Nguy cơ đông máu sau nhiễm COVID-19 lớn hơn nhiều so với sau khi tiêm chủng
Phân tích trên 29 triệu người cho thấy nguy cơ hình thành cục máu đông do nhiễm virus SARS-CoV-2 cao hơn nhiều so với sau khi tiêm chủng.
Theo một nghiên cứu lớn do Đại học Oxford dẫn đầu, nguy cơ hình thành cục máu đông nguy hiểm sau khi mắc COVID-19 cao hơn nhiều so với nguy cơ của vaccine AstraZeneca và Pfizer.
Cuộc phân tích sâu rộng đã sử dụng dữ liệu từ hơn 29 triệu người ở Anh để so sánh nguy cơ đông máu do vaccine và do nhiễm virus SARS-CoV-2.
Bà Julia Hippisley-Cox, giáo sư dịch tễ học lâm sàng và thực hành tổng quát tại Đại học Oxford, tác giả chính của nghiên cứu, nói: “Mọi người nên nhận thức được những nguy cơ gia tăng này sau khi tiêm chủng ngừa COVID-19 và tìm kiếm sự chăm sóc y tế kịp thời nếu xuất hiện các triệu chứng, nhưng cũng cần lưu ý rủi ro cao hơn đáng kể và trong thời gian dài hơn nếu bị nhiễm virus SARS-CoV-2″.
Video đang HOT
Các phát hiện dựa trên dữ liệu từ hồ sơ sức khỏe điện tử được thu thập từ ngày 1/12/2020 đến ngày 24/4/2021. Ngoài giảm tiểu cầu (một tình trạng đặc trưng bởi số lượng tiểu cầu thấp) và đông máu, các nhà nghiên cứu cũng xem xét một số nguy cơ khác, bao gồm huyết khối xoang tĩnh mạch não CVST (cục máu đông hình thành tại các xoang tĩnh mạch não) và đột quỵ do thiếu máu cục bộ (máu đông hoặc tắc nghẽn cắt đứt nguồn cung cấp máu cho não).
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu nhận thấy nguy cơ tăng tiểu cầu, cục máu đông trong tĩnh mạch và các cục máu đông hiếm gặp khác sau khi tiêm liều đầu tiên của vaccine Oxford/AstraZeneca. Sau liều đầu tiên của vaccine Pfizer/BioNTech, nguy cơ đông máu trong động mạch và đột quỵ do thiếu máu cục bộ cao hơn.
Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy cứ 10 triệu người thì sẽ có thêm 934 trường hợp giảm tiểu cầu sau khi nhiễm COVID-19, trong khi có 107 trường hợp sau mũi tiêm vaccine AstraZeneca đầu tiên. Đối với đột quỵ do thiếu máu cục bộ, ước tính sẽ có hơn 1.699 trường hợp trong 10 triệu người sau khi bị nhiễm virus, trong khi chỉ có hơn 143 trường hợp sau mũi tiêm vaccine Pfizer đầu tiên.
Mọi người có thể phát triển các tình trạng này ngay cả khi không mắc COVID-19 hoặc tiêm chủng. Những rủi ro được mô tả trong nghiên cứu là những rủi ro bổ sung do vaccine hoặc nhiễm virus gây ra. Các nhà nghiên cứu đã cảnh báo điều này trên Tạp chí Y khoa Anh.
Giáo sư Carol Coupland, nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Oxford và là giáo sư thống kê y tế về chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Đại học Nottingham cho biết, nguy cơ đột quỵ khi tiêm vaccine Pfizer đã tăng lên trong 15 – 21 ngày sau liều đầu tiên. Trong trường hợp giảm tiểu cầu sau khi tiêm vaccine AstraZeneca, nguy cơ đó cao hơn trong 8 – 14 ngày. Trong khi đó, tình trạng này thường kéo dài trong suốt 28 ngày sau khi nhiễm COVID-19.
Như vậy, nguy cơ xảy ra các biến cố bất lợi sau khi tiêm liều đầu tiên của một trong hai loại vaccine này về cơ bản thấp hơn nhiều và không kéo dài như sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2.
Cần Thơ: Hành trình một tháng cứu thai phụ mắc Covid-19 bằng kỹ thuật ECMO
Thông tin từ BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ của bệnh viện này vừa điều trị thành công thai phụ mắc Covid-19 nguy kịch bằng kỹ thuật ECMO.
Bệnh nhân đã cai ECMO và ngưng thở máy thành công và đã âm tính lần 3 với SARS-CoV-2.
Trước đó sản phụ V. T. A. T (33 tuổi) quê ở Đồng Tháp được tuyến trước chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯ) Cần Thơ ngày 22/7/2021 với chẩn đoán, nhiễm SARS-CoV2 mức độ nặng/sốc nhiễm khuẩn/viêm phổi nặng/thai 22 tuần. Bệnh nhân mang thai lần 3.
Sau 6 ngày điều trị tại bệnh viện tuyến trước, bệnh nhân có diễn tiến suy hô hấp ngày càng nặng, huyết áp tụt phải can thiệp đặt nội khí quản, thở máy, sử dụng vận mạch sau đó chuyển Trung tâm Hồi sức tích cực quốc gia BVĐKTƯ Cần Thơ điều trị.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, tụt huyết áp, thở máy thông số cao, sốt cao liên tục. Chẩn đoán, sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan, viêm phổi nặng do SARS-CoV-2. Bệnh nhân được hồi sức tích cực, sử dụng thuốc an thần liều cao, lọc máu ...tuy nhiên tình trạng suy hô hấp vẫn tiến triển rất nặng.
Ê-kíp tiến hành hội chẩn trực tuyến với chuyên gia Hồi sức tích cực Bệnh viện Chợ Rẫy và tiến hành can thiệp ECMO cho bệnh nhân. Với mong muốn có thể cứu sống 2 mẹ con sản phụ, tuy nhiên sản phụ mắc Covid-19 thể nặng ảnh hưởng nặng đến chức năng hô hấp nên sau khi hội chẩn nhiều chuyên khoa và chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy các bác sĩ quyết định chấm dứt thai kỳ với sự đồng thuận từ phía gia đình bệnh nhân.
Bác sĩ Phạm Thanh Phong- Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn BVĐKTƯ Cần Thơ cho biết, trong cả quá trình điều trị, bệnh nhân được theo dõi, đánh giá liên tục và sử dụng phối hợp các biện pháp hồi sức tích cực với kỹ thuật ECMO, thở máy bảo vệ phổi, lọc máu hấp phụ , chống đông phòng huyết khối, kháng sinh chống nhiễm khuẩn, dinh dưỡng và tập vật lý trị liệu .
Sau gần một tháng điều trị tích cực, sáng ngày 20/8 chức năng phổi và toàn trạng bệnh nhân dần hồi phục, bệnh nhân cai được ECMO và máy thở, bệnh tỉnh táo, tiếp xúc được với các bác sĩ trong trung tâm. Xét nghiệm Realtime RT-PCR khẳng định virus SARS-CoV-2 âm tính ba lần.
Trước đó vào ngày 24/7 một thai phụ 22 tuổi mang thai 34 tuần, nhiễm Covid-19, suy hô hấp nguy kịch đã được các bác sĩ Trung tâm hồi sức tích cực BVĐKTƯ Cần Thơ cứu sống kỳ diệu nhờ mổ lấy thai kịp thời và kỹ thuật trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO).
Thí sinh là F0 ở TP.HCM: 'Em đã đỗ đại học' Ngọc Huyền cho biết sự lạc quan, niềm tin vào y, bác sĩ và lời động viên của mọi người đã giúp em vượt qua thời kỳ khó khăn nhất trong những ngày điều trị Covid-19. Ngày 7/7, Hà Thị Ngọc Huyền (18 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức), cựu học sinh trường THPT Long Trường, đang làm bài thi tốt nghiệp thì...