Người trong cuộc kể chuyện giải cứu động vật hoang dã
Một chuyên án ngăn chặn nạn nuôi nhốt động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm, trái phép của Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49B, Văn phòng phía Nam) với sự kết hợp của Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Chi cục Kiểm lâm Bình Dương cùng với sự hỗ trợ của Viện sinh thái học miền Nam và Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS).
Chuyên án mở đầu vào ngày 3/7 nhắm vào hai cơ sở tại huyện Bến Cát và một cơ sở tại thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Một cán bộ WCS trực tiếp cùng tham gia chuyên án kể về quá trình trinh sát và đột nhập bất ngờ của các chiến sỹ cảnh sát và kiểm lâm.
Toàn là động vật quý hiếm bị nuôi nhốt trái phép
Ngày 1/7, phòng 3 cục Cảnh sát Môi trường (CSMT C49B) nhận được tin báo về hành vi nuôi nhốt của 3 cơ sở tại Bình Dương, đến 1 giờ chiều, đoàn trinh sát đã được tổ chức đến địa bàn. Con đường đi vào địa điểm này vô cùng khó tìm, nằm sâu trong rẫy cao su.
Tiêm thuốc chống sốc sau khi vượn đã bị gây mê
Trong vai là người mua gỗ cao su về làm bột giấy, chúng tôi tiếp xúc với một nhóm người đang cưa cây cao su. Hỏi han về tình hình mua bán gỗ và giá cả, sau một hồi lâu họ cũng tiết lộ về một số loài động vật nuôi trong nhà bà Nguyễn Thị Diệp Hồng và ông Nguyễn Văn Long ở 446 ấp Cây Sắn, xã Lai Uyên, huyện Bến Cát.
Họ cho biết trước đây trang trại nuôi rất nhiều hươu, nai, công và vượn, sau này trang trại bán hết hươu nai và chỉ giữ lại công, vượn và trĩ đỏ khoang cổ.
Ngay sau đó tôi cùng một trinh sát chạy thẳng xe vào sân nhà. Một bầy chó chạy ra sủa inh ỏi, chỉ chực nhảy bổ vào để cắn. May mắn tôi có một chút kinh nghiệm trong nuôi và huấn luyện chó, sau vài động tác làm cho những chú chó cảm thấy không nguy hiểm, chúng liền rút lui.
Bà Hồng từ trong nhà bước ra cho biết trang trại cao su là của bà và bà Vân, ông Long. Trinh sát vào đề với câu chuyện mua gỗ cao su, trong khi đó tôi nhanh chóng đi ra phía sau nhà quan sát và ghi hình bằng máy quay ẩn.
Vượn đen má hung cái da bọc xương
Có 6 con vượn được nuôi nhốt trong 3 lồng lớn, ngay ngoài cùng là con vượn Pile (một loài không có phân bố ở Việt Nam), ngay kế bên là một cặp vượn đen má hung. Đi sâu tiếp vào khoảng 15m là một chuồng lớn với 3 con vượn má hung khác.
Theo quan sát của tôi con vượn nhỏ trong chuồng này có thể là con của hai con kia. Con vượn đực rất hung dữ và con vượn cái có vóc dáng lớn nhưng rất gầy chỉ có da bọc xương. Ngay cạnh đó là một chuồng nuôi nhốt 3 con trĩ đỏ khoang cổ và một con công trống.
Video đang HOT
Tôi giả như ngạc nhiên về những loài họ nuôi, khen chúng đẹp và rủ cán bộ trinh sát ra xem. Tất cả các loài trên đều là các loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ hoặc thuộc các nhóm cấm nuôi nhốt, mua bán. Chúng tôi nhanh chóng kết thúc câu chuyện và rút lui êm đẹp với lời hứa quay lại mua gỗ cao su.
Trang trại kế bên ở số 49 của ông Trần Văn Lợi, cổng rào khóa kín, không có ai để hỏi chuyện. Trong lúc chúng tôi đang loay hoay thì nghe tiếng gáy của con công đực và đó là một bằng chứng. Chúng tôi nhanh chóng di chuyển đến một điểm nuôi nhốt khác là quán cháo vịt Cu Chì ở thị xã (một quán vịt có tiếng tại Bình Dương).
Nhiều loài chim quý hiếm được nuôi công khai ngay trong khuôn viên quán nên chúng tôi nhanh chóng xác định được đây đều là các loài quý hiếm như diều hoa Miến Điện, diều núi và cò lạo Ấn Độ.
