Người thầy với triết lý giáo dục: Trước hết phải là người tử tế
“Các em có thể trở thành người lao động chân chính, những nhà kỹ thuật có chuyên môn giỏi, những nhà nghiên cứu thành công, những doanh nghiệp tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc… nhưng trước hết phải là người tử tế”.
Những câu chuyện về người thầy Văn Như Cương
Cách đây khoảng 30 năm, trong suy nghĩ của nhiều người phần lớn cho rằng trường tư chỉ dành cho học sinh không học được, không đủ điểm để vào trường công. Nhưng khi thầy Văn Như Cương là người đặt những viên gạch đầu tiên cho giáo dục ngoài công lập Việt Nam với ngôi trường Lương Thế Vinh thì quan niệm này đã có những thay đổi. Thầy Văn Như Cương được coi là người tiên phong mở đường xây dựng hệ thống giáo dục tư thục – nơi đề cao giáo dục dân chủ với tinh thần độc lập và tư duy phản biện, nơi đề cao nhân cách con người hơn kiến thức sách vở, nơi mà học sinh được học làm người tử tế trước khi học để thành công trên đường đời. Và trường tư với chất lượng cao, thậm chí điểm đầu vào còn cao hơn trường công đã trở thành đích đến cũng như niềm mơ ước của nhiều học sinh.
Nhiều câu chuyện cảm động, có ý nghĩa sâu sắc được chia sẻ tại Hội thảo “Thầy Văn Như Cương – Người mở đường”
Việc “trước hết phải là người tử tế” được coi là triết lý giáo dục “nằm lòng” dành cho giáo viên giảng dạy tại trường Lương Thế Vinh cũng như nhiều thế hệ học sinh của nhà trường. Cùng với đó, thầy Văn Như Cương cũng đưa ra triết lý tiếp theo, đó là “Có chí thì nên”. Quan điểm này đã trở thành nguồn cổ vũ, động viên cũng như truyền cảm hứng cho học sinh.
Anh Nguyễn Đức Phong cựu học sinh khóa 6 trường Lương Thế Vinh kể lại những câu chuyện mà cho đến giờ cá nhân anh cũng như rất nhiều học sinh cùng thời vẫn không thể quên và luôn lấy đó làm bài học sâu sắc theo suốt cuộc đời. Cách đây 21 năm, có một bạn học sinh vì mắc lỗi khiến cô giáo không cho vào lớp và phải bị đứng ở ngoài. Lúc này thầy Văn Như Cương đi qua, nhìn thấy học sinh bị phạt, thầy đã bảo với cô rằng cho bạn ngồi vào lớp học để không bị lỡ tiếp thu kiến thức sau khi trao đổi và tìm hiểu nguyên nhân đằng sau.
Một câu chuyện khác của chính bản thân anh Phong được chia sẻ tới mọi người, đó là học sinh của trường Lương Thế Vinh dù có học lực thế nào đi chăng nữa thì hạnh kiểm phải đạt từ khá trở lên mới được lên lớp và tiếp tục theo học. Bất cứ ai bị hạnh kiểm trung bình là có nguy cơ phải chuyển trường. Học kỳ 1, năm lớp 11 anh Phong bị hạnh kiểm trung bình nên anh rất lo lắng, thậm chí xấu hổ với cha mẹ, bạn bè. Bởi anh hiểu rằng, để lo được cho con theo học ở trường Lê Thế Vinh cha mẹ anh đã rất tin tưởng, kỳ vọng và cả nỗ lực. Do đó ngay bản thân anh cũng rơi vào nỗi sợ không biết mình có theo kịp và khắc phục được không. Thế rồi, anh nhận được sự giúp đỡ của thầy Văn Như Cương cùng các thầy cô khác trong trường khiến học kỳ 2 anh đã được hạnh kiểm khá và tiếp tục theo học những tháng ngày ý nghĩa, tươi đẹp của quãng đời học sinh tại trường Lương Thế Vinh.
