Người thầy liệt 2 chân đem “tinh thần lính” làm nên điều kỳ diệu
“Chặng đường nào cũng có khúc trơn trượt và nguy hiểm. Để đến được nơi cần đến, dù bạn là ai thì điều quan trọng là bạn cần phải vượt qua chính mình”.
“17 tuổi, tôi buộc phải từ bỏ cái gọi là ước mơ”
Chàng trai ngã văng vì pha va chạm giao thông bất ngờ.
Định thần lại sau cơn choáng váng, cậu thây hai chân mình không còn cảm giác. Người ta bế cậu vào bệnh viện huyện cấp cứu, rồi lại mau chóng chuyển lên tuyến cao hơn…
“Chấn thương cột sống, tổn thương tủy sống dẫn đến liệt vận động”. Đó là những lời kết luận của bác sĩ về tình hình của Diễn sau tai nạn.
Mùa hè năm ấy, cậu 17 tuổi, chuẩn bị bước vào năm cuối cấp. Mùa hè năm ấy, cậu chỉ còn cách ước mơ ấp ủ suốt những năm tháng cắp sách tới trường một vài bước chân.
Nhưng cũng mùa hè năm ấy, cậu thấy mọi mơ ước xa dần, rồi biến mất hẳn.
Chân dung anh Phạm Đức Diễn – Ảnh: Nhân vật cung cấp
Từ thời còn là một cậu nhóc tuổi choai choai, Phạm Đức Diễn (sn 1976, quê An Vũ, Quỳnh Phụ, Thái Bình) đã luôn khát khao trở thành người lính phục vụ trong quân đội. Trong những câu chuyện của bố anh, người 17 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Diễn thấy hình ảnh người bộ đội thật đẹp, thật oai hùng. Miệt mài học tập, ôn luyện, cậu nhóc năm ấy chỉ có một ước mơ duy nhất là ngày nào đó khoác lên mình bộ quân phục, trở thành một người đáng tự hào như bố. Thế nhưng, tai nạn đã cướp đi của cậu tất cả.
“Gia đình động viên rằng 3 tháng có thể khỏi, tôi chờ đợi, nhưng điều ấy không xảy ra. Mọi người lại bảo chờ thêm 3 tháng nữa, tôi hi vọng, và rồi vẫn vô vọng. Lúc ấy, tôi mới hiểu chấn thương này không thể bình phục. Tôi mất đi đôi chân lành lặn và buộc phải từ bỏ cái gọi là ước mơ…”, anh Diễn chia sẻ.
Những tháng đầu tiên sau tai nạn, Diễn bó bột kín thân người và chỉ có thể nằm bất động trên chiếc giường bệnh viện. Từ 52kg, chàng thanh niên 17 tuổi gầy sọp, chỉ còn vẻn vẹn 42 kg. Mọi sinh hoạt cá nhân, thậm chí ngay cả việc trở mình, cậu cũng phải nhờ cậy bố mẹ. Bố cậu xin nghỉ hưu sớm để hàng ngày túc trực bên Diễn. Khi tắm cho con, ông phải chuẩn bị một tấm gỗ dài, kê trên 3 chiếc ghế nhựa để đặt cậu nằm lên.
“Nhìn bố mẹ vất vả, tôi thấy bản thân thật vô dụng. Cảm giác giống như mình lại là trẻ con lần nữa, bố mẹ phải chăm từng chút một. Rất nhiều đêm, tôi bật khóc nhưng không để ai biết, tới sáng lại tỏ ra vui vẻ cho người thân không buồn”, anh Diễn xúc động nhớ lại.
“ Tinh thần lính” làm nên điều kỳ diệu
Đau đớn, mệt nhoài cả về thể chất lẫn tinh thần, nhưng Diễn chưa bao giờ nghĩ đến chuyện buông xuôi, hoặc những điều tệ hơn thế. Diễn bảo, vì anh có “tinh thần lính”, tinh thần cứng rắn đặc biệt được bố anh và những người đồng đội của ông truyền lại.
