Người ứng cử không đạt trên 50% tín nhiệm cử tri sẽ bị loại
Nhiều ý kiến nhất trí quy định không đưa vào danh sách để hiệp thương đối với những trường hợp người ứng cử không đạt trên 50% số phiếu tín nhiệm của cử tri.
Chiều 10/12, tại phiên họp 51, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực trình bày Tờ trình về việc xây dựng dự thảo Nghị quyết liên tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Ông Ngô Sách Thực cho biết, việc không đưa vào danh sách để hiệp thương đối với những trường hợp người ứng cử không đạt trên 50% số phiếu tín nhiệm của cử tri tham dự hội nghị lấy ý kiến tại nơi công tác, nơi cư trú đang có một số loại ý kiến khác nhau về việc bổ sung hướng dẫn này.
Theo đó, loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cần hướng dẫn rõ việc không đưa vào danh sách để hiệp thương đối với những người ứng cử có tỷ lệ tín nhiệm của cử tri nơi công tác; cư trú không đạt trên 50% nhằm đảm bảo nguyên tắc dân chủ, tôn trọng ý kiến của cử tri cũng như bảo đảm tiêu chuẩn đại biểu.
Video đang HOT
Ông Ngô Sách Thực trình bày các tờ trình tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quốc hội
Còn loại ý kiến thứ hai cho rằng, nếu tại hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú, người ứng cử có số phiếu không đạt trên 50% số cử tri tham dự hội nghị mà không đưa vào danh sách hiệp thương là chưa phù hợp vì Luật không quy định. Quyền ứng cử là một trong những quyền quan trọng nhất của công dân đã được quy định trong Hiến pháp. Việc tín nhiệm của cử tri nơi công tác, nơi cư trú không thể làm hạn chế quyền công dân. Vì vậy, vẫn phải đưa những người ứng cử này vào danh sách hiệp thương và để hội nghị hiệp thương quyết định.
Ông Ngô Sách Thực cho biết, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam nhất trí với loại ý kiến thứ nhất. Bởi qua các kỳ bầu cử, nhiều địa phương đã kiến nghị nên có quy định liên quan vấn đề này, vì một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất của người đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là phải được nhân dân tín nhiệm.
Vì vậy, Dự thảo Nghị quyết liên tịch đã bổ sung hướng dẫn tại khoản 3 Điều 9, khoản 3 Điều 14, khoản 1 Điều 26 và khoản 1 Điều 28 với nội dung: “Trường hợp người được dự kiến giới thiệu ứng cử có tỷ lệ tín nhiệm của cử tri nơi công tác, nơi cư trú không đạt trên 50% số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri thì không đưa vào danh sách dự kiến giới thiệu ứng cử, danh sách giới thiệu ứng cử”.
Phát biểu tại phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng tình quan điểm người ứng cử có tỷ lệ tín nhiệm tại hội nghị lấy ý kiến của cử tri nơi công tác hoặc nơi cử trú mà không đạt trên 50% số cử tri tham dự hội nghị thì không đưa vào danh sách hiệp thương. Bởi điều này đảm bảo nguyên tắc dân chủ, tôn trọng ý kiến của cử tri cũng như bảo đảm tiêu chuẩn đại biểu.
Liên quan đến việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, công tác chuẩn bị nhân sự ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 phải bảo đảm việc giới thiệu, lựa chọn bầu được những đại biểu HĐND thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; có kế thừa và đổi mới; bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.
Phú Quốc chính thức "lên" thành phố
Ủy ban Thường vụ quốc hội thông qua việc thành lập thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, chiều 9/12.
Chiều 9/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang.
Theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (có hiệu lực thi hành từ 1-3-2021), thành lập TP Phú Quốc trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số 179.480 người của huyện Phú Quốc hiện nay, và trở thành thành phố đảo đầu tiên ở Việt Nam.
Phú Quốc chính thức là thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Khi lên thành phố, Phú Quốc lập mới phường Dương Đông theo diện tích và dân số 60.415 người của thị trấn Dương Đông; lập phường An Thới theo diện tích, dân số 4.610 người của xã Hòn Thơm cộng với diện tích, dân số 37.485 người của thị trấn An Thới.
Sau khi thành lập, thành phố Phú Quốc sẽ có 9 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: phường Dương Đông, phường An Thới và 7 xã: Hàm Ninh, Dương Tơ, Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Dương, Cửa Cạn, Thổ Châu
Trình bày tờ trình của Chính phủ trước đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay, Phú Quốc nằm trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, tiếp giáp với Campuchia, Thái Lan.
Phú Quốc được bao phủ bởi bờ biển dài với nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng và còn nguyên sơ, các ngư trường giàu tiềm năng và vùng nước biển sâu tạo điều kiện phát triển du lịch, đánh bắt hải sản và phát triển hệ thống cảng biển. Sau 15 năm xây dựng và phát triển, kinh tế của Phú Quốc luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao và duy trì ổn định.
Năm 2019, Phú Quốc đón hơn 3 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước. Cùng với phát triển kinh tế, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư với quy mô lớn, hiện đại, đồng bộ, từng bước hình thành không gian đô thị trên địa bàn.
Như vậy, tỉnh Kiên Giang có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 3 thành phố và 12 huyện (tăng 1 thành phố, giảm 1 huyện); 144 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 116 xã, 18 phường, 10 thị trấn (tăng 2 phường, giảm 2 thị trấn và 1 xã) .
Phú Quốc trở thành thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết thành lập TP Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang. Chiều 9/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập TP Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang. Trình bày tờ trình của Chính phủ trước đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay, Phú Quốc nằm...