Người thầy của các “nữ anh hùng võ thuật” Nepal (Kỳ 2)
Vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, võ sư Đặng Đình Hai đã dày công truyền thụ, giúp võ cổ truyền Việt Nam đến với các ni cô Nepal.
Năm 2010, sau khi nhận lời mời của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, võ sư Đặng Đình Hai bay sang Nepal, trở thành người Việt đầu tiên mang võ dân tộc lên dãy Himalaya. Tại tự viện Amitabha, võ sư Hai mở một lớp huấn luyện võ thuật miễn phí với sự tham gia của đông đảo tăng chúng, trong đó có 200 ni cô đến từ các tự viện khác nhau như ở Assam, Tây Tạng và Ấn Độ.
Họ là những ni cô có tuổi đời từ 12 đến 25, vì các bài quyền mà “thầy Hai” truyền thụ được coi là quá sức đối với những ni cô trên 25 tuổi. Họ từng là những ni cô bình thường chuyên làm những công việc như quét dọn, nấu nướng và vận chuyển lương thực, thực phẩm từ dưới núi lên tự viện, nhưng họ rất háo hức đến với võ thuật cổ truyền Việt Nam để rèn luyện sức khỏe và tăng cường khả năng thiền định.
Võ sư Hai đặt chân lên đất nước Nepal để dạy võ cho các ni cô tại tự viện Amitabha
Sau khi đến tự viện Amitabha, võ sư Hai được Pháp Vương và các nhà sư bố trí chỗ ăn nghỉ trong tự viện, và sau khi làm quen với các học viên tương lai, ông bắt đầu lên kế hoạch huấn luyện võ thuật cho họ một cách hiệu quả nhất.
Theo kế hoạch huấn luyện mà võ sư Hai đề ra, các nhà sư, ni cô trong tự viện sẽ luyện tập võ thuật 3 lần mỗi ngày, mỗi lần kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ. Đúng 5 giờ sáng, võ sư tập hợp các học viên tại sân lớn của tự viện, hướng dẫn họ các động tác cơ bản và chủ trì luyện tập đến 7 giờ sáng.
Video đang HOT
Sau đó, các nhà sư, ni cô tiếp tục công việc và hoạt động học tập thường ngày của mình tại tự viện. Võ sư Hai cho biết tự viện Amitabha giống như một trường học lớn, nơi các tăng ni được giảng dạy về tu tập, tiếng Tạng, tiếng Anh và các kiến thức tôn giáo khác.
Việc luyện tập võ thuật được tiếp tục từ 3 giờ chiều đến 5 giờ chiều, và các tăng ni tranh thủ ôn luyện một lần nữa vào buổi tối trước khi nghỉ ngơi. Thời tiết ở trên dãy Himalaya chuyển biến rất nhanh trong ngày, buổi sáng lạnh, đến trưa lại nắng gay gắt, nhưng điều đó không ngăn cản được quyết tâm luyện võ của võ sư Hải và các học trò đặc biệt của mình.
Võ sư Hai hướng dẫn các ni cô luyện tập võ thuật tại sân của tự viện
Võ sư Hai nhớ lại: “Tôi đã phải tự học tiếng Anh để có thể giao tiếp và truyền thụ kiến thức dễ dàng hơn với các học viên. Rất may là các thế võ, bài quyền chủ yếu minh họa bằng động tác, không dùng nhiều lời nói, nên mọi việc diễn ra khá thuận lợi, và các ni cô Nepal tiếp thu rất nhanh”.
Dưới sự trợ giúp của 4 ni cô thuộc chùa Tây Thiên đi theo để hỗ trợ, võ sư Hai hướng dẫn các ni cô Nepal nắm vững các nguyên tắc, nguyên lý của võ thuật cổ truyền Việt Nam, luyện tập các thế tấn và các bài quyền cơ bản.
