Người Thụy Điển ung dung giữa bão Covid-19
Đó là một ngày tháng 4 ngập nắng và đám đông vẫn vô tư tụ tập ở Medborgarplatsen, quảng trường trung tâm ở thủ đô Stockholm.
Họ say sưa ngắm những bông thủy tiên tại một cửa hàng hoa, trong khi những đứa trẻ đạp xe vòng quanh, còn hàng chục người tập trung trên những băng ghế dài hoặc nhà hàng ngoài trời để cùng tiễn mùa đông ảm đạm qua đi. Cuộc sống nơi đây vẫn diễn ra như nó vốn có, người Thụy Điển vẫn vô tư đi lại khắp nơi, dù ở ngoài kia, gần như cả thế giới đã tự phong tỏa vì Covid-19.
“Mọi thứ có thực sự tệ đến thế không? Tất nhiên chúng tôi cũng lo lắng cho những nhóm người có nguy cơ cao, nhưng nếu truyền thông không làm quá lên, mọi người sẽ không hoảng loạn như vậy”, Sandra Bergkvist, 28 tuổi, một nhân viên thu ngân tại cửa hàng ở Akersberga, nói khi tụ tập uống bia cùng nhóm bạn.
Người dân Thụy Điển tập trung đông ở công viên tại thủ đô Stockholm hôm 5/4. Ảnh: AP.
Ngay cả những người Thụy Điển nằm trong nhóm có nguy cơ nhiễm nCoV cao hơn dường như cũng không mấy bận tâm. Margareta Korner, 80 tuổi và Margareta Eriksson, 67 tuổi, đều thuộc nhóm dễ bị Covid-19 tấn công, nhưng vẫn vô tư ngồi ở quảng trường và uống chung cốc cà phê nóng.
Bà Korner, người sống ở quận trung lưu thuộc thủ đô Stockholm, biết rằng mình không nên ra ngoài, nhưng cho hay đã duy trì khoảng cách an toàn với người khác. Eriksson, người sống cùng quận với bà Korner, thì cho rằng chiến đấu với Covid-19 là do ý thức của mỗi người.
“Tôi nghĩ chính phủ của chúng tôi đang làm đúng. Phần lớn mọi người đều hành xử một cách có trách nhiệm”, bà nói.
Thụy Điển đã chọn cho họ con đường riêng trong cuộc chiến với Covid-19. Các chuyên gia cho rằng Stockholm đang dựa vào chiến lược “miễn dịch cộng đồng” để chống lại dịch bệnh đã khiến gần 1,4 triệu người nhiễm và gần 76.000 người chết trên toàn cầu.
Trong khi rất nhiều quốc gia, kể các nước láng giềng của Thụy Điển, đã đóng cửa trường học, nhà hàng, cửa hàng và biên giới, Thụy Điển vẫn kiên quyết duy trì cách tiếp cận tương đối lỏng lẻo để ngăn nCoV. Nhiều người dân vẫn đi làm. Trường tiểu học, nhà trẻ, khu giải trí và phòng gym vẫn mở cửa. Chính phủ kêu gọi người già không ra ngoài và khuyến nghị người dân hạn chế đi lại không cần thiết, nhưng không bắt buộc mọi người phải tuân theo.
Video đang HOT
Phải tới ngày 29/3, khi số người nhiễm nCoV tăng cao, chính phủ Thụy Điển mới bắt đầu thay đổi quy định, chỉ cho phép đám đông 50 người trở xuống tụ tập, thay vì 500 người như trước đây. Quốc hội Thụy Điển dự kiến tuần này sẽ thảo luận về những biện pháp cần thực thi tiếp theo và sẽ thảo luận xem có nên hạn chế đi lại và hoạt động kinh doanh hay không.
Thụy Điển không “bất khả xâm phạm” trước Covid-19, khi đã ghi nhận gần 480 ca tử vong trong hơn 7.200 ca nhiễm. 1/3 số viện dưỡng lão ở Stockholm đã ghi nhận người nhiễm nCoV, trong khi các cơ sở y tế dần đi tới bờ vực quá tải và nhân viên bệnh viện đã phải kêu gọi cung cấp thêm đồ bảo hộ.
Thủ tướng Stefan Lofven ngày 4/4 nói với truyền thông rằng đất nước đã chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản hàng nghìn người chết vì Covid-19. Một ngày sau, nước này ghi nhận hơn 400 người chết, với tỷ lệ tử vong trên 100.000 người cao hơn Mỹ hay bất cứ quốc gia vùng Scandinavia nào khác.
