Người Việt trẻ ham chơi…
Tuổi thanh xuân là lứa tuổi đẹp nhất, nhiều năng lượng và khả năng sáng tạo cao nhất. Tuy nhiên, không ít bạn trẻ đang bỏ phí tuổi trẻ bằng việc ngồi một chỗ và nhìn “thời hoàng kim” của cuộc đời trôi qua với thái độ an phận, lười cống hiến, thụ động và ỷ lại.
Không khó bắt gặp cảnh nhiều người trẻ tụ tập chuyện phiếm, la cà tại các quán xá vỉa hè./Ảnh: Tác giả
Dù chỉ là nói vui, nhưng câu “thanh niên uống trà, người già tập thể dục” đang phản ánh chính xác tình trạng “lười” của không ít bạn trẻ.
Càng trẻ càng lười
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102 triệu đồng/ lao động (tương đương 4.512 USD/ lao động), mức rất thấp so với nhiều nước trong khu vực (chỉ bằng 7% mức năng suất của Singapore, 17,6% của Malaysia, 36,5% của Thái Lan…).
Một đất nước vẫn tự hào với truyền thống “cần cù, chăm chỉ, siêng năng” dường như đang bị bỏ lại trong cuộc đua năng suất. Vậy giới trẻ, lực lượng chính góp phần vào cuộc đua ấy đang làm gì và ở đâu?
Trong 8 tiếng “vàng ngọc” tại các công sở vẫn thấy nhiều công chức trẻ mặc đồng phục cơ quan la cà “chém gió”. Người gác chân thủng thẳng, người thẩn thơ gạt tàn thuốc, nhâm nhi ly cà phê phong thái hệt một người nhàn tản.
Lịch làm việc của những người trẻ này là 8 giờ sáng đến điểm thuyvt danh, chấm vân tay, rồi lần lượt rủ nhau đi ăn sáng, thêm cốc trà đá cà kê đến 10 giờ. Về đến cơ quan lại tiếp tục lướt Facebook, đọc tin tức, sau đó làm việc được 30 phút, họ “đành” phải đi ăn trưa.
Giờ tan tầm, dạo quanh một vòng các con phố ở Hà Nội là có thể trả lời câu hỏi: Vì sao mà các quán bia, quán rượu ầm ầm mọc lên mà vẫn “sống khỏe”? Đủ các loại quán, hạng sang có, bình dân vỉa hè cũng có, quán nào cũng đông nghịt.
Giật mình với những con số thống kê
Không những lười làm việc, giới trẻ hiện nay còn lười vận động. Trong một nghiên cứu quốc tế đăng tải trên tạp chí y khoa The Lancet (Anh), Việt Nam bị xếp vào nhóm lười vận động nhất thế giới, khi chỉ hơn 15% người tập thể dục trên 30 phút mỗi ngày.
Cuộc sống đang “trang bị” cho họ không thiếu thứ gì thế nên từ nhà ra ngõ là đi xe máy, đi từ tầng 1 lên tầng 2 cũng chọn thang máy, cần mua thứ gì ghếch chân lên ghế gọi “shipper”… Đến các công viên, hoặc nơi hoạt động thể thao ngoài trời sẽ thấy một nghịch cảnh là các cụ già tập thể dục nhiều hơn các thanh niên.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, hiện nay hơn 55% trong số 1,1 triệu người thất nghiệp ở Việt Nam nằm trong độ tuổi 15 – 24. Tỷ lệ giới trẻ thất nghiệp ngày càng cao, chiếm 7,8% so với tỷ lệ thất nghiệp chung là 2%. Những con số này phần nào cho thấy, cuộc chiến khó khăn mà giới trẻ đang đối mặt trong việc tìm kiếm việc làm phù hợp với trình độ và khả năng.
