Người thầy khơi nguồn đam mê sáng tạo cho học trò
4 năm gần đây, tại lễ trao giải các cuộc thi liên quan đến khoa học – kỹ thuật của tỉnh có rất nhiều học sinh đến từ Câu lạc bộ Ươm mầm khoa học kỹ thuật phổ thông ( huyện Trảng Bom) tham dự.
Các em nhận được nhiều giải thưởng cao, được đánh giá có khả năng sáng tạo tốt và nhiều tiềm năng trở thành những nhà sáng chế trong tương lai.
Thầy Nguyễn Thanh Phương và các thành viên trong Câu lạc bộ Ươm mầm khoa học – kỹ thuật phổ thông (huyện Trảng Bom) “bội thu” trong lễ trao giải Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đồng Nai năm 2019. Ảnh: H.Dung
Và “cha đẻ” của câu lạc bộ, người dẫn dắt các em từ những ngày đầu chập chững làm quen với nghiên cứu khoa học đến khi có nhiều kiến thức, kinh nghiệm là thầy Nguyễn Thanh Phương (giáo viên dạy môn Công nghệ Trường THPT Thống Nhất A, huyện Trảng Bom).
* Trăn trở vì học trò
Thầy Nguyễn Thanh Phương quê gốc ở TP.Cần Thơ. Trước đây, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chàng trai Thanh Phương không có điều kiện học lên đại học ngay sau khi tốt nghiệp THPT, thay vào đó là đi làm công nhân để phụ giúp gia đình. Với ý chí ham học hỏi và đam mê đặc biệt với máy móc, công nghệ, chàng trai trẻ quyết tâm thi đậu và hoàn thành chương trình cử nhân tại Trường đại học sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp, thầy Phương về Trường THPT Thống Nhất A công tác.
Thời gian qua, thầy Nguyễn Thanh Phương đã thường xuyên tổ chức các khóa học xây dựng tư duy sáng tạo miễn phí cho các học sinh có đam mê nghiên cứu khoa học trong huyện Trảng Bom. Theo đó, trong 4 ngày diễn ra khóa học, học sinh được trải nghiệm kỹ năng làm khoa học, những ý tưởng khởi nghiệp, học các kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm video, thuyết trình báo cáo khoa học…
Thầy giáo Bạch Thanh Lụa, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong mỗi tiết dạy, thầy Phương luôn tận tình chỉ bảo học trò, không nề hà khó khăn, chủ động tìm tòi và sáng tạo nhiều phương pháp dạy mới, tạo hứng thú cho học sinh. Mỗi tiết học của thầy Phương luôn được học trò chờ đợi và diễn ra sôi nổi với đủ thứ “đồ nghề” lỉnh kỉnh như: bảng điện, pin, động cơ máy móc…
Video đang HOT
Năm 2014, nhận thấy có nhiều học sinh trong trường có đam mê nghiên cứu khoa học mà trên địa bàn huyện lại chưa có “sân chơi” nào dành riêng cho các em trong lĩnh vực này, thầy Phương đã đứng ra thành lập Câu lạc bộ Ươm mầm khoa học kỹ thuật phổ thông. “Trụ sở” của câu lạc bộ được đặt ngay tại nhà thầy ở xã Quảng Tiến (huyện Trảng Bom).
Hằng tuần, cứ vào chiều thứ tư, các sinh viên là cựu học sinh của Trường THPT Thống Nhất A đang học tập tại các trường đại học ở TP.Hồ Chí Minh lại về câu lạc bộ, cùng thầy Phương nghiên cứu, chế tạo một vài loại máy móc. Những lớp học sinh đi trước chỉ bảo cho học sinh đi sau. Cứ như thế, số lượng thành viên trong câu lạc bộ ngày càng tăng. Không chỉ có học sinh nam, nhiều học sinh nữ cũng không ngần ngại tham gia, theo đuổi ước mơ trở thành nhà khoa học, làm chủ công nghệ.
Để học sinh có thể tiếp cận với các loại thiết bị, máy móc một cách trực quan sinh động, hằng tháng, thầy Phương đều trích tiền lương của mình để mua sắm các trang thiết bị, đồ dùng, dụng cụ thí nghiệm để học sinh thực hành. Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình nhiều học sinh khó khăn, thầy Phương không thu tiền mà luôn động viên, khích lệ để các em tích cực tham gia, phát huy sáng kiến, sáng tạo.
