Người thầy của bản
Sớm một ngày cuối tuần tháng 11, trời rét. Ở cái xã vùng cao xa xôi Cổ Linh, huyện Pác Nặm ( Bắc Kạn), mùa đông, rét như nghìn vạn mũi lá sa mộc châm vào da thịt, sương mù mịt, nhiều đoạn chẳng thấy đường.
Thầy giáo Ma Văn Dân sắp xong đồ đạc, chằng lại bao gạo trên yên xe rồi nói với vợ: Tôi đi nhé. Đã 26 năm, quen với cảnh cứ chủ nhật, chồng lại lên điểm trường “cắm bản” dạy học nên chị nhẹ nhàng: “Mình đi cẩn thận”.
Thầy Dân trong một giờ lên lớp tại điểm trường Bản Cám.
Đó là một mùa ngô vào năm 1992. Hai vợ chồng người Mông Ma Văn Dân đang cặm cụi trên lưng núi thu hoạch ngô, lòng phấn khởi vì đã có thêm ngô làm mèn mén. Dưới chân núi có tiếng gọi “Dân ơi” vọng lên. Dân ngừng tay đáp lại. Tiếng đến trước rồi mà phải quãng một tuần trà mới thấy người lên tới nơi. Hóa ra là thầy Hiệu trưởng Trường cấp 2 Lường Văn Xiên (sau này thầy làm đến chức vụ Phó Chủ tịch HĐND huyện Pác Nặm). “Có việc gì mà khiến thầy phải lặn lội quãng đường hàng mấy chục quăng dao để tới đây”. Về tới nhà, thầy Xiên mới nói, “Dân à, ở bản Khuổi Trà của em, rồi cả cái xã Cổ Linh này, trong đồng bào Mông em là người có trình độ học vấn cao nhất đấy”. Cao nhất của Dân chính là chiếc bằng tốt nghiệp cấp 2. Nhà có tới 12 anh, chị em, Dân là người duy nhất học hết cấp này dù ngày nào cũng phải đi bộ ít nhất 6km cả đi lẫn về để tới lớp.
Thầy Dân xem thời khóa biểu phân công lịch dạy được dán trên tường phòng hiệu bộ đơn sơ.
Bên bếp lửa hồng, lửa nhảy nhót trong mắt người đối diện, thầy Xiên mới thủng thẳng, Dân à, em có muốn đi học thêm lớp nghiệp vụ sư phạm rồi về làm thầy giáo dạy chữ cho con em người Mông mình không. Dân ngạc nhiên, bối rối vì làm thầy giáo thì thích lắm nhưng liệu mình có làm được không, với lại mình đã 27 tuổi rồi, còn phải lo cho vợ con nữa chứ. Thầy Xiên nói tiếp, em suy nghĩ đi rồi trả lời sớm cho thầy nhé. Sau một đêm suy nghĩ, Dân quyết định mình sẽ đi học làm thầy giáo. Thế nhưng đưa ra ý kiến thì cả bố, mẹ, anh em, nhất là vợ phản đối kịch liệt. Anh đi học lấy ai làm nương, học về làm thầy giáo có đủ tiền mua ngô mà làm mèn mén không? Cả thầy Xiên và Dân vận động mãi, gia đình mới đồng ý.
Thế là chàng trai Mông Ma Văn Dân lên đường học lớp sư phạm cấp tốc chín tháng ở Chợ Rã, Ba Bể. Năm 1993, ra trường, thầy Dân lập tức được phân công lên dạy học ở điểm trường Khuổi Trà. Là người Mông, thầy hiểu tâm lý của các em học sinh nên việc dạy và học rất tốt. Trong thế hệ đầu tiên thầy “gieo” chữ ấy có em Dương Thị Pàn, khi vào lớp một đã 10 tuổi, cái tuổi mà cùng trang lứa có khi có đứa đã sắp lấy chồng tới nơi. Lúc thì học, chán thì bỏ, thầy vận động được hết các em ra lớp. Em Dương Thị Pàn giờ đã nối nghiệp thầy, cũng trở thành cô giáo dạy ở Trường THCS bán trú xã Cổ Linh. Tháng lương đầu tiên, thầy Dân lĩnh 80 nghìn đồng. Số tiền này chỉ đủ mua bốn cân thịt lợn. Thế là đi dạy mà chả đem được đồng nào cho vợ, trong khi vẫn cứ mang gạo ở nhà đi.
