Người Việt rạng danh năm châu: “Theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo là thói quen xấu”
Tiến sĩ Trần Việt Hùng, tiến sĩ Phạm Thành Thái và nhà khoa học 9X Nguyễn Việt Hùng – ba người Việt thành danh tại Mỹ, Úc đã “bật mí” những câu chuyện chưa kể về thất bại và góc tối trong hành trình vươn đến thành quả của họ một cách chân thực nhất.
Ba nhân vật tài năng cùng xuất hiện trong tọa đàm “Chuyện thất bại của người Việt thành công ở biển lớn năm châu” trong khuôn khổ lễ ra mắt cuốn sách “Rạng danh tài trí Việt năm châu” tại Hà Nội mới đây.
Ba diễn giả tại tọa đàm.
Tiến sĩ Stanford và áp lực khủng khiếp ở đại học hàng đầu thế giới
Anh Phạm Thành Thái, tốt nghiệp cùng lúc 2 đại học danh giá thế giới. Anh nhận bằng loại ưu với hai chuyên ngành Toán và Kinh tế học cùng ngành phụ là Khoa học quản trị tại Viện Công nghệ số 1 Hoa Kỳ MIT và nhận bằng Tiến sĩ về Trí tuệ nhân tạo tại ĐH Stanford.
Người đã từng được tạp chí Forbes Việt Nam Under 30 vinh danh năm 2018 kể rằng, anh đã trải qua quá nhiều thất bại đến mức “không biết kể gì”, từ đâu khi được hỏi về “thất bại”. Song, trước đây, anh lại là một người hiếm có thất bại vì gò bản thân theo chủ nghĩa hoàn hảo.
“Tôi muốn mọi thứ tuyệt đối. Tuyệt đối từ điểm số, thi cử trên trường lớp. Là người đầu tiên học cấp 3 ở Việt Nam đỗ vào MIT bây giờ, vì thế, khi sang Mỹ, mang theo niềm tự hào dân tộc, tôi cũng luôn tự nhắc mình phải gắng đạt được mục tiêu đó, chứng tỏ điều gì đó. Chính điều đó đã gây cho tôi áp lực rất lớn về sự tuyệt đối. Ở Việt Nam gọi là… bệnh thành tích.
Nhưng điểm cao để làm gì? Bây giờ đi làm chẳng ai hỏi điểm GPA của bạn bao nhiêu… Ấy vậy mà trước đây, chủ nghĩa hoàn hảo về điểm số theo tôi suốt 3 năm trời và gây áp lực khủng khiếp với tôi”, TS. Thái chia sẻ.
Người Việt thành công ở quốc tế chia sẻ về chủ nghĩa hoàn hảo
Ở Mỹ, cơ bản sinh viên không phải đến lớp mà phần nhiều tự học ở nhà, miễn thi tốt là được. Chàng trai Việt cũng chủ yếu dành thời gian tự học ở nhà, phần vì tự tin và phần vì… không thể dậy sớm được.
Tuy nhiên, một lớp học về “lý thuyết trò chơi” Thái tham gia lại điểm danh. Vì thói quen dậy muốn, anh không điểm danh được vì thế giáo viên lớp học không thích. Thái nhận ngay điểm B đầu đời khi tổng kết lớp học này. Đây gần như là cú sốc rất lớn với anh bấy giờ.
“Trước giờ, bảng điểm của tôi đều A , ấy vậy một điểm B khiến cho hồ sơ của mình không được đẹp. Đó là một cú sốc với người theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo như tôi, thực sự khủng khiếp. Các bạn nghe có thể buồn cười nhưng tôi đã mất ngủ mấy tuần liền”, anh nhớ lại.
Nhưng, cú sốc đó lại là một điều tốt. Cũng từ “điểm B đầu đời”, chàng trai Việt không còn giữ thói quen “hoàn hảo” xấu xí. Anh cũng đã tự hỏi mình từ đâu và từ khi nào mà chủ nghĩa hoàn hảo lại xuất hiện ở chính mình.
“Đó là điều cực kỳ nguy hiểm hiện nay, là mình đã quá quen với thành công nên không cho phép bản thân thất bại lần nữa. Sau đó thực ra rất tốt, mình nghĩ, ồ hóa ra mình thất bại được! Từ thất bại có điểm B , sau đó một thời gian, đăng kí lớp Sinh học và nhận được điểm C, tôi cũng thấy tự hào”, anh kể.
Tiến sĩ Phạm Thành Thái (giữa) chia sẻ tại tọa đàm.