Nhờ đó, từ những chiếc máy đơn giản, học sinh trong Câu lạc bộ Ươm mầm khoa học – kỹ thuật phổ thông đã sáng chế nên nhiều máy móc, thiết bị phức tạp hơn như: máy thu hoạch nghêu, hộp xám cho xe gắn máy, máy rũ phân cút,
rô-bốt vận chuyển hàng hóa… Tất cả những loại máy móc này đều là những suy tư, tìm tòi, trăn trở của các em nhằm giải quyết khó khăn trong cuộc sống thường ngày của chính bản thân, gia đình và những người xung quanh.
* Gặt hái nhiều thành công
Khi học sinh đã bắt đầu làm quen với công tác nghiên cứu khoa học, thầy Phương mạnh dạn đăng ký cho các em tham gia các phong trào, hội thi liên quan đến khoa học – kỹ thuật từ cấp trường đến cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia.
Năm 2016, lần đầu tiên học sinh của câu lạc bộ đoạt giải khuyến khích tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đồng Nai. Đây là “cú hích”, là động lực để những thành viên trong câu lạc bộ không ngừng cố gắng, nỗ lực.
Em Trần Vũ Nhật Hào, lớp 11A4 Trường THPT Thống Nhất A tâm sự: “Nếu không có thầy Phương dẫn dắt, chỉ đường, chúng em sẽ không biết mình có khả năng gì và có thể sáng tạo đến đâu. Thầy luôn tận tâm, tận tình hướng dẫn, chỉ bảo cho chúng em những điều hay lẽ phải, khích lệ chúng em phát huy năng khiếu của bản thân và biết được bản thân mình thực sự phù hợp với công việc gì trong tương lai”.
Còn phụ huynh của em Trần Anh Tài thì chia sẻ: “Thấy con đam mê nghiên cứu khoa học, gia đình chúng tôi rất mừng. Càng mừng càng trân trọng tình cảm mà thầy Phương dành cho học trò. Mặc dù đã 37 tuổi, thầy Phương vẫn chưa nghĩ đến hạnh phúc riêng tư của bản thân mà toàn tâm, toàn ý chăm lo cho câu lạc bộ, cho học trò. Có được những người thầy có tâm như vậy, phụ huynh vô cùng phấn khởi, an tâm”.
Thầy Phương khen thưởng, động viên học sinh tham gia Cuộc thi Đua xe mô hình tự chế đạt thành tích cao. Ảnh: H.Dung
Với những cố gắng, nỗ lực của bản thân người sáng lập câu lạc bộ và quyết tâm của các em học sinh, đến nay sau 4 năm thành lập và phát triển, Câu lạc bộ Ươm mầm khoa học kỹ thuật phổ thông đã có bảng thành tích “đồ sộ” với nhiều giải thưởng cao từ cấp huyện đến cấp quốc gia.
Phải kể đến như đề tài Rô bốt chăm sóc khách hàng của nhóm học sinh Trần Nguyễn Thanh Bi, Trần Vũ Nhật Hào, Sầm Đức Anh là một trong 15 đề tài xuất sắc lọt vào vòng chung kết Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh – sinh viên năm 2018; giải khuyến khích Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2019 với giải pháp Máy nghiền đất cho các nhà vườn ươm cây của nhóm học sinh Âu Quốc Cường, Nguyễn Quốc Khánh, Trần Vũ Nhật Hào, Trần Anh Tài; hay giải nhất tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đồng Nai năm 2019 với đề tài Máy rũ phân cút hỗ trợ người nuôi chim cút…
Không riêng gì học trò mà bản thân thầy Phương cũng nhận được nhiều giải thưởng tại Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai năm 2019.
Chia sẻ về những kết quả đã đạt được, thầy Phương tâm sự: “Đối với người thầy, không có điều gì hạnh phúc hơn là thành công của học trò. Được chứng kiến học trò tiến bộ từng ngày cả về kiến thức, nhận thức lẫn cách ứng xử, tôi cảm thấy rất vui”.
Không nhận công lao về phần mình, thầy Phương chỉ khiêm tốn nhận là người khơi gợi được đam mê nghiên cứu khoa học trong mỗi học sinh, tạo động lực giúp các em không ngừng đổi mới, sáng tạo. “Tư duy sáng tạo luôn là con đường khó khăn nhưng mang lại nhiều trái ngọt và kết quả đầy nhựa sống. Vì thế, tôi chỉ cố gắng làm tốt nhất những gì trong khả năng của mình để giúp đỡ cho học trò, để các em có được tương lai tươi sáng hơn” – thầy Phương bộc bạch.
