Người “thầy” đặc biệt ở xứ Mường
“Tôi lấy việc dạy học làm niềm vui trong cuộc sống, hàng ngày thấy các cháu đến lớp tôi rất hạnh phúc và hạnh phúc hơn khi thấy nhiều cháu tiến bộ từng ngày, từ vị trí đội sổ trong lớp đã giành danh hiệu tiên tiến, giỏi”…
Nghị lực để vượt qua số phận…
Hơn 10 năm nay, trong căn nhà nhỏ chừng 10m2 tại thôn Yên, xã Kim Truy, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, một lớp học vẫn đều đặn diễn ra 2 buổi/ngày, những tiếng bi bô tập đánh vần, những tiếng trao đổi bài vở bằng cả tiếng Mường và tiếng Kinh của những học trò nhỏ tuổi và những lời giảng bài của “người thầy đặc biệt” nhất xứ Mường khiến cho bất cứ ai cũng phải cảm thông. Đó là anh Bùi Văn Bình, người đã phải chịu quá nhiều mất mát trong cuộc sống, giờ đây lấy việc dạy học cho những học sinh trong thôn, xã làm niềm vui và động lực sống.
Bình kể rằng, anh được sinh ra trong một gia đình nông dân, cuộc sống tuy vất vả về vật chất nhưng luôn đầy ắp tiếng cười. Cuộc sống êm ấm trôi qua cho đến khi mẹ anh sinh người em gái, khi đó Bình mới được 2 tuổi. Do quanh năm chỉ trông chờ vào vài sào ruộng, không có việc làm thêm, lại phải nuôi hai con nhỏ, bố mẹ anh thường xuyên cãi vã, cuối cùng quyết định chia tay. Từ đó bi kịch bắt đầu…
Sau khi chia tay, mẹ anh đã kết hôn với người đàn ông khác, chuyển đi nơi khác sinh sống, còn cha anh, vì quá đau khổ nên đã bỏ đi biệt xứ. Hai anh em phải sống nhờ vào sự đùm bọc của bà con trong thôn. Ai cho thứ gì thì anh em Bình ăn thứ đó, quần áo mặc không đủ ấm vào mùa đông, mùa hè không một chiếc quạt mát và cứ thế ngày tháng trôi qua…
Rồi em gái, người thân duy nhất, nguồn động viên của Bình trong cuộc sống cũng bỏ anh đi sau khi mắc bệnh hiểm nghèo không có tiền chữa trị, khi đó Bình chưa đầy 10 tuổi. Không lâu sau khi em gái mất, Bình lại nhận được hung tin. Cha dượng anh đột ngột qua đời, rồi mẹ anh cũng theo dượng ra đi. Một mình Bình bơ vơ trên cõi đời…
Video đang HOT
Khi không còn ai thân thích bên cạnh, Bình lủi thủi sống trong căn nhà mục nát. Hàng ngày, ai cho cái gì thì ăn cái ấy, bên trong căn nhà tranh không có gì giá trị tới vài chục nghìn đồng.
Khi học lớp 4, Bình bị ốm “thập tử nhất sinh” dai dẳng hàng tháng trời khiến anh bị liệt hai chân, hai tay rồi toàn thân. Đó cũng là lúc mà anh bị miệng lưỡi thiên hạ gán cho cái danh cay nghiệt: Bình ma ám.
Bằng nghị lực, bỏ ngoài tai những lời thị phi, anh vẫn quyết tâm tới trường học, hi vọng thay đổi số phận và ánh mắt coi thường của một số người. Những ngày đầu tới trường vô cùng vất vả đối với anh, quãng đường không xa nhưng với anh nó dài bất tận. Hàng ngày anh bò tới trường bằng đầu gối và đôi bàn tay sưng đỏ, tứa máu.
Một bạn học của Bình cho biết: “Ngày đó ai cũng nghèo, rất ít người có xe đạp đến trường, chủ yếu là đi bộ. Khâm phục ý chí và nghị lực của Bình, chúng tôi bảo nhau hàng ngày đến cõng Bình đến lớp, sau này có xe đạp thì chở Bình đi. Học lên tới THPT, Bình được một gia đình tốt bụng cho ở nhờ nhưng đến ngày thi tốt nghiệp, Bình bị ốm liệt giường nên phải bỏ dở. Ước mơ bước vào giảng đường ĐH đành chấm hết. Bình vốn rất thông minh, nhanh trí và luôn đạt kết quả cao trong học tập. Chúng tôi ai cũng tiếc cho cậu ấy”.