Tiến sĩ Phạm Thành Thái chia sẻ vui rằng, anh thích một câu hát: “ Giàu thì nhiều người theo. Quạnh hiu trống vắng khi nghèo“. Ứng với bản thân anh hoàn toàn đúng.
“Thời điểm tôi gặp khó khăn, người yêu chia tay, gia đình ở quê cũng không thể chia sẻ hết nỗi niềm của mình, bạn bè còn đang đi học, không có người chỉ dẫn, tiền bạc cũng không có… Tôi đã từng rất cô đơn như thế, cũng từng có ý nghĩ tự tử.
Ở trường MIT, theo như tôi biết là một năm trung bình có 4 bạn tự tử. Thậm chí, năm đầu theo học, có bạn sinh viên là con của một người từng đạt giải Nobel đã tự tử vì quá áp lực. Thành công ai cũng muốn nhưng không phải ai cũng chịu được áp lực”.
Anh nhấn mạnh, động lực để bản thân vượt lên tất cả là chính mình. Theo anh, những người chạm tới thành công đều phải làm việc rất vất vả chứ không hề do họ có xuất phát tốt hơn, điều kiện gia đình tốt hơn… Muốn làm những gì người ta không làm được thì phải chịu được những gì người ta không chịu được – luật chơi đơn giản là vậy.
“Một lý do thất bại lớn là các bạn làm việc không tập trung. Nếu một ngày các bạn trẻ không dành 12 tiếng để phát triển bản thân thì các bạn nên xem xét lại. Các bạn có thể hoàn toàn thực hiện được trừ khi đã lập gia đình và có con. Muốn thành công, các bạn phải tự đứng lên thôi vì chẳng có thất bại nào giữ các bạn lại nếu các bạn muốn đi”, tiến sĩ người Việt đúc kết.
“Đừng theo đuổi đam mê mà hãy tập trung vào những gì mình giỏi nhất, làm tốt nhất để phát triển, chính điều đó giúp bạn thành công rồi nó trở thành đam mê của bạn”, anh nhắn gửi thêm.
Khách mời, độc giả tham dự chương trình.
Startup ở thung lung Silicon: Nguy cơ hết tiền và rời Mỹ bất cứ lúc nào…
Anh Trần Việt Hùng, Tiến sĩ tại ĐH Iowa, Mỹ, nhà sáng lập Got It – công ty khởi nghiệp công nghệ tại thung lũng Silicon phát triển nền tảng chia sẻ kiến thức từng gây tiếng vang toàn cầu chia sẻ: “Từ những người đã giúp đỡ mình, tôi học được vài điều như thế này: Chỉ có chết mới hết hy vọng, còn sống là còn hy vọng”.
Anh Hùng tâm sự: “Ở thung lũng Silicon bạn sẽ không thấy những cái tôi to như cái đình và bạn không thể đoán trước được người ngồi cạnh bạn hôm nay trông… nát bét nhưng vài năm sau anh ta đã là một tỷ phú. Một điều rất khác biệt mà hiếm khi bạn được trải nghiệm ở Việt Nam”.
Anh giải thích rằng, “nát bét” có những lúc người ta không có bất kỳ cái gì. “Giống như khi ở nhà, mình thấy ai có gì đó người ta sẽ thể hiện ra từ cách dùng đồ hiệu, ăn mặc toát lên vẻ thành công.
Còn ở thung lũng Silicon, có những người vừa ra trường, ví dụ Mark Zuckerberg khi chuyển từ Harvard sang thung lũng silicon trong tay cũng không có gì, có người không có tiền trả tiền nhà.
Nát bét theo hình tượng họ chưa có bất kỳ có cái gì cả. Có xuất phát điểm tay trắng nhưng người ta cố gắng, có cơ hội và chút may mắn. Môi trường ở Mỹ cho anh cơ hội có thể thử, có thể thất bại… Với anh, làm công ty 1 năm bị “chết” cũng không sao, đó chỉ là 1 năm thất bại trong 60-70 năm cuộc đời.
Tiến sĩ Trần Việt Hùng – nhà sáng lập Got It với ứng dụng Got It Study từng gây tiếng vang toàn cầu trong lĩnh vực giáo dục.
Khi Hùng làm khóa luận Tiến sĩ, nghiên cứu của anh không được như mong muốn. Anh kể: “Đây một chủ đề còn khá mới, vị giáo sư hướng dẫn (quá trẻ) của chúng tôi vì quá stress nên đã bỏ việc khiến các học trò bơ vơ.