“Bố vẫn hay kể với tôi về những người thương binh dù mất đi một phần cơ thể nhưng vẫn vươn lên và sống tốt. Sau khoảng thời gian suy sụp, tôi biết mình cần can đảm đối diện với sự thật và phải nỗ lực hơn”, anh Diễn bảo.
Video đang HOT
Anh Diễn chụp cùng các bạn năm 1994, một năm sau tai nạn – Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ra viện, Diễn lao vào luyện tập. Bố làm cho anh hai thanh gióng tre, gác lên tường nhà để tập đi. Bám vào hai thanh tre, Diễn cố nhấc từng bước. Hai chân không còn cảm giác, ngón chân liên tiếp bị quệt xuống sàn nhà. Diễn không bỏ cuộc, lại cố hết sức nhấc chân cao hơn. Mỗi ngày, anh đều tập nhiều tiếng như vậy. Tập hăng say đến nỗi phải mặc áo ngắn tay, bật quạt dù là mùa đông lạnh ngắt.
4 tháng sau luyện tập, như một phép màu, Diễn có thể đi lại được nhờ chống nạng hai bên cánh tay. Dần dần, nạng từ cánh tay chuyển xuống khuỷu tay, từ 2 chiếc chỉ còn 1 chiếc, những bước đi của anh ngày một nhanh nhẹn hơn. Anh tự tập xe đạp bằng cách gác chiếc nạng lên ghi đông xe, quàng chân lên để đi. Rồi anh cũng tự đi được xe máy trong sự ngạc nhiên của nhiều người. Đến giờ, anh Diễn thậm chí có thể bám vào đồ vật để di chuyển khi không có nạng.
Trong suốt những năm sau tai nạn, Diễn chưa bao giờ từ bỏ việc học. Sau mỗi giờ tan lớp, anh lại nhờ các bạn mang sách vở về và giảng lại bài học hôm đó. Những quyển sách các bạn không còn dùng, anh xin về để tự ôn. Diễn thích nhất là học tiếng Anh. Ngoài học trong sách, anh học cả trên vô tuyến và đài phát thanh. Ngày bắt đầu đi được xe đạp, anh xin vào một xưởng làm kim hoàn, ban ngày làm việc, tối lại dành thời gian đi học thêm.
Sau khi thi tốt nghiệp cấp 3, năm 21 tuổi, Phạm Đức Diễn thi đỗ vào Khoa Tiếng Anh, Đại học Mở Hà Nội. Với thành tích học tập xuất sắc và công tác Đoàn sôi nổi, Diễn được trao tặng giải thưởng Sao tháng giêng của BCH Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và rất nhiều học bổng khác.
Anh Diễn (đứng giữa) chụp cùng học trò – Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ra trường, anh trở thành một giảng viên tiếng Anh được nhiều học trò yêu mến. Anh Diễn hiện là Phó chủ nhiệm Khoa Tiếng Anh, Đại học Kinh doạnh và Công nghệ Hà Nội. Anh cũng tham gia công tác giảng dạy tại một số trường đại học lớn khác như Đại học Ngoại thương, Đại học Mở, Học viện Ngân hàng,…
Trong những câu chuyện ngoài giờ với sinh viên hay mỗi khi có một học trò rơi vào khủng hoảng, anh Diễn vẫn hay kể về cuộc hành trình đầy thử thách của mình. Từ câu chuyện thầy kể, rất nhiều cô cậu học trò đã có thêm ý chí, niềm tin để tiếp tục vươn lên.
“Chặng đường nào cũng có khúc trơn trượt và nguy hiểm” – Ảnh: Nhân vật cung cấp
“Chặng đường nào cũng có khúc trơn trượt và nguy hiểm. Để đến được nơi cần đến, dù bạn là ai thì điều quan trọng vẫn là những người đồng hành sẻ chia, động viên để bạn vượt qua. Và điều nữa, bạn phải vượt qua chính mình”.
