‘Người trong cuộc’ nêu lý do chưa muốn nâng chuẩn chức danh lên PGS, GS
Cần đặt vấn đề chất lượng học thuật trong những công trình nghiên cứu hơn là bài báo khoa học được đăng tải ở đâu.
Hội đồng Giáo sư Nhà nước vừa công bố danh sách 356 ứng viên được Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2022.
Trước đó, tháng 8/2022, Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách ứng viên giáo sư, phó giáo sư được các Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị, gồm 447 người.
Như vậy, so với danh sách ứng viên được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2022, đã có 91 ứng viên bị loại.
Kết quả phản ánh quy trình xét duyệt chặt chẽ
Một Tiến sĩ ngành Ngôn ngữ học đang là giảng viên tại một trường đại học ở miền Bắc cho rằng, số lượng ứng viên bị loại phản ánh quy trình công nhận tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư đã được thực hiện một cách chặt chẽ và minh bạch.
Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn
Cụ thể, theo vị Tiến sĩ này, năm 2021, có 415/494 ứng viên được các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư (79 ứng viên bị loại). Năm nay, số ứng viên giáo sư và phó giáo sư bị loại ở các hội đồng ngành, liên ngành nhiều hơn. Số lượng giáo sư, phó giáo sư sẽ đạt chuẩn chức danh năm 2022 giảm hơn so với năm 2021.
Lý giải nguyên nhân, Tiến sĩ này cho biết: số ứng viên bị loại nhiều hơn không phải do Hội đồng Giáo sư cơ sở lỏng lẻo mà do Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành đánh giá kỹ lưỡng hơn. Ứng viên có thể không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cứng đối với chức danh giáo sư, phó giáo sư; yêu cầu về chất lượng bài báo khoa học cũng được đánh giá và cho điểm sát hơn.
Gian nan con đường nâng chuẩn chức danh
Ở các trường đại học, giảng viên là giáo sư, phó giáo sư là lực lượng sẽ giúp cho chất lượng giảng dạy cũng như nghiên cứu khoa học của chuyên ngành được nâng cao. Từ đó, từng đối tượng người học là sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, sẽ được trực tiếp hưởng những lợi ích này.
“Theo tôi được biết, một số trường đại học đã xây dựng được nhóm nghiên cứu có giá trị thực tiễn, tính ứng dụng cao vào công tác giảng dạy của nhà trường. Điều này góp phần từng bước nâng cao chất lượng đào tạo.
Số lượng đội ngũ giảng viên là giáo sư, phó giáo sư còn là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến xếp hạng của các trường đại học ở Việt Nam khi đa số các bảng xếp hạng đại học trên thế giới hiện nay đều có tiêu chí về số lượng giáo sư, phó giáo sư ở các đơn vị đào tạo mà họ xếp hạng”, vị này cho biết.
Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 12/2021, giảng viên trong các trường đại học có chức danh giáo sư đạt tỷ lệ chưa đến 1%, phó giáo sư chỉ chiếm tỷ lệ 6,21%.
Vị Tiến sĩ cho hay, tỷ lệ này bắt nguồn từ việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư được thực hiện theo Quyết định 37/2018/QĐ-TTg về quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Video đang HOT
“Theo quy định xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư trước đây tại Quyết định 174/2008/QĐ-TTg, ứng viên chỉ cần đảm bảo quy định chung về bài báo hay đề tài khoa học, thì ở quy định mới, ứng viên giáo sư phải là tác giả chính của ít nhất 5 bài báo khoa học, ứng viên phó giáo sư có 3 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín (danh mục ISI, Scopus). Ngoài ra ứng viên cũng phải đáp ứng những yêu cầu khác như đảm bảo số giờ giảng dạy, hướng dẫn thạc sĩ, nghiên cứu sinh…”.
