Người thầy của trẻ em khuyết tật
Tại ngôi trường Chuyên biệt tương lai, thành phố Đà Nẵng, thầy giáo Phan Văn Tính đã tận tình chăm sóc những trẻ nhỏ bị khuyết tật suốt 10 năm nay.
Dạy học cho trẻ em bình thường đã khó, dạy trẻ khuyết tật còn khó gấp nhiều lần. Với thầy Tính, sự tiến bộ từng ngày của các trò nhỏ đã mang tới cho thầy niềm vui và hạnh phúc.
Lớp học của thầy Tính có nhiều học sinh mắc các chứng tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ.
Thầy: Con học trường gì?
Học sinh: Trường Chuyên biệt tương lai
Thầy: Con có thích học ở trường này không?
Học sinh: Dạ có
Thầy: Vì sao con lại thích học trường này?
Học sinh: Vì có bạn
Thầy: Con học lớp thầy gì?
Học sinh: Học thầy Tính
Đó là cuộc trò chuyện giữa thầy Phan Văn Tính và em Lê Đức Cường trường Chuyên biệt tương lai, thành phố Đà Nẵng. Cường đã 12 tuổi nhưng hành động và suy nghĩ của em ngây ngô như trẻ lên 5. Hai năm trước Cường được gửi đến trường Chuyên biệt tương lai và chưa biết nói. Sau thời gian được thầy Tính dìu dắt giờ Cường đã nhận biết được một số đồ vật xung quanh và nói những từ đơn giản.
Thầy Phan Văn Tính, 35 tuổi, quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Từng học chuyên ngành kinh tế, nhưng thầy Tính lại chuyển sang học chuyên ngành giáo dục đặc biệt cho trẻ khuyết tật. Năm 2007, thầy Phan Văn Tính thi đỗ và học ở trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang.
Thầy Tính kể, khi dạy các trẻ khiếm thị mình phải biết dùng chữ Braille. Đây là loại chữ nổi dành cho người mù được viết ngược, đọc xuôi nên những người mắt sáng sẽ đánh máy rất chậm. Các học trò lại viết rất nhiều thư gửi thầy hỏi về những kiến thức môi trường xung quanh, hình dạng những đồ vật hàng ngày. Thầy Tính phải thức cả đêm dịch, sáng hôm sau mới có thể trao đổi lại với học trò của mình.
Thầy Tính bảo, dạy các em vất vả nhưng vui và hạnh phúc: “Nói về động lực trong công việc thì tôi cũng không biết được. Tôi chỉ muốn miệt mài nghiên cứu ra mọi phương pháp dạy cho trẻ khuyết tật và khi nghiên cứu được thành công thì cảm thấy thích. Thứ 2 nữa là mỗi khi mệt mỏi, tôi lên trường gặp học sinh có những hành động ngây ngô, dễ thương thì tôi lại thấy mình vui, lúc đó là mình lại hết mệt ngay”.
Thầy Tính luôn tận tâm, thương yêu học trò khuyết tật.
Năm 2009, thầy Tính về giảng dạy ở trường Chuyên biệt tương lai, thành phố Đà Nẵng. Thầy Tính tâm sự: dạy học sinh bình thường đã khó, dạy các em khuyết tật còn khó gấp nhiều lần. Để làm được việc này, giáo viên cần phải kiên trì, yêu thương các em. Năm học này, lớp học của thầy Tính có 12 học sinh từ 7 đến 17 tuổi, mắc các chứng tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ.
Những trẻ bị khuyết tật thường dễ nổi giận, đập phá đồ đạc. Những lúc như vậy, thầy ôm ấp, vỗ về giúp các em trở lại bình thường. Thầy Tính luôn được các đồng nghiệp tôn trọng và yêu mến.
