Người Việt mở trường quốc tế cho trò Việt, tại sao không?
Luật Giáo dục sửa đổi 2019 đã mở ra cơ hội phát triển hệ thống trường quốc tế của người Việt cho trò Việt, Bộ Giáo dục đủ cơ sở để tham mưu nghị định mới.
“Trường quốc tế” với ý nghĩa là một cơ sở giáo dục được phép dạy chương trình quốc tế, cấp bằng quốc tế cho học sinh Việt Nam trong nước là một nhu cầu có thật, ngày càng tăng.
Tuy nhiên, việc quản lý và phát triển lành mạnh hệ thống “trường quốc tế” như vậy đang gặp những bất cập, rào cản về quản lý nhà nước, khi dựa trên yếu tố “có vốn đầu tư nước ngoài” thay vì chương trình quốc tế được thừa nhận rộng rãi.
Đặc biệt, các quy định hiện hành chỉ cho phép nhà đầu tư nước ngoài mở “trường quốc tế” để dạy chương trình nước ngoài, cấp bằng nước ngoài cho cả học sinh người nước ngoài lẫn học sinh người Việt Nam.
Đây là một bất cập và bất bình đẳng rất lớn, cần sớm được khắc phục.
Trường quốc tế của người Việt, tại sao không?
Nguyên nhân chủ yếu theo chúng tôi, có lẽ là vì người Việt Nam đã quá quen với việc bao cấp, xem giáo dục và y tế công là một dạng phúc lợi xã hội được Nhà nước trợ giá.Giáo dục là một dịch vụ, bất luận là công hay tư. Năm 2018, dư luận một phen xôn xao trước đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đổi học phí thành giá dịch vụ và đào tạo.
Chính điều này đã tạo nên sức ỳ, sức cản rất lớn cho 2 lĩnh vực này.
Xem giáo dục và y tế như phúc lợi xã hội tưởng như công bằng, nhưng thực tế là cào bằng và là trở lực chính của việc nâng cao chất lượng dịch vụ.
Nhu cầu về dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục chất lượng, đẳng cấp và trách nhiệm, lấy việc chăm sóc khách hàng làm nền tảng cho sự tồn tại và phát triển đang ngày một gia tăng.
Thậm chí, ngay trong khối công lập đã xuất hiện loại hình được gọi là “chất lượng cao” để đáp ứng với nhu cầu ngày càng lớn này.
Cho nên về mặt chính sách rất cần khuyến khích tư nhân tham gia sâu rộng hơn nữa vào việc cung cấp các dịch vụ giáo dục, y tế chất lượng, đẳng cấp và trách nhiệm, thay vì cho phép một bộ phận đơn vị công lập làm kinh tế trên tài sản và nguồn lực nhà nước.
Quay trở lại với trường quốc tế, hoàn toàn có thể và rất nên khuyến khích các nhà đầu tư Việt Nam mở trường quốc tế cho học sinh Việt Nam được học tập chương trình quốc tế, cấp bằng quốc tế mà không phải mang ngoại tệ ra nước ngoài để thực hiện giấc mơ này, bởi 3 lý do.
Thứ nhất, nhu cầu học trường quốc tế (dạy chương trình quốc tế, cấp bằng quốc tế được thừa nhận rộng rãi để giúp người học học lên các bậc học cao hơn ở các cơ sở đào tạo danh tiếng trong và ngoài nước…) là có thật và ngày càng tăng.
Mỗi năm người Việt Nam bỏ ra 3 đến 4 tỷ USD cho con du học. Con số bao nhiêu tiền người Việt phải trả cho các nhà đầu tư nước ngoài để con em họ được “du học tại chỗ” ở các trường quốc tế, thì chưa thấy cơ quan nào thống kê.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thăm Trường quốc tế Học viện Anh quốc UK Academy, ảnh minh họa, nguồn: bvu.edu.vn.
Thứ hai, giáo dục là một dịch vụ và hoàn toàn có thể phát triển thành một ngành cung cấp dịch vụ đẳng cấp, chất lượng, trách nhiệm để thỏa mãn nhu cầu của người dân và tăng thu ngân sách.
10 năm qua Đảng và Nhà nước đã vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thì không có lý do gì lại để nhà đầu tư Việt Nam đứng ngoài thị trường cung cấp dịch vụ giáo dục quốc tế, để cho các nhà đầu tư nước ngoài toàn quyền khai thác thị trường này.
Thứ ba, Đảng và Nhà nước đã xác định rõ chủ trương hội nhập quốc tế, đặc biệt là Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013:
Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời giáo dục và đào tạo phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước.
Đây là những cơ sở quan trọng về chủ trương, chính sách để Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động tham mưu cho Chính phủ sớm sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới về trường quốc tế của người Việt, cho người Việt.