Ở Cổ Linh, Thôm Niêng là một trong những thôn xa và khó đi nhất. Con đường dốc đứng, nhỏ len lên đỉnh núi, trẻ con nhiều đoạn còn phải bám vào đuôi ngựa mà lên. Thế mà thầy Dân “đánh vật” với chiếc xe máy cà tàng chở được cả sách vở lên cho học sinh. Có lần, thầy bị ngã, người rơi xuống vực, may nắm được bụi cây nên thoát chết.
Thầy Lường Văn Tuân, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Cổ Linh nhớ lại, năm 2004, ra trường đi công tác, thầy được phân công lên cùng dạy ở điểm trường Thôm Niêng với thầy Dân. Buổi học đầu tiên kết thúc tốt đẹp, thầy Tuân trịnh trọng: Giờ học đã xong, mời các em chào thầy rồi về nào. Cả lớp im phăng phắc. Thầy lại nói: Thầy mời các em về, mai lại đến lớp nhé. Cả lớp vẫn ngồi im. Lúng túng, thầy chạy sang thầy Dân hỏi sao lại thế. Thầy Dân phì cười, em nói thế các em không về đâu, em phải nói bằng tiếng Mông mới được. Thầy Dân dạy cho thầy Tuân một câu tiếng Mông với nghĩa mời các em về, thầy Tuân về lớp nói lại, thế là các em chào thầy rồi về. Thầy Tuân nhấn mạnh: Biết tiếng dân tộc, hiểu các em như thế nên ở Cổ Linh này thầy Dân là người quan trọng lắm.
Video đang HOT
Thầy Dân trên đường đến điểm trường Bản Cám.
Đã 26 năm công tác thì toàn bộ thời gian thầy Dân đều “cắm bản” dạy học ở các điểm trường vùng cao xa xôi, khó khăn nhất của Cổ Linh. Từ Khuổi Trà tới Nặm Nhì, Thôm Niêng, Cốc Nghè, Phia Bay… thầy đều có mặt. Tổng cộng thầy đã “cắm bản” ở chín thôn, bản xa nhất chỉ còn trừ mỗi Lủng Nghè và Lủng Vài. Và năm 2019 này, thầy lại tiếp tục cắm bản dạy học ở Bản Cám. Thầy Dân nhẹ nhàng, lần này là gần nhà nhất đấy nên sáng đi, tối về được với vợ con. Nhà chỉ có 3.000m2 ruộng, hơn 25 năm toàn một mình vợ làm, giờ gần nhà rồi cũng đỡ đần được cho vợ. Thầy cười: Nếu không đỡ đần, cứ về lấy gạo đi chắc vợ mắng chết. Thầy vẫn phải lấy gạo đi để nấu ăn bữa trưa ở trường, tối mới về nhà. Tôi biết thầy đùa nhưng tự hào lắm, vì nếu không hiểu, hết lòng vì chồng, con thì hiếm có người phụ nữ nào lại sẵn sàng để chồng mình đi công tác xa quá nửa đời người như thế.
Thầy Dân nói thêm, nói thật có lúc mình cũng nản, muốn bỏ. Ở điểm trường, chỉ có một thân một mình trong nhà lớp học tạm bợ, vách nứa, cơm nấu lên có khi chả buồn ăn. Các điểm trường đa phần không có điện, đêm tối lủi thủi, nghe gió luồn qua kẽ nứa, chỉ muốn bỏ về nhà với vợ, con. Thế nhưng, sáng hôm sau, học sinh đến lớp, đứa thì mang thầy mớ rau, đứa thì vài bắp ngô, có lúc, có nhà cho thầy cả con gà… thầy lại gạt ngay ý nghĩ bỏ nghề vì: Các em cũng như mình ngày xưa, dân bản yêu mến thế mà mình bỏ nghề thì không được.
Cổng điểm trường Bản Cám đơn sơ trên lối lên nhỏ hẹp.
Đứng từ ngoài quan sát lớp học, chúng tôi thấy không khí lớp học của thầy Dân sôi nổi, hào hứng, bởi những kỹ năng truyền đạt có một không hai của thầy. Đó là sử dụng song ngữ, kết hợp giữa tiếng phổ thông và tiếng Mông giảng giải cặn kẽ, để các em hiểu bản chất của vấn đề, từ đó nắm chắc bài học. Với phương pháp giảng dạy như vậy, tại tất cả các điểm trường thầy Dân dạy học, hầu hết học sinh là con em đồng bào Mông ở bản đều thích được đến lớp học cái chữ hằng ngày. Còn đối với đồng nghiệp của mình, thầy Dân luôn là một phiên dịch viên đắc lực tại những điểm trường mà thầy từng công tác, bởi khả năng nói được nhiều thứ tiếng dân tộc như Mông, Dao, Tày giúp cho các thầy, cô thu hẹp khoảng cách dạy và học do bất đồng ngôn ngữ với học sinh dân tộc thiểu số vùng cao.