Những rào cản hiện hữu
Vai trò của đội ngũ giảng viên quan trọng là vậy, song, hiện nhiều giảng viên tiến sĩ ít có động lực để nâng chuẩn chức danh lên phó giáo sư, giáo sư, nhất là sau khi Quyết định 37/2018 được ban hành.
Vị Tiến sĩ này chỉ ra 2 rào cản nổi bật khiến bản thân, cũng như một số giảng viên “ngại” nâng chuẩn chức danh phó giáo sư, giáo sư.
Thứ nhất, còn cứng nhắc về quy định số giờ giảng dạy.
Với quy định này, những ứng viên hiện tại đang làm việc cùng lúc ở trong và ngoài nước sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Thứ hai, quy định về số lượng bài báo đăng trên tạp chí quốc tế uy tín (danh mục ISI, Scopus hoặc do hội đồng chức danh quy định). Đây là nguyên nhân chủ yếu.
“Để có một bài báo quốc tế đạt đến chất lượng học thuật là điều không dễ dàng. Bài báo quốc tế uy tín ở các ngành khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật có phần dễ dàng hơn một chút so với các ngành khoa học xã hội. Mặc dù, trong một vài năm trở lại đây, bài báo quốc tế của ngành khoa học xã hội cũng có sự gia tăng hơn trước nhưng tỷ lệ vẫn ít”, Tiến sĩ này chia sẻ.
Cũng phải nói thêm, lĩnh vực khoa học tự nhiên có tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư cao hơn cũng là do đặc thù. Những lí thuyết và ứng dụng về khoa học tự nhiên là những lí thuyết và ứng dụng vừa có tính phổ quát chung, vừa có tính liên kết của khoa học chuyên ngành, ứng dụng xã hội cao.
Còn với ngành khoa học xã hội, bản thân nó đã gắn với từng dân tộc, phạm vi cụ thể. Vì thế, thông thường để xây dựng những bài báo quốc tế ở lĩnh vực khoa học xã hội, thì cần chọn những vấn đề nghiên cứu có tính “liên thông”, sẽ dễ dàng hơn.
“Có một yếu tố đó là khi nghiên cứu sinh học tập và làm việc ở nước ngoài thì bên cạnh vốn ngoại ngữ tốt, họ còn được “tiệm cận” với các phương pháp nghiên cứu hiện đại, tiếp thu lý thuyết mới từ các nhà khoa học quốc tế. Nghiên cứu sinh cũng có nhiều cơ hội được là thành viên của các nhóm nghiên cứu mạnh để có những sản phẩm khoa học chất lượng.
Tất nhiên, điều này cũng không có nghĩa là các nghiên cứu sinh trong nước thì chất lượng không cao. Bởi, nghiên cứu sinh trong nước nếu có ý thức vươn lên, chủ động tích cực trong nghiên cứu thì vẫn có công trình khoa học chất lượng, tính ứng dụng cao.
Những quy định đặt ra là để chúng ta hướng tới việc lựa chọn những cá nhân xuất sắc có những cống hiến cho khoa học chuyên ngành. Điều này là hợp lý. Tuy nhiên, nên chăng cần có những yêu cầu, xét đặc thù riêng về quy chuẩn bài báo khoa học đối với từng ngành”, vị Tiến sĩ cho biết.
Xuất hiện tiêu cực từ quy định về bài báo quốc tế
Từ những vướng mắc trên, Tiến sĩ này chỉ ra những nguy cơ tiềm ẩn xuất hiện tiêu cực liên quan đến bài báo khoa học công bố quốc tế.
Một là, xuất hiện tình trạng mua bán bài báo quốc tế.
“Cần đặt vấn đề chất lượng học thuật trong các công trình nghiên cứu hơn là công trình nghiên cứu ấy được đăng tải ở đâu. Bởi vì, việc đăng tải bài viết trên các tạp chí quốc tế uy tín hay tạp chí quốc tế bình thường cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề.