Diễn viết như thế trên trang cá nhân Facebook của mình kèm một bức ảnh chống nạng trên một con đường trơn trượt. Anh bảo, nhìn lại cuộc hành trình của mình, anh thấy kỳ diệu lắm.
“Tôi luôn biết ơn gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, lãnh đạo cơ quan đã giúp đỡ để tôi có ngày hôm nay. Tôi có lẽ cũng phải cảm ơn chính tôi nữa, vì ngày ấy tôi đã không bỏ cuộc”, anh mỉm cười tâm sự.
Nguyễn Liên
Theo vietnamnet
Trả nghĩa cho thầy
Học sinh nghèo nhưng ham học và học giỏi thì dù ở xa thầy Trần Thanh Tú vẫn nhận lời, có khi còn miễn học phí dù thầy phải chật vật di chuyển trên xe ba bánh
"Thầy dạy miễn phí cho con tiếng Anh kịp trước khi con bị mù hoàn toàn". Đó là lời hứa của thầy Trần Thanh Tú (47 tuổi; bị liệt cả hai chân) trong lần gặp đầu tiên với cô gái 24 tuổi Lê Bảo Ngọc, do Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ tổ chức mới đây.
Chỉ cần trò hiếu học
Chưa từng làm giáo viên của một trường học nào mà chỉ làm gia sư môn Anh văn nhưng thầy Trần Thanh Tú vẫn nổi tiếng khắp TP Cần Thơ mấy chục năm qua, giảng dạy cho học sinh từ mẫu giáo tới lớp 12, đại học và cả luyện thi lấy nhiều loại chứng chỉ.
Bảo Ngọc có vẻ ngoài hoàn toàn khỏe mạnh và xinh xắn nhưng tiếc là hai mắt đang mờ đi nhanh chóng do chứng teo dây thần kinh thị giác từ năm 15 tuổi khiến em phải nghỉ học từ đó đến giờ. Bảo Ngọc cứ thắc thỏm rằng nghe thầy Tú nói như vậy, em mừng quá và rối rít cảm ơn.
Thầy Tú kèm Bảo Ngọc mỗi tuần một buổi đều đặn, một thầy một trò, vào chiều thứ hai hằng tuần tại nhà riêng của chị thầy trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Thầy tìm chỗ yếu nhất về kỹ năng Anh văn của Ngọc rồi tập trung bồi dưỡng đến khi thực sự cải thiện mới chuyển sang chủ đề khác, nhất là tập trung vào hai kỹ năng nghe và nói.
Thầy Tú xếp Ngọc ngồi sát bảng, viết chữ thật to để em nhìn rõ hơn. Trong tay Ngọc là những tài liệu được thầy Tú viết tay riêng, viết bằng bút lông, chữ to và đẹp. Thầy tập trung nhiều thời gian giúp Ngọc phát âm tiếng Anh bằng giọng mũi và giọng cổ, dù khá khó khăn. Thầy Tú nhận xét dù bỏ tiếng Anh gần 10 năm nhưng Ngọc bắt nhịp lại khá nhanh bởi em học với sự khát khao cực độ và có niềm vui lớn!
Tôi đã vài lần dự buổi dạy "một kèm một" kiểu này ở nhà chị của thầy Tú.
"Tiếng Anh thì em cũng được học rồi nhưng bỏ lâu quá nên không nhớ được nhiều. Hơn nữa, cách dạy của thầy Tú rất mới lạ, giúp em có sự hứng khởi khi học mà trước đây em chưa từng có. Em phải học thật gấp, nhất là được miễn phí vì nhà em nghèo, để kịp trước khi mù hẳn thì vẫn thực hiện được giấc mơ dùng tiếng Anh giao tiếp tốt để bán đồ thủ công mỹ nghệ do mình làm ra cho người nước ngoài. Đó là nghề em quyết tâm làm bằng được để mưu sinh sau này khi ba mẹ già yếu" - Ngọc ngước khuôn mặt thánh thiện, nói với tôi.