Thầy Hai cho biết, vốn là những người tu tập, các ni cô Nepal đã có sẵn ý thức kỷ luật và tinh thần chịu đựng kiên cường, bởi vậy việc luyện võ diễn ra rất thuận lợi. Các ni cô nắm bắt kiến thức nhanh, thực hiện các động tác tấn, các bài quyền ngày càng thuần thục.
Chỉ sau một tháng giảng dạy võ thuật, giữa võ sư Hai và các học trò Nepal đã có sự gắn kết, hiểu nhau hơn, và cùng với thời gian miệt mài khổ luyện các ni cô đã nắm vững những kiến thức, những bài quyền cơ bản và thi triển rất đẹp mắt.
Các ni cô có ý chí rất kiên cường trong quá trình luyện tập võ thuật Việt Nam
Sau khi huấn luyện những bài quyền cơ bản, võ sư Hai bắt đầu hướng dẫn các ni cô thực hiện những bài võ phức tạp hơn như đối luyện tay không, đối luyện trường côn, thiết phiến (múa quạt). Để tăng cường khả năng tập trung trong quá trình luyện võ, một số ni cô còn trèo lên tận nóc nhà, nơi có gió rất to để thực hiện các bài quyền của mình.
Sau vài tháng luyện tập, võ sư Hai nhận thấy các học trò của mình dường như đã có sự “lột xác” khi thể hiện được thần thái, dáng điệu, cử chỉ đầy “tư thế” của con nhà võ trong quá trình học tập, sinh hoạt tại từ viện.
Trước khi hết hạn visa phải trở về nước, võ sư Hai đã tổ chức một cuộc thi lên đai cho các học trò của mình, nơi các ni cô phải thể hiện được bản lĩnh biểu diễn võ thuật nơi đông người và trình diễn các bài võ đối kháng tự vệ như cầm nã thủ. Chứng kiến những bài biểu diễn võ thuật đẹp mắt của các ni cô, những người đứng xem đã phải thốt lên: “Đây đích thực là những nữ anh hùng võ thuật của Nepal”.
Võ sư Hai cho biết, ông cũng rất cảm phục trước ý chí, quyết tâm của các ni cô Nepal chân yếu tay mềm trong quá trình luyện võ. Với cường độ luyện tập căng thẳng như vậy, chuyện đau nhức gân cốt, mệt mỏi là không thể tránh khỏi, nhưng tuyệt nhiên các ni cô không hề kêu ca, khóc lóc và cũng không hề có người nào bỏ cuộc.
Trong số các ni cô tham gia khóa huấn luyện, thầy Hai rất ấn tượng với một ni cô 13 tuổi tên là Gwan Suk. Tuy vẫn đang ở độ tuổi mới lớn rất hồn nhiên, ngây thơ, song Gwan Suk lại có khả năng lĩnh hội võ thuật rất nhanh, luyện tập rất chăm chỉ và đạt được sự tiến bộ thấy rõ.
Những lúc phát hiện thấy các ni cô có biểu hiện uể oải trong luyện tập do quá trình “chuyển hóa” cơ bắp của người mới tập võ, võ sư Hai cũng đã kịp thời có những biện pháp động viên tinh thần, chia sẻ, nói chuyện để giúp các ni cô hiểu rằng họ phải luyện tập thì mới có sức khỏe, có sức khỏe thì mới có thể tu tập tốt và giúp đỡ được người khác.
Qua những buổi trò chuyện như vậy, các ni cô đã trở nên tự tin, thoải mái hơn rất nhiều và lại tiếp tục hăng say luyện tập. Từ những thế tấn cơ bản, các ni cô bắt đầu được học những bài quyền đặc sắc của Đặng gia như Tứ diện trấn môn quyền, la hán quyền…, dần dần đưa võ thuật cổ truyền Việt Nam trở nên “nức tiếng” trên dãy Himalaya.
———————————————————————-
Võ sư Hai và các học trò đặc biệt của mình đã “nức tiếng” ở Nepal như thế nào, mời độc giả đón đọc kỳ 3 vào 10h ngày 10.5.
Theo Danviet