Người trả tiền thuê đất hằng năm sẽ được chuyển nhượng, thế chấp đất?
Người sử dụng đất trả tiền thuê đất hằng năm được thế chấp, bán tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất và quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất, cho thuê lại quyền thuê đất để thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất.
Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội về dự án Luật đất đai (sửa đổi) – Ảnh: Q.ĐỊNH
Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội về dự án Luật đất đai (sửa đổi), nhấn mạnh yêu cầu cần thiết phải sửa đổi bộ luật này sau gần 8 năm thực hiện.
Mở rộng nhiều quyền để công dân tiếp cận thông tin đất đai
Tờ trình nêu rõ, việc thi hành Luật đất đai đã tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, khả thi cho việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm hiệu quả đất đai. Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất còn tồn tại hạn chế về quy hoạch sử dụng đất, chưa giải quyết hài hòa lợi ích giữa các bên trong thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định, tài chính đất đai và giá đất chưa phản ánh đúng thực tế thị trường. Năng lực quản lý nhà nước, cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin đất đai chưa được hoàn thiện.
Do đó, Chính phủ cho rằng cần hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường, giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại và thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh.
Dự thảo được xây dựng gồm 240 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 156 điều, bãi bỏ 8 điều. Trong đó, dự luật làm rõ phạm vi quy định của Luật đất đai với các luật khác có liên quan. Quy định cụ thể hơn quyền và trách nhiệm của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý đối với đất đai và quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất đai.
Video đang HOT
Đáng chú ý, trong nội dung này sẽ bổ sung quy định về quyền của công dân trong tiếp cận đất đai, thông tin đất đai, tham gia, giám sát việc quản lý, sử dụng đất và nghĩa vụ trong bảo vệ tài nguyên đất.
Dự luật cũng nhấn mạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quản lý chặt chẽ và tăng cường công khai, minh bạch, bình đẳng trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tiếp cận đất.
Cụ thể, việc cho thuê đất sẽ thực hiện trả tiền hằng năm. Chủ trương giao đất, cho thuê chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án. Tăng cường phân cấp, phân quyền. Để doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận đất, dự thảo bổ sung quy định chủ đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp có trách nhiệm dành quỹ đất công nghiệp để cho thuê đất.
Công khai minh bạch trong thu hồi đất
Dự thảo nhấn mạnh tiếp tục thực hiện công khai minh bạch trong thu hồi đất; giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Trong đó, sửa đổi, bổ sung nguyên tắc bồi thường theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường như đất khác hoặc nhà ở, hỗ trợ đối với người có đất bị thu hồi nhưng hạn chế khả năng lao động.
Một nội dung quan trọng trong dự thảo, là hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính, giá đất, tăng cường các công cụ kinh tế trong quản lý, điều tiết các quan hệ đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo đó, bảng giá đất được xây dựng định kỳ hằng năm, được công bố công khai, được áp dụng để tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất.
Bổ sung quy định về điều tiết nguồn thu từ đất của các địa phương về ngân sách trung ương để hỗ trợ cho phát triển; có mức điều tiết để hỗ trợ cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi và người có đất bị thu hồi. Quy định rõ hơn về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các quyền nghĩa vụ tương ứng.
Để thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, sẽ có quy định để phát huy nguồn lực đất đai. Bao gồm bổ sung quy định về phát triển quỹ đất với cơ chế công khai, minh bạch, kiểm soát tình trạng đầu cơ.
Quy định thêm các quyền để người sử dụng đất trả tiền thuê đất hằng năm được thế chấp, bán tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất và quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất, cho thuê lại quyền thuê đất để thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất…
Để tiếp tục đổi mới các quy định về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, giải quyết những tồn tại hạn chế trong quản lý đất có nguồn gốc nông, lâm trường, dự thảo mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân…
Bổ sung quy định về ngân hàng đất nông nghiệp, các cơ chế góp quyền sử dụng đất, có các chính sách khuyến khích để thực hiện tập trung, tích tụ đất để sản xuất nông nghiệp.
Xin ý kiến Quốc hội nhiều nội dung quan trọng
Trên cơ sở dự thảo được xây dựng và các ý kiến còn khác nhau, Chính phủ báo cáo Quốc hội xin ý kiến về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Việc mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Bổ sung quy định về cho phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuế trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm”.