Đột nhập bất ngờ
6 giờ sáng ngày 3/7, liên ngành chúng tôi dưới sự điều phối của ông Nguyễn Văn Thành, phó đội trưởng Phòng 3 thuộc C49B xuất phát tới Phòng cảnh sát môi trường Bình Dương (PC49) để yêu cầu phối hợp. Tiếp đó Chi Cục Kiểm Lâm Bình Dương cũng được yêu cầu phối hợp. Nhận thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc, đồng chí chi cục phó trực tiếp đi phối hợp cùng 3 đồng chí kiểm lâm khác. Xe chúng tôi chạy nhanh hết mức cho phép để bất ngờ tiếp cận ngay các địa điểm.
Trinh sát vượt rào yêu cầu chủ nhà mở cửa
Khi đoàn đến Lai Uyên, con đường đất đỏ vô cùng xấu, nhưng để đảm bảo tính bí mật, các lái xe đạp hết ga với tốc độ cao nhất có thể. Ngồi trên xe, chúng tôi bị dằn xóc liên tục.
Vào tới cổng của trang trại ở số 446 ấp Cây Sắn, chúng tôi tiến thẳng vào sân, đề phòng chủ nhà thả vượn để phi tang vật chứng. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi những con vượn vẫn còn đó, ở nhà không có ai, chỉ thấy một bà cụ làm thuê, chứng tỏ chuyên án đã đảm bảo được tính bí mật và bất ngờ. Sau khi chủ nhà xuất hiện, mọi thủ tục được lập nhanh chóng dưới sự chứng kiến của đại diện địa phương.
Tuy nhiên ở điểm nuôi nhốt gần đó của ông Trần Văn Lợi, cánh cửa bị khóa kín và khoảng cách từ cổng vào đến nơi có người làm khoảng 500m. Trinh sát vượt rào vào yêu cầu chủ nhà ra làm việc. Tại điểm này, đoàn ghi nhận nhiều sai phạm.
Trang trại có giấy phép nhưng đã hết hạn từ 2010 và không gia hạn, không thông báo giảm đàn khi thú chết. Sau khi lập các thủ tục hành chính, đoàn yêu cầu người quản lý giữ nguyên hiện trạng nuôi nhốt để chờ quyết định xử lý.
Cuối cùng chúng tôi xuất hiện tại quán cháo vịt Cu Chì trong sự ngỡ ngàng của chủ quán. Sau một hồi trao đổi, giải thích, chủ quán đồng tình giao nộp những con chim trong lồng. Thủ tục nhanh chóng được lập, những chú chim được chuyển lồng.
Một khó khăn phát sinh là công tác cứu hộ nhưng không được để lộ thông tin. Khác với những chuyên án khác, trong các vụ vi phạm về động vật hoang dã thì việc cứu hộ các con thú kịp thời góp phần quyết định tới sự sống chết của chúng.
Trên đường đi, chúng tôi đã gọi điện cho trung tâm cứu hộ, tuy nhiên họ cho biết quá gấp họ không chuẩn bị kịp, phải ngày hôm sau mới lên được. May thay sau đó Phó Chi cục trưởng kiểm lâm đã gọi cho sở thú tư nhân Đại Nam yêu cầu giúp đỡ, và được phó tổng giám đốc vườn thú nhận lời.
12 giờ trưa, nhóm hỗ trợ cứu hộ của Đại Nam đã có mặt tại cơ sở bà Hồng – ông Long. Các bác sỹ thú y chuẩn bị các dụng cụ để gây mê và vận chuyển. Chú vượn Pile được chọn đầu tiên. Chỉ 3 phút sau khi bị mũi tiêm gây mê găm vào đùi, chú vượn Pile từ từ thiếp đi. Những chú vượn khác cũng lần lượt được gây mê và chuyển vào lồng.
Trung tâm cứu hộ vượn đến ngày hôm sau 4/7 mới có khả năng tiếp nhận nên những chú vượn được tạm để ở chi cục Kiểm Lâm Bình Dương. Hiểu rõ sự quý giá của những chú vượn, Phó chi cục trưởng Trần Văn Nguyên chỉ đạo mang những chú vượn vào trong tòa nhà làm việc của Chi cục, vì đến tối mưa rất lớn và gió mạnh.
