Người thầy ‘đặc biệt’ gieo chữ trên lòng hồ Trị An
Gần một năm nay, cứ thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, tiếng đánh vần từng con chữ lại vang lên ở khu vực lòng hồ Trị An. Đây là lớp học đặc biệt khi người thầy là một cán bộ kiểm lâm, còn học sinh là những người lớn tuổi, thậm chí có những cụ già gần 80 tuổi sống lênh đênh trên làng bè Trị An.
Người dân được chỉ bảo tận tình từng nét chữ trong lớp dạy chữ cho những người Việt kiều Campuchia lớn tuổi trên lòng hồ Trị An.
Lớp học đặc biệt này do anh Nguyễn Hoàng Nam, cán bộ kiểm lâm, Bí thư Đoàn Thanh niên Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai sáng lập và duy trì.
Khu vực lòng hồ Trị An (trải dài trên nhiều huyện thuộc tỉnh Đồng Nai), hiện có trên 1.200 hộ sinh sống với trên 6.000 nhân khẩu. 70% trong số những nhân khẩu trên là Việt kiều trở về từ Campuchia. Do không biết chữ, hầu hết họ chỉ đánh bắt cá để kiếm sống qua ngày.
Anh Nguyễn Hoàng Nam cho biết, vào dịp Tết Nguyên đán 2019, trong một chuyến đi làm từ thiện, tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên lòng hồ Trị An, anh nhận thấy có rất nhiều người không biết chữ, không thể ký tên mình khi được trao quà. Có người chỉ đánh chữ X cho nhanh, người cẩn thận hơn lăn vân tay, nhưng cũng có những người đọc tên nhờ người biết chữ viết hộ.
Anh Nam nhận thấy, mọi người không biết chữ sẽ khó khăn trong công tác bảo vệ, quản lý đánh bắt trên lòng hồ. Khi tuyên truyền về pháp luật, người dân không biết và cũng không thể tự tìm hiểu. Do đó, anh đã xin ý kiến lãnh đạo Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai, mở lớp dạy chữ cho những người lớn tuổi này với mục đích xóa mù, dạy cho họ biết đọc và biết viết.
Những bàn tay da nhăn nheo vẫn cố gắng luyện tập từng nét chữ.
Do đó, từ tháng 4/2019, lớp học xóa mù cho những người lớn tuổi trở về từ Campuchia trên lòng hồ Trị An được ra đời. Bước đầu những tưởng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc “chiêu sinh” cho lớp học, vì đối tượng đều là những người lớn tuổi, lao động chính trong gia đình. Tuy nhiên, nhiều người rất háo hức, mong chờ từng ngày, thậm chí bỏ luôn buổi làm để được tới lớp học.
Thường ngày, những ngư dân ở đây phải dậy từ rất sớm để thu lưới, lợp, gom cá tôm đem bán, hoặc đổi lấy gạo ăn trong ngày. Tuy nhiên, cứ thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, thay vì đi thu lưới, lợp, họ lại mang theo tập vở, cây bút chì hướng về giữa lòng hồ, nơi có lớp học đặc biệt.
“Thầy Nam dặn 7 giờ phải có mặt ở lớp học, nhưng đường đến lớp xa lắm, phải tranh thủ đi chứ không kịp đâu. Mùa này do nước xuống, lòng hồ đã cạn đáy nên nhiều nơi xe máy mới chạy được, chứ vào giữa mùa mưa, nước hồ lên cao phải đi ghe gần 1 giờ đồng hồ mới tới được lớp”, ông Tống Văn Rớt (54 tuổi, sống trên lòng hồ Trị An, Đồng Nai) cho biết.
Người dân được chỉ bảo tận tình từng nét chữ trong lớp dạy chữ cho những người Việt kiều Campuchia lớn tuổi trên lòng hồ Trị An.
Video đang HOT
Đặc biệt hơn, lớp học không phân biệt độ tuổi, số người trong một gia đình, tất cả mọi người chỉ cần có nhu cầu học để biết chữ đều có thể tham gia. Có những gia đình gồm bố chồng, con dâu cùng tham gia một lớp.
Chị Nguyễn Thị Nương, 34 tuổi (sống trên làng bè Trị An) cho biết, đáng lẽ là nhà có ba bố con đi học, nhưng vì tuần này chồng chị mắc bệnh nên chỉ có chị và bố chồng đi học.
