Người thầy thổi hồn cho văn hóa dân gian
Ông là Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên khoa văn học ĐH KHXH & NV, ĐH Quốc gia Hà Nội, chuyên gia hàng đầu về văn hóa dân gian.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ (bìa trái) dẫn đoàn nghệ nhân hòa khoan Lệ Thủy giao lưu tại Bắc Ninh – Ảnh: A.P.
Thầy Vĩ là người có công lớn trong việc phục dựng hò khoan Lệ Thủy. Ông cũng là người mà người dân vùng quan họ Bắc Ninh yêu kính gọi là “thầy”.
Trò chuyện với Tuổi Trẻ, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ cho biết văn hóa dân gian là tài nguyên văn hóa, cần phải được thấu hiểu, bảo tồn giá trị, phát triển và quảng bá.
“Cách đây mười mấy năm, một buổi tối tôi gọi điện thăm sức khỏe mẹ tôi, mẹ nói là đang xem phim Hàn Quốc Nàng Đê Chang Cưm (Dae Jang Geum). Tôi nghĩ mà thấy nhục. Lại thế này nữa chứ, đi dọc bãi biển miền Trung, thấy nhiều nhóm các bà mở loa tập dưỡng sinh, toàn nhạc Hoa thôi. Tôi nghĩ dân ca 54 dân tộc nhà mình còn hay hơn, tại sao nhạc sĩ Việt Nam không sáng tạo cho dân nghe mà tập?”
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ
Bén duyên hò khoan Lệ Thủy
* Thưa ông, cơ duyên nào khiến ông đến với hò khoan Lệ Thủy?
- Nói là nhân duyên theo ngôn ngữ nhà Phật thì rõ hơn. Tôi hành nghề nghiên cứu văn hóa dân tộc đã hơn 40 năm, đó là nhân. Cái nhân đó ngấm vào máu, cho nên gặp được văn hóa dân gian thì mừng “như cá gặp nước, như rồng gặp mây”.
Còn cái duyên thì lằng nhằng lắm, nhưng cái duyên trực tiếp là khi tôi nhận sáng tác 10 đôi câu đối chữ Hán và chọn 15 đại tự cho Di tích văn hóa chùa Hoằng Phúc, ngôi chùa có gốc tích hơn 700 năm tuổi do Phật hoàng Trần Nhân Tông khai mở, sau này được 9 chúa 13 vua triều Nguyễn coi là ngôi quốc tự.
Sau câu chuyện đó là việc người ta nhờ tôi viết kịch bản và tổng đạo diễn cho lễ hội chùa này thường niên. Chính vì việc này, tôi đã làm việc cùng cán bộ huyện và gặp các nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy. Tôi đã đồng hành cùng họ, không phải với tư cách một nhà nghiên cứu mà như một nghệ nhân vậy.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ
* Chúng tôi nghe nhiều giai thoại về ông trong quá trình giúp dân hát hò khoan như bỏ kinh phí giúp đỡ câu lạc bộ…?
- Họ đồn thổi lên cũng có mà thật cũng có. Nhưng bình thường thôi. Bạn biết tôi rất nghèo. Nhưng tôi thấy dân họ cần mà mình thì có cách. Nếu nhịn đi một bữa nhậu có thể mua một đôi giày; bớt đi một bữa rượu ngoại có thể mua một cây nhị, bộ sáo; bớt đi một cuộc bia có thể mua vài bộ trang phục cổ truyền…
Có nghệ nhân trẻ phải đi làm ăn xa, anh ta lại có nghề đánh cá và rất sát cá, tôi mua tặng con thuyền để giữ chân anh với gia đình, làng xóm và cống hiến tiếng hát của mình. Vừa rồi chính nghệ nhân này đi thi Đàn và hát dân ca toàn quốc tại Quảng Ninh 2018 đã giành huy chương vàng khi hát bài tôi sáng tác.
Ông đồ Nghệ hát quan họ
* Có người bảo ông là ông đồ Nghệ hát quan họ. Việc ông bén duyên hò khoan Lệ Thủy thì dễ hiểu vì là người miền Trung nắng gió, nhưng ông đứng chân trên đất quan họ, hát được nhiều và được nhiều người chào thầy. Người ta còn nói ông dạy hát cho người Bắc Ninh nữa?