Cô giáo Trần Thị Minh Yến, giáo viên trường Chuyên biệt tương lai Đà Nẵng cho biết: “Đối với tôi, thầy Phan Văn Tính là một đồng nghiệp rất chăm chỉ và rất tâm huyết với tất cả các em. Thầy có một tình thương vô bờ bến đối với học sinh. Thầy có tầm nhìn rất tốt. Tôi nghĩ rằng thầy Tính là một người thầy tâm huyết với tất cả các em học sinh trong trường khuyết tật này”.
Thầy Nguyễn Duy Tuyên, Phó hiệu trưởng trường Chuyên biệt tương lai, thành phố Đà Nẵng cho biết, thầy Tính luôn tận tâm, thương yêu học trò; chịu khó tìm kiếm những phương pháp dạy phù hợp nhất giúp các em sớm hòa nhập với cộng đồng. Thầy Nguyễn Duy Tuyên khẳng định, nhiều năm liền, thầy Tính là giáo viên giỏi cấp trường, cấp thành phố.
“Bắt đầu từ năm 2010, nhà trường chúng tôi xây dựng khung chương trình cho học sinh khuyết tật trí tuệ. Thầy Tính hồi đó là giáo viên trẻ, có kỹ năng sử dụng máy tính do đó giúp anh em chúng tôi rất nhiều. Chính thầy Tính là một người tiên phong trong xây dựng khung chương trình này. Đối với thầy Tính, ngoài chuyên môn ra thì thầy là người rất yêu thương học trò”, thầy Tuyên cho biết.
10 năm tận tụy giúp những đứa trẻ khuyết tật hòa nhập với cộng đồng, Thầy Tính nói rằng, sự tiến bộ qua từng ngày của các trò nhỏ đã mang tới cho thầy niềm vui và hạnh phúc./.
Theo VOV
"Tôi nguyện dạy trẻ khuyết tật đến hơi thở cuối cùng"
"Có những buổi học, tôi đang dạy thì bỗng một học sinh la hét, mất kiểm soát hành vi và đập phá mọi thứ xung quanh. Nhìn thấy như vậy, các bạn khác gào theo, em lại cười ầm lên, tất cả đều căng như dây đàn.
Cảnh tượng thế không phải là hiếm ở lớp học Hy Vọng này".
Đó là chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Côi, 78 tuổi, giáo viên tình nguyện phụ trách dạy học miễn phí cho trẻ em khuyết tật, mồ côi cha mẹ, trẻ lang thang cơ nhỡ giữa lòng thủ đô.
Cô giáo Nguyễn Thị Côi, 78 tuổi dạy học miễn phí cho trẻ khuyết tật, mồ côi suốt 26 năm qua
26 năm đi tìm con chữ cho trẻ khuyết tật, mồ côi
Một buổi sáng trời thu Hà Nội, nắng trải vàng trên khắp những con đường, chúng tôi có mặt tại nhà văn hóa khu dân cư 2, phường Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội.
Bước vào lớp học rộng chừng gần 20m2, một tấm bảng đen to và hơn chục bộ bàn ghế đủ kiểu dáng, được gom nhặt lại, kê ngay ngắn thành hai dãy bàn. 24 em học sinh đồng loạt đứng dậy chào to: "Chúng em chào anh ạ!". Thoạt nhìn, không ai nghĩ đây là lớp học dành cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Đó chính là lớp học Hy vọng do cô giáo Nguyễn Thị Côi đảm nhiệm. Dù năm nay cô 78 tuổi, mắt đã mờ, chân chậm, tay run nhưng hàng ngày cô vẫn cần mẫn lên lớp không quản ngại nắng mưa, gió rét để làm bà, làm mẹ và làm cô giáo cho 24 đứa trẻ có hoàn cảnh éo le đến quặn lòng.
Cô Côi nhớ lại: "Bắt đầu từ năm 1994, khi đang là Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, tôi được biết UBND quận Hai Bà Trưng tìm giáo viên để mở lớp dành cho trẻ lang thang, cơ nhỡ và trẻ em nghèo. Nhận thấy đây là một việc làm hết sức ý nghĩa, cho nên tôi đã xung phong nhận lớp".