Ngọc cho hay vài bữa nữa, tiếng Anh ổn hơn, thầy Tú hứa sẽ đệm đàn cho em hát nhạc boléro mà thầy cho là phù hợp với chất giọng mềm mại và ngọt ngào của em, để năm tới hai thầy trò lên TP HCM dự một cuộc thi hát dành cho người khuyết tật.
Thầy Tú nói với việc làm gia sư Anh văn, dù đã miễn hoặc giảm học phí cho học sinh nghèo thì thầy vẫn kiếm được hơn 10 triệu đồng/tháng, đủ nuôi mình và vợ. Nét khác biệt với những người làm gia sư khác là thầy thường xuyên dạy lớp "một kèm một" như kiểu dạy cho Ngọc với cả những học sinh lành lặn, bình thường. Học sinh dù ở xa Cần Thơ, chỉ cần hiếu học là thầy nhận lời, dù phải chật vật di chuyển trên xe ba bánh.
Thầy Trần Thanh Tú đang kèm một học trò hiếu học
Được gọi thầy là tự hào
Nữ sinh xinh xắn Trần Quang Hoàng Yến, sinh viên năm 2 Khoa Công nghệ ĐH Cần Thơ, học tiếng Anh với thầy Tú từ năm lớp 6 đến giờ. Yến cười thật tươi, cho một nhận xét đáng chú ý: "Thầy Tú giúp học sinh tự tin với Anh ngữ và phát âm cực tốt là điều giúp em giờ có thể thoải mái tranh luận với thầy bằng tiếng Anh. Đó cũng là điều em thích nhất của quá trình gắn bó với thầy Tú trong ngần ấy năm".
Hôm tôi ghé thăm lớp, Yến đang học với một bạn cùng lớp đại học, tên Võ Thùy Vân. Vân đã học một năm với thầy Tú. Cả hai say sưa trao đổi với thầy bằng tiếng Anh rất tự nhiên và trôi chảy, dường như quên hết sự có mặt của những người xung quanh.
Điểm dạy đông nhất bây giờ của thầy Tú là ở nhà chị thầy, với hơn 20 học viên, dạy từ thứ hai đến thứ sáu. Kế đến là điểm ở gần Viện Lúa ĐBSCL, được một người bạn cho mượn địa điểm, với khoảng 15 học viên, học trong hai ngày thứ bảy và chủ nhật. Thầy Tú nói điểm dạy xa nhất là khoảng 30 km.
Tới xem thầy Tú dạy, thấy thầy vẫn thường đi pha ca cao cho học sinh uống như là phần thưởng để động viên khuyến khích các em. Thùy Linh, một học sinh trong lớp của thầy, nói vui: "Thích nhất ở lớp học này là ngoài chuyện học tốt, con còn được thầy pha ca cao cho uống".
Thầy Tú kể ngoài Bảo Ngọc, từ trước đến nay thầy vẫn thường miễn, giảm học phí cho học sinh nghèo nhưng ham học và học giỏi. Tiếng lành đồn xa, cứ em này học xong rồi giới thiệu em khác nên hai mươi mấy năm qua luôn có lớp dạy liên tục.
"Đó là niềm vui lớn, niềm tự hào lớn nhất vì công sức và đam mê của mình được xã hội chấp nhận xứng đáng" - thầy Tú chân tình và cho biết để đủ trang trải cuộc sống, tối nào không dạy thì thầy đến các phòng trà hát cho nhau nghe, vừa để thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc và cũng để kiếm thêm thu nhập. Thầy Tú có thể nói say mê không biết mệt trong nhiều giờ liền về âm nhạc, nhất là nhạc Trịnh Công Sơn mà thầy thích nhất.