Quy định về bài báo quốc tế là một trong những rào cản rõ rệt đối với các ứng viên. Điều này hạn chế rất nhiều ứng viên đăng kí xét học hàm giáo sư, phó giáo sư và cũng sẽ có trường hợp xuất hiện mặt trái của quy định này.
Ví dụ như hiện trạng, để có được bài báo quốc tế, ứng viên có thể tiến hành mua bán bài báo quốc tế nhằm mục đích đứng tên trong bài báo (thường đứng ở vị trí: first author hoặc corresponding author – tạm hiểu là “tác giả chính”, và “tác giả liên hệ” của bài báo )”, vị Tiến sĩ chia sẻ.
Cũng theo vị này, đã có trường hợp ứng viên trả phí lên tới 2000 đô la Mỹ để “đủ điều kiện” được đăng tải bài viết trên báo quốc tế.
“Tôi rất trăn trở vì thực tế nhiều người cứ mạnh về kinh tế thì sẽ có bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế, thậm chí có bài chất lượng học thuật không cao.
Bản thân tôi trong quá trình nghiên cứu khoa học đã từng rơi vào trường hợp tương tự. Khi đó, nếu tôi có kinh tế đủ mạnh, tôi chỉ cần sửa bài và nộp 1500 đô la Mỹ là có ngay một bài báo quốc tế”, Tiến sĩ chia sẻ.
Mặt tiêu cực này xuất phát từ quy định phải có bài báo quốc tế, như một tiêu chí cứng trong hồ sơ xét duyệt nâng chuẩn chức danh.
Hai là, xuất hiện tình trạng ứng viên có bài báo quốc tế nhưng tính chất khoa học, học thuật không nhiều.
Tiến sĩ này dẫn chứng: “Ở ngành Ngôn ngữ học, phần đông đồng nghiệp của tôi dạy tiếng Anh đăng ký xét nâng chuẩn chức danh mà thực chất về chuyên ngành họ không nổi bật.
Nếu cứ như vậy, thì nhiều người có chức danh phó giáo sư trong khi thực chất không có nhiều cống hiến đích thực với ngành, với cộng đồng xã hội (tôi nhấn mạnh là không phải tất cả, nhưng thực tế này có tồn tại)”.
Ba là, ứng viên có tên trong bài báo nhưng hướng nghiên cứu đặt ra lại không phải là của ứng viên.
Cụ thể, quy định chỉ cần là tác giả của 3 bài báo quốc tế nên ứng viên có thể liên kết với các tác giả nước ngoài để có sản phẩm, được đứng tên và đôi khi nội dung bài báo không phải hướng nghiên cứu do bản thân ứng viên này viết.
Bởi, thường chỉ cần có tên ứng viên trong bài báo là được chấp nhận.
Vì thế, hệ quả đặt ra là ứng viên có thể chưa có những cống hiến nổi trội trong ngành nhưng vẫn đủ những điều kiện bài báo quốc tế để xét đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Bốn là, giảng viên “ngại” nâng chuẩn chức danh, trường thiếu lực lượng giáo sư, phó giáo sư nên phải “mượn người” để mở và giữ ngành đào tạo.
Bản chất của học hàm là cống hiến với ngành. Các trường vẫn muốn có giảng viên là phó giáo sư, giáo sư, vì ngoài nâng cao chất lượng thì đó còn là điều kiện để mở các mã ngành đào tạo, hoặc giữ được các mã ngành này. Thực tế đã có trường, do ngành học không có phó giáo sư, giáo sư nên bị cắt tuyển sinh thạc sĩ.
Cần đánh giá đúng chất lượng hơn là quy định bài báo quốc tế
“Cá nhân tôi cũng có dự kiến nâng chuẩn chức danh lên phó giáo sư trong 2 – 3 năm tới. Tôi mong muốn mình sẽ có thêm nhiều công trình khoa học có chất lượng để cống hiến cho ngành, bổ sung những lý thuyết khoa học chuyên ngành và có tính ứng dụng đối với đời sống thực tiễn.
