Ngưỡng mộ người thầy một tay truyền lửa cho học trò
“Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Vậy nhưng, trong cuộc sống vẫn có những con người dù không có đôi bàn tay lành lặn, nhưng bằng ý chí và nghị lực vẫn vươn lên trong cuộc sống, đạt được những thành công đáng nể. Câu chuyện về thầy giáo trẻ một tay Bùi Hải Định, Trường THPT số 2 Văn Bàn ( Lào Cai) khiến nhiều người xúc động.
Đến mùa xuân năm nay, thầy giáo trẻ Bùi Hải Định đã gắn bó với mảnh đất Lào Cai, với Trường THPT số 2 Văn Bàn tròn 10 năm. Trong suốt hơn 9 năm qua, các thầy, cô giáo và học sinh Trường THPT số 2 Văn Bàn đã quen với hình ảnh một thầy giáo trẻ dáng dong dỏng cao, nét mặt hiền lành và có giọng nói ấm áp. Hình ảnh người thầy giáo dạy môn Địa lý ngày ngày lên lớp với một cánh tay càng để lại nhiều ấn tượng hơn. Nhất là khi mỗi giờ giảng bài của anh luôn có nét riêng hấp dẫn và lôi cuốn học sinh một cách kỳ lạ.
Thầy giáo Bùi Hải Định bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Địa lý của trường
Tuy mới 31 tuổi nhưng thầy giáo Bùi Hải Định là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh duy nhất của trường, cũng là giáo viên trẻ mới được Sở Giáo dục và Đào tạo chọn vào tổ giáo viên cốt cán môn Địa lý của tỉnh. Ngoài giảng dạy môn Địa lý, trong những năm qua, thầy Định còn làm giáo viên chủ nhiệm, Phó Chủ tịch công đoàn kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra của trường. Khối lượng công việc nhiều, vậy mà nhiệm vụ nào thầy cũng hoàn thành và hoàn thành xuất sắc. Cuối năm 2017, thầy giáo Bùi Hải Định tham gia cuộc thi tìm hiểu về đất nước, con người Hàn Quốc, trở thành một trong 8 người của cả nước vinh dự được sang thăm xứ sở kim chi trong 1 tuần.
Một giáo viên bình thường có đủ hai tay phấn đấu dạy giỏi đã khó, lại thêm chừng ấy công việc, với người chỉ còn một cánh tay sao có thể đảm đương? Điều gì đã giúp anh làm được những việc khó tin như thế? Thầy Định mỉm cười: “Những lúc khó khăn tôi luôn nhớ đến lời Bác Hồ dạy: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”. Người có đủ hai tay làm một việc 10 phút xong, tôi chỉ có một tay thì cố gắng nỗ lực gấp đôi, gấp 3 lần, làm 15 phút không xong thì làm 20 phút sẽ xong. Chỉ cần có ý chí quyết tâm và không bỏ cuộc là làm được”.
Sinh ra và lớn lên trên vùng quê xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, Bùi Hải Định cũng có một tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm như những bạn bè cùng trang lứa. Từ nhỏ, Định đã bị một khối u bẩm sinh bên cánh tay trái, đến năm học lớp 10, khối u phát tác khiến anh trải qua những cơn đau dữ dội. Theo chỉ định của bác sĩ, cậu học trò nhỏ buộc phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ cánh tay bị khối u để giữ tính mạng.
Ngay từ khi học phổ thông, Định đã đam mê môn Địa lý và ao ước một ngày nào đó mình có thể đứng trên bục giảng để giảng cho các em nhỏ về những điều thú vị ở môn học mình yêu thích. Nhưng từ khi mất một cánh tay, có những công việc khiến anh xoay sở thật khó khăn. Đơn giản như việc kẻ một đường thẳng đã khó chứ chưa nói đến việc khác. Sự động viên của gia đình, thầy cô giáo và bạn bè đã giúp Định vững vàng hơn, vượt lên chính mình, quyết tâm theo đuổi đam mê.
