Người thầy hơn 20 năm ‘tiếp lửa’ cho học trò đam mê công nghệ thông tin
Hơn 20 năm qua, thầy giáo Đỗ Văn Nhỏ miệt mài bồi dưỡng, ‘tiếp lửa’ cho những học sinh đam mê Tin học ở thành phố biển Đà Nẵng.
Thầy Đỗ Văn Nhỏ sinh năm 1978, quê ở Quảng Nam. Năm 2001, sau khi tốt nghiệp đại học, thầy quyết định ở lại Đà Nẵng giảng dạy và hiện là Tổ trưởng tổ Tin học của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.
Thầy Nhỏ kể đầu những năm 2000, nhiều học sinh vẫn coi việc học môn Tin học là “phụ”, mang tính “đối phó”. Các trường cũng không chú trọng đầu tư trang thiết bị khiến bộ môn thiếu tính sáng tạo, thiết thực để hấp dẫn học sinh
“Thời điểm ấy, những bài giảng Tin học chỉ là ghi lên bảng rồi học sinh chép lại, nên các em cũng không mặn mà. Phải đến năm 2013, môn Tin mới được thành phố chú trọng, đầu tư mạnh mẽ…”.
Thầy Đỗ Văn Nhỏ
Để học sinh yêu thích môn Tin hơn, thầy Nhỏ luôn thay đổi cách giảng dạy, tổ chức những cuộc thi thu hút các em tham gia. Những cuộc thi này được thầy coi như “vườn ươm”, cho ra những thế hệ học sinh giỏi công nghệ thông tin.
“Không bao giờ tạo áp lực cho học sinh là điều tôi luôn hướng đến. Trong các tiết học hay cuộc sống, tôi luôn đặt mình ở vị trí là người bạn để hiểu các em hơn. Từ đó sẽ tạo tâm lý thoải mái, để các em thấy việc học là vui, không áp lực thì sẽ dễ tiếp thu hơn.
Với các bài tập như lập trình, các em sẽ tự tay làm ra sản phẩm của mình. Sau đó, tôi sẽ chỉ ra những gì còn thiếu hay chưa hợp lý để các em khắc phục ở những bài tập sau…”, thầy Nhỏ nói.
Thêm vào đó, nhiều năm qua, thầy còn mời các cựu học sinh của trường đang học ngành công nghệ thông tin đứng ra giảng dạy, chia sẻ cho học sinh khóa sau.
Video đang HOT
Học sinh tham gia Cuộc thi Olympic Tin học dành cho học sinh THPT khu vực miền Trung – Tây Nguyên từ ý tưởng của thầy Nhỏ
Bên cạnh việc chuyên môn ở trường, thầy Nhỏ còn nhiều năm dẫn dắt các đội tuyển Tin học của TP Đà Nẵng chinh phục các cuộc thi khắp cả nước. Trong các năm 2016, 2017, 2018, 2019, 2022, Đà Nẵng đều giành giải nhất toàn đoàn hội thi Tin học trẻ toàn quốc.
Thầy còn lên ý tưởng, phối hợp với các đơn vị tổ chức các cuộc thi Tin học hàng năm, tạo sân chơi bổ ích cho học sinh đam mê công nghệ khắp cả nước. Trong số này có cuộc thi Olympic Tin học dành cho học sinh THPT khu vực miền Trung – Tây Nguyên hay Trại hè Tin học miền Trung – Tây Nguyên.
“Năm vừa qua, cuộc thi Olympic Tin học dành cho học sinh THPT khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã thu hút hơn 1.000 em học sinh tham gia, giúp các em có những trải nghiệm thú vị. Hiện nay, tôi đang hướng đến việc tổ chức thêm một bảng đấu cho học sinh khối Tiểu học nữa…”, thầy Nhỏ bộc bạch.
Còn trại hè Tin học miền Trung – Tây Nguyên, đến thời điểm này đã trải qua 6 năm, học sinh được các thầy cô là các chuyên gia đầu ngành về Tin học bồi dưỡng các chuyên đề, kỹ năng trong Tin học và các hoạt động khác.
Thầy Nhỏ nhận bằng khen từ Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ, ngày 16/11 vừa qua
“Đến thời điểm này, môn Tin học đã trở nên rất quan trọng. Bản thân tôi mong từ những cuộc thi và các hoạt động thực tế sẽ giúp bổ sung cho lý thuyết mà các em được học ở lớp.
Kiến thức thực tế luôn phong phú sinh động, các em sẽ học được cả cách tiếp cận vấn đề để giải quyết vấn đề một cách tốt hơn…”, thầy Nhỏ chia sẻ.