Ngoài ra là cơ chế tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất…
Mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 232/TB-VPCP truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo Thông báo, Ban Chỉ đạo đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian ngắn đã kịp thời hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi có Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; tiếp tục rà soát các quy định hiện hành để sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai với các luật có liên quan; bảo đảm tính kế thừa, phát triển, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm thẩm quyền được giao để địa phương chủ động trong việc phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tế; đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện, khắc phục tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu tối đa ý kiến của các Thành viên Ban Chỉ đạo; rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật, bám sát chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW, Kết luận của Ban cán sự đảng Chính phủ (Thông báo số 952-TB/BCSĐCP ngày 20/7/2022).
Phó Thủ tướng lưu ý, về chuyển nhượng, thế chấp "quyền thuê trong hợp đồng thuê đất đối với đất thuê trả tiền hàng năm: Dự thảo Luật quy định về "quyền thuê trong hợp đồng thuê đất đối với đất thuê trả tiền hàng năm" được chuyển nhượng, thế chấp là phù hợp tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW về thương mại hóa quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, cần có đánh giá tác động, rà soát chặt chẽ các điều kiện thực hiện để vừa tạo hành lang pháp lý cho các giao dịch trên thị trường, nhưng cũng tránh bị lợi dụng chính sách của Nhà nước để trục lợi, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.
Về tiếp cận đất đai đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài: Việc quy định điều kiện tiếp cận đất đai đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài trong dự thảo Luật là cần thiết, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần cụ thể hóa trong các quy định liên quan như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, nhận quyền sử dụng đất... trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của các nước để quy định phù hợp với thực tiễn của nước ta. Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Công an nghiên cứu thêm về nội dung này để góp ý vào dự thảo Luật bảo đảm chặt chẽ, khả thi.
Về thành lập quỹ hỗ trợ cho người bị thu hồi đất thuộc đối tượng hạn chế khả năng lao động: Nội dung này liên quan đến việc thực hiện chính sách an sinh xã hội và tổ chức bộ máy tại địa phương, vì vậy cần tiếp tục cân nhắc theo hướng chỉ quy định nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ trong luật và giao Chính phủ quy định chi tiết về các chính sách hỗ trợ cụ thể trên nguyên tắc không quy định về tổ chức bộ máy trong luật.
Về bổ sung trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp phải dành một tỷ lệ diện tích đất để Nhà nước thực hiện các chính sách về đất đai: Dự thảo Luật quy định chủ đầu tư phải dành quỹ đất để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở di dời do ô nhiễm môi trường thuê đất là cần thiết (chủ đầu tư không phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và được hoàn trả chi phí đầu tư kết cấu hạ tầng đối với diện tích đó). Tuy nhiên, nên giao quyền chủ động cho địa phương để xác định quỹ đất này phù hợp với thực tế, đồng thời cần nghiên cứu cơ chế bảo đảm các doanh nghiệp được tiếp cận công khai, công bằng, tránh "xin - cho".
Về việc mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp: Mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp. Quy định này phù hợp với Nghị quyết 18-NQ/TW và bối cảnh hiện nay, đồng thời giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định hạn mức cụ thể để phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Dự thảo Luật quy định không hạn chế tổ chức kinh tế, hộ gia đình cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa (Luật Đất đai hiện hành quy định các đối tượng này không được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa) là phù hợp với chủ trương của Nghị quyết 18-NQ/TW về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, đây là một nội dung lớn, nhạy cảm, cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của quy định này vì nguy cơ người nông dân sẽ không có đất để sản xuất, gây hệ quả lâu dài cho xã hội.
Về cơ chế tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại: Nội dung này đã được nêu trong Nghị quyết 18-NQ/TW. Tuy nhiên, tinh thần xuyên suốt của Nghị quyết 18-NQ/TW là chủ yếu thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng cần phải đánh giá thêm tác động đối với nội dung này.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm chất lượng; tổ chức các hội thảo, bổ sung nội dung xin ý kiến (đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, thu hồi, bồi thường,...) theo 2 phương án để lấy ý kiến rộng rãi; xây dựng kế hoạch thực hiện bảo đảm tiến độ trình Quốc hội. Bổ sung đại diện Bộ Tư pháp làm Phó Trưởng ban chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Các Bộ, cơ quan khẩn trương nghiên cứu dự thảo Luật, gửi ý kiến về Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, hoàn thiện dự án Luật.
Bộ Tư pháp chủ động, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình thẩm định dự án Luật bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Chính phủ.
Giảm tốc, xoay xở đủ đường...chưa bao giờ doanh nghiệp BĐS khó khăn như hiện nay Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang ở giai đoạn khó khăn nhất trong suốt hàng thập kỷ vì không có dự án, vướng mắc về hành lang pháp lý... Nhiều doanh nghiệp xác định đầu tư chậm không mở rộng quy mô trong 6 tháng cuối năm. Đánh giá về thị trường BĐS cuối năm, ông Vũ Cương Quyết - Tổng giám...