Tuy nhiên, ở trung tâm Stockholm cuối tuần qua, gần như không có dấu hiệu nào cho thấy đại dịch đang diễn ra ở đất nước này.
“Stockholm chỉ giống thành phố ma trong một hoặc hai tuần, nhưng sau đó mọi người bắt đầu thấy mệt mỏi vì phải ở nhà”, Linda Akesson, 30 tuổi, nhân viên viện dưỡng lão và sống ở ngoại ô phía bắc Stockholm, chia sẻ khi đang trên tàu tới buổi hẹn ăn tối cùng bạn bè.
Cô cho biết người dân ở đây tự có những biện pháp phòng ngừa cho chính mình dựa theo hướng dẫn của chính phủ. “Chúng tôi là quốc gia của những biện pháp nửa vời. Họ nói ‘Đừng sử dụng phương tiện công cộng, nhưng nếu bạn đi tàu xe thì cũng chẳng sao’”, cô nói.
Tommy Moller, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Stockholm, cho biết nhiều chuyên gia có ảnh hưởng lớn ở Thụy Điển đã đưa ra quan điểm coi nhẹ Covid-19. “Điều này đã tạo cớ cho những người không coi trọng khuyến cáo ở nhà”, Moller nói.
Một số cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy người dân Thụy Điển hài lòng với cách phản ứng này của chính phủ. Một số cuộc khảo sát khác cho thấy dân Thụy Điển nằm trong nhóm người ít lo sợ nhất với Covid-19. Điều này có thể thấy rõ qua khung cảnh ở trung tâm thủ đô Stockholm.
Tuy nhiên, ở quận Husby phía tây bắc thủ đô, mọi thứ khá khác biệt. Chỉ có vài người xuất hiện trên đường phố, một số thậm chí còn đeo khẩu trang hoặc găng tay nilon. Tại bể bơi công cộng, lượng khách cũng giảm 90%, theo Hoz Ismael, 31 tuổi, nhân viên bể bơi đến từ Ursvik.
“Mọi người ở đây có vẻ biết sợ hơn, đặc biệt từ khi những ca tử vong đầu tiên được báo cáo trong khu vực”, anh nói.
Dân ở quận Husby chủ yếu là người nhập cư, sống trong các căn hộ chật chội và đôi khi thiếu những kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp để người khác có thể hiểu họ.
“Tôi có ba người bạn phải nằm phòng chăm sóc tích cực vì nCoV. Thành thực mà nói, tôi không nghĩ chính phủ Thụy Điển xem dịch bệnh này là nghiêm trọng. Mọi người ở đây giờ đều ở nhà, trừ một số người trẻ. Khi tôi hỏi họ đi đâu, họ nói ‘Vào thị trấn uống bia Corona’”, Salar Sauza, cư dân 62 tuổi bị khuyết tật ở Husby, chia sẻ.
Khách vẫn ngồi kín bàn tại nhà hàng ở quảng trường Medborgarplatsen, Stockholm hôm 4/4. Ảnh: AP.
Trong khi một số người ủng hộ việc mở cửa để ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng kinh tế, nhiều người khác cho rằng đã quá muộn để Thụy Điển phong tỏa đất nước. Bjorn Olsen, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Uppsala, đã chỉ trích gay gắt phản ứng của chính phủ từ đầu, khi những người du lịch từ Italy về nước không bị cách ly, quyết định được xem là nguyên nhân khiến dịch lây lan ở quốc gia này.
Olsen hiện ủng hộ các biện pháp hạn chế thiệt hại của Covid-19 bằng cách tiến hành xét nghiệm trên diện rộng và cách ly hơn là đóng cửa biên giới và trường học.
“Bão đã xuất hiện ở đây. Chiến lược để bảo vệ những người dễ bị tổn thương đã thất bại, nhưng chúng tôi không thể tàn nhẫn bỏ mặc họ”, ông nói.
Trên quảng trường Medborgarplatsen, họa sĩ 35 tuổi Mikaela Cleve cho biết cô vẫn duy trì cuộc sống bình thường nhất có thể. “Tôi nghĩ quan trọng là không thể mọi thứ dừng lại và phá sản. Hệ thống y tế của chúng tôi cần có tiền và nó đến từ tiền thuế của chúng tôi”, cô nói.
