Người ủng hộ Obama cuồng nhiệt trong lễ nhậm chức
Dù đây là lần thứ hai Tổng thống Barack Obama tuyên thệ nhậm chức, biển người ủng hộ ông vẫn không kìm nén được sự phấn khích và xúc động.
Vợ chồng Obama xuống xe đi bộ dọc đại lộ Pennsylvania, vẫy chào dân chúng. Ảnh: AFP
Số lượng người chứng kiến lễ nhậm chức của Obama năm nay chỉ chưa đầy một nửa so với năm 2009 và số lượng tiệc chúc mừng cũng bị cắt giảm mạnh. Tuy nhiên, sự hâm mộ của dân chúng dành cho tổng thống da màu đầu tiên cộng với thời tiết nắng đẹp làm cho buổi lễ vẫn không mất đi sự sôi nổi.
Khi Obama bước lên bục phát biểu, đám đông như vỡ òa. Rõ ràng, chiến thắng đầu tiên năm 2008 của ông không phải là ánh hào quang thoáng qua.
“Tôi thực sự rất phấn khích. Tôi cảm thấy lần nhậm chức thứ hai này còn tuyệt hơn”, AFP dẫn lời Jessica Austin, ở Alabama, đến Washington để theo dõi sự kiện này nói. “Thậm chí còn giá trị hơn khi ông ấy tuyên thệ lần nữa”. Austin là một trong hàng loạt những người Mỹ gốc Phi đang reo hò ở National Mall.
Sinh viên luật 25 tuổi ở Washington Max Etin, da trắng, thì cho rằng lần nhậm chức năm nay ít cuồng nhiệt hơn nhưng chiến thắng tháng 11 năm ngoái của Obama lại có ý nghĩa sâu sắc hơn.
“Tôi nghĩ một số người cảm thấy rất xúc động bởi Obama đã chứng minh chiến thắng của ông không phải là một sự may mắn. Thực sự người Mỹ đã đứng sau ủng hộ ông ấy và nước Mỹ đang thay đổi. Ông ấy là hiện thân cho điều đó”, Etin nói.
Video đang HOT
Không khí lễ hội lan tỏa cả thành phố. Từ Đồi Capitol, cho đến công viên National Mall tràn ngập biển người đủ màu sắc. Nhiều người tranh thủ ngồi nghủ trên thảm cỏ ăn cơm hộp, có người quấn chăn bế con tựa vào thân cây.
Sau tiệc trưa, vợ chồng ông Obama cùng xuống xe đi bộ ở đại lộ Pennsylvania, đường dẫn về Nhà Trắng. Tay trong tay, hai người mỉm cười rạng rỡ và vẫy chào dân chúng dọc bên đường. Đám đông không ngừng reo hò. Một số người đã đợi chờ khoảnh khắc này 6 tiếng đồng hồ.
Người hâm mộ giương cao áp phích, ảnh chân dung, máy ảnh, điện thoại reo hò khi đoàn xe Obama diễu hành qua đại lộ Pennsylvania. Ảnh: AFP
Các thông tin truyền thông ước tính đám đông có mặt từ Đồi Capitol, dọc National Mall đến đại lộ Pennsylvania là khoảng từ 500.000 đến 700.000 người.
Tại Đồi Capitol trước đó, nhiều người phải chạy tại chỗ để làm ấm người khi đứng xem hình ảnh buổi lễ trực tiếp qua các màn hình tivi. Để ghi nhớ thời khắc lịch sử, mọi người đua nhau chụp ảnh khoe tấm vé vào cửa của họ, màu xanh, vàng hoặc da cam tùy thuộc vào vị trí họ đứng.
Justin Mausel, một nhân viên chính phủ 35 tuổi, đồng ý rằng không khí sự kiện mà anh tham gia cách đây 4 năm cuồng nhiệt hơn rất nhiều so với năm nay. Tuy nhiên, anh cho rằng “sự kiện này vẫn mang tính lịch sử”, anh nói khi đang ôm cậu con trai 16 tháng tuổi.