Và đáng lẽ họ cần phải năng động hơn, thế nhưng đa số bạn trẻ chọn cách nằm nhà chờ việc chứ không chấp nhận việc “hạ thấp” mình để làm một công việc “kém sang” hơn như: Tập sự cho một công ty, học việc tại các tập đoàn, thử việc không lương để trải nghiệm và thu về những kinh nghiệm quý giá.
Nhiều nhà tuyển dụng chia sẻ: “Rất khó khăn trong việc tuyển dụng những vị trí lao động phổ thông hay công việc thiên về phục vụ. Khi làm công tác tuyển dụng cho một công ty chuyên về công nghiệp nặng, một năm tôi phỏng vấn vài trăm lao động, phổ thông có, kỹ sư có. Và có một đặc điểm là các bạn trẻ, sinh viên mới ra trường quá thiếu kỹ năng và kiến thức cơ bản nhưng họ lại thường mong muốn những vị trí việc làm lương cao, nhàn hạ. Đặc biệt khi tuyển vào, công ty cho các bạn đi rèn luyện, va chạm chút xíu thì kêu trời than đất, rồi nói: Em không thích áp lực, không thích bụi bặm…”.
Sự phung phí “nguy hiểm”
Sự lười biếng của giới trẻ đang ở mức báo động, có thể nhìn thấy điều này ở bất cứ đâu và nguyên nhân thì có nhiều, từ gia đình đến nhà trường. “Giới trẻ Việt Nam đang được nuông chiều quá mức” – nhận xét này rất đáng để suy nghĩ.
Tại nhà, các em chỉ việc ăn với học, tất cả mọi việc chân tay đã có cha mẹ hay người giúp việc thực hiện. Thậm chí có em học lớp 11 – 12 mà vẫn không biết nhặt rau, giặt quần áo, quét nhà… Giờ nấu ăn, mẹ quần quật trong bếp trong khi con tranh thủ ra quán chơi game.
Giải thích cho hoàn cảnh sống sung sướng, nhàn hạ ấy là lời biện minh của những bậc làm cha làm mẹ: “Thế hệ mình khổ nhiều rồi, cho chúng nó hưởng thụ một tý”…
Hệ lụy của sự nuông chiều này là làm mất đi tính tự lập của trẻ, làm cho trẻ trở nên lười nhác, ỷ lại người khác. Đến trường thì lao động nhẹ nhàng nhất, đơn giản nhất là quét lớp, học sinh không phải làm, tất cả đều một tay bác lao công. Các em chỉ mỗi việc xin tiền bố mẹ để đóng tiền vệ sinh. Và ở trường, môn thể dục được coi là môn phụ, chẳng mấy ai chú trọng. Vì vậy, không có gì khó hiểu khi một bộ phận người trẻ xa lạ với việc luyện tập thể dục, thể thao.
Trong lần giao lưu với sinh viên, trước câu hỏi của các bạn trẻ: Làm sao để trở nên giàu có? Chủ tịch một tập đoàn đa quốc gia đã trả lời rằng: Trước khi bàn đến những việc to tát, các bạn hãy dốc sức vào công việc nhỏ, hãy bớt thời gian cà phê cà pháo, ăn nhậu, thời gian lên mạng vô bổ…
“Trên đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”. Các bạn trẻ ngày nay cần hiểu rằng, nếu học chưa tốt thì vẫn còn nhiều cơ hội để tiếp tục học cho tốt, nếu làm chưa tốt thì làm nhiều sẽ có kinh nghiệm, kỹ năng để làm tốt lên. Nhưng, khi đã lười thì thật sự nguy hiểm. Lãng phí tuổi thanh xuân nghĩa là đang phung phí những thứ quý giá nhất của đời người, đó là thời gian, sức khỏe và trí tuệ.
Bảo Minh-Kim Thoa
Theo GDTĐ
Đi du học, nghe hỏi How are you, thanh niên trả lời luôn câu này và bạn bè biết ngay là người Việt Nam
Từ câu chuyện phiếm đơn giản nhưng lại ẩn chứa phía sau vấn đề lớn lao về việc học Tiếng Anh một cách thụ động, máy móc của nhiều người Việt.