Tôi nghiên cứu về Ngôn ngữ học nên hơn hết lúc nào cũng mong những nghiên cứu của mình có tác động đến đời sống ngôn ngữ tiếng Việt cũng như người sử dụng tiếng Việt.
Song, rào cản lớn nhất lúc này với tôi cũng như nhiều đồng nghiệp đó là để bài báo thuộc lĩnh vực khoa học xã hội đăng trên báo quốc tế là điều không phải dễ dàng, tốn nhiều thời gian”, vị này chia sẻ.
Theo Tiến sĩ, cần nhìn nhận đúng về giá trị những công trình khoa học và gắn với thuật ngữ chất lượng thì dù công trình nghiên cứu trong nước vẫn có những tác động đến nền học thuật.
Cụ thể, cần đánh giá toàn diện về những cống hiến của các ứng viên cho ngành. Những cống hiến này bắt nguồn từ giá trị thực của công trình nghiên cứu khoa học chứ không chỉ căn cứ vào bài báo quốc tế.
“Tiêu chí bài báo đăng tải trên các tạp chí quốc tế uy tín là hợp lý nhưng cũng cần chú ý hơn đến những công trình sách chuyên khảo, bài báo khoa học trong nước có giá trị học thuật cao. Bởi theo tôi được biết, rất nhiều nhà nghiên cứu có những công trình trong nước giá trị. Trong khi đó, nhiều bài báo khoa học quốc tế không hẳn là có chất lượng cao hơn những bài báo khoa học trong nước”, Tiến sĩ cho biết.
Ngoài ra, cần có quy định cụ thể đối với những lĩnh vực có tính đặc thù, đặc biệt là lĩnh vực khoa học xã hội khi thực tế hiện nay việc đăng tải các bài viết trên báo quốc tế còn nhiều vấn đề.
Những trường đại học có nhiều ứng viên giáo sư, phó giáo sư nhất năm 2022
Trong số gần 120 trường đại học có ứng viên giáo sư, phó giáo sư được đề nghị xét công nhận, Đại học Cần Thơ dẫn đầu với 23 ứng viên.
Hội đồng Giáo sư Nhà nước vừa công bố danh sách 356 ứng viên đủ điều kiện xét công nhận tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư được 28 Hội đồng Giáo sư ngành/liên ngành thông qua. Trong đó gần 120 trường đại học có ứng viên được đề nghị xét công nhận.
Trường Đại học Cần Thơ có 23 ứng viên giáo sư, phó giáo sư được đề nghị xét công nhận.
Dưới đây là danh sách những trường đại học có ứng viên giáo sư, phó giáo sư nhiều nhất năm 2022:
Theo quy trình xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư các đại học sẽ thành lập Hội đồng cơ sở để xét duyệt những ứng viên nộp hồ sơ. Thành viên của Hội đồng sau đó thẩm định hồ sơ, nghe ứng viên trình bày báo cáo khoa học tổng quan, đánh giá về chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra năng lực ngoại ngữ của ứng viên. Sau khi thông qua danh sách ứng viên đủ điều kiện, Hội đồng cơ sở báo cáo kết quả lên Hội đồng Giáo sư Nhà nước.
Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhận danh sách do cơ sở đề xuất, giao cho Hội đồng ngành, liên ngành thẩm định. Sau vòng thẩm định này, Hội đồng nhà nước sẽ xem xét và thông qua danh sách các ứng viên đạt tiêu chuẩn.
Có nên hạ chuẩn xét công nhận chức danh GS, PGS? Tiêu chuẩn xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư yêu cầu phải có bài báo quốc tế. Nhiều ý kiến cho rằng yêu cầu này chưa phù hợp và thực tế. Có ý kiến cho rằng nên hạ chuẩn xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư. Ảnh: Tiền Phong. Theo thống kê từ Hội Đồng Giáo sư Nhà...