Thành ra, tôi đã phải đứng trước hai lựa chọn: 1 là học nốt 6 tháng như các bạn tiến sĩ khác rồi trở về nước làm gì đó là xong, 2 là làm lại từ đầu, coi như bỏ phí mất 2 năm vừa qua.
Sau khi suy nghĩ rất nhiều, tôi chọn tiếp tục và làm lại. Tuy nhiên, yêu cầu rất cao và khó, lúc này kiến thức về trí tuệ nhân tạo của tôi chỉ ở mức độ sơ khai. Và cả một năm thứ 3, tôi có 2 tiếng ngủ một ngày. Điều này đã huấn luyện cho tôi đối mặt với những lần khó khăn, áp lực rất lớn sau này.
Khi lập startup, bản thân tôi cũng luôn phải nghĩ kiếm đủ tiền cho công ty và muốn vậy phải đạt được mục tiêu. Sản phẩm đầu tiên của Got!t không được ai dùng cả, các nhà đầu tư không tiếp tục bỏ vốn, coi như mình trắng tay. Tiền đã hết lại không được đầu tư nên không biết tương lai thế nào, chính vì thế tôi đã có những quyết định cực kỳ khó khăn.
Chẳng hạn năm 2014, tôi đã phải đưa vợ con về Việt Nam vì các bé đang đi học giữa chừng. Nếu hết tiền công ty đóng cửa sẽ phải rời Mỹ trong vòng 30 ngày.
Hoặc không thiếu những trường hợp, tuần tới công ty có thể hết tiền và mình buộc phải nói với những người giỏi mình tuyển mãi mới được rằng chúng ta chia tay…”.
“Khi làm CEO tôi cực kỳ đơn độc. Những khi khó khăn mọi người giúp mình về tinh thần thôi nhưng giải pháo tháo gỡ mình luôn phải làm và tỉnh táo để tập trung vào mục tiêu của mình. Mình mới là người dựa vào mình chứ không thể hi vọng dựa dẫm vào đâu!”, anh nói về cách vượt qua những trắc trở, thất bại.
“Làm việc một cách chăm chỉ và thông minh, không gì đến dễ dàng cả!” là lời nhắn gửi của nhà sáng lập nền tảng công nghệ toàn cầu này.
Tự tin, bạo dạn và cứ làm thôi…
Nhà khoa học 9X Nguyễn Việt Hùng vừa nghiên cứu tiến sĩ vừa giảng dạy tại Đại học New South Wale – Úc, từng xuất sắc nhận được học bổng tiến sĩ toàn phần từ 4 trường đại học hàng đầu của Australia.
Năm 2018, Nguyễn Việt Hùng đã phát hiện ra 8 loài vi khuẩn mới. Đặc biệt, 8 loài vi khuẩn này thuộc 7 bộ hoàn toàn mới của lớp vi khuẩn Gammaproteobacteria – một phát hiện bất ngờ, khi mới có 14 bộ vi khuẩn Gammaproteobacteria được phát hiện bởi các nhà khoa học trong vòng 200 năm vừa qua. Anh cũng đạt 3 điểm 9.0 IELTS cho 3 kĩ năng Nghe, Đọc và Viết.
Nhà khoa học Nguyễn Việt Hùng, người phát hiện 8 loài vi khuẩn mới năm 2018.
Nhà khoa học 9X tự nhận là một người khá thông minh, tuy nhiên hai tính chất mà anh cho rằng đã giúp anh thành công là sự rộng mở trong cách suy nghĩ và tính cách khá… gan lì.
“Với sự cởi mở, mình dễ dàng lắng nghe và hiểu người khác hơn, dễ tiếp thu ý kiến mới, giúp anh phát triển những ý tưởng mới. Nhưng hơi mâu thuẫn, là một khi mình đã đưa ra quyết định rồi thì lại rất cứng đầu và hoàn toàn tin vào quyết định của mình – dù quyết định đó có táo bạo đi chăng nữa”. Hùng nói.
Ví dụ điển hình, hồi tháng 10/2017, Hùng đã không nghe sự cố vấn của thầy cô hay lời khuyên của bạn bè khi thực hiện thí nghiệm của mình, thay vào đó anh cứng đầu tự làm theo hướng riêng của mình.
Và kết quả, thay vì chỉ miêu tả được 3 loài vi khuẩn mới ở mức độ hạn hẹp, Việt Hùng đã miêu tả được 8 loài mới, ở một mức độ chuyên sâu đến mức các thầy cô đều phải ồ òa, tin tưởng thúc đẩy anh phát biểu tại các hội thảo lớn.