Bạn tôi IELTS 8.5, GPA 3.7/4, nhận được học bổng du học toàn phần tại Anh. Ngày đầu tiên đến lớp gặp gỡ bạn bè, một sinh viên bản địa bắt chuyện: How are you? Bạn tôi trả lời như một thói quen: I'm fine, thank you, and you? Bỗng nhiên cậu sinh viên Anh kia sáng rực mắt: Cậu đến từ Việt Nam đúng không?
Bạn tôi ngơ ngác mất mấy giây vì không hiểu vì sao họ lại nhận ra được quốc tịch của mình, phải chăng do phần phát âm quá đặc trưng hay mình nói sai điều gì. Sau một hồi gặng hỏi, bạn tôi mới biết rằng, hoá ra gần như tất cả sinh viên Việt Nam đều có cách trả lời khi hỏi How are you? y chang nhau, giống như cậu vừa trả lời bạn kia vậy. Thực ra với vốn Tiếng Anh IELTS 8.5, cậu có hàng tá câu trả lời khác cực hay ho, khác hẳn câu trên kia nhưng nó như một thói quen ăn sâu vào máu. Từ bé đi học, giáo viên đã dạy cậu nói như vậy rồi, xung quanh bạn bè ai cũng nói vậy và thậm chí sách giáo khoa cũng viết vậy.
Terry F. Buss là giáo sư của Đại học Carnegie Mellon, lấy bằng tiến sĩ Khoa học Chính trị và Toán ở Đại học bang Ohio, cũng từng nhận định rằng: Khi yêu cầu một học sinh Việt Nam nói một câu tiếng Anh, và bạn sẽ nhận được câu trả lời "How are you? I am fine?" (Bạn thế nào? Tôi khỏe?).
Trên thực tế, ở Mỹ hay nhiều quốc gia khác, nếu ai hỏi bạn How are you? đó là một câu chào hỏi thông thường. Nhất là với những người lạ hay người mới gặp, họ không có nhu cầu biết cặn kẽ tình hình sức khoẻ hay tâm trạng của bạn nên bạn cũng không nhất thiết phải trình bày dài dòng. Trường hợp nam sinh bản địa kia phỏng đoán ngay là người Việt vì đơn giản chúng ta thường trả lời giống hệt nhau như vậy, như một phản xạ vô điều kiện.
Chắc chắn ngày trước đi học bạn quá quen với cảnh giáo viên nói to một câu và cả lớp nhắc lại câu đó y như những con vẹt. Và câu I'm fine, thank you, and you? cũng là một trong số đó.
Chuyện học Tiếng Anh của nhiều bạn trẻ hiện nay. (Clip: Kingpro)
Việc dạy và học Tiếng Anh hiện nay được thiết kế y hệt các môn Khoa học như Toán, Lý, Hoá, Văn... Tức là học để thi trong khi đây là học về ngôn ngữ. Học một ngoại ngữ mới muốn thành công nhanh nhất phải xem mình như một đứa trẻ. Mọi thứ nên bắt đầu từ nghe nói chứ không phải chỉ chăm chăm vào ngữ pháp để đi thi, để kiểm tra. Điều này dẫn đến thực trạng điểm tổng kết Tiếng Anh cao mà không thể nói một câu hoàn chỉnh hay điểm các chứng chỉ như TOEIC tận 800, 900 vẫn không thể giao tiếp với người nước ngoài. Chương trình của chúng ta dành quá nhiều thời gian cho các tiết ngữ pháp, trong khi một tuần chỉ có vài buổi học Nghe, thậm chí những buổi học Nói học sinh xem như buổi giải lao để chơi vì cũng chẳng có ai để mà giao tiếp. Học sinh phải giành rất nhiều thời gian học quy tắc ngữ pháp, từ vựng để chuẩn bị cho các bài thi, kiểm tra. Học giỏi Tiếng Anh ở lớp nghĩa là bạn thông thạo ngữ pháp, biết nhiều từ vựng còn kỹ năng giao tiếp thì, chưa chắc.