“Không biết chữ khổ lắm, người ta nói gì cũng không biết, không xin được việc làm, chỉ biết bắt con tôm, con cá đổi lấy gạo sống qua ngày. Sau khi biết đọc, biết viết, vợ chồng tôi sẽ vào bờ để xin việc, không muốn sống cảnh lênh đênh sông nước nữa”, chị Nguyễn Thị Nương tâm sự.
Anh Nguyễn Hoàng Nam cho biết, lớp học này mở ra đến nay cũng gần 8 tháng, dạy vào hai ngày cuối tuần. Sĩ số lớp tuy khiêm tốn nhưng duy trì khá đều, khoảng trên 10 người một lớp. Với đặc thù là dạy chữ cho những người lớn tuổi, do vậy các thầy gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều cụ đã không còn minh mẫn, trí nhớ kém, tay cầm bút không được dẻo, run tay… nhưng với tinh thần, ước muốn cháy bỏng là một lần được tự tay viết tên mình nên nhiều cụ đã rất cố gắng. Đến nay, nhiều cụ ông, cụ bà đã có thể tự viết tên mình.
Anh Nguyễn Hoàng Nam trong giờ đứng lớp dạy chữ cho những người Việt kiều Campuchia lớn tuổi trên lòng hồ Trị An.
Sau thời gian triển khai, hơn 30 người lớn tuổi đã có thể “tốt nghiệp” lớp học, biết đọc chữ hoặc ít nhất là biết viết tên mình. Cụ Nguyễn Văn Lời (71 tuổi) sau hơn 2 tháng học tập, cụ đã có thể tự viết tên mình, mặc dù nét chữ còn nguệch ngoạc.
Khi được mọi người hỏi, tại sao lớn tuổi như vậy mà vẫn đi học, cụ Nguyễn Văn Lời cho biết: “Từ nhỏ tới lớn không được tiếp xúc với con chữ, cuối đời chỉ có một ước nguyện đó là có thể tự viết tên mình. Biết chữ, biết đọc, viết để mai mốt có được đi đâu đó, biết chỗ này chỗ kia, ai hỏi còn biết trả lời”.
Kết thúc mỗi buổi học, những “học trò” ở lớp học đặc biệt này lại hồ hởi khoe với nhau hôm nay đánh vần được bao nhiêu chữ, có người giỏi hơn khoe đã ráp được 3 chữ lại với nhau và đọc được. Thầy Nam gọi đến tên để đánh vần đã mạnh dạn đọc dõng dạc chứ không rụt rè, sợ hãi, mặc dù không phải từ nào các cô, chú, bác cũng đọc nhanh, rõ, chuẩn được.
Những “học trò” này, ai cũng có một làn da đen rám nắng, dáng người khắc khổ, nhưng tinh thần luôn vui tươi, nói cười luôn miệng, ánh mắt của họ luôn sáng, ánh lên niềm hy vọng vào một cuộc sống mới mà không còn phải lo chạy ăn từng bữa như hiện nay.
Bài và ảnh: Lê Xuân
Theo TTXVN
Nơi lòng hồ, Việt kiều học tiếng Việt
Mặc dù đang sống tạm bợ trên lòng hồ Trị An, nhưng nhiều Việt kiều Campuchia lớn tuổi vẫn háo hức tham gia lớp xóa mù chữ.
Đường vào lớp học nằm sâu trong lòng hồ Trị An - ẢNH: LÊ LÂM
Với họ, mục đích học tiếng Việt đơn giản chỉ để biết ký tên, biết đọc địa danh, hay bắt xe đi đây đó cho thuận tiện.
"Nay là thứ hai, chúng tôi phải đi học"
Bình thường, cứ sau buổi cơm trưa, ông Tống Văn Rớt (54 tuổi) tranh thủ nằm nghỉ một lát rồi lại xuống ghe đi bủa lưới, giăng câu, kiếm con cá bán để lo kinh tế cho gia đình. Một ngày mưu sinh của ông Rớt, bắt đầu từ đầu buổi chiều, dong ghe ra lòng hồ Trị An thả lưới, đến cuối giờ chiều quay về. Rạng sáng hôm sau đi gỡ lưới, bắt cá mang ra chợ bán lấy tiền.