Đó không phải là lần duy nhất sự cứng đầu của nhà khoa học trẻ, giúp anh thành công. Hồi đoạt 3 suất học bổng toàn phần, Hùng đã cứng đầu từ chối hết cả 3, để rồi lại tìm được một học bổng tại một viện nghiên cứu tốt hơn gấp nhiều lần tại Trường đại học New South Wales.
Hồi học cử nhân, Hùng đã quyết tâm học rất nhiều môn khác nhau trong khi nhà trường luôn khuyên là sinh viên chỉ nên tập trung vào một mảng nghiên cứu thôi.
“Mình đã học các môn đa dạng như toán, lập trình, sinh học phân tử, hải dương học, gen di truyền, để rồi tất cả đều giúp mình được chọn lựa vào viện nghiên cứu hiện tại”, Hùng kể lại.
Vậy đó, đối với nhà khoa học trẻ Nguyễn Việt Hùng, sự thành công đã đến từ sự rộng mở của anh để tiếp nhận ý kiến mới và tạo cho mình con đường riêng rồi từ đó cứng đầu đi theo con đường đã chọn.
Nhà khoa học Trần Việt Hùng hé lộ về bí quyết thành công trên con đường đã chọn
Hùng bày tỏ: “Có thể tôi may mắn hơn nhờ sự hỗ trợ của gia đình và những người xung quanh. Nhưng không phải lúc nào họ cũng sẵn sàng ở bên mình khi mình khó khăn, thất bại bởi chính họ cũng có những nỗi niềm riêng không thể kể được. Vì thế, tôi dựa vào chính tôi và bỏ qua tất cả, chỉ tiến lên hướng về phía mục tiêu mình đã đặt ra bằng mọi cách có thể”.
Dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, anh luôn suy nghĩ cũng phải làm cho bằng được mục tiêu của mình. “Có những khi làm việc sau 12, 18 tiếng, tôi cảm thấy trống rỗng, chán nản khi mình gặp khó khăn. Nhưng về nhà và ngủ một giấc, tôi lại nhìn về mục tiêu của mình và tiếp tục cố gắng”, Hùng nói.
Khi thất bại, anh thường nhìn về phía trước xem có hướng đi A, B, C, D nào dẫn đến kết quả của mình, rồi quyết tâm biến sự thất bại thành nền tảng thành công.
Giải đáp về cách giúp các bạn trẻ tìm ra đam mê của mình, anh Hùng nhấn mạnh: “Thử nhiều, thử rất nhiều mới biết mình giỏi cái gì, trong cái giỏi đó, cái gì mình có thể đam mê được, cái gì có thể đuổi theo xuyên suốt lâu dài”.
Chàng “soái ca” hé lộ rằng, trước đây tính anh khá hiền và rụt rè nhưng anh tự tạo cho mình tính cách mới để theo đuổi, nhảy vào, thử làm, bạo dạn chứ không suy nghĩ quá nhiều khi theo đuổi con đường khoa học vô vàn chông gai.
“Quan trọng hơn hết mình phải tự tin về chính mình. Khi ra nước ngoài mình cũng luôn suy nghĩ, tất cả chúng ta ở đây đều có thế mạnh riêng, có giá trị riêng và chúng ta cảm thấy tự tin về điều đó rồi cứ thế tiến tới. Đừng sợ, cứ tự tin làm những gì bạn muốn!”, nhà khoa học Việt Hùng nhắn gửi.
Lệ Thu
Theo Dân trí
Chẳng lẽ đất nước chỉ mãi là "cái nôi", là nơi "ươm mầm"
"Nhiều nhà khoa học Việt Nam vào top 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới" - một bài báo đáng chú ý đăng tải trên Dân trí ngày 19/9.
Những thông tin nêu tại bài báo này khiến chúng ta không khỏi vui sướng, tự hào về trí tuệ Việt Nam nhưng phần nào cũng để lại nhiều suy nghĩ.
Danh sách 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới do nhóm tác giả từ ĐH Stanford (Mỹ) công bố trên tạp chí PloS Biology, được lọc ra trên cơ sở dữ liệu của Scopus trong khoảng thời gian từ năm 1960 đến 2017 của gần 7 triệu tác giả.
Đáng lưu ý là trong bảng xếp hạng này có hơn 40 nhà khoa học Việt Nam, chủ yếu là các giáo sư gốc Việt đang làm việc tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới.