Với những kết quả đạt được, thầy Đỗ Văn Nhỏ đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều bằng khen của Bộ GD-ĐT và của Thành phố Đà Nẵng.
Người thầy đam mê sáng tạo, truyền cảm hứng cho học trò
Lần 20 năm gắn bó với nghề dạy học, có 6 sáng kiến khoa học được áp dụng rộng rãi ở các cơ sở giáo dục tỉnh Nam Định, thầy Phạm Văn Ninh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến, TP Nam Định, tỉnh Nam Định, đã góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng khuyến khích tinh thần tự học của học sinh; đồng thời lan tỏa phong trào đổi mới, sáng tạo trong đội ngũ giáo viên...
Thầy giáo Phạm Văn Ninh. Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN
Thầy Phạm Văn Ninh chia sẻ, tháng 9/2003, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội, chuyên ngành Cử nhân Toán, thầy về nhận công tác tại Trường Trung học Phổ thông Gia Viễn B (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Đến năm 2006, thầy Ninh chuyển công tác về Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Bính (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Sau một thời gian công tác, thầy được phân công làm Tổ trưởng Tổ Toán - Tin của trường.
Qua quá trình công tác, giảng dạy bộ môn Toán, nhận thấy cách dạy cũ không mang lại hiệu quả cao, thầy cô như một "phát ngôn viên" trình bày bài học, việc tương tác với học sinh có nhưng không liên tục làm cho việc lĩnh hội kiến thức trở nên thụ động, không phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học. Hơn nữa, giáo viên cũng khó nắm bắt học sinh của mình tiếp thu đến đâu. Vì vậy, ngoài thời gian lên lớp, thầy Ninh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu với tâm niệm tạo ra sự thay đổi về cách thức, phương pháp dạy và học.
Năm 2012, thầy Ninh cho ra đời sáng kiến kinh nghiệm đầu tiên là: Hướng dẫn học sinh tự học, tự tìm, tự sáng tạo một số chuyên đề Toán theo nhóm. Với sáng kiến này, thầy hướng dẫn học sinh tự nghiên cứu, chia lớp ra từng nhóm và giao cho mỗi nhóm một nội dung cụ thể. Học sinh sẽ đọc và chuẩn bị nội dung nhóm được giao trước ở nhà và trình bày ý kiến, sự hiểu biết của mình trước lớp. Học sinh là người chủ động tìm hiểu bài học, giáo viên là người hướng dẫn, định hướng và giúp học sinh khái quát lại kiến thức.
Tiếp đến, vào năm 2015, nhận thấy đa số học sinh khó khăn trong tìm hiểu và làm các bài tập về vấn đề hàm ẩn, tích phân, nhất là trong việc làm bài thi, thầy Ninh đã nghiên cứu và cho ra đời sáng kiến: Đổi mới việc phân loại câu hỏi, ra đề, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực của học sinh phù hợp với kỳ thi Trung học Phổ thông và thi học sinh giỏi cấp tỉnh phần tích phân.
Thầy Ninh tâm niệm, nếu không sáng tạo, không liên tục đổi mới sẽ không kích thích được sự chủ động của học sinh. Bởi vậy, trong suốt quá trình giảng dạy thầy luôn chủ động tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, nghiên cứu, tìm hiểu để áp dụng vào công việc của mình. Thầy cũng luôn lắng nghe chia sẻ, góp ý của đồng nghiệp, tâm tư, nguyện vọng của học sinh để hoàn thiện bản thân, đưa ra những ý tưởng mới, giải pháp mới trong dạy học và quản lý, quản trị trường học.
Năm 2018, thầy Ninh chuyển công tác về Trường Trung học Phổ thông Mỹ Lộc (huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định). Tại đây, ngoài công tác giảng dạy, thầy đảm nhiệm thêm công tác quản lý, làm Phó Hiệu trưởng nhà trường. Trên cương vị mới, thầy Ninh vẫn hăng say tìm hiểu, nghiên cứu và đưa ra những sáng kiến kinh nghiệm hữu ích, ứng dụng hiệu quả trong các cơ sở giáo dục.
Từ năm 2018 đến 2022, thầy liên tục đưa ra những sáng kiến kinh nghiệm thiết thực, được ngành Giáo dục tỉnh Nam Định đánh giá cao như: Những giải pháp phát huy hiệu quả công tác kiểm tra nội bộ trường Trung học Phổ thông tỉnh Nam Định; Chuyển đổi số trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính trong trường phổ thông; Số hóa hồ sơ phục vụ công tác đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đẩy mạnh cải cách hành chính trong trường phổ thông; Chuyển đổi số trong quản lý, điều hành nhằm đổi mới sinh hoạt tổ - nhóm chuyên môn trong trường phổ thông.