Thầy Tú sinh ra trong gia đình có 5 người con, cha mất sớm, cả nhà chỉ trông chờ vào gánh bún bán ngoài chợ của mẹ. Thương mẹ, thầy nghỉ học khi mới đến lớp 12 rồi phải xoay xở đủ nghề kiếm sống nhưng vẫn chật vật do khuyết tật nặng. Mê tiếng Anh từ lúc mới 4-5 tuổi nên dù khó khăn thầy vẫn mày mò tìm trong sách vở để học ngữ pháp và từ vựng, rồi nghe đài thường xuyên để rèn nghe, rèn nói Anh ngữ sao cho chuẩn.
May mắn đến từ khi thầy được một thầy giáo tiếng Anh dạy miễn phí. Nhờ đó mà từ năm 23 tuổi, thầy Tú bắt đầu làm gia sư và đến nay chưa hề gián đoạn chỉ vì muốn trả nghĩa cho thầy, cho đời theo cách đã làm với Bảo Ngọc hay bất kỳ học sinh nào thực sự khó khăn mà hiếu học.
"Mình chỉ đi làm kiếm sống và trả nghĩa cho thầy nhưng vẫn được học sinh lễ phép một tiếng thưa thầy, hai tiếng thưa thầy, nghe sướng rơn cả người và thấy mình cần phải nỗ lực hết mình dạy cho các em thật tốt, dạy bằng cả tâm huyết suốt thời trai trẻ của mình chứ không hẳn chỉ để kiếm cơm" - thầy Tú nói.
Thầy kể điều khiến thầy xúc động thực sự là dù không phải nhà giáo chính quy nhưng mỗi dịp 20-11, nhiều học trò vẫn đến tặng hoa với những lời tri ân rất đỗi chân thành.
Chưa muốn dừng lại
Học trò kháo nhau học với thầy Tú kỹ năng nào cũng thích, nhất là nghe, nói. Chất giọng của thầy nhẹ nhàng, truyền cảm, rất dễ nghe.
Nhưng thầy Tú nói với tôi thầy vẫn chưa muốn dừng lại ở đó mà muốn ngày càng dạy tốt hơn nữa. Bởi vậy, thầy thường xuyên vào kênh YouTube nước ngoài, xem người bản xứ dạy học tiếng Anh, để tự nâng cao trình độ, cập nhật những thay đổi của ngôn ngữ Anh. Thầy còn đọc tài liệu về dạy tiếng Anh của các trường đại học uy tín của Anh và Mỹ.
Một cựu giáo viên Anh văn có tiếng của Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (TP Cần Thơ) là cô Hồng Nga, đánh giá thầy Tú là một trong những người dạy tiếng Anh rất chuẩn của Tây Đô, có thể dạy tốt ở nhiều cấp độ.
Tôi thì rất thích câu khẩu hiệu "English for everyone" (tiếng Anh cho mọi người), được viết trang trọng ở dòng đầu tiên trên danh thiếp của thầy Trần Thanh Tú.
Bà Bùi Thị Hồng Nga, nguyên Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ, đánh giá: "Trần Thanh Tú tiêu biểu cho người "tàn mà không phế", tự học Anh ngữ rất tốt để vươn lên trong nghề gia sư của mình, khiến nhiều người cảm phục. Tú không chỉ lo cuộc sống tốt cho gia đình mà còn luôn rộng mở trái tim nhân ái với những người bất hạnh hơn mình".
Bài và ảnh: LAM HẬU GIANG
Theo nguoilaodong
Đầm ấm Lễ Tổng kết năm học và chào tân sinh viên "Kiến trúc sư tương lai" Khoa Kiến Trúc - Đại học Mở Hà Nội long trọng tổ chức "Lễ Tổng kết năm học 2018 - 2019 và Chào Tân sinh viên K27" tại cơ sở đào tạo Khoa Kiến trúc. Cứ mỗi năm một lần, Trường đại học Mở Hà Nội nói chung, Khoa Kiến trúc nói riêng lại hân hoan chào đón một thế hệ sinh viên...