Đoàn chúng tôi bắt đầu trở về trong cái mưa tầm tã. Ai cũng mệt mỏi rã rời, nhưng vui. Niềm vui ấy không chỉ vì đã hoàn thành nhiệm vụ mà còn vì chúng tôi đã làm được một điều bảo vệ những loài động vật quý hiếm và góp phần lưu giữ tài nguyên thiên nhiên quý giá cho sự cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học.
DƯƠNG VIỆT HỒNG (Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã-WCS)
Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) đã tổ chức các khảo sát, nghiên cứu về thực trạng buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) trên địa bàn 3 thành phố gồm TP Hồ Chí Minh, Biên Hoà (Đồng Nai) và Thủ Dầu Một (Bình Dương).
Kết quả cho thấy, thị trường buôn bán ĐVHD tại các khu đô thị này vô cùng sôi động. Thời điểm tháng 12/2012, WCS khảo sát, thu thập thông tin 176 cơ sở thì có 145 cơ sở (chiếm 82%) có kinh doanh ĐVHD, trong đó có 59 cơ sở (chiếm 34%) có kinh doanh các loài được bảo vệ.
Ngoài ra, WCS cho biết thêm việc buôn bán ĐVHD trên mạng internet là phương thức phổ biến. Trong số 108 loài ĐVHD xuất hiện trong buôn bán trực tuyến, có 17,6% số loài bị đe dọa trên toàn cầu, tiêu biểu như hổ, voi, rùa núi vàng, rùa đầu to, rùa đất Spengle, khướu bạc má, cá sấu.
Theo Khampha
Bệnh viện cho động vật quý ở Củ Chi
Hàng ngàn động vật hoang dã quý hiếm đã được Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi cứu sống, nuôi dưỡng và thả về với thiên nhiên.
Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ chi (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP HCM) ra đời từ năm 2006 do Chi cục Kiểm lâm TP HCM quản lý và Wildlife At Risk (WAR-một tổ chức phi chính phủ) tài trợ hoạt động.
Những số phận bi đát
Tất cả các loài động vật thu giữ từ những vụ buôn bán trái phép đều được đưa về Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi. Hiện tại, nơi đây đang cứu hộ trên 30 loài động vật với tổng cộng 116 cá thể, tất cả đều thuộc danh mục đặc biệt quý hiếm cần được bảo tồn.
Đưa chúng tôi đi thăm vườn cứu hộ, ông Lê Xuân Lâm, đại diện WAR, chỉ con gấu chó trong khu vực bán hoang dã, nói: "Đây là một trường hợp đặc biệt được cứu hộ thành công. Trước đó, một người dân ở tỉnh Bình Dương nuôi 5 con gấu ngựa để lấy mật. Sau một thời gian nuôi nhốt, 1 con bị cụt 1 chân, con khác thì mù 1 mắt nên đã trao tặng cho trung tâm để cứu hộ. Theo ông Lâm, 2 con gấu này đã được cứu sống nhưng vẫn không thể thả về rừng vì chúng sẽ không tự kiếm được thức ăn hoặc bị các loài khác tiêu diệt. "Hiện 2 con gấu này chỉ để nuôi nhằm mục đích bảo tồn và giáo dục là chính" - ông Lâm nói.
Con gấu chó bị thương nặng đang được chăm sóc ở Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi
Trước đó, bà Trần Thị Ánh Nguyệt (ngụ huyện Củ Chi) cũng bàn giao Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi 1 con gấu chó nuôi từ năm 1999 nhưng đến nay chỉ được 25 kg. Khi mới nhận về, hàm dưới và chân trước của con gấu đã bị hoại tử, mù 2 mắt. "Chúng tôi phải phân công canh chừng con gấu, thậm chí không dám ngủ mới duy trì được cuộc sống cho nó" - anh Alý, nhân viên cứu hộ, cho biết.
Hầu hết các loài động vật được đưa về Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi đều ở trong tình trạng nguy kịch, có nhiều trường hợp chết trên đường vận chuyển do bị người dân nhốt lâu ngày hoặc dính bẫy nên bị thương nặng. "Nếu không được giải cứu kịp thời thì hàng trăm cá thể động vật quý hiếm rất khó giữ tính mạng" - ông Lâm cho biết.