Video đang HOT
- Đó là một câu chuyện rất dài, nếu tính từ khi tiếp xúc đến khi về với quan họ cũng đã hơn nửa thế kỷ rồi. Tôi lặng lẽ theo đam mê của mình.
Đi nhiều, sống nhiều trên đất văn vật đó, gặp gỡ các nghệ nhân già, đặc biệt học hỏi các anh chị nghệ sĩ khóa 1 Đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh, rồi gặp gỡ các bậc thầy, các đàn anh đã nghiên cứu sưu tầm quan họ từ năm 1958 như Nguyễn Viêm, Tú Ngọc, Lưu Hữu Phước, hoặc lớp sau một tí như nhạc sĩ Hồng Thao, Đặng Văn Lung…, sưu tầm sách vở tương đối đầy đủ, tôi tạo ra cái vốn và cách tiếp cận riêng mình, quan niệm riêng mình về di sản văn hóa này.
Tôi hát được đủ bài bản là vì học nhiều trong chốn dân dã. Nhưng tôi hát không hay. Trời không cho tôi cái giọng. Tuy nhiên những anh chị đàn anh, những nghệ nhân kỳ cựu đều khen tôi hát “có màu”. Thế là được rồi. Cái cần nhất của dân ca là phải có màu. Người nghiên cứu cũng chỉ cần đến vậy. Vấn đề là cần thấu hiểu nó.
Nghệ nhân họ hát đa dạng lắm, đủ mẹo mực, âm sắc. Nhưng hỏi họ tại sao lại phải hát như vậy, tại sao phải nhả chữ, nhả âm như vậy, để hát được như vậy thì phải làm thế nào… họ chỉ trả lời là hát theo cụ A, cụ B thôi, các cụ hát vậy.
Còn dạy người Bắc Ninh hát thì tôi không dám. Tôi chỉ dạy cho sinh viên mình và những người chưa biết hát thôi. Dạy vỡ ra rồi dắt họ đi nghe nghệ nhân, nghệ sĩ hát để nhìn mồm mà chuốt lại.
Tiến lên để chơi, tôi học các nghệ nhân già như cụ Nguyễn Đức Sôi viết lời cổ. Cái chuyện viết lách thì tôi thạo. Một số bài của tôi được dân yêu và truyền tụng. Khi hát họ cũng chẳng biết là tôi viết nữa và tự tạo ra những dị bản cho nó. Thế mới là dân gian.
Mỗi người một nghề, thế mới chia ra nghệ nhân, nghệ sĩ và nhà nghiên cứu. Tôn trọng nhau và hỗ trợ nhau để giữ gìn, phát triển. Tôi học tất cả mọi người và giúp tất cả mọi người khi đã là bạn quan họ với nhau.
Người không danh vị
* Ông dành cả một đời giảng dạy và nghiên cứu văn học, văn hóa dân gian. Nhiều cựu sinh viên nói không được nghe ông giảng là thiệt thòi, người thì nói ông là từ điển sống về văn hóa dân gian, sao ông không có học vị, học hàm gì cả?
- Bạn bè thân yêu, người thân ruột thịt nhiều lần nói với tôi là “giá như…”. Nhưng với người nghiên cứu truyền thống quá khứ như tôi thì tôi hiểu rõ định đề “Lịch sử không có giá như”. Một con người cũng vậy. Có thực tồn, có ham muốn, có đam mê, có hành động, có ý định… Ai cũng thế hết. Nhưng tất cả là Con quay búng sẵn trên trời/Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm (Nguyễn Gia Thiều) thôi. Cuộc đời mà.
Tôi sống như cỏ, bò lan và dai dẳng. Không có lập trình cho tương lai bất cứ thời điểm nào trong cuộc đời. Tự do và tùy tiện. Nhưng có một ý nghĩ từ bé thơ: đừng làm những người thân yêu phải bận tâm về mình. Nói cách khác, khi nghĩ về mình họ có sự yên lòng nào đó. Thế là được thôi.