Sau khi nhận lớp, cô Côi đến từng tổ dân phố, từng xóm trọ lao động ven đê sông Hồng để vận động phụ huynh cho con đến lớp. Khi ấy nhiều gia đình còn xua đuổi, nhất quyết không chịu cho con đến lớp học chữ xóa mù, vì nhiệm vụ của những đứa trẻ đó buộc phải ở nhà kiếm tiền, làm lao động chính trong gia đình.
Nhưng cô Côi vẫn kiên trì, hàng ngày đều mang sách vở đến để vừa dạy, vừa thuyết phục gia đình cho các em ra lớp tập trung.
Thấm thoát vậy mà đã được gần nửa đời người, cô Côi cười: "Không biết là cái duyên hay cái nghiệp, tên tôi đã mặc định sẵn gắn liền với việc dạy chữ cho trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật. Có những học sinh giờ đây đã có nghề nghiệp ổn định, có người học lên tới đại học, đó là điều hạnh phúc nhất của một bà giáo già như tôi".
Không chỉ dạy học cho các em là trẻ lang thang cơ nhỡ, cô Côi còn vận động phụ huynh có con bị thiểu năng trí tuệ cho các em đến học miễn phí tại lớp của mình.
"Tôi muốn trao cho các cháu một cơ hội được hòa nhập cộng đồng, được học tập và được kết bạn", cô Côi tâm sự.
Khi tuyển đối tượng học sinh mới vào lớp cũng là lúc cô giáo Côi phải đối mặt với sự vất vả hơn. "Có những buổi học, tôi đang dạy các em đánh vần thì bỗng một học sinh la hét, do bị mất kiểm soát hành vi và đập phá mọi thứ xung quanh.
Nhìn thấy như vậy, các em khác gào theo, em lại cười ầm lên, tất cả đều căng như dây đàn. Cảnh tượng thế không phải là hiếm ở lớp học Hy Vọng này, tuần nào cũng có vài ba buổi học như vậy".
"Mới đầu tiếp xúc, tôi sợ lắm, luống cuống không biết xử lý ra sao. Nhưng dần dần tôi đã tìm đọc thêm nhiều sách để biết các xoa dịu cơn đau của những đứa trẻ bị khuyết tật, nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Những lúc như vậy tuyệt đối không được quát tháo, to tiếng, người giáo viên phải bình tĩnh, ôm học trò vào lòng, từ từ dỗ dành, nịnh cho ăn kẹo, cho đi chơi... bằng cả tình yêu thương của người bà, người mẹ rồi các em sẽ bình tĩnh lại", cô Côi chia sẻ.
Dạy trẻ đến hơi thở cuối cùng
Lớp học Hy Vọng của cô giáo Côi không có tiếng trống trường thúc giục vội vã, không có sự ồn ào, náo nhiệt, mà ấm cúng, gần gũi bởi tình thương vô bờ bến của cô giáo dành cho những đứa trẻ có số phận kém may mắn.
Chung một phòng học nhưng mỗi em học một chương trình, em học sách lớp 1, em học sách lớp 3, em lại học sách lớp 5; một lớp học 5 trình độ. Có lẽ điểm chung nhất giữa các em là hoàn cảnh, trò đùa trớ trêu của số phận. Những học trò đều là những em khuyết tật, bị tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin...
Các em ngay từ nhỏ đã phải lăn lộn với cuộc mưu sinh, thiếu thốn tình cảm, sự quan tâm, dạy bảo từ bố mẹ nên tính cách và tâm hồn dường như cũng trở nên chai sạn với cuộc đời, chẳng còn ngại ngừng gì với những người lạ.
"Nhưng cái khó nhất khi dạy trẻ thiểu năng là các em hầu như không có trí nhớ. Muốn giảng cho các em hiểu, phải giảng nhiều lần.
Mỗi khi các em làm bài, tôi phải chụp các công thức toán học và bảng cửu chương để từ những kiến thức sẵn có đó, học trò có thể vận dụng vào từng bài toán cụ thể. Vất vả là thế, ấy nhưng chưa ngày nào dám nghỉ dạy; chỉ lo mình không lên lớp, các em sẽ lười học ngay", bà giáo già tâm sự.