Tuy chỉ còn một cánh tay, nhưng thầy giáo Định vẫn ngày ngày lên lớp vì học sinh thân yêu
Bằng ý chí nỗ lực không ngừng, Định không chỉ giành được giải Ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Địa lý năm lớp 12, mà còn thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. 4 năm học đại học, chàng sinh viên Bùi Hải Định chỉ có một cánh tay đã tự lập vươn lên trong cuộc sống và học tập, trở thành tấm gương sáng về nghị lực vượt khó.
Video đang HOT
Trở lại câu chuyện của thầy giáo Bùi Hải Định hôm nay, anh luôn là người “thắp lửa” đam mê, truyền cảm hứng học tập cho học trò nghèo vùng cao Văn Bàn. Vượt qua những cơn đau khi trái gió trở trời, thầy giáo Bùi Hải Định có thể ngồi hàng giờ đọc sách hay một tay soạn giáo án điện tử bằng máy tính khá thành thạo. Đội tuyển học sinh giỏi môn Địa lý do thầy giáo Định bồi dưỡng năm nào cũng có em đoạt giải cấp tỉnh. Tiêu biểu như các em Lê Văn Mạnh, Nguyễn Thị Hạnh, Hoàng Thái Dâng, Nguyễn Thị Hiền… đều đoạt giải Ba cấp tỉnh môn Địa lý.
Tôi hỏi về mơ ước và kế hoạch trong tương lai, thầy giáo Bùi Hải Định nhìn tôi mỉm cười: Giờ đây tôi được làm công việc mà mình đam mê, được sống bên những người mình yêu thương, thì chỉ cần cố gắng làm tốt hơn, còn gì phải mơ ước thêm nữa. Cuộc sống chẳng bao giờ hết khó khăn, nhưng chỉ cần có quyết tâm, lạc quan, tin tưởng và cố gắng, thì sẽ vượt qua được tất cả.
“Những bài giảng của thầy Định luôn hấp dẫn, lôi cuốn chúng em. Tại sao mấy năm gần đây ở Võ Lao cứ mưa là lại có lũ? Tại sao 12 giờ mặt trời lên cao nhất nhưng đến 13h nhiệt độ mặt đất mới nóng nhất? Những câu hỏi lý thú cùng những liên hệ thực tế sinh động, gần gũi của thầy giúp chúng em hiểu bài hơn. Thầy Định cũng chính là tấm gương sáng về ý chí, nghị lực vươn lên, tiếp thêm động lực cho chúng em theo đuổi đam mê của mình”, em Phạm Văn Đua, dân tộc Tày, học sinh lớp 11A1 chia sẻ.
Niềm vui bên gia đình nhỏ
Trong cuộc sống, có những câu chuyện về tình yêu và hạnh phúc thật khó tin, cứ ngỡ chỉ có trong truyện cổ tích. Ngày thầy giáo Bùi Hải Định về trường THPT số 2 Văn Bàn công tác cách đây gần chục năm, khu tập thể của trường chỉ là dãy nhà tạm đơn sơ, xập xệ. Những ngày tháng sống cùng nhau ở khu tập thể, trái tim cô giáo trẻ Lê Thị Duyên đến từ thành phố Lào Cai đã rung động trước thầy giáo chỉ có một cánh tay nhưng giàu ý chí, nghị lực, hiền lành, chịu khó.
Họ đã cùng nhau yêu thương, sẻ chia, nắm tay nhau vượt qua bao sóng gió, bỏ qua những định kiến để được ở bên nhau. Định trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho Duyên, còn Duyên bề ngoài là cô gái thành phố mềm yếu, nhưng luôn tin ở sức mạnh của tình yêu có thể vượt qua tất cả. Năm 2012, thầy trò trường THPT số 2 Văn Bàn, gia đình và bạn bè khắp nơi rộn ràng chúc mừng đám cưới của hai thầy cô giáo trẻ.
Thầy giáo Định dạy con học bài trong ngôi nhà nhỏ
Hôm nay, trong ngôi nhà nhỏ của hai vợ chồng thầy giáo Bùi Hải Định đã có thêm hai “thiên thần” là cháu Bùi Lê Chí Dũng (6 tuổi) và cháu Bùi Lê Chí Hiếu (6 tháng tuổi). Từ ngày có con nhỏ, cuộc sống gia đình bận rộn hơn trước. Thương chồng bộn bề việc trường lớp, cô giáo Lê Thị Duyên vừa dạy học, vừa đảm đang vun vén mọi việc gia đình. Thầy giáo Định thì luôn cố gắng giúp đỡ vợ những công việc nhà mà anh có thể. Từ nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo, bế con những lúc vợ bận… một tay anh lo được. Thương hai con vất vả, mẹ Định từ quê cũng lên giúp hai vợ trồng chăm các cháu. Cuộc sống tuy còn khó khăn, nhưng ngôi nhà nhỏ luôn ngập tràn yêu thương và hạnh phúc.
Được biết, năm học 2017 – 2018, lớp 12A1 do thầy Định làm giáo viên chủ nhiệm có 37 học sinh thì có 15 học sinh giỏi, 3 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, 10 học sinh đạt giải trong kỳ thi Violympic tiếng Anh, giải Toán trên mạng cấp tỉnh, 20 học sinh thi đỗ vào các trường đại học, trong đó có nhiều em là học sinh người dân tộc thiểu số, học sinh nghèo vùng cao Văn Bàn.
PHẠM THÀNH NAM (Kiến thức gia đình số 8)
Theo nongnghiep
Giải Nhất HSG quốc gia môn Địa lý: Vượt qua bản thân là thành công lớn nhất
Từ học lực loại khá, Tôn Lương Bảo đặt mục tiêu vào đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG) quốc gia. Vào đội tuyển, Bảo đặt mục tiêu đoạt giải cao để tìm kiếm lợi thế ở cuộc chạy đua 1 suất vào đại học. Chàng trai này vừa xuất sắc đoạt giải Nhất môn Địa lý tại kỳ thi HSG quốc gia năm 2019.
Tôn Lương Bảo (hàng trên, ngoài cùng bên phải) cùng giáo viên bồi dưỡng và các bạn trong đội tuyển dự thi HSG quốc gia môn Địa lý.
Kỳ thi HSG quốc gia năm nay, đội tuyển Địa lý của tỉnh Nghệ An có 10 thí sinh tham dự thì cả 10 em giành được giải thưởng, trong đó có 1 giải Nhất, 4 giải Nhì, 4 giải Ba và 1 giải Khuyến khích. Giải Nhất duy nhất của đoàn thuộc về nam sinh Tôn Lương Bảo (lớp 12C3, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An)
Niềm vui giành giải Nhất môn Địa lý tại kỳ thi HSG quốc gia đến với Tôn Lương Bảo vào những ngày áp Tết khiến cái Tết của Bảo và gia đình thêm ý nghĩa hơn bao giờ hết.
"Làm bài xong, em và các bạn cùng cô giáo chấm điểm bài làm thì được khoảng 16 - 16,5 điểm. Số điểm này em cũng hi vọng đoạt giải cao nhưng khi công bố kết quả, em được 17 điểm, giành giải Nhất. Thực sự là em rất bất ngờ và vui sướng. Vui sướng hơn là em đã vượt qua được chính bản thân mình", Bảo tâm sự.
Những năm cấp 2, theo định hướng của bố mẹ, Bảo có ý định theo đuổi khối A hoặc khối B. Tuy nhiên, năm học lớp 8, Bảo được gọi vào đội tuyển thi HSG môn Địa lý của TP Vinh. Từ chỗ "thi để tăng thêm sự hiểu biết", Bảo bị môn học này cuốn hút. Kết thúc chương trình THCS, Bảo đăng kí thi vào lớp chuyên Địa lý, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và trúng tuyển
Nhiều người nghĩ khối C là học thuộc nhưng Bảo không nghĩ như thế, đặc biệt là đối với môn Địa lý.
Tôn Lương Bảo - chàng trai giành giải Nhất duy nhất của đội tuyển Nghệ An tại kỳ thi HSG quốc gia 2019 với môn Địa lý.
"Đây là môn học thuộc cả tự nhiên lẫn xã hội. Trong đó, có một số kiến thức của Toán, Vật lý, phân tích, đánh giá số liệu một cách khoa học, chính xác. Hơn nữa, môn học này là tính ứng dụng vào thực tiễn rất cao, không chỉ đơn thuần là kiến thức sách vở. Đơn giản như tại sao lại có nắng, có mưa? Tại sao mùa này mưa ít, mùa kia mưa nhiều... Cao hơn nữa là những hiểu biết khá sát từ điều kiện tự nhiên, khí hậu đến đặc điểm kinh tế, xã hội trong nước, quốc tế. Chính vì vậy, càng học, em càng đam mê hơn với môn học này", Bảo chia sẻ.