3 cơ sở pháp lý trong Luật Giáo dục sửa đổi 2019 cho phép Bộ Giáo dục phát triển hệ thống trường quốc tế của người Việt, cho người Việt
Thứ nhất là về chương trình giáo dục được quy định tại Điều 8, Chương I, đặc biệt là khoản 7:
Với chương trình giáo dục trong nước (mầm non, tiểu học, phổ thông) đã được Luật Giáo dục hiện hành cũng như Luật Giáo dục sửa đổi 2019 quy định rõ, còn chương trình giáo dục nước ngoài, Luật Giáo dục hiện hành cũng như Luật Giáo dục sửa đổi 2019 vẫn để mở cho 2 bộ. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định việc thực hiện chương trình giáo dục và việc công nhận về giá trị chuyển đổi kết quả học tập trong đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp quy định tại Điều này.
Trong thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính là cơ quan thẩm định và cấp phép cho các chương trình giáo dục nước ngoài theo thủ tục phê duyệt liên kết giáo dục mã BGD-285416 do Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành. [1]
Cho nên, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho Chính phủ ban hành một nghị định về cơ sở giáo dục được dạy chương trình nước ngoài và cấp bằng nước ngoài không có gì trái Luật Giáo dục hiện hành, Luật Giáo dục sửa đổi 2019 và càng không có gì mới mẻ hay lạ lẫm.
Thứ hai là về nhà đầu tư quy định tại Khoản 1, Điều 5, Chương I không có sự phân biệt đối xử nào:
Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư trong lĩnh vực giáo dục bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước gồm nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư vào các trường tư thục dạy chương trình Việt Nam cho học sinh Việt Nam bình đẳng như các nhà đầu tư trong nước, thì tại sao lại để nhà đầu tư Việt Nam thiệt thòi, đứng ngoài thị trường giáo dục quốc tế cho học sinh trong nước?
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thăm Trường quốc tế Học viện Anh quốc UK Academy, ảnh minh họa, nguồn: bvu.edu.vn.
Luật Giáo dục vẫn mở, vấn đề còn lại thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo khi nào sẽ mở ra một hành lang chính sách, pháp lý công bằng và minh bạch cho các nhà đầu tư, bất luận trong nước hay quốc tế.
Thứ ba là về loại hình nhà trường quy định trong Điều 48, Luật Giáo dục hiện hành cũng như Điều 47, Luật Giáo dục sửa đổi 2019 đều dựa trên nguyên tắc chủ sở hữu để chia loại hình nhà trường ra 3 loại: công lập, tư thục và dân lập; riêng trường dân lập chỉ duy trì ở cấp mầm non.
Nếu quản lý “trường quốc tế” như hiện nay, thì rõ ràng thực tế đang tồn tại 1 loại hình nhà trường thứ 4 nữa ngoài Luật Giáo dục, là “cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài”.
Trong khi về bản chất theo nguyên tắc chủ sở hữu, các cở sở này chính là trường tư thục được phép dạy chương trình nước ngoài và cấp bằng nước ngoài.
Cho nên, nếu thừa nhận chính thức trường quốc tế là cơ sở giáo dục tư thục được phép dạy chương trình giáo dục nước ngoài và cấp bằng nước ngoài, thì không trái Luật Giáo dục và không phải sửa Luật Giáo dục về loại hình nhà trường.
Vì vậy, để triển khai thành công Luật Giáo dục sửa đổi 2019, thực hiện thắng lợi Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 4/6/2019 của Chính phủ, thiết nghĩ đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ các chính sách về trường quốc tế của người Việt, cho người Việt.
Một là, quy định về quản lý nhà nước đối với chương trình giáo dục nước ngoài và cấp bằng nước ngoài cho học sinh người Việt Nam.Để đảm bảo tính liên tục và thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục, nhất là Luật Giáo dục sửa đổi 2019, chúng tôi thiết nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ cần tham mưu cho Chính phủ sửa đổi / thay thế Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018 theo 3 hướng chính:
Trong đó cần chính thức định danh các cơ sở được phép giảng dạy chương trình nước ngoài, cấp bằng nước ngoài là “trường quốc tế” để phục vụ quản lý nhà nước, đồng thời giúp nhân dân phân loại rõ ràng.
Hai là, để các cơ sở giáo dục tư thục (bất luận là nhà đầu tư trong nước hay nhà đầu tư nước ngoài), miễn là đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, là được phép mở trường quốc tế.
Các trường công lập nên tập trung thực hiện nhiệm vụ chính trị, chăm lo cho các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Với các học sinh nghèo học giỏi, có nguyện vọng và đủ năng lực học chương trình quốc tế, Nhà nước nên có chính sách học bổng cho các em theo học ở các cơ sở tư thục, thay vì mở trường riêng lớp riêng như hiện nay.