So với bao nhiêu người bất hạnh thì tôi khá hơn họ nhiều. Buông bỏ hết đi cho nhẹ nhàng. Làm điều tốt cho tâm mình khỏi uất kết mà nên bệnh tật. Góp được gì cho đời thì góp đi. Quên mình đi càng sớm càng tốt. Sự tử tế, đó là điều tôi ngày nào cũng lấy đó làm phương châm hành động. Tôi đã được quá nhiều. Đã làm dân gian thì tận cùng dân dã đi.
Nghệ nhân đa nền tảng
Nhà báo Nguyễn Xuân Hải
Thầy Nguyễn Hùng Vĩ của chúng tôi như Vô Danh Thần tăng trong Thiên long bát bộ, mặc dù đạt đến cảnh giới thượng thừa nhưng chỉ lặng lẽ làm việc trong Tàng kinh các, không đẳng, không đai… Tất cả các thế hệ sinh viên đều nhớ và yêu mến người thầy bé nhỏ nhưng nhanh thoăn thoắt, uyên bác và hóm hỉnh. Trên hết là tấm lòng thầy, gần gũi và sẵn sàng hi sinh cho bạn bè, cho học trò và những người thân thiết, hoặc không thân thiết nhưng cần đến thầy!
Cái gì thầy cũng biết vậy mà thầy chẳng ra sách, dẫu ở nhiều mảng thầy thực sự là chuyên gia. Thầy chẳng ra thơ, dẫu những bài thơ thầy viết đều hay đến nao lòng. Chỉ biết rằng học trò và các nhà nghiên cứu đều có thể và luôn tìm thấy ở thầy những lời khuyên đích đáng, những tư liệu cẩn trọng, những gợi ý đầy tinh thần giác ngộ.
Với hò khoan Lệ Thủy, để phục dựng di sản văn hóa này, thầy cất công phát minh một cái đàn chuyên dụng, tạm gọi là “đàn ông Vĩ”. Chưa hết, thầy còn sáng tác 19 bài hát chuyên dụng cho đám ma, đám cưới, chỉ để “cái thằng đó ở lại quê nhà, đừng sang Thái Lan làm ăn nữa”. Thầy Vĩ của chúng tôi là vậy, như một nghệ nhân đa nền tảng. Gần thầy lúc nào cũng thấy dễ thở!
Nhà báo Nguyễn Xuân Hải
(chủ tịch Hội Nhà báo Hà Tĩnh, cựu sinh viên khoa văn ĐH Tổng hợp Hà Nội)
Theo tuoitre
Ngọt ngào chè lam
Chè lam là món ăn dân dã có từ rất lâu đời. Đây là món ăn truyền thống vào dịp lễ Tết ở một số tỉnh thành của nước ta. Chè lam độc đáo ở chỗ chè mà không có nước, bởi chè lam thực tế là một món bánh.
Chè lam gấc được thêm nguyên liệu từ quả gấc
Đặc sản tiến cung
Có thể nói tổ nghề chè lam xuất hiện ở Thanh Hóa trước tiên, sau đó mới xuất hiện ở nhiều tỉnh thành khác. Thậm chí, chè lam còn có nhiều tên gọi khác nhau, như ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), cũng nguyên liệu ấy, cách làm ấy nhưng dân Nghệ gọi là bánh ong.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương, thì chè lam lần đầu xuất hiện vào thời vua Minh Mệnh thứ 16, tức là vào khoảng năm 1835. Tương truyền đã gần Tết, nhưng người dân và quan lại xứ Thanh vẫn không nghĩ ra món gì đặc biệt để tiến vua. Bởi trong cung, đặc sản trên rừng dưới biển gần như nhà vua đã thử qua gần hết.
"Câu chuyện tiếp theo như thế nào không được ai ghi chép, nhưng món chè lam được ra đời từ chính nỗi ưu lo của người dân xứ Thanh thời kỳ ấy. Cũng có thể dân gian gắn thêm những câu chuyện khác mang tính huyền thoại dị bản để giải thích cho một đặc sản vùng miền", ông Xương cho biết.
Sau mỗi bữa ngự thiện, vua thường dùng đồ tráng miệng, lúc này các cung nữ mới dâng lên món chè lam. Nghe tên chè mà không phải là chè, vua thấy làm lạ bèn ăn thử. Vị ngọt thanh của mật mía, ấm nồng của gừng thơm đã khiến vua phải tấm tắc khen và ban thưởng cho các cung tần cùng thưởng thức. Từ đó, chè lam trở thành món điểm tâm quen thuộc trong cung.
Các quan lại vào chầu mỗi dịp vua cao hứng cũng được ban thưởng chè lam. Các quan viên sau khi nếm thử đã ghi nhớ và về nhà cho người làm theo. Từ đó, chè lam trở thành món ăn phổ biến trong dân gian.
Chè lam ngày trước chỉ được làm mỗi khi Tết đến xuân về, bởi khi ấy hạt nếp đã nhuận, mía lại vừa khéo chuẩn để cô mật. Chè lam làm ra trước tiên dâng cúng tổ tiên đêm giao thừa, tàn một nén nhang gia chủ mới thành kính đỡ xuống và phân chia cho con cháu cùng thụ hưởng. Nay, chè lam được làm quanh năm nhưng thú nhất vẫn là thưởng thức khi gió heo may về kèm theo ấm chè tàu và đôi ba người bạn cũ.
Nguyên liệu chính làm chè lam là bột từ gạo nếp cái hoa vàng
Bình dị mà lắm công phu
Tuy ra đời trên vùng đất xứ Thanh, nhưng chè lam nổi tiếng thơm ngon lại thuộc về xã Thạch Xá (Thạch Thất - Hà Nội). Cũng những nguyên liệu ấy, cách làm như vậy mà hình như ông trời ưu ái cho mảnh đất vùng chùa Tây Phương thêm một chút khí lành để chè lam thêm mùi hương vị.
Ông Nguyễn Trí Thủy, Chủ tịch Hội Làng nghề bánh chè lam Thạch Xá, cho hay: "Nghề làm chè lam ở Thạch Xá tồn tại theo kiểu cha truyền con nối. Không biết bao giờ, nhưng từ lúc tôi sinh ra, đã thấy ông cha mình làm chè lam. Hiện nay, còn trên 50 hộ ở Thạch Xá còn theo nghề".
Theo ông Thủy, nguyên liệu làm chè lam rất đơn giản nhưng có bắt tay vào làm thử mới thấy vô cùng công phu. Để làm nên mẻ bánh chè lam chỉ cần gạo nếp cái hoa vàng, mật mía, gừng và lạc.
Gạo nếp được sàng sảy thật kỹ cho sạch rồi rang cho tới khi nổ thành bỏng. Khi rang phải dùng chảo gang đảo trên lửa nhỏ thì mẻ gạo mới thơm vàng và có nhiều bỏng. Gạo sau khi rang được mang đi xay thành bột rồi lại được lọc qua rây sao cho thật mịn.
Mật mía là loại mật đặc biệt được ép ra từ thân cây mía đanh, thân nhỏ nước vàng. Muốn chè lam ngon, mật mía bắt buộc phải ngon. Nếu mật chua hoặc bị khê do người thợ cô mật quá tay lửa thì đành đổ bỏ bởi chè lam lúc đó ăn sẽ chẳng còn hương vị gì nữa.
Mật được cho vào nồi gang quấy đều trên bếp lửa nhỏ cho đến khi sánh. Để thử độ sánh của mật sao cho chuẩn, người nấu sẽ dùng một chiếc đũa tre kéo sợi mật, khi nào mật không còn nhỏ giọt xuống và kéo sợi sáng như gương ấy là đạt chuẩn. Ngày nay, thay vì bỏ thời gian ngồi quấy mật mía người ta chọn thắng đường. Tuy có nhanh đấy, tiện đấy nhưng chè lam ăn cứng, mất vị ngọt thanh và đúng lời như những văn nhân cũ thì "không thể thương được"!
Gừng phải chọn lại gừng già ta củ nhỏ, loại gừng này mới đảm bảo chè lam có vị thơm. Gừng sau khi rửa sạch cạo vỏ được đem hấp chín rồi thái mỏng nhuyễn. Làm như vậy thì gừng mới bớt nồng và dẻo thơm hơn. Lạc cũng chọn những hạt to đều làm sạch rồi rang thơm giã dập vừa phải.
Khi nồi mật mía đã kéo sợi, người ta sẽ cho tổ hợp bột gạo nếp, lạc và gừng vào, vừa rắc bột vừa nhanh tay đảo đều để nồi mật không bị vón cục. Thường đến công đoạn này người đàn ông trong nhà sẽ phụ trách để đảm bảo cho mật và bột bánh được trộn đều sánh mịn.
Mỗi gia đình đều có bí quyết làm chè lam khác nhau, nhưng công đoạn quấy chè vẫn là quan trọng nhất. Bởi nếu đôi tay không có lực, chè sẽ vón cục, bột cho quá sớm chè không sánh, bột cho quá nhiều chè bị cứng.
Chè lam sau khi đạt độ sánh nhất định được đổ ra chiếc mẹt tre có phủ bột gạo, lăn thành những miếng tròn to như trái bưởi rồi lại cho vào cối đá giã thêm một lần nữa cho những nguyên liệu được hòa lẫn cùng nhau. Chè lam được giã càng kỹ thì càng dẻo càng thơm.
Khi được giã xong, chè làm lại được vê dài thành từng thanh như cổ tay rồi ấn vào khuôn cho vuông thành sắc cạnh. Cuối cùng chè lam được cắt thành những miếng vừa ăn, cắt đến đâu xóc bột gạo đến đấy để những miếng bánh không dính vào nhau.
Chè lam là món dân dã nhưng lại phải chế biến rất công phu
Thương nhớ chè lam
Gần hai trăm năm đã trôi qua, chè lam vẫn là món quà tinh tế của đồng quê mà người dân vẫn luôn nâng niu gìn giữ. Các vùng miền phổ biến món chè lam hay bảo nhau thêm những công thức lạ để hợp với khẩu vị thời hiện đại.
Bởi thế mà bây giờ chè lam lạ lắm! Chè lam đấy nhưng còn chữ "gấc" nữa thành món chè lam gấc. Mùi vị hơi khác một chút mà màu thì đỏ au như gấc vậy. Có nhà làm khéo, màu chè lam gấc trong như đá ngọc đỏ rất bắt mắt.
Bây giờ, chè lam được đóng gói trong túi bóng đẹp đẽ, đi muôn nơi làm quà cho người quen, sang cả trời Tây để giới thiệu với bạn bè quốc tế. Nhưng hình như món chè lam không chịu bị đóng gói trong những vật dụng lạ, nó chỉ ưa gói trong lá chuối khô.
Với những người không thích chè lam, không sinh ra trong vùng có truyền thống cúng lễ món này thì có thể không mặn mà gì. Nhưng những người sinh ra đã thấy chè lam, coi món ấy là một món thiêng thì dù đi đâu cũng nhớ mãi cái mùi lẫn vị.
Mùa này, dù rét ngọt hay rét đậm mà có đĩa chè lam và ấm trà nóng thì coi như mưa gió chẳng hề tồn tại. Thứ duy nhất tồn tại trong người thưởng thức là những hương vị nồng cay thơm ngọt, đó hẳn là những hỉ - nộ - ái - ố của đời sống một con người.
Chè lam có xuất xứ từ Thanh Hóa
"Ngày xưa, khi xong mỗi mẻ bánh chè lam, các cụ sẽ lót 3 đến 5 lớp lá chuối khô vào chum sành rồi xếp chè lam vào. Miệng chum lại được bọc thật kỹ bằng nhiều lớp lá chuối khô khác. Làm như vậy, chè lam có thể bảo quản đến tận 2 tháng mà vẫn nguyên mùi vị", ông Nguyễn Trí Thủy, Chủ tịch Hội Làng nghề bánh chè lam Thạch Xá.
Theo anninhthudo
Cuộc Đua Cổ Tích - Khám phá thế giới cố tích hoành tráng Chuỗi dự án 20 năm gieo mầm và xây dựng tình yêu văn hóa dân gian cho trẻ em Việt Được khởi động từ năm 2017, "Với Biti's, bé thêm yêu Văn Hoá Dân Gian" là chuỗi dự án tâm huyết nhất mà Biti's cam kết đồng hành và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của dân tộc trong 20 năm tới....