Austin, nhân viên quảng cáo ở Alabama, cho biết cảm xúc trong cô có cả vui lẫn buồn. Cô và nhiều người khác tự hỏi đến bao giờ mới lại có một tổng thống Mỹ gốc Phi nữa.
Tại thời điểm này, cô cho rằng đây là cơ hội để Obama hoàn thành trách nhiệm của mình, phục hồi nền kinh tế và giải quyết các khủng hoảng quốc tế.
“Đây là sự bắt đầu của một lời chia tay, và chúng tôi hy vọng ông ấy sẽ làm tốt hơn trong nhiệm kỳ hai này. Đây là cơ hội thứ hai để bắt đầu lại từ đầu”, cô nói.
Theo VNE
Chi tiết lễ nhậm chức lần hai của ông Obama
Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tuyên thệ nhậm chức lần hai đến hai lần vào các ngày 20 và 21.1.2013, theo Ban tổ chức lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ hôm 6.12.
Lễ tuyên thệ kép là cần thiết bởi theo Hiến pháp Mỹ, nhiệm kỳ tổng thống kết thúc vào giữa trưa ngày 20.1 song đây lại là ngày chủ nhật và theo truyền thống các buổi lễ nhậm chức hoành tráng trước công chúng thường không được tổ chức vào ngày này.
Do đó, ông Obama sẽ tuyên thệ nhậm chức trong một buổi lễ nhỏ vào ngày 20.1.2013 trước khi lặp lại nghi thức tuyên thệ trước mặt công chúng vào ngày kế tiếp, theo AFP.
Các công nhân chuẩn bị cho lễ nhậm chức của ông Obama - Ảnh: AFP
Buổi diễu hành ở đại lộ Pennsylvania và các buổi khiêu vũ chính thức cũng diễn ra trong ngày 21.1, trùng với ngày lễ tưởng niệm biểu tượng dân quyền Martin Luther King Jr.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Obama phải tiến hành hai buổi lễ tuyên thệ nhậm chức.
Vào năm 2009, Chủ tịch Tối cao Pháp viện John Roberts đã đọc vấp khi cử hành nghi thức tuyên thệ cho ông Obama nên sau đó, ông đã được mời đến Nhà Trắng để lặp lại nghi thức này.
Buổi lễ nhậm chức lần hai của ông Obama được dự đoán sẽ không rình rang như lần một, khi hai triệu người tụ tập ở Công viên Quốc gia để chứng kiến ông chính thức trở thành tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ.
Ban tổ chức lễ nhậm chức cho biết ông Obama cũng sẽ tổ chức Ngày Phụng sự Quốc gia vào ngày 19.1, như lần nhậm chức năm 2009, và sẽ cùng Đệ nhất phu nhân Michelle và các thành viên nội các tham gia các sự kiện vinh danh Martin Luther King.
Theo thông báo, bốn cựu tổng thống còn sống gồm George W. Bush, Bill Clinton, George Bush và Jimmy Carter sẽ là chủ tịch danh dự của Ban tổ chức lễ nhậm chức tổng thống.
Các đồng chủ tịch của ban tổ chức bao gồm nữ diễn viên Eva Longoria, người thu được hơn 500.000 USD cho quỹ tranh cử của ông Obama, ông Matthew Barzun, người phụ trách tài chính của ban vận động tranh cử và bà Jane Stetson, người phụ trách tài chính của Ủy ban Toàn quốc đảng Dân chủ.
Giám đốc ban vận động tranh cử Jim Messina sẽ là phụ trách tổ chức lễ diễu hành ở đại lộ Pennsylvania.
Theo tờ Wall Street Journal, ban tổ chức lễ nhậm chức phải vận động đóng góp hàng chục triệu USD để tổ chức các bữa tiệc, buổi hòa nhạc và các sự kiện ăn mừng khác.
Theo TNO
Các khách VIP trong lễ nhậm chức của Obama Rất nhiều quan chức và nhân vật nổi tiếng hôm nay xuất hiện tại lễ nhậm chức lần thứ hai của tổng thống Mỹ Barack Obama. Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton tới Tòa nhà Quốc hội Mỹ, nơi ông Obama sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai. Trong chiến dịch vận động tranh cử của Obama, ông Clinton...