Một số rất ít các nhà khoa học trong nước có tên trong danh sách này, tiêu biểu là PGS.TS Trần Xuân Bách (ĐH Y Hà Nội) - chuyên gia nghiên cứu về y tế cộng đồng; GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội) - chuyên gia về cơ học, vật liệu và kết cấu tiên tiến; PGS.TS Nguyễn Thời Trung, Viện trưởng Viện khoa học tính toán của Đại học Tôn Đức Thắng.
Qua đó có thể thấy, Việt Nam chúng ta không thiếu người tài, và những nhà khoa học người Việt dù họ có ở bất cứ đâu, cống hiến trong lĩnh vực nào... cũng đều có thể làm rạng danh nước nhà.
Tuy nhiên, việc 40 nhà khoa học người Việt góp mặt trong danh sách 100.000 người, nếu tính tỷ lệ thì vẫn khiêm tốn lắm bởi với khoảng 200 quốc gia trên thế giới thì bình quân mỗi nước cũng có khoảng 500 người và đáng nói hơn nữa, phần lớn trong số các nhà khoa học Việt lại sống ở nước ngoài. Điều này phản ánh rõ nét tình trạng "chảy máu chất xám" đang diễn ra, hơn nữa, đây lại còn là những nhân tài "chất lượng cao".
Dù như đã đề cập ở trên, trong "thế giới phẳng" hiện nay, nếu muốn cống hiến nhiều hơn cho đất nước, các nhà khoa học hoàn toàn có điều kiện. Nhưng nói gì thì nói, thiếu hụt sự cống hiến trực tiếp của những nhà khoa học hàng đầu ngay tại quê hương vẫn là điều thiệt thòi cho đất nước.
Trong số những nhà khoa học người Việt thành danh ở nước ngoài kể trên có GS Trương Nguyện Thành. Phải chứng kiến chặng đường trở về của ông Thành, từ Mỹ về Việt Nam làm Hiệu phó ĐH Hoa Sen, rồi bất đắc dĩ chọn quay trở lại Mỹ, và tiếp tục trở về lần nữa làm Hiệu phó tại ĐH Văn Lang vì nặng tình với đất nước, với nền giáo dục nước nhà, mới thấy khát khao được cống hiến của nhà khoa học này mãnh liệt như thế nào.
Bên cạnh những phương pháp giáo dục mới, tạo ra môi trường giáo dục hiện đại, với mối quan hệ rộng rãi trong giới học thuật quốc tế, ông Trương Nguyện Thành còn có thể mời các giáo sư nước ngoài về Việt Nam giảng dạy cho sinh viên. Đó là những điều thiết thực nhất mà chúng ta có thể chứng kiến.
Tuy nhiên, không nhiều người có đủ kiên nhẫn và nhiệt huyết như GS Thành - chúng ta buộc phải thừa nhận thực tế đó. Câu hỏi đặt ra là vì sao rất nhiều nhân tài trưởng thành ở trong nước, đi du học, tu nghiệp ở nước ngoài rồi không trở lại? Vì sao có những người muốn trở lại nhưng vì lý do này lý do khác lại ra đi, lại có những người muốn được cống hiến nhưng "ngại" hay "không đủ điều kiện"? Chẳng lẽ đất nước chỉ mãi là "cái nôi", là nơi "ươm mầm" tài năng thôi?
Cách đây ít hôm, khi quán quân Đường lên đỉnh Olympia Trần Thế Trung nói lên nguyện vọng "sau khi nhận học bổng sang Úc học tập, em sẽ trở về", không ít người đã tỏ ra hoài nghi. Sự hoài nghi đó có cơ sở bởi "ra đi rồi không trở lại" đã là một tiền lệ không lạ của nhiều tài năng Việt Nam.
Có thể, lý do xuất phát từ việc trong nước không có đủ điều kiện về phương tiện cũng như kinh phí để phục vụ nghiên cứu, nhưng còn một nguyên nhân sâu xa là môi trường phát triển, cơ chế khuyến khích, sự ưu đãi nhân tài ở ta còn hạn chế.
Một khi dân gian còn câu "nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn đồ đệ, năm trí tuệ" thì nỗi đau "chảy máu chất xám" sẽ vẫn còn nhức nhối.
Bích Diệp
Theo Dân Trí
10 đại học tốt nhất thế giới, Harvard không đứng thứ nhất Trong số 10 đại học tốt nhất thế giới theo đánh giá mới nhất của Times Higher Education, 8 trường thuộc Mỹ và hai ở Anh. Cả Harvard, MIT và Stanford đều không đứng đầu danh sách. 1. ĐH Oxford (Anh): Đây là năm thứ tư liên tiếp, ĐH Oxford dẫn đầu bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới do Times...