Người Việt và chuyện đọc sách:Nhu cầu có nhưng cơ hội thì ít
Nhiều bạn trẻ tìm đến sách một cách tự thân, khi thấy có nhu cầu mới đọc. Trong khi đó thói quen này cần được hình thành càng sớm càng tốt.
Đó là ý kiến của chị Huyền Châu, hiện là hướng dẫn viên du lịch tại TPHCM, chị cho biết: “Tôi làm về du lịch, nhu cầu đọc rất nhiều để phục vụ công việc. Tôi tin nhu cầu đọc của giới trẻ hiện nay là có nhưng họ chưa được tạo cơ hội để phát triển điều đó một cách toàn diện. Những ngày cuối tuần tại thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM hay những phiên chợ sách đều rất đông người đến xem sách. Hay ở công viên, mạng xã hội cũng có những nhóm thành viên cùng đọc và chia sẻ thông tin sách hay. Tôi tin rằng họ có nhu cầu đọc thật sự”.
“Tuy nhiên, với học sinh ở thành phố, các em gần như không có cơ hội bởi quá bận rộn với học tập. Những nhóm đọc trên phần lớn là các bạn sinh viên, người đi làm, khi họ có đủ nhận thức là đọc sách cần cho nhu cầu phát triển bản thân. Trong khi đó, việc này cần được hình thành càng sớm càng tốt để nó trở thành thói quen và ngoài kiến thức ra thì nó cũng là người thầy dạy cho chúng ta rất nhiều kỹ năng khác”.
Đọc sách phải được giáo dục để có định hướng đúng
Video đang HOT
Anh Tuấn Anh, phụ huynh của một học sinh tại Gò Vấp cho rằng: “Nhiều phụ huynh khi đưa con đến nhà sách đều chọn mua truyện tranh cho con mà không quan tâm đến các loại sách chữ dành cho thiếu nhi khác. Nhiều thư viện nhà trường, học sinh đến mượn truyện tranh đọc hơn là sách. Người ta cho rằng là thư giãn sau giờ học, vậy tức là hiểu chưa đủ, có khi còn sai về sách chữ.
Không ít những truyện chữ vừa mang tính giáo dục vừa giải trí. Vì vậy, việc đọc cũng cần được giáo dục và định hướng. Cha mẹ phải là người chọn sách cho con, giúp con tìm đến những điều hay. Nhà trường phải giáo dục, định hướng học sinh nên đọc gì, dạy các em cách chọn sách phù hợp với lứa tuổi.
Truyện tranh có nhiều loại, sách cũng có nhiều loại. Định hướng ngay từ đầu thì trẻ sẽ chọn được cái tốt. Chúng ta vẫn đang có những bộ phim bị cấm chiếu, sách bị cấm xuất bản thì làm sao con trẻ đủ hiểu biết để mà tránh cái không hay, chọn cái đúng khi không có sự giáo dục và định hướng!”.
Bỏ qua sách, người Việt đang bước lùi
Đó là khẳng định của anh Hồ Vĩnh Long, từng là du học sinh tại Anh. Anh Long nói: “Trẻ nhỏ đọc sách để học điều hay, biết phân biệt đúng sai, khi đó sách tác động vào nhận thức. Đến khi trưởng thành thì những điều hay đó sẽ trở thành hành động. Và cao hơn nữa, từ kiến thức, nhận thức, con người tìm ra được chính kiến, dám thể hiện cách nhìn nhận của mình về cuộc sống. Đó chính là điểm khác nhau của giáo dục cũng như cách hành xử của người Việt với những người ở một số nước tiên tiến, coi trọng việc đọc sách.
Giáo dục Việt Nam từ xưa đến nay luôn có những khuôn mẫu, ví dụ, một bài văn lúc nào cũng phải được hiểu theo một khung có sẵn. Cách các em học sinh đang nói, trình bày là những lời nói vay mượn, được dạy, nên thậm chí cảm xúc cũng là của người khác.
Điều nguy hiểm hơn là trong xã hội đang dần hình thành 2 nhóm, một nhóm các em được học tập ở môi trường quốc tế, một nhóm học theo trường truyền thống.
Hai nhóm này sẽ dần tách xa nhau khi các trường quốc tế đưa cách giảng dạy coi trọng việc đọc sách, khuyến khích học sinh nêu ý kiến, sẵn sàng tranh luận – vì các em được đọc và có nhiều kiến thức.
Trái ngược hoàn toàn với nhóm học sinh vẫn phải chạy theo áp lực thi cử, học tập. Khi thế hệ này cùng bước ra xã hội thì ai cũng có thể thấy nhóm học sinh được tiếp xúc với sách nhiều hơn sẽ có lợi thế, thậm chí sẽ có thể “làm chủ” mọi lĩnh vực. Ngược lại, nhóm học sinh còn lại sẽ vất vả chạy theo hoặc là đuối sức mãi ở dưới.
Vậy để thấy nếu giáo dục Việt Nam tiếp tục bỏ qua việc đọc sách, hiểu chưa đúng và đủ về việc đọc sách thì chắc chắn chúng ta sẽ mãi bước lùi”.
Phải thay đổi đánh giá trong giáo dục hiện nay
Cô Bùi Thị Thùy, giáo viên Văn Trường THPT Lê Thánh Tôn, cho rằng: “Việc định hướng cho học sinh đọc sách hiện nay trong nhà trường đang còn hạn chế. Đọc sách gần như là điều xa xỉ. Lý do chính của việc này là chương trình dạy hiện nay đang rất nặng và rộng. Nếu chúng ta muốn tăng chiều sâu kiến thức thì phải giảm chiều rộng. Ví dụ, thay vì học nhiều tác phẩm, các em có thể học chuyên sâu những bài đinh, rồi bổ sung kiến thức bằng cách đọc, tìm hiểu về tác giả, những tác phẩm liên quan.
Việc giáo dục không định hướng trong việc chọn và đọc sách khiến các em tìm kiếm và tiếp nhận thông tin tràn lan, chụp giật. Tức là khi nào cần thì lên mạng Internet. Có được thông tin nào thì lấy cái đó mà không xác minh nguồn và độ chính xác, điều này rất nguy hiểm.
Nếu giải pháp đưa ra là có giờ đọc sách thì tôi đang hiểu các em lại có thêm một môn nữa để chạy đua theo áp lực. Đọc sách phải được điều chỉnh từ chính trong phương pháp dạy ở các bộ môn xã hội, thậm chí cả ở các môn tự nhiên đều có nhiều sách hay mà các em có thể tiếp cận. Hiện nay, tôi và nhiều giáo viên khác rất muốn triển khai những phương pháp dạy mới, kích thích sự sáng tạo và nêu ý kiến của các em học sinh. Thế nhưng khi đi thi, các em sẽ gặp vấn đề ở những đáp án chung. Vậy để việc đọc sách đạt được những ý nghĩa, mục đích thực sự của nó thì chúng ta cần phải thay đổi cả những điểm đánh giá trong hệ thống giáo dục hiện nay.
Theo Laodongcom.vn