Anh Bình bên các học sinh thân yêu của mình. Ảnh: Khánh Phong
Vượt qua nỗi đau…
Việc học dở dang, Bình buồn bã quay về với mái nhà cũ nát. Anh đôi lúc muốn kết liễu cuộc đời đau khổ của mình. Nhưng đúng lúc anh tuyệt vọng nhất thì một người bạn vì không biết chữ và không có thời gian để dạy con học đã mang đứa nhỏ đến nhờ anh kèm giúp. Ngày ngày, một “thầy”, một “trò” trao đổi bài trong căn nhà nhỏ. Bình thấy vui hẳn lên, anh không còn mặc cảm số phận.
Ngày qua tháng lại, nhiều phụ huynh không có thời gian chăm sóc việc học của con đã mang con đến nhà Bình nhờ anh trông nom, kèm cặp. Cứ thế lớp học “đặc biệt” dần được hình thành bằng sự tự nguyện của cả “thầy” và “trò”.
Gọi lớp học của Bình là lớp học đặc biệt vì lớp học này nhiều học sinh còn lỗ hổng về kiến thức và người thầy cũng chưa qua một trường lớp đào tạo sư phạm cơ bản nào và có một hoàn cảnh đặc biệt nhất trong xã.
Ông Bùi Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Kim Truy: “Tôi đánh giá cao việc làm của anh Bình và lớp học của anh, đó là việc làm rất có ích, giúp nhiều cháu từ học lực kém vươn lên đạt danh hiệu khá, giỏi”. Ảnh: Khánh Phong
Trong căn nhà mới tươm tất mà anh được chính quyền xã cùng bà con, phụ huynh trong xã góp tiền xây cho, anh Bình trải lòng: “Trước đây, tôi ở trong căn lều rách nát, thương cho hoàn cảnh của tôi nên chính quyền xã và bà con trong thôn đã huy động được chút tiền xây căn nhà này để tôi ở và dạy học. Tôi lấy việc dạy học làm niềm vui, hàng ngày thấy các cháu đến lớp tôi rất hạnh phúc và hạnh phúc hơn khi thấy nhiều cháu tiến bộ từng ngày, từ vị trí đội sổ trong lớp nhiều cháu đã giành danh hiệu tiên tiến, giỏi. Các cháu cũng giúp tôi nhiều trong sinh hoạt hàng ngày như đẩy xe đưa tôi đi chơi, xúc cơm cho tôi ăn, nhiều cháu còn đến ngủ cùng tôi khiến tôi rất vui”.
Anh Bình chia sẻ: “Tôi không có bí quyết dạy học gì, chỉ nhớ lại kiến thức đã học, đọc qua sách vở, nghe đài, xem trên tivi nhà hàng xóm để dạy lũ trẻ. Tôi cũng chẳng bao giờ mắng mỏ hay trách phạt gì các cháu nên các cháu cũng chẳng giấu dốt, vì thế mà nhanh tiến bộ”.
Anh Bình dạy học miễn phí, không đòi hỏi bất cứ điều gì từ phụ huynh học sinh. Thấy vậy, phụ huynh thường mang cho anh khi thì củ khoai, củ sắn, khi thì lạng thịt, bát cơm để anh ăn. Có người mỗi tháng động viên anh 70.000 đồng để anh dạy học, nhưng anh không dùng để chi tiêu cho mình mà mua sách vở, đồ dùng cho học sinh hay thưởng cho học sinh khá giỏi, có ý chí học tập…
Ông Bùi Mạnh Thường, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Truy cho hay: “Lớp học phụ đạo của anh Bùi Văn Bình đã cải thiện rõ rệt chất lượng học sinh tiểu học ở thôn Yên cũng như học sinh tiểu học xã Kim Truy. Có những học sinh đội sổ, giờ đây đã trở thành học sinh giỏi xuất sắc của trường. Chúng tôi đánh giá cao việc làm của anh Bình, một chàng trai đã chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, nhưng anh ấy không bi quan, vượt qua số phận bất hạnh để làm một việc rất có ích cho làng xã mà không đòi hỏi bất cứ thứ gì cho riêng mình”.
Chia tay lớp học đặc biệt với người “thầy” cũng rất đặc biệt, chúng tôi khâm phục một người phải chịu quá nhiều bất hạnh mà vẫn vượt qua nỗi đau để làm việc có ích cho xã hội. Hi vọng anh sẽ có thêm nguồn động lực để tiếp tục công việc “trồng người” của mình.
Theo phapluatxahoi.vn