch lây lan rộng; rà soát, tiêm bổ sung đủ mũi vắc xin sởi cho các đối tượng chưa tiêm hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng; tổ chức tiêm phòng sởi cho cán bộ y tế có tiếp xúc với bệnh nhiễm, sởi; truyền thông cộng đồng phòng chống bệnh sởi…
30/30 quận, huyện của Hà Nội ghi nhận bệnh nhân mắc sởi
Theo Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 17 – 23.9) trên địa bàn thành phố ghi nhận 12 trường hợp mắc sởi. Lũy tích năm đến nay có 389 trường hợp mắc. Bệnh nhân mắc sởi phân bố rải rác tại 215 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã.
Liên Châu
Cách phòng ngừa trong dân
Viện Pasteur TP.HCM khuyến cáo người dân cần chủ động phòng bệnh bằng cách tăng cường vệ sinh cá nhân, môi trường sống. Khi phát hiện các dấu hiệu bệnh sốt và phát ban, cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị và tự cách ly kịp thời. Bên cạnh đó, trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng cần được đưa đến cơ sở y tế để được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch; đối với người lớn, kể cả nhân viên y tế, chưa tiêm ngừa vắc xin sởi hoặc chưa rõ tiền sử tiêm ngừa nên chủ động đi tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh sởi để phòng ngừa cho bản thân và những người xung quanh, đặc biệt cho trẻ em và bệnh nhân.
Theo thanhnien.vn
Say trà có nguy hiểm không, xử lý ra sao?
Tôi nhiều lần bị chóng mặt, muốn ngất, vã mồ hôi, buồn nôn... Nhớ lại những gì ăn uống trước đó, tôi nghi là bị say trà.
Bạn đọc Nguyễn Diệu An (40 tuổi; quận 3, TP HCM) hỏi: Vừa qua vì lý do công việc, tôi đi lại giữa TP HCM và Hà Nội nhiều lần và tôi để ý mỗi lần ra Bắc, tôi hay có những đợt bị các triệu chứng như chóng mặt, muốn ngất, vã mồ hôi, tay lạnh, mệt, buồn nôn...Ban đầu tôi nghĩ do làm việc quá sức hay không quen khí hậu, thực phẩm nhưng xem kỹ lại thì hình như tôi bị sau mỗi lần được mời trà, vì người ở đây có thói quen đó, trà Bắc lại đậm và tôi thích vị đó nên uống khá nhiều, trong khi trước giờ tôi ít khi uống. Bạn tôi bảo có thể tôi bị say trà . Xin hỏi đó có phải là triệu chứng say trà? Tôi nên giải quyết thế nào mỗi lần bị vậy, vì có lần tôi đã suýt ngã xe, tôi rất sợ...
Lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM, trả lời:
Trong trà có 3 chất có thể khiến bạn "say": catechin, theanine và caffein. Đây là các chất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên, một số người do cơ địa lại "không hạp" với 1 trong 3 chất, thậm chí có thể cả 3.
Các biểu hiện bạn mô tả, cộng với việc bạn gặp các triệu chứng đó sau khi uống trà cho thấy bạn quả thật bị say trà. Một số biểu hiện của say trà khá giống say cà phê: buồn nôn, chóng mặt, bồn chồn, tay chân run, vã mồ hôi lạnh... Tuy nhiên, người say trà thường kèm theo hạ đường huyết khá nặng, nên bạn cảm thấy muốn ngất.
Khi bị say trà, bạn cần nghỉ ngơi, uống bù nước, xoa ấm bàn tay, bàn chân, day ấn các huyệt Thái dương (hai bên thái dương), Ấn đường (giữa trán), Bách hội (đỉnh đầu), Phong trì (hõm 2 bên gáy), sẽ bớt khó chịu. Ngoài ra, có thể pha nước gồm 3 món chanh, gừng, đường để ổn định nhịp tim; ăn kẹo, mứt, bánh để khắc phục tình trạng hạ đường huyết.
Tôi nhấn mạnh là nên nghỉ ngơi, đừng chạy xe hay cố gắng làm việc vì cơn say trà sẽ lâu khỏi và bạn có nguy cơ bị ngất do hạ đường huyết,
Bạn nên chú ý những lần sau nếu có uống trà thì không nên uống quá đậm và quá nhiều nữa. Ít ai say trà đến mức không uống được, nhưng uống đậm, nhiều thì dễ say, nhất là những người trước đây ít khi uống trà như bạn.
Hãy đặc biệt cẩn thận nếu như bạn có bệnh tim mạch, ví dụ như bệnh về huyết áp vì cơn say trà có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Trường hợp này, bạn nên trực tiếp đi khám.
Anh Thư
Theo Người lao động
Ăn mì tôm có bị nóng trong người? Ăn mì tôm nóng, nổi mụn... đó là rất nhiều lời nhận xét của người tiêu dùng "đổ tội" cho mì tôm. Thực tế, theo các chuyên gia dinh dưỡng, bất cứ thực phẩm nào nếu ăn không đúng cách đều gây nóng trong người chứ không riêng gì mì ăn liền. Nóng trong người do đâu? Chị Hoàng Thị Minh - 23...