Video đang HOT
Cô giáo Đoàn Thị Hồng Nhung hiện đang giảng dạy môn toán tại trường Lương Thế Vinh, lại từng có nhiều thời gian được thầy chỉ bảo, truyền dạy cũng như quan sát phương pháp dạy của thầy Văn Như Cương kể lại một vài câu chuyện dù rất nhỏ nhưng lại khiến mọi người nhớ mãi. Đó là ngay cả khi sức khỏe của thầy Văn Như Cương dù không được tốt, nhưng thầy vẫn đi đến từng lớp quan sát học sinh và giáo viên. Có lần thầy nhìn thấy một bạn vứt rác bừa bãi sau khi ăn, thầy chỉ nhẹ nhàng bảo “con ơi, lần sau con ăn thì hãy vứt rác vào thùng”, rồi thầy cúi xuống nhặt rác để vào thùng. Bạn học sinh đó có lẽ xấu hổ và không bao giờ thấy vứt rác bừa bãi. Hay có một lần khi trống đã điểm nhưng lớp mà giáo viên chưa vào thì thầy không nói nhiều, thầy đến và chỉ cần một ánh nhìn là học sinh im phăng phắc đợi giáo viên. Nếu không phải giờ học, mỗi lần thầy đến trường thì học sinh ùa đến vây xung quanh thầy như một vị tiên khiến nhiều giáo viên rất ngưỡng mộ, thấy yêu nghề, yêu trường, yêu học sinh và thôi thúc mình phải tâm huyết hơn nữa.
Hành trang sâu sắc cho nhiều thế hệ giáo viên, học sinh
Khi còn sống, thầy Văn Như Cương đã dạy các thế hệ học trò của mình rằng: “Các em có thể trở thành người lao động chân chính, những nhà kỹ thuật có chuyên môn giỏi, những nhà nghiên cứu thành công, những doanh nghiệp tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc… nhưng trước hết phải là người tử tế”.
Triết lý giáo dục của thầy Văn Như Cương theo suốt nhiều thế hệ học trò và giáo viên
Theo PGS Phạm Mạnh Hà, triết lý giáo dục “trước hết phải là người tử tế” là một trong những điều khó nhưng trường Lương Thế Vinh đã làm được. Điều này khẳng định một cách rõ ràng rằng việc dạy học trong nhà trường phải gắn với việc dạy đạo đức, nhân cách và giá trị sống. Đây là triết lý giáo dục hiện đại ngày nay đang đi theo và đang thực hiện. “Muốn làm gì thì trước tiên phải làm phải là người tử tế. Tôi cho rằng, đây điều chúng ta đang thiếu hiện nay, chúng ta đang thiếu những con người sẵn sàng xả thân, những con người có ý chí, sẵn sàng vì cộng đồng… để làm người tử tế” – PSG Hà nhấn mạnh.
Còn cô giáo Đoàn Thị Hồng Nhung lại rất thấm thía quan điểm: Biển học là mênh mông, việc học trong sách vở tuy quan trọng nhưng cũng chỉ là những vùng biển gần bờ mà thôi. Vì thế thầy Văn Như Cương đã truyền dạy tư tưởng cho giáo viên tình yêu học sinh, về việc không chỉ dạy học sinh nhiều kiến thức mà còn phải dạy các em trở thành người tử tế và người mà các em mong muốn.
Cô giáo dạy Toán tại trường Lương Thế Vinh – Đoàn Thị Hồng Nhung chia sẻ với báo Tổ Quốc về người thầy Văn Như Cương
Xã hội giờ có những khác biệt, mỗi gia đình chỉ có 1,2 con nên các con được chiều chuộng và thiếu đi sự rèn rũa, kỹ năng tôn trọng, lắng nghe, suy nghĩ cho những người khác… Từ sự truyền dạy của thầy Cương, tôi cũng đã nói với các em rằng, mỗi khi các em ăn, các con đã mời các cô giáo chưa, dù nếu mời chưa chắc các cô ăn. Nhưng việc mời đó sẽ giúp các em hiểu rằng ngoài bản thân mình ra còn có những người khác xung quanh – cô Nhung chia sẻ.
Cô Nhung cũng cho biết thêm: Việc đầu tiên theo tôi nghĩ để các em làm được người tử tế là phải quan tâm yêu thương, tôn trọng bố mẹ, người xung quanh của mình, sau đó mới đến người xung quanh. Tuy nhiên, để dạy được học sinh là người tử tế cũng không hề dễ vì còn liên quan tới yếu tố gia đình. Tình yêu và tâm huyết của cha mẹ đều dành hết cho con nhưng họ lại chỉ nghĩ làm sao để kiếm được nhiều tiền mà ít khi nghĩ đến việc dạy cho con sống sao cho thành người tử tế. Nghĩa là nhà trường dạy học sinh chỉ là một phần, còn cần phải có sự kết hợp dạy dỗ của gia đình. Ngoài ra tôi cho rằng có 3 yếu tố có thể dạy một con người thành người tử tế là: lập chí, bền chí và quyết chí.