Vào lớp chuyên Địa lý, Bảo chỉ nằm trong top học sinh khá của lớp. Đầu năm lớp 11, Bảo đặt mục tiêu vào đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia của trường. Vượt qua 2 vòng thi với gần 50 đối thủ của hai khối 11 và 12, Bảo và 9 bạn khác chính thức có 1 suất trong đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi. Cũng trong năm lớp 11, Tôn Lương Bảo giành được giải Nhất môn Địa lý tại kỳ thi HSG tỉnh Nghệ An.
Lọt vào đội tuyển dự thi HSG quốc gia, Bảo có chưa đầy 4 tháng để ôn tập. Trong thời gian này, toàn bộ thời gian sẽ được đồn cho việc ôn tập, mở rộng kiến thức của môn học. Nếu đạt giải thì ngoài thành tích cá nhân, niềm tự hào của bố mẹ, nhà trường thì còn có cả quyền lợi khi xét tuyển vào đại học. Nhưng nếu không đạt như kỳ vọng, sẽ có rất ít thời gian để ôn thi vào đại học.
Bởi vậy, không chỉ Bảo mà các thành viên khác của đội tuyển đều phải cố gắng, nỗ lực bằng 200% ý chí của mình. Ngoài việc lắng nghe, ghi chép kiến thức cô giáo giảng trên lớp, chàng trai này còn lập sơ đồ tư duy cho từng vấn đề để giải quyết, trả lời rõ ràng, đầy đủ nhất yêu cầu của mỗi câu hỏi đề ra.
Theo Bảo, Địa lý không phải là môn học thuộc mà là môn học đòi hỏi những kiến thức về cả tự nhiên và xã hội, là môn học có tính ứng dụng thực tiễn cao chứ không đơn thuần là kiến thức sách vở.
"Điểm mới của đề thi HSG quốc gia môn Địa lý là câu hỏi phân tích đặc điểm địa hình, khí hậu, thủy văn, đất, sinh vật... các vùng biên giới Việt - Trung. Đây là câu hỏi mà 3-4 năm trở lại đây không được đưa vào đề thi HSG quốc gia. Câu hỏi không khó nhưng lại dễ đánh mất điểm nếu không có sự phân tích, tổng hợp, khái quát một cách đầy đủ, hệ thống", Tôn Lương Bảo cho biết.
Cô Lê Thị Kim Ngân - giáo viên chủ nhiệm lớp 12C3, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, người theo sát Tôn Lương Bảo trong suốt 3 năm và cũng là giáo viên bồi dưỡng chính của đội tuyển Địa lý đánh giá: Bảo là một học sinh ngoan, có tố chất và đam mê đối với môn Địa lý. Bảo có tinh thần cầu thị cao, các điểm yếu được giáo viên chỉ ra đều được em lắng nghe và khắc phục. Đức tính nổi trội thứ hai của Bảo là tinh thần chịu khó, ý thức tự học cao và không ngừng hoàn thiện bản thân. Sự tiến bộ của em được thể hiện từng ngày, các bài kiểm tra, thi thử đều cho thấy sự chỉn chu trong làm bài.
Với việc Tôn Lương Bảo giành giải Nhất HSG môn Địa lý, cô Ngân cũng có chút bất ngờ, vượt mong đợi nhưng với giáo viên này, kết quả trên là hoàn toàn xứng đáng với đam mê, khát vọng của Bảo.
Hoàng Lam
Ảnh: NVCC
Theo Dân trí
Nhận diện năng lực trong Chương trình GD phổ thông mới Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông, các tác giả Việt Nam đã tìm cách nhận diện năng lực và xác định cấu trúc của năng lực phục vụ cho việc xây dựng CT GDPT mới. Ảnh minh họa/internet Nhận diện năng lực Từ các nghiên cứu này, có thể thấy rằng, năng lực bộc...