"Chị cả" của lớp năm nay đã ngoài 30 tuổi, khuôn mặt ngờ nghệch, đôi mắt vô hồn đờ đẫn, cùng là người theo học lớp này lâu nhất.
Suốt 7 năm qua, "chị cả" Lê chăm chỉ đi học, giờ chị đã biết viết, biết tính và học đến chương trình sách lớp 3. Chị Lê cười: "Ở lớp vui lắm, cô giáo Côi không quát mắng bao giờ, được cho kẹo mỗi ngày. Nhờ cô mà Lê biết viết chữ đẹp, biết đọc thông tin trên tờ rơi đấy..."
Nhìn đứa học trò ngờ nghệch của mình, cô Côi bùi ngùi nhớ lại: "Không riêng gì Lê, lần đầu tiên, sau khoảng 3 tháng dạy cho trẻ em lang thang cơ nhỡ thì một hôm có em Hiền chạy về bảo: Cô ơi, con đọc được chữ ở mấy tấm biển ngoài kia rồi.
Hạnh phúc quá, vui mừng quá, thế là hai cô trò ôm nhau khóc, chắc Hiền cũng không hiểu vì sao tôi khóc, nó là đứa học trò mồ côi đầu tiên biết chữ trong lớp này".
Nhìn vào ánh mắt rơm rớm, ngân ngấn lệ của cô Côi, tôi chợt hiểu rằng, với cô đó là niềm động viên, an ủi lớn nhất cho những tháng ngày vất vả đã qua.
Ở cái tuổi mà người ta sum vầy bên con cháu để an hưởng tuổi già, cô Côi vẫn ngày ngày tận tụy đến với lớp học Hy Vọng.
Cô cười hiền: "Các em đã thiệt thòi quá rồi. Giúp cho những đứa trẻ biết được chữ cái, con số cũng là để cho các con bớt đi phần nào thiệt thòi trong cuộc sống.
Tôi làm mọi thứ vì các con và không mong đợi điều gì ngoài việc các con khỏe mạnh và ngoan ngoãn. Đến đây tôi tìm thấy được những niềm vui, rèn luyện được sức khỏe, tránh được bệnh tật".
Chia sẻ niềm vui cùng cô giáo Côi, cuối tháng 9/2019 vừa qua, cô đã được vinh danh phụ nữ tiêu biểu Thủ đô vì những đóng góp thầm lặng, miệt mài suốt 26 năm qua.
Cô Côi khiêm tốn: "Tôi chỉ là trong ít các giáo viên được vinh danh, tuy chưa đóng góp được nhiều cho xã hội, nhưng đây cũng sẽ là động lực để tôi gắng sức hơn nữa vì những học trò khuyết tật của mình.
Mong sao cho có sức khỏe để dạy học đến 90, 100 tuổi; cho các em có chỗ dựa, có một nơi đi về và quan trọng hơn là cho chúng được hy vọng vào ngày mai tương sáng hơn như chính cái tên tôi đặt- Lớp học Hy vọng".
"Giáo viên nào cũng mong học trò mình thành đạt, nên người có ích cho xã hội. Nhưng riêng tôi, tôi chỉ mong các trò của mình có thể đọc thông, viết thạo, ý thức được hành vi của mình mà hòa nhập cộng đồng", cô Côi tâm sự.
Hà Cường
Theo Dân trí
Saigonchildren trao 50 xe đạp cho học sinh khuyết tật Đồng Nai 50 chiếc xe đạp đã được trao cho trẻ em khuyết tật thuộc chương trình Học Bổng Phát Triển của Saigonchildren ở quận Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Đây là món quà thiết thực để chia sẻ những khó khăn, vất vả khi tới trường. Tại buổi lễ. Ảnh do tổ chức cung cấp Ngày 12/10, DHL - VNPT Express ("DHL Express") đã...