Nhưng hôm nay lại khác, ông Rớt không nghỉ trưa mà vội vàng vơ quyển tập viết lớp 1, cùng cây bút chì và nhanh chóng leo lên chiếc xe máy nhắm hướng suối Sa Mát, nằm sâu trong lòng hồ Trị An.
"Nay là thứ hai, chúng tôi phải đi học. Chú Nam (anh Nguyễn Hoàng Nam, Bí thư Đoàn Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai; đơn vị quản lý lòng hồ Trị An - PV) dặn 1 giờ phải có mặt, đường đi đến lớp xa lắm, phải tranh thủ chứ không kịp", ông Rớt nói và cho biết thêm do mực nước xuống, lòng hồ đã cạn đáy nhiều nên mới chạy xe máy được, chứ vài tuần trước còn phải đi ghe.
Để đến lớp đúng giờ, học lấy con chữ, ngoài việc chạy vội vã giữa trưa nắng chói chang, ông Tống Văn Rớt còn chấp nhận bỏ luôn công việc kiếm sống.
Học sinh lớn tuổi nhất lớp, bác Nguyễn Văn Lời - ẢNH: LÊ LÂM
Ông Rớt than: "Hôm nào đi học, tận 4 giờ chiều mới tan lớp. Chạy về đến nhà thì cũng gần 5 giờ, mà thời điểm đó gió bắt đầu thổi mạnh, sóng lớn, ghe của tôi loại nhỏ nên không dám đi xa. Mà thả lưới ở gần bờ thì không có cá, nên đành bỏ luôn buổi làm".
Gia đình ông Rớt có tổng cộng 8 người con, trong đó mới 3 người lập gia đình, hiện vẫn còn 5 đứa nhỏ đang ở chung với bố mẹ. Cách đây 4 năm, gia đình ông từ Biển Hồ (Campuchia) dắt díu nhau về VN sinh sống. Hai chiếc bè nhỏ được dựng lên tạm bợ, ọp ẹp từ các thanh tre, nứa, gỗ tạp... làm nơi chui ra chui vô của 10 nhân khẩu.
"Biết chữ để đi đây đi đó, dòm đường dòm sá, xe cộ, đi chỗ này chỗ nọ dễ dàng, còn không biết chữ thì như mù. Tham gia lớp học này, đến nay bác cũng đã biết đọc... lai rai rồi".
Ông Nguyễn Văn Lời (71 tuổi)
U.80 cùng tìm con chữ
Mất gần 20 phút chạy xe máy ngoằn ngoèo giữa lòng hồ Trị An cạn trơ đáy, ông Rớt cũng đến lớp học để tìm con chữ. Nói lớp học "cho sang" chứ chỉ là một cái bè khá rộng, mái tôn, sàn gỗ, đậu trên con suối Sa Mát. Con suối này bắt nguồn từ xã Thanh Sơn (H.Định Quán, Đồng Nai) chảy về và đổ ra sông Đồng Nai. Theo anh Nguyễn Hoàng Nam, lớp học này mở ra khoảng gần 2 tháng nay, dạy tuần hai buổi vào chiều thứ hai và thứ ba. Sĩ số tuy khiêm tốn nhưng duy trì khá đều: trên 10 người. Học viên đa phần là những người lớn tuổi, từ U.40 đến U.80.
Anh Nguyễn Hoàng Nam đang dạy chữ cho các Việt kiều - ẢNH: LÊ LÂM
"Còn nhà bè này trước đây vốn là lớp dạy chữ cho các em nhỏ, con của những ngư dân. Chủ bè đứng lớp dạy học là thầy Thích Chơn Nguyên, một người tu hành, thương cảm phận đời của những trẻ em nghèo trên lòng hồ mà về đây đóng bè, mở lớp, lênh đênh trên sông nước cùng học trò. Riêng với các em nhỏ, vừa qua, tôi đã làm việc với ngành giáo dục và chính quyền địa phương, đề nghị xem xét cho các em được vào học ở các lớp chính quy trên địa bàn", anh Nam nói thêm.
Ngồi trong bè trò chuyện với anh Nam một lát thì các "học sinh" lục tục kéo đến. Người nào cũng cầm cuốn tập viết lớp 1 cùng cây bút chì trên tay. Làn da ai cũng đen sạm, rám nắng, trông dáng người khắc khổ nhưng tinh thần thì vui tươi, nói cười luôn miệng, khi vào học cũng hăng say, bàn luận sôi nổi. Lúc thầy Nam gọi đến tên để đánh vần thì mạnh dạn đọc dõng dạc chứ không rụt rè, sợ hãi, mặc dù không phải từ nào các cô, chú, bác cũng đọc nhanh, rõ được.
