Người thầy của đồng bào Giẻ Triêng
TT – Mang trong mình dòng máu dân tộc Cor, nhưng người thầy tật nguyền ấy lại tình nguyện gắn bó cả cuộc đời đưa đò tận tụy với những con em đồng bào Giẻ Triêng nghèo khó.
Thầy giáo Nguyễn Đức Trường 15 năm miệt mài gieo chữ cho đồng bào Giẻ Triêng – Ảnh: Thanh Ba
Người thầy ấy là Nguyễn Đức Trường (38 tuổi, giáo viên Trường tiểu học và THCS Phước Kim, xã Phước Kim, huyện Phước Sơn, Quảng Nam).
Thầy giáo với đôi chân bước cao bước thấp đã có thâm niên 15 năm “cõng” chữ lên một trong những xã xa xôi, hiểm trở nhất của huyện vùng cao Phước Sơn.
Video đang HOT
Tình nguyện lên non
Sinh ra trên đỉnh núi Ngọc Linh (huyện Nam Trà My) quanh năm mây mù giăng phủ, thế nhưng trong chuỗi ký ức nhập nhòe của quãng thời gian theo cha mẹ trên bước đường mưu sinh, cậu bé Nguyễn Đức Trường chỉ còn nhớ nơi cuối cùng mình đặt chân đến cư ngụ là xã miền núi Phước Kim (huyện Phước Sơn).
Năm 1995, chàng trai mang dòng máu Cor nhưng lớn lên trong sự đùm bọc của bà con đồng bào Giẻ Triêng trúng tuyển vào Cao đẳng Sư phạm Đà Nẵng, làm cả bản làng giữa đại ngàn nô nức mừng vui. Nguyễn Đức Trường chính là người đầu tiên của xã bước chân ra khỏi những tán rừng bạt ngàn, với cuộc hành trình chinh phục bến bờ tri thức.
Nhớ lại khoảng thời gian này, thầy Trường bồi hồi kể: “Hồi đó, phải quyết tâm lắm mới khăn gói lặn lội xuống dưới xuôi theo đuổi giấc mơ đại học, bởi cơ thể tật nguyền bẩm sinh nên rất khó đi lại. Mỗi lần nghĩ tới viễn cảnh mang kiến thức về phục vụ dân làng, tôi lại lao vào đèn sách.
Và chỉ nhờ nguồn động lực vô hình ấy mà tôi đã vượt qua những năm tháng khó khăn nhất, để bươn chải mưu sinh trang trải việc học.
Tốt nghiệp ra trường, mặc dù nhiều trường ở thành phố tạo điều kiện về giảng dạy, nhưng tôi không đắn đo xin ngay về địa phương, với mong muốn đem hết vốn liếng mình tích lũy cống hiến cho bà con”.
Vậy là hình ảnh người thầy giáo trẻ với đôi chân bước cao bước thấp trèo đèo, lội suối, không ngại gian khổ băng rừng, vượt dốc cao suốt 15 năm qua đã trở nên thân thuộc, in sâu trong tâm trí đồng bào nơi đây.
Đã bao lần bà con đi rẫy men theo các tuyến đường mòn tự phát dẫn vào các bản làng xa ngái bắt gặp cảnh tượng thầy Trường kiệt sức, té ngã bất tỉnh; rồi họ lại chứng kiến người thầy ấy gồng mình đứng dậy với lòng nhiệt huyết gieo chữ, bất kể ngày đêm, dạy dỗ con em họ thoát khỏi cảnh mù chữ.
“Từ trung tâm xã vào điểm trường các thôn như Trà Vân, Nước Kiết mất ít nhất ba giờ cuốc bộ. Chân phải tôi ngày một teo tóp nên rất khó di chuyển ở địa hình hiểm trở, việc bất cẩn trượt ngã thành ra như cơm bữa. Nhưng chính tình yêu thương học trò nghèo ở đây là sức mạnh vô biên, giúp tôi gượng dậy. Mấy chục năm gắn bó với mảnh đất này đã giúp tôi nhận ra rằng đất lạ hóa quê hương” – thầy Trường xúc động chia sẻ.
Ngày dạy trò, tối dạy phụ huynh
Thầy Trường tâm sự những ngày đầu chân ướt chân ráo về “quê hương thứ hai” công tác, mặc dù thấu hiểu cái cảnh “đói” chữ cứ mãi đeo đẳng đồng bào Giẻ Triêng từ bao đời nay, thế nhưng việc kêu gọi bà con cho con em mình học chữ đã có lúc khiến thầy “lực bất tòng tâm”.
Mỗi lần trong đầu hiện lên luồng suy nghĩ chán chường vì học sinh lác đác tới lớp học, thì thầy lại cố gắng bình tâm và dặn lòng không gục ngã, như cái cách mà bản thân thầy đã vượt lên nỗi đau của số phận. Thế là hằng đêm sau giờ tan lớp, người ta lại bắt gặp dáng hình gầy guộc, liêu xiêu của thầy Trường cất công đến từng thôn, vận động từng nhà cho học sinh cắp sách đến trường.
“Độ 10 năm trước, bà con cứ nghĩ học hành chẳng đem lại cái ăn, cái mặc, nên trẻ em lên 7, lên 8 đã phải theo ba mẹ vào rừng sâu phát rẫy trồng cây. Mãi một thời gian dài ăn ở, sinh hoạt và thuyết phục người dân bằng tiếng của đồng bào, họ mới nhận ra ý nghĩa thiết thực của việc học mà đồng ý cho con tới lớp, thay vì chôn vùi tuổi thơ ở nương rẫy.
Lớp học từ đó mỗi lúc một đông, dần dần học trò nằm trong độ tuổi đi học đều được đến trường và biết đọc, biết viết” – nở nụ cười mãn nguyện, thầy Trường nói.
Và khi học trò đã hứng thú đi học và miệt mài trau dồi con chữ, thầy Trường lại tiếp tục dành thời gian buổi tối mở lớp xóa mù chữ cho chính phụ huynh các em học sinh, bởi thầy tâm niệm: “Chừng nào còn người không biết chữ thì chừng đó cái nghèo, cái đói còn bủa vây!”.
Cảm động trước tấm lòng của thầy Trường, đông đảo bà con ngoài độ tuổi đi học từ lâu, thậm chí có người 50-60 tuổi vẫn không ngại ngùng đăng ký lớp học ban đêm do người thầy tật nguyền mở ra. Đến nay, sau những năm tháng ròng rã với công cuộc xóa mù chữ, hầu hết người dân ở các thôn nằm xa trung tâm xã Phước Kim được thầy Trường khai trí đã nhận biết được con số, cái chữ.
Theo TTO