Hạnh Dung
Theo baodongnai
Khai trương 'Điểm hẹn Hoa Kỳ' tại Trường Đại học An Giang
Nhân chuyến thăm và làm việc tại tỉnh An Giang của Đoàn công tác Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chiều 18/11, Ban Giám hiệu Trường Đại học An Giang và bà Marie Damour, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã tổ chức lễ khai trương "Điểm hẹn Hoa Kỳ" tại Trường Đại học An Giang.
"Điểm hẹn Hoa Kỳ" là nơi học tập tương tác - mô hình đầu tiên tại Việt Nam. Điểm hẹn là không gian học tập, cung cấp bộ sưu tập trên 100 quyển sách về Hoa Kỳ; 300 sách điện tử về văn hóa, xã hội, kinh tế, khoa học - kỹ thuật về đất nước Hoa Kỳ; các tài liệu giảng dạy tiếng Anh đến các loại tạp chí, đĩa CD, DVD...
PGS.TS Trần Văn Đạt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang và bà Marie Damour, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh cắt băng khai trương "Điểm hẹn Hoa Kỳ" tại Trường Đại học An Giang.
Vì vậy, "Điểm hẹn Hoa Kỳ" sẽ là địa điểm tra cứu tài liệu dành cho giảng viên, sinh viên và người dân ở An Giang đến trao đổi ý tưởng và kiến thức, nâng cao trình độ tiếng Anh và tìm hiểu về Hoa Kỳ. "Điểm hẹn Hoa Kỳ" cũng được trang bị ti vi kết nối internet có thể phát trực tiếp các chương trình từ các Trung tâm Hoa Kỳ ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng như kết nối sinh viên với Trung tâm Tư vấn Giáo dục Hoa Kỳ Education USA.
Những năm qua, Trường Đại học An Giang cũng nhận được sự hỗ trợ từ Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ trong các hoạt động giáo dục, văn hóa và nghiên cứu. Hiện nhiều sinh viên của Trường Đại học An Giang được tiếp nhận các học bổng tại Hoa Kỳ như: chương trình học bổng Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á Yseali; chương trình tiếng Anh cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn... Bên cạnh đó, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ cũng hỗ trợ Trường Đại học An Giang trong công tác nâng cao chất lượng giảng viên và sinh viên thông qua chương trình hội thảo, tập huấn...
Phát biểu tại lễ khai trương "Điểm hẹn Hoa Kỳ", Phó giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Đạt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, nhấn mạnh: "Điểm hẹn Hoa Kỳ" sẽ tạo ra nhiều hoạt động, dịch vụ giúp sinh viên An Giang nâng cao trình độ tiếng Anh và sinh viên có nhiều điều kiện luyện tập tiếng Anh thông qua việc tham dự 10 sự kiện văn hóa Hoa Kỳ với sự hỗ trợ tổ chức từ Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh và các chuyên gia giảng dạy Anh ngữ tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang cũng cho biết: "Điểm hẹn Hoa Kỳ" sẽ kết nối trực tiếp các chương trình tư vấn từ các Trung tâm giáo dục Hoa Kỳ tại Việt Nam nhằm góp phần quảng bá giáo dục Hoa Kỳ, giúp giảng viên, sinh viên Trường Đại học An Giang thực hiện ước mơ du học.
Theo đánh giá của Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh: "Điểm hẹn Hoa Kỳ" đánh dấu một mốc quan trọng trong mối quan hệ bền chặt giữa Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ và Trường Đại học An Giang, cũng như giữa người dân Hoa Kỳ và người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tin, ảnh: Thanh Sang
Theo TTXVN
Thi được 1 điểm vẫn đạt học sinh giỏi cấp huyện Trong danh sách 285 học sinh giỏi lớp 9 của Phòng GD&ĐT huyện Châu Thành, Bến Tre, có em đạt 1 điểm (thang điểm 20). Theo Phòng GD&ĐT huyện Châu Thành, 566 học sinh khá, giỏi ở khối lớp 8, 9 thuộc 13 trường THCS trên địa bàn tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 năm học 2019-2020. Kết quả,...