Đây đều là những giải pháp áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, phục vụ công tác lưu trữ hồ sơ, giáo án, công tác kiểm tra ở các cơ sở giáo dục giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động tại các cơ sở giáo dục.
Thầy giáo Phạm Văn Ninh hướng dẫn học sinh làm bài tập. Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN
Thầy Ninh tâm sự, trong 6 sáng kiến kinh nghiệm, thầy dành thời gian nghiên cứu lâu nhất và tâm đắc nhất là giải pháp: Chuyển đổi số trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính trong trường phổ thông. Trước đây, công tác lưu trữ văn bản, tài liệu, quản lý hồ sơ cán bộ, giáo viên, học sinh, mất nhiều thời gian, công sức và kinh phí. Áp dụng chuyển đổi số trong quản lý giúp giảm tải công việc cho cán bộ, giáo viên, đồng thời đẩy nhanh hiệu suất công việc, giúp cán bộ, giáo viên và học sinh yên tâm làm việc, học tập.
Thầy Ninh là một trong số ít những giáo viên của tỉnh Nam Định được Tập đoàn đa quốc gia chuyên phát triển, sản xuất, kinh doanh bản quyền phần mềm Microsoft công nhận là giáo viên sáng tạo. Thầy đã sử dụng phần mềm Office 365 để ứng dụng trong quản lý, giảng dạy và học tập. Trường Trung học Phổ thông Mỹ Lộc là một trong những cơ sở giáo dục đầu tiên tại Nam Định tiên phong sử dụng các nền tảng, công cụ của Office 365 để quản lý hồ sơ, tổ chức sinh hoạt chuyên môn và thực hiện số hóa hồ sơ trên môi trường mạng.
Vào năm 2021 và đầu năm 2022 khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhà trường đã cấp tài khoản Office 365 cho 100% giáo viên và học sinh để dạy học trực tuyến, kiểm tra đánh giá online trên môi trường mạng giúp cho hoạt động của trường không bị gián đoán, đảm bảo nội dung chương trình năm học.
Từ kinh nghiệm của mình, thầy Ninh đã trực tiếp hướng dẫn một số trường Trung học Phổ thông, Trung học Cơ sở trong tỉnh ứng dụng phần mềm Microsoff Office 365 vào quản lý chỉ đạo, điều hành như: Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Đức Thuận (huyện Vụ Bản); Trường Trung học Phổ thông Trần Văn Lan (huyện Mỹ Lộc); Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Công Trứ (thành phố Nam Định)... Thầy đã chia sẻ cách thức quản lý, sử dụng phần mềm Office 365 cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán cấp trung học cơ sở toàn tỉnh.
Với những sáng kiến kinh nghiệm của mình, thầy Phạm Văn Ninh đã đạt nhiều giải trong các Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật của tỉnh và ngành Giáo dục. Năm 2022, thầy Ninh được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo.
Năm học 2022 - 2023, thầy Ninh được luân chuyển về làm Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Khuyến, thành phố Nam Định. Tại đây, thầy tiếp tục quá trình nghiên cứu với mong muốn tạo thêm nhiều sáng kiến, công trình khoa học giúp ích cho quá trình dạy học, quản lý trường học, nhất là là khơi dậy niềm đam mê, hứng thú học tập, nghiên cứu, sáng tạo cho học sinh.
Cô Lê Thị Phương Dung, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Khuyến nhận xét, thầy Phạm Văn Ninh là một nhà giáo có tâm huyết, tận tụy với nghề, yêu quý học trò. Thầy có khả năng sư phạm, chuyên môn giỏi, kinh nghiệm trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý và giảng dạy mang lại hiệu quả cao, là tấm gương ham học hỏi, đam mê sáng tạo, không ngừng đổi mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, tạo hứng thú học tập cho học sinh.
Người thầy thuở binh nhì Ngày xa gia đình lên đường nhập ngũ, tôi như cánh chim non rời tổ. Môi trường Quân đội với tôi khi đó còn lạ lẫm. Đã vậy, nỗi nhớ nhà luôn thường trực. Những lúc chỉ một mình, tôi thấy lòng buồn chơi vơi, trong đầu ăm ắp những hình ảnh làng quê yêu dấu. Tôi ngại tâm sự với đồng đội,...