Quốc hội chính thức thông qua Luật Biên phòng
Có 456/462 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 94,61%) thông qua Luật Biên Phòng Việt Nam…
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Biên Phòng Việt Nam chiều 11/11 – Ảnh: Quochoi.vn
Chiều ngày 11/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Biên Phòng Việt Nam . Theo đó, có 456/462 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 94,61%) thông qua Luật Biên Phòng Việt Nam .
Luật gồm 6 chương với 36 điều quy định về nhiệm vụ biên phòng, lực lượng và phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng; hợp tác quốc tế về biên phòng, Lực lượng Bộ đội Biên phòng ; Bảo đảm và chế độ, chính sách về biên phòng và Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng.
Luật quy định chính sách của Nhà nước về biên phòng gồm: Thực hiện chính sách độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, ổn định lâu dài với các nước có chung đường biên giới; mở rộng hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, an ninh, đối ngoại biên phòng và ngoại giao nhân dân.
Quá trình nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam được thực hiện theo đúng quy định, bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật ; tuân thủ đúng thẩm quyền , hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật ; bảo đảm tính minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, dễ thực hiện; vấn đề bình đẳng giới và yêu cầu cải cách thủ tục hành chính được bảo đảm; không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Việc Luật Biên phòng Việt Nam được Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đáp ứng tốt các mục tiêu đặt ra trong xây dựng luật, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh , ổn định lâu dài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Trước đó, Ngày 21/10/2020, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam , Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Luật Biên phòng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng số 02/1997/PL-UBTVQH9 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Vai trò của BĐBP ngày càng được khẳng định ở địa bàn biên giới
Cùng với thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, chủ trì duy trì an ninh trật tự tại khu vực biên giới, BĐBP còn tham gia củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Ở những địa bàn khó khăn, vai trò của BĐBP ngày càng được khẳng định. Báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn ông Vi Hòe, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An để làm rõ hơn những đóng góp của BĐBP đối với địa phương.
- Kỳ Sơn được biết đến là huyện vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn. Ông có thể cho biết những thách thức mà hệ thống chính trị và nhân dân huyện nhà gặp phải trong thời gian qua, nhất là nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh?
- Kỳ Sơn là huyện biên giới nằm ở phía Tây của tỉnh Nghệ An, có 21 đơn vị hành chính, trong đó có 11 xã biên giới với diện tích tự nhiên trên 209.484ha, là địa bàn có ý nghĩa chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh. Phía Tây, phía Bắc, phía Nam tiếp giáp với 4 huyện, thuộc 3 tỉnh (Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Bô Ly Khăm Xay) của nước bạn Lào có đường biên giới dài trên 203km; với 36 mốc quốc giới, có cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, cửa khẩu phụ Ta Đo và gần 30 đường tiểu mạch qua lại hai bên biên giới, tổng dân số khoảng 80 nghìn người, có 5 dân tộc cùng sinh sống (trong đó, trên 95% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số). Điều kiện tự nhiên trên địa bàn huyện rất khắc nghiệt, địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, dân cư phân bố không đồng đều, trình độ dân trí còn hạn chế.
Tình hình an ninh trên tuyến biên giới luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Đặc biệt là hoạt động các loại tội phạm có tính tổ chức xuyên quốc gia về buôn bán ma túy, các loại tội phạm có sử dụng công nghệ cao, mua bán phụ nữ, trẻ em, di cư tự do, vi phạm quy chế biên giới vẫn còn diễn ra khá phức tạp... Những yếu tố trên đã tác động, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội của huyện.
- Vậy vai trò BĐBP trong củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở địa bàn biên giới huyện Kỳ Sơn, thưa ông?
- Với đặc thù là huyện vùng cao, biên giới nên quá trình phát triển toàn diện của huyện Kỳ Sơn có vai trò đóng góp rất rõ nét, đặc biệt quan trọng của lực lượng vũ trang, trong đó có BĐBP, đặc biệt là trong công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, duy trì an ninh trật tự địa bàn, công tác đối ngoại với các địa phương nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào có chung đường biên giới, tham gia củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giúp dân xóa đói giảm nghèo.