Cách học Tiếng Anh như trẻ con là tốt nhất vì đơn giản, chúng ta dễ dàng nhận thế trẻ con thường lắng nghe cách nói chuyện của bố mẹ và những người xung quanh và bắt chước rồi dần dần tự hình thành nên vốn từ cho mình, không ai dạy chúng nó "ngữ pháp, từ vựng" cả nhưng chúng vẫn có thể từ bi bô tập nói đến thành thạo. Phương pháp nghe trước, nói sau rất quan trọng vì ngôn ngữ nào cũng cần thời gian để hấp thụ. Một đứa trẻ sẽ dành nhiều năm tháng đầu đời để quan sát, lắng nghe, để ngôn ngữ ngấm vào bản thân một cách tự nhiên nhất.
Một sai lầm nữa khi học Tiếng Anh là cái gì cũng dịch sang Tiếng Việt, học Tiếng Anh bằng tư duy Tiếng Việt thì rất khó để tiến bộ nhanh. Dịch từ Tiếng Việt sang Riếng Anh là phản xạ rất tự nhiên của người học cũng giống như việc phát ra câu trả lời I'm fine, thank you, and you? Khi nghe hay giao tiếp, cố gắng dịch sang Tiếng Việt còn khiến chúng ta bị "trễ nhịp", lúng túng và phản xạ kém tự nhiên. Nếu bạn đang có thói quen này cần bỏ ngay lập tức, hãy học cách "tư duy bằng Tiếng Anh". Học cách tư duy này bằng cách bắt đầu suy nghĩ, nói những câu Tiếng Anh đơn giản cho đến khi nó thành thói quen. Sau đó hãy tập nói một mình, kể lại một ngày của bạn với chính bạn trong gương chẳng hạn và dần dần hình thành những cuộc hội thoại từ nhỏ đến lớn cho đến khi bạn giao tiếp Tiếng Anh như một phản xạ, không cần phải suy nghĩ xem người ta đang nói gì bằng Tiếng Anh, dịch sang Tiếng Việt để hiểu như thế nào, rồi câu trả lời của mình bằng Tiếng Việt ra sao, dịch sang Tiếng Anh để đáp lại sẽ là câu gì?
Điều khiến học sinh, sinh viên Việt Nam thường trả lời máy móc đó là chính là do học không được tắm mình trong những hoàn cảnh thực tế. Đôi khi, giáo trình hay sách dạy và thực tế giao tiếp của người bản xứ hoàn toàn khác nhau. Giao tiếp hàng ngày rất phong phú, đa dạng và biến hoá khôn lường nhưng chúng ta chỉ dựa hoàn toàn vào sách vở là khó có thể giao tiếp thành thạo rồi. Giáo viên và nhà trường cũng không chịu trách nhiệm cho thành công trong việc học ngoại ngữ của bạn, có thể họ dạy bạn cách để đạt điểm cao nhưng cách để ứng xử ngoài cuộc sống thì chưa chắc. Muốn giỏi, bạn phải tự thân mình thôi.
Đây là 50 cách trả lời câu hỏi How are you mà không phải dùng đến câu từ nhàm chán, quen thuộc, cũ kỹ: I'm fine, thank you, and you?
Theo Helino
"Người Việt sĩ diện, khoe khoang, dễ chán nản khi gặp khó" PGS Bùi Hoài Sơn đánh giá, người Việt ỷ lại, dễ chán nản khi gặp khó khăn, không biết lo xa, sĩ diện, tính tổ chức kỷ luật kém,... Tại hội thảo "Vai trò của truyền thông trong văn hoá ứng xử hiện nay" do Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch phối hợp cùng Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức...