Người Việt gò bó trong tư duy, thiếu sức tưởng tượng?
“Tri thức mà thiếu sức tưởng tượng dễ biến thành tri thức chết, tri thức không có tiềm năng phát triển”, GS Hoang Tuy nêu vân đê tư năm 1999.
GS Hoàng Tụy (1927-2019) là một nhà khoa học hàng đầu Việt Nam trong thế kỷ 20. Cuốn sách Xin được nói thẳng tập hợp những bài viết của ông thể hiện tấm lòng thiết tha muốn phát triển khoa học, giáo dục nước nhà. Được sự đồng ý của Omega Plus – đơn vị nắm bản quyền sách – Zing.vn trích đăng bài viết “Thiếu sức tưởng tượng, trí thức không có tiềm năng phát triển” (viết năm 1999).
Điều gây ấn tượng cho tôi trong những chuyến công tác ở nước ngoài mấy năm gần đây là tại nhiều đại học ở phương Tây, một câu nói nổi tiếng của Einstein: “Trí tưởng tượng còn quan trọng hơn tri thức” được coi như một khẩu hiệu, một phương châm đào tạo.
Người dân Việt Nam thông minh, hiếu học, chuộng tri thức như ai cũng biết (tuy gần đây cái động cơ và phương pháp tìm đến và sử dụng tri thức đã bị méo mó khá nhiều), nhưng còn nghèo trí tưởng tượng. Nói ra điều đó có thể xúc phạm tự ái của nhiều người.
Sách Xin được nói thẳng. Ảnh: Omega Plus
Nhưng ai còn nghi ngờ xin hãy bình tĩnh đảo mắt nhìn qua một lượt các kiểu nhà biệt thự mới mọc lên ở thành phố trong thời mở cửa, và dạo qua các cửa hiệu, các chợ đầy ắp hàng Trung Quốc, hàng Thái Lan đang nghiễm nhiên chiếm lĩnh thị trường.
Từ quần áo, đồ chơi trẻ em, đồ dùng văn phòng, cho đến xe đạp, quạt máy… nhiều hàng nội của Việt Nam không cạnh tranh nổi vì thua kém cả mẫu mã, hình dáng, chủng loại, giá cả, và nhiều khi cả chất lượng, công dụng.
Thật ra đã từ lâu, chúng ta quá quen sao chép, ít chịu khó nghĩ ra ý tưởng mới. Nhìn lại từ cái bàn, cái ghế, cái giường, cho đến cây bút, cái cặp sách thời bao cấp mới thấy rõ sao mà ta bảo thủ đến vậy, có thể nói 50 năm không hề thay đổi. Cả đến cách dạy cách học ở nhà trường. Thời tôi đi học, tôi đã học toán như thế nào thì bây giờ các cháu học sinh phổ thông cũng học gần y như thế, chỉ có khác là lớp chuyên rất nhiều và học thêm, luyện thi vô tội vạ.
Video đang HOT
Đương nhiên ở đây có vấn đề hoàn cảnh và cơ chế, bởi vì cũng những con người ấy, hay cha anh họ, lại có đầu óc tưởng tượng phong phú biết bao trong cuộc chiến đấu chống xâm lược.
Có lẽ do hoàn cảnh lịch sử bị ảnh hưởng lối học từ chương khoa cử, ông bà ta bị gò bó quá nhiều trong tư duy, cho nên so với nhiều dân tộc khác chúng ta ít có những nhà tư tưởng lớn, những triết gia tầm cỡ, ít có những công trình kiến trúc đồ sộ dựa trên sức tưởng tượng phóng khoáng diệu kỳ.
Ngay cả những tác phẩm văn học hay nhất cũng chủ yếu làm say đắm lòng ta bởi văn chương mượt mà trau chuốt, gợi cho ta những tình cảm ưu ái thiết tha, giúp cho ta hiểu rõ hơn nhân tình thế thái, chứ ít có những pho truyện lớn, với tình tiết phức tạp, ý tưởng kỳ lạ, độc đáo, lôi cuốn ta vào những thế giới vừa thực vừa hư, vượt ra khỏi các giới hạn thực tại tầm thường. Văn học Việt Nam không có các loại tiểu thuyết như Tam Quốc, Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng, hay các truyện của Alexandre Dumas, Victor Hugo, Lev Tolstoy, Fyodor M. Dostoevsky… Điều đó ít nhiều cũng nói lên nhược điểm của chúng ta.
GS Hoàng Tụy cùng các học trò. Ảnh: GS Trần Văn Nhung
Đương nhiên tri thức là cực kỳ quan trọng, thời nay còn quan trọng hơn bất cứ thời nào trong lịch sử. Ý nghĩa thời sự của câu nói của Einstein khi chúng ta chuẩn bị bước vào thế kỷ 19 là hơn bất cứ thời nào trong lịch sử, tri thức mà thiếu sức tưởng tượng dễ biến thành tri thức chết, tri thức không có tiềm năng phát triển. “Biết” và “hiểu” là rất cần để làm theo, đi theo, chứ hoàn toàn chưa đủ để sáng tạo, khám phá.
Thời nay hơn bao giờ hết, những tác phẩm không hồn, không cá tính, những sản phẩm không mang theo dấu ấn gì đặc biệt, nhàm chán như bao nhiêu thứ lặp đi lặp lại hàng ngày trong cuộc sống bằng phẳng, thì bất kể đó là ý tưởng, dịch vụ hay vật phẩm tiêu dùng, cũng đều không có sức hút và do đó không có sức cạnh tranh.