Mikael Petterson, bạn trai của Sandra Bergkvist, cho biết anh ủng hộ những biện pháp nhẹ nhàng hiện tại của chính phủ, dù không xem đây là một chiến lược được tính toán cẩn thận.
“Đây là chiến lược chống dịch kiểu thụ động”, Petterson, người điều hành một công ty khởi nghiệp, nói và thêm rằng anh hy vọng chính sách này sẽ thành công. “Những người sống sót sẽ thấy điều đó”, anh khẳng định, đề cập tới quan niệm về “miễn dịch cộng đồng” thường được nhắc tới trong những ngày này.
Thanh Tâm
Lý do Greta Thunberg từ chối nhận giải thưởng về môi trường
Nhà hoạt động vì khí hậu người Thụy Điển Greta Thunberg đã từ chối nhận giải thưởng về môi trường trong một buổi lễ trang trọng tổ chức ngày 29/10 tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển.
Lý do nữ sinh này đưa ra là phong trào vì khí hậu cần những người có uy tín "lắng nghe khoa học lên tiếng", chứ không cần những giải thưởng tôn vinh.
Thunberg đã trở thành biểu tượng hoạt động chống biến đổi khí hậu của giới trẻ toàn cầu. (Nguồn: Getty Images)
Cô bé 16 tuổi này được cả Thụy Điển và Na Uy đề cử cho giải thưởng vì môi trường do Hội đồng Bắc Âu trao tặng. Thunberg được đánh giá cao về những nỗ lực hoạt động không ngừng nghỉ để bảo vệ "Hành tinh Xanh". Trước đó, phong trào "Fridays for Future" (tạm dịch: Thứ Sáu cho tương lai) do cô khởi xướng cũng đã thu hút được sự tham gia của hàng triệu người trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, sau khi tên chủ nhân giải thưởng trên được công bố, đại diện của Thunberg cho biết cô từ chối nhận giải thưởng trị giá 350.000 Kroner Đan Mạch (khoảng 52.000 USD) này. Trong một bài viết trên Instagram, Thunberg nêu rõ: "Phong trào vì khí hậu không cần thêm bất cứ giải thưởng nào. Những gì chúng tôi cần là các chính trị gia và những người có quyền lực lắng nghe tiếng hối thúc của khoa học về tình hình hiện nay".
Tuy cảm ơn Hội đồng Bắc Âu về "vinh dự to lớn" này, Thunberg cũng chỉ trích các quốc gia Bắc Âu đã hành động chưa đủ mạnh mẽ và phù hợp với vị thế của họ để giải quyết các vấn đề khí hậu.
Thunberg đã trở thành biểu tượng hoạt động chống biến đổi khí hậu của giới trẻ toàn cầu sau sự kiện cô quyết định nghỉ học và ngồi bên ngoài trụ sở Nghị viện Thụy Điển từ ngày 20/8/2018 đến ngày 9/9/2018 (ngày bầu cử) để yêu cầu chính phủ giảm lượng khí thải carbon theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Trong năm qua, Thunberg đã tổ chức các cuộc tuần hành hàng tuần với khẩu hiệu "Fridays for Future", tạo cảm hứng cho hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên xuống đường yêu cầu chính phủ hành động. Phong trào học sinh, sinh viên tuần hành vì khí hậu do cô khởi xướng đã lan khắp thế giới.
Trung tuần tháng 9 vừa qua, Thunberg đã có bài phát biểu trước các nhà lãnh đạo thế giới tham dự tuần lễ cấp cao kỳ họp 74 Đại Hội đồng Liên hợp quốc. Cô đã chia sẻ rằng thế giới "cần phải hành động ngay nếu muốn tránh những hậu quả tồi tệ nhất". Khủng hoảng biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề thời tiết mà đó còn là tình trạng thiếu lương thực, thiếu nước khiến nhiều nơi biến thành những miền đất không sự sống và "điều đó thật đáng sợ".
NH
Theo TTXVN
Triều Tiên : Cuộc đàm phán cấp chuyên viên với Mỹ đã thất bại Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Kim Myong-gil tuyên bố cuộc đàm phán cấp chuyên viên với Mỹ đã đổ vỡ và cáo buộc Washington đã khiến cuộc đàm phán "kết thúc trong vô nghĩa." Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Kim Myong-gil. (Nguồn: Kyodo) Cuộc đàm phán cấp chuyên viên ngày 5/10 giữa Mỹ và Triều Tiên về chương trình hạt nhân...