Theo anh Nam, trong lớp còn có bố chồng và nàng dâu cùng học chung. Khi tôi hỏi chuyện cùng bố chồng đến lớp, chị Nguyễn Thị Nương (47 tuổi) cười nói: "Đúng ra phải đến ba bố con lận, nhưng hôm nay ông chồng bị bệnh không đến lớp được".
Ngư dân Tống Văn Rớt rời nhà đến lớp - ẢNH: LÊ LÂM
Còn bố chồng chị Nương - ông Nguyễn Văn Lời (71 tuổi), là "học sinh" lớn tuổi nhất lớp. Hàm răng của ông đã rụng gần hết, miệng móm mém, giọng không đủ hơi, nói không rõ tiếng nhưng đôi mắt vẫn còn rất sáng, tay vẫn còn cầm bút vững chắc. "Lúc nhỏ, bác theo bố mẹ qua sống ở Campuchia, cũng có học và viết được đôi ba chữ tiếng Việt, nhưng sau đó thì quên hết ráo", ông Lời móm mém cười rồi nói thêm: "Biết chữ để đi đây đi đó, dòm đường dòm sá, xe cộ, đi chỗ này chỗ nọ dễ dàng, còn không biết chữ thì như mù. Tham gia lớp học này, đến nay bác cũng đã biết đọc... lai rai rồi". Mỗi buổi sáng, ông vẫn đi giăng câu kiếm ít tiền mưu sinh.
Khi lớp đã học được khoảng 30 phút, thì xuất hiện một "học trò" trẻ, chỉ mới... U.30. Anh bẽn lẽn nói tiếng Việt chưa rành để giải thích về nguyên nhân đi trễ: "Em đi bán cá về, xong tranh thủ đến lớp". Khi tôi hỏi tên, thì anh ta liền đáp: "Ngon". "Cái gì ngon?". Anh đưa tay gãi đầu suy nghĩ không biết tôi hỏi gì, chỉ đến khi tôi giải thích là muốn biết đầy đủ họ và tên, anh chàng này như... sực tỉnh, lại gãi đầu, cười to như vừa giải tỏa được một áp lực: "Nguyễn Văn Ngon".
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay trên lòng hồ Trị An có hơn 1.200 hộ với hơn 6.000 nhân khẩu, trong đó 70% là Việt kiều Campuchia đang sinh sống. Cũng như ông Rớt, hiện nay vẫn còn hộ dân khác mù chữ, hàng chục năm qua ở nước bạn mưu sinh chỉ kiếm đủ miếng ăn... Khi về VN cũng phải tìm nơi sông nước mưu sinh, vì ngoài đánh bắt cá, họ chẳng biết làm nghề gì khác, ruộng rẫy, nhà cửa thì không có tiền mua.
Anh Nguyễn Hoàng Nam, Bí thư Đoàn Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, cho biết nguyên nhân có lớp học này: "Dịp Tết Nguyên đán 2019, khu bảo tồn tổ chức chuyến đi từ thiện trên lòng hồ, tặng quà cho bà con có hoàn cảnh khó khăn. Tại đây, đoàn phát hiện nhiều người không biết chữ, khi trao quà đề nghị ký nhận thì không thực hiện được. Vì thế, lãnh đạo khu bảo tồn gợi ý mở một lớp dạy chữ cho những Việt kiều lớn tuổi và "đặt hàng" cho Đoàn thanh niên thực hiện".
Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, cho biết trước đây tỉnh Đồng Nai cũng đã làm nhà, vận động bà con rời bè lên bờ. Nhưng chỉ một thời gian, vì thói quen, tập quán sinh sống, họ bỏ nhà tìm xuống bè trở lại.
Theo Thanh niên
Phổ cập giáo dục THCS: Các lực lượng xã hội phải vào cuộc Tăng cường huy động các nguồn lực đóng góp của các tổ chức, cá nhân, để tăng cường cơ sở vật chất và giúp đỡ những đối tượng phổ cập gặp khó khăn... - đó là một trong những giải pháp ngành Giáo dục Ninh Bình đã thực hiện, nhằm góp phần nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS. Một hoạt...