Ba là quản lý nhà nước với hoạt động đầu tư nước ngoài vào giáo dục thì theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các quy định pháp luật có liên quan, trong lĩnh vực giáo dục thì lấy chương trình giáo dục làm cơ sở.
Ngoài ra, Nhà nước còn một công cụ vô cùng quan trọng và hiệu quả để điều tiết các hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, đó là thuế.
Vì vậy nên có một nghị định về trường quốc tế, hoặc nghị định về cơ sở giáo dục được giảng dạy chương trình nước ngoài và cấp bằng nước ngoài cho học sinh Việt Nam để thay thế Nghị định 86/2018/NĐ-CP ngày 6/8/2018.
Khi đó, những rào cản, bất cập về trường quốc tế sẽ được xóa bỏ và hệ thống này sẽ phát triển lành mạnh.
Thứ 3 ngày 10/9/2019, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức cuộc tọa đàm thứ 2 về “trường quốc tế” với chủ đề “Quản lý và phát triển hệ thống trường quốc tế theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP” để lắng nghe ý kiến các chuyên gia, luật sư, nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước, tổng hợp ý kiến góp ý, kiến nghị với các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách giáo dục.
Tọa đàm được tổ chức vào 14 giờ ngày 10/9/2019 tại trụ sở Tòa soạn, tầng 6, số 14-16 phố Hàm Long, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trân trọng kính mời các nhà đầu tư giáo dục, lãnh đạo các trường dạy chương trình quốc tế, quý phụ huynh quan tâm đến mô hình trường quốc tế tham dự.
Nếu quý vị tham dự được Tọa đàm, xin vui lòng xác nhận lại với Tòa soạn qua email toasoan@giaoduc.net.vn hoặc số điện thoại 0938.766.888 hoặc 0243.5569666.
Trân trọng!
Tài liệu tham khảo:
[1]//csdl.thutuchanhchinh.vn/TW/Pages/chi-tiet-thu-tuc-hanh-chinh.aspx?tthcDonVi=Bộ Giáo dục và Đào tạo&ItemID=549537
Hồng Thủy
Theo giaoduc.net
Video: Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa ra bộ tiêu chí về trường quốc tế
Phải thúc đẩy nghiên cứu cơ bản để xây dựng bộ tiêu chí tạm thời, quy định thế nào là trường quốc tế, chuẩn quốc tế đối với hệ thống Giáo dục ở Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng: "Tiêu chuẩn nào để xác định chất lượng quốc tế? Nó sẽ liên quan đến hai vấn đề: Một là sự công nhận bằng pháp luật cơ sở đó là cơ sở quốc tế.
Hai là bản thân văn bằng ấy, con người ấy có được công nhận là sản phẩm quốc tế không? Đây là việc rất quan trọng, nó liên quan đến thể chế pháp lý và sự công nhận.
Các nhà khoa học và quản lý giáo dục của Việt Nam phải nghiên cứu xem tiêu chuẩn một trường quốc tế của chúng ta phải như thế nào, để chúng ta có thể khớp bánh xe giáo dục của chúng ta với thế giới.
Chúng ta phải nghiên cứu rất kỹ và hướng dẫn, các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và giải pháp của Nghị quyết 29 về vấn đề này.
Phải thúc đẩy nghiên cứu cơ bản để xây dựng bộ tiêu chí tạm thời, quy định là trường quốc tế, chuẩn quốc tế đối với Việt Nam.
Vấn đề này phải giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành khác để xây dựng bộ tiêu chí cho phù hợp, như thế nào được gọi là trường quốc tế ở Việt Nam".
Mời độc giả theo dõi video Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội chia sẻ quan điểm về mô hình trường quốc tế đang được dư luận quan tâm đặc biệt.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa ra bộ tiêu chí về Trường Quốc tế.
Ngày 29/8, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức tọa đàm: "Trường quốc tế - nhu cầu, thực trạng, quản lý và chính sách".
Đến dự buổi tọa đàm có Phó Trưởng ban dân nguyện Quốc hội - Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng.
Phó giáo sư Tiến sĩ Phạm Quang Hưng - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã mời đại diện các trường quốc tế tại Hà Nội đến dự.
Theo Giáo Dục
Thông tin "Sở GDĐT Hà Nội công bố chỉ có 11 trường "quốc tế" trên địa bàn Thành phố" là chưa chính xác Đây là một nội dung trong thông báo mới của Sở GDĐT Hà Nội về các trường có 100% vốn đầu tư nước ngoài, các trường tư thục có giảng dạy chương trình nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn Thành phố. Theo đó, Sở GDĐT Hà Nội cho biết, về tên gọi trường "quốc tế", hiện nay theo ý hiểu của...