Mọi người đều biết muốn tiến lên giàu mạnh phải không ngừng nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế. Ước mong một ngày nào đó trí tuệ Việt Nam sẽ chứng minh được cho thế giới rằng sức tưởng tượng sáng tạo của người Việt Nam trong xây dựng cũng chẳng kém trong chiến đấu.
Theo Zing
Giáo sư Hoàng Tụy - 'cây đại thụ' của ngành Toán học Việt Nam qua đời
Theo thông tin từ gia đình, GS Hoàng Tụy - nhà toán học tiêu biểu của Việt Nam vừa qua đời chiều nay 14/7 tại nhà riêng.
Lúc 15h30 hôm nay 14/7/2019, Giáo sư Hoàng Tụy sinh ngày 7/12/1927 từ trần tại nhà riêng ở Hà Nội, hưởng thọ 92 tuổi.
Giáo sư Hoàng Tụy là nhà toán học tiêu biểu của Việt Nam. Cùng với giáo sư Lê Văn Thiêm, ông là một trong hai người tiên phong trong việc xây dựng ngành Toán học của Việt Nam. Giáo sư Hoàng Tụy được coi là cha đẻ của lĩnh vực Tối ưu hóa toàn cục (Global Optimization) trong Toán học Ứng dụng.
Không chỉ là nhà Toán học, giáo sư còn có nhiều đóng góp cho giáo dục Việt Nam. Ông cũng là sáng lập viên Viện Nghiên cứu Phát triển IDS mà ông là Chủ tịch Hội đồng Viện.
Giáo sư Hoàng Tụy sinh tại Xuân Đài, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam. Ông là cháu nội của cụ Hoàng Văn Bảng (em ruột của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu), đỗ Cử nhân và từng giữ chức Án sát sứ nhiều tỉnh như: Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Nam, Hà Tĩnh.
Giáo sư Toán học Hoàng Tụy. (Ảnh:Xuân Trung/giaoduc.net.vn)
Cha của ông là ông Hoàng Kỵ, từng làm quan dưới thời Duy Tân, Khải Định, được thăng chức Thị Giảng học sĩ. Ông có 7 người anh em, trong đó có 5 người đỗ đạt, học rộng và làm giáo sư đại học như Hoàng Phê (Ngôn ngữ học), Hoàng Quý (Vật lý), Hoàng Kiệt (Mỹ thuật), Hoàng Tụy và Hoàng Chúng (Toán học).
Năm 1951, ông theo học Trường khoa học cơ bản do Lê Văn Thiêm phụ trách. Năm 1954, giáo sư Hoàng Tụy bắt đầu dạy toán tại trường Đại học khoa học, sau là Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Tháng 3/1959, giáo sư Hoàng Tụy trở thành một trong hai người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ khoa học toán - lý tại Đại học Lomonosov tại Moskva. Từ năm 1961 đến 1968 ông là Chủ nhiệm Khoa Toán của Đại học Tổng hợp Hà Nội; là Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam từ năm 1980 đến 1989.
Năm 1964, ông phát minh ra phương pháp "Lát cắt Tụy" (Tuy's cut) và được coi là cột mốc đầu tiên đánh dấu sự ra đời của một chuyên ngành toán học mới: Lý thuyết tối ưu toàn cục (global optimization).
Tháng 8/1997, Viện công nghệ Linkping (Thụy Điển) tổ chức một hội thảo quốc tế với chủ đề "Tìm tối ưu từ địa phương đến toàn cục", được tổ chức để tôn vinh giáo sư Hoàng Tụy, "người đã có công trình tiên phong trong lĩnh vực tối ưu toàn cục và quy hoạch toán học tổng quát" và nhân dịp giáo sư tròn 70 tuổi.
Tháng 9/2007, ông cùng 9 nhà nghiên cứu độc lập tên tuổi khác là: Nguyễn Quang A, Phạm Chi Lan, Lê Đăng Doanh, Chu Hảo, Tương Lai, Phan Huy Lê, Trần Đức Nguyên, Trần Việt Phương thành lập Viện Nghiên cứu Phát triển IDS mà ông là Chủ tịch Hội đồng Viện.
Viện IDS với tư cách một tổ chức độc lập, vừa là tổ chức mở, phi vụ lợi chuyên nghiên cứu các vấn đề liên quan đến các chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển cho các cơ quan nhà nước và các tổ chức kinh tế xã hội.
Tháng 12/2007, một hội nghị quốc tế về "Quy hoạch không lồi" đã được tổ chức ở Rouen, Pháp để ghi nhận những đóng góp tiên phong của giáo sư Hoàng Tuỵ cho lĩnh vực này nói riêng và cho ngành Tối ưu Toàn cục nói chung nhân dịp ông tròn 80 tuổi.
Trong những năm của thế kỉ 21, giáo sư Hoàng Tuỵ có một số bài viết phê phán, góp ý thẳng thắn về sự yếu kém, lạc hậu và tiêu cực trong ngành giáo dục Việt Nam cũng như tham gia nhiều hội nghị tham luận về cải cách giáo dục.
Tháng 9/2011, giáo sư Hoàng Tụy vinh dự là người đầu tiên nhận được giải thưởng Constantin Caratheodory do Đại hội Quốc tế Tối ưu Toàn cục đề xướng cho những đóng góp tiên phong và nền tảng của ông trong lĩnh vực này.
Theo VTC
TS Lê Đắc Sơn: "Học nhiều để làm gì?" "Những trường hợp không học đại học vẫn thành công như Bill Gates, Steve Job rất hiếm, mang tính chất động viên, tự AQ chứ không mang tính chất xây dựng để lớp trẻ noi gương. Chỉ có học tập con người mới có đủ tri thức để hội nhập và phát triển cùng xã hội..." Đó là chia sẻ của TS. Lê...