Sáng 1/10, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo “Thầy Văn Như Cương – Người mở đường”. Hội thảo đã thu hút nhiều nhà giáo, nhà khoa học và các thế hệ học sinh của trường Lương Thế Vinh tham dự.
Hội thảo một lần nữa khẳng định đóng góp của thầy Văn Như Cương cho giáo dục, trong đó có những triết lý giáo dục gần gũi, sâu sắc. Nhiều nhà giáo dục đã ghi nhận thầy Văn Như Cương là “người mở đường” cho giáo dục ngoài công lập Việt Nam.
Nhiều câu chuyện, kỷ niệm xúc động, có sức lan tỏa nhằm tưởng nhớ và tri ân thầy Văn Như Cương đã được nhiều thế hệ học trò chia sẻ tại Hội thảo.
Để ghi nhận những đóng góp to lớn của người thầy vĩ đại Văn Như Cương, tại Hội thảo cũng đã có ý kiến đề nghị đổi tên trường Lương Thế Vinh thành trường Văn Như Cương.
Hà Anh
Theo toquoc
Thầy Văn Như Cương người mở đường giáo dục ngoài công lập
Nhắc đến lịch sử giáo dục Việt Nam không thể không nhắc đến thầy Văn Như Cương - người đặt những viên gạch đầu tiên cho giáo dục ngoài công lập.
Thầy Văn Như Cương là người thầy lớn, người anh cả, người ông, người cha, người bạn của nhiều thế hệ giáo viên và học sinh. Trọn vẹn cuộc đời thầy cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, ươm mầm những thế hệ tương lai của đất nước vừa hồng vừa chuyên, vừa có kiến thức tốt vừa có nhân cách tốt. Thầy đã để lại cho thế hệ sau nhiều di sản trong chuyên môn, tư tưởng, phương pháp giáo dục. Trong ký ức của hàng chục thế hệ học sinh, hình ảnh thầy Văn Như Cương hiện lên như một ông tiên giữa đời thực, cương nghị, thẳng thắn, nghiêm khắc nhưng đầy bao dung, nhân hậu và đầy lòng vị tha.
Thầy giáo Văn Như Cương
Năm 1989, thầy Văn Như Cương là người đặt những viên gạch đầu tiên cho giáo dục ngoài công lập Việt Nam, là người tiên phong mở đường xây dựng hệ thống giáo dục tư thục - nơi đề cao giáo dục dân chủ với tinh thần độc lập và tư duy phản biện, nơi đề cao nhân cách con người hơn kiến thức sách vở, nơi mà học sinh được học làm người tử tế trước khi học để thành công trên đường đời.
Nằm trong chuỗi sự kiện kỉ niệm 30 năm ngày thành lập trường Lương Thế Vinh, để tưởng nhớ thầy giáo Văn Như Cương - người thầy vĩ đại của rất nhiều thế hệ học sinh, Hội thảo "Thầy Văn Như Cương - Người mở đường" được tổ chức vào ngày 1/10/2019 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, 35 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội.
Hội thảo sẽ có sự tham gia của nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu, quản lý giáo dục và đặc biệt là nhiều thế hệ thầy trò trường Lương Thế Vinh - những người đã có cơ hội được học tập, làm việc cùng thầy giáo Văn Như Cương.
Hội thảo được đánh giá không chỉ là một chương trình với các bài phát biểu, tham luận của những người tham gia mà còn là một không gian để tưởng nhớ và tri ân người thầy vĩ đại, là nơi để ôn lại những ký ức đẹp, là nơi để lan tỏa, tiếp nối và phát huy tinh thần, tư tưởng và triết lý giáo dục của thầy giáo Văn Như Cương.
Theo Gia Đình Việt Nam
Hành trình 60 năm xây dựng và phát triển Khoa Toán - Ngành Toán Trường Đại học Vinh Khoa Toán (nay là Ngành Toán) là một trong hai khoa đầu tiên có mặt những ngày đầu thành lập Trường Đại học Vinh. Trong 60 năm qua, khoa không ngừng lớn mạnh về quy mô và chất lượng đào tạo, luôn đồng hành cùng quá trình xây dựng và phát triển của "mái nhà" chung ấy. Ngày 16/7/1959, Bộ Giáo dục ra...