BĐBP là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới; phối hợp tham mưu cho huyện tổ chức kết nghĩa cho 16 cặp bản - bản (của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An với các cụm bản, bản giáp ranh của địa phương nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào), thường xuyên duy trì các kỳ giao ban thường niên, trao đổi thông tin chuyên đề, đột xuất liên quan đến thông tin an ninh biên giới quốc gia, tội phạm xuyên quốc gia. BĐBP Nghệ An đã điều động 11 cán bộ Biên phòng tăng cường tham gia Đảng ủy cơ sở, được cấp ủy huyện chuẩn y giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy tại 11 xã biên giới, 24 đồng chí đảng viên BĐBP về sinh hoạt Đảng tại các chi bộ thôn, bản và 199 cán bộ BĐBP nhận đỡ đầu 1.012 hộ gia đình khó khăn ở khu vực biên giới của huyện.
Bên cạnh đó, BĐBP Nghệ An cũng nhận đỡ đầu, hỗ trợ xã biên giới Bắc Lý phát triển kinh tế, xã hội. Các đồn Biên phòng tại huyện Kỳ Sơn chủ trì phụ trách thực hiện một số đề án cụ thể nhằm hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, chăn nuôi (Đề án phát triển chăn nuôi lợn đen sinh sản). Hoạt động của lực lượng vũ trang nói chung và BĐBP nói riêng trên địa bàn có vai trò quan trọng trong đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị địa phương vững mạnh.
- Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam nêu rõ BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và chủ trì bảo đảm an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Có thể nói, Luật Biên phòng Việt Nam ra đời đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, tạo hành lang pháp lý thiết thực cho lực lượng BĐBP thực hiện nhiệm vụ nhằm đảm bảo vững chắc, toàn diện về quốc phòng, an ninh trong khu vực biên giới. Thực tế trong thời gian qua cho thấy, BĐBP đã phối hợp tốt với các lực lượng, cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đảm bảo an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực biên giới... Vì vậy, khi Luật Biên phòng Việt Nam được thông qua sẽ tăng cường tính pháp lý để BĐBP thực hiện nhiệm vụ theo quyền hạn và trách nhiệm được giao.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Diễn Thành, BĐBP Nghệ An giúp dân thu hoạch lạc. Ảnh: CTV
Là lực lượng nòng cốt bảo đảm an ninh, trật tự trên tuyến biên giới có tính chất đặc thù và BĐBP thực hiện nhiệm vụ theo chức năng, quyền hạn do pháp luật quy định. Khu vực biên giới bao gồm xã, phường, thị trấn có một phần địa giới hành chính trùng hợp với đường biên giới quốc gia; khu vực cửa khẩu gắn với đường biên giới quốc gia, bao gồm các khu chức năng để đảm bảo cho các hoạt động quản lý Nhà nước và hoạt động dịch vụ, thương mại tại cửa khẩu.
Đây là những địa bàn có tính chất đặc thù, có quy chế pháp lý điều chỉnh về các lĩnh vực xuất, nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua cửa khẩu và ra, vào, hoạt động tại đây; đồng thời, công tác bảo đảm an ninh, trật tự có mối liên hệ chặt chẽ với nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh, đặc biệt là ở khu vực biên giới, cửa khẩu.
Ở khu vực biên giới, cửa khẩu, hoạt động của BĐBP có cả tính chất quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Vì vậy, khi thực hiện nhiệm vụ nói chung, nhiệm vụ chủ trì, nòng cốt bảo đảm an ninh, trật tự theo chức năng, thẩm quyền nói riêng, BĐBP phải kết hợp chặt chẽ, giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo đảm an ninh, trật tự với nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên tuyến biên giới...
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Toàn dân hướng về biên giới thân yêu Nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai có 90km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia. Khu vực biên giới của tỉnh hiện có 48 thôn, làng thuộc 7 xã của 3 huyện biên giới, với tổng dân số gần 50 nghìn người thuộc 20 dân tộc anh em sinh sống. Các tổ chức, cá nhân tuyến...