Trước đó, một hộ dân cũng trao tặng Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi con vượn má vàng ở trong tình trạng kiệt sức, không tự vận động được do bị nuôi nhốt lâu ngày. "Nay con vượn má vàng đã trở lại bình thường, hiếu động, ham chạy nhảy và đặc biệt không còn sợ hãi như trước đây" - một thành viên trong đội cứu hộ kể.
Gian nan luyện bản năng sinh tồn
Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi được xem như bệnh viện tổng hợp cho thú rừng với đủ các "khoa". Khi mới đưa về, các loài động vật hoang dã sẽ sống cách ly, sau đó được khám bệnh và phân đến từng "khoa". Thậm chí, có nhiều trường hợp phải "cấp cứu" và phẫu thuật để giữ tính mạng. Con don là một trong những loài động vật quý hiếm được Đội Kiểm lâm cơ động (Chi cục Kiểm lâm TP HCM) tịch thu trong một vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép. Khi mới đưa về, chân của con don bị phân hủy, buộc các bác sĩ thú y phải đưa vào khoa "cấp cứu" rồi tiến hành phẫu thuật cắt bớt phần chân bị hoại tử. Ngoài ra, trung tâm này còn có hàng chục cá thể khác cũng cụt chân, mờ mắt do bị con người nuôi nhốt và khai thác quá sức.
Các tình nguyện viên của Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi đang chăm sóc thú
Không chỉ dừng lại ở việc cứu sinh mạng cho những loài thú quý, các bác sĩ thú y còn luyện tập bản năng sinh tồn cho chúng và khu vực bán hoang dã thu nhỏ là nơi để các loài thú luyện tập. "Nếu chỉ cứu sống mà không tập cho chúng tái nhập cuộc sống hoang dã thì đó là thất bại. Vì vậy, ngoài việc cứu hộ, nuôi dưỡng, nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng tôi là tạo cho thú tập quen dần cuộc sống hoang dã, để khi thả về tự nhiên chúng vẫn tồn tại được" - anh Alý nói.
Theo các nhân viên cứu hộ, những con thú được đưa đến đây từ nhiều vùng khác nhau nhưng có chung số phận là đều trải qua những ngày bị hành hạ, khai thác, rao bán... Mỗi con vật là một số phận, một câu chuyện bi đát. Một con gấu chó sau thời gian nuôi nhốt, bị người dân lấy hết mật và cắt đứt 1 bàn chân để ngâm rượu... Một số con vật khác thì bị cắt đuôi, nhổ hết lông, thậm chí gần chết thì chủ nuôi mới báo Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi đến tiếp nhận. Thông thường, khi mới được giải cứu, chúng đều rất sợ con người, phải mất một thời gian dài chăm sóc mới trở nên thân thiện hơn.
Cuối năm 2009, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi tiếp nhận 1 con gấu chó trong tình trạng nguy kịch do bỏ ăn nhiều ngày. Các thành viên trong đội cứu hộ phải túc trực, ăn, ngủ gần con gấu để tiện theo dõi sức khỏe, có phương pháp cứu hộ hợp lý. Ngoài ra, hằng ngày phải thay nhau đưa con gấu ra vườn "thư giãn". "Mất gần 1 năm, con gấu mới khỏe lại bình thường, gian nan vô cùng" - ông Lâm nhớ lại.
Tình yêu đặc biệt Hầu hết thành viên trong đội cứu hộ mỗi khi thấy thú rừng bị thương hoặc chết, ai cũng đau lòng. Ngược lại, họ cảm thấy hạnh phúc khi tự tay cứu sống, trực tiếp thả các loài động vật hoang dã về với tự nhiên. Nhiều nhân viên Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi cho biết để theo được nghề chuyên chung sống với những cá thể "khác loài" này, đòi hỏi phải có một tình yêu thú đặc biệt. Ngoài ra, phải biết chấp nhận những chuyến đi đêm, không giờ giấc cố định và luôn ở trong tư thế sẵn sàng...
Theo 24h
Bắt được mèo rừng ở An Giang Ngày 7.11, Chi cục kiểm lâm tỉnh An Giang cho biết vừa tiếp nhận cá thể mèo rừng do người dân bắt được trên đất cồn Bà Hòa, xã Bình Thạnh, H.Châu Thành. Trước đó, chi cục đã tiếp nhận 3 con mèo rừng cũng do người dân bắt được ở đất cồn này. Theo vài hộ dân cho biết trước đó, họ...