Lại một chiều muộn nữa, thầy Dân bảo: Hôm nay về sớm tý, vòng qua chợ mua ít đồ chơi cho cháu nội. Thầy đã lên chức ông nội vài năm rồi nhưng vẫn tiếp tục gắn bó với điểm trường. Thầy bảo, còn 10 năm công tác nữa tôi vẫn tiếp tục gắn bó với điểm trường thôi, quen rồi.
Lại chiếc xe máy cà tàng, thầy về. Lũ trẻ tan học đứng xếp hàng: Em chào thầy ạ. Thầy Dân nói lớn: Chào các em, mai lại đến lớp đúng giờ nhé.
TUẤN SƠN
Theo Nhân dân
Cô giáo nghẹn ngào vì trở về con không nhận ra mẹ
Sinh con được tròn 6 tháng, cô Khoàng Hà Pơ phải nén lòng cai sữa rồi gửi lại con thơ còn chưa biết bò cho bố mẹ và chồng chăm sóc. Đến nay, con gái đã gần 2 tuổi nhưng cô mới chỉ về nhà với con được vài lần.
Tối 17/11, Bộ GD-ĐT phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình "Thay lời tri ân" năm 2019. Những câu chuyện nhân văn, xúc động về sự cống hiến thầm lặng nhưng vô cùng cao quý của các thầy cô giáo trên khắp mọi miền đất nước đã khiến nhiều người xúc động.
Lá đơn nguệch ngoạc giữ chân cô giáo trẻ
Đó là câu chuyện của cô giáo Khoàng Hà Pơ, giáo viên tại điểm trường Huổi Lính A, trường Mầm Non xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Nơi cô Pơ cắm bản vốn là khu vực sinh sống của 18 nóc nhà người Mông, nằm cheo leo trên đỉnh núi cao hàng ngàn mét.
Cứ mỗi tuần vài lần, cô Pơ lại vào rừng hái nấm, tìm măng. Măng này không phải để mình cô dùng, cũng không phải để bán mà để làm thức ăn cho các học trò của cô ở điểm trường Huổi Lính A.
Hơn 2 năm gắn bó với Huổi Lính, cô Pơ đếm không biết bao nhiêu lần nước mắt chan cơm vì cảm giác cô quạnh giữa núi rừng và thèm có tiếng nói của người thân. Cuộc sống một mình, một bát, một mâm, dẫu thức ăn có là sơn hào hải vị, dù cho có ngon đến mấy thì cũng chẳng thể nuốt trôi.
Cũng hơn 2 năm gắn với Huổi Lính, đến nay cô con gái đã gần 2 tuổi nhưng mới chỉ được gặp mẹ vài lần vào kỳ nghỉ hè và dịp Tết. Mỗi lần về, con gái không chịu theo khiến người mẹ rưng rưng hờn tủi.
"Cũng nhớ con chứ nhưng bà con dân bản quý mình, học sinh cũng yêu cô giáo". Thế nên, dù nhiều lần có ý định buông tay nhưng nhớ đến lá đơn nghuệch ngoạc mà người dân bản Huổi Lính gửi Ban giám hiệu xin cô ở lại, chẳng đành lòng, cô lại tiếp tục bám trường, bám lớp.
Cùng công tác với cô Pơ còn có thầy Vàng Văn Anh - cũng là nam giáo viên hiếm hoi của ngành giáo dục mầm non Lai Châu. Thầy Vàng Văn Anh đang phụ trách lớp trẻ 3 tuổi với 28 cháu. Tất cả đều là con em người Mông ở khu tái định cư Huổi Mắn, cách điểm trường chính ngót nghét 100 km.
Là nam giáo viên mầm non nhưng thầy Văn Anh vẫn ân cần chăm sóc, từ lau mặt, rửa chân tay đến cho các cháu ăn ngủ, dạy múa chẳng chút nề hà.
"Đôi khi, bạn bè gọi mình là "cô Vàng Anh", mình nghĩ cũng rất tủi thân. Nhưng rồi mình cũng phải học cách vượt qua mặc cảm. Giờ đây, mình cũng thấy tự hào vì có rất nhiều người con", thầy Văn Anh chia sẻ.
Chính sự tỉ mỉ và dành tất cả tình cảm yêu thương, trìu mến đối với học trò của thầy đã khiến những em nhỏ 3 tuổi người Mông lần đầu đến lớp chỉ trong một thời gian ngắn đã có thể quen bạn, quen thầy.
"Mỗi ngày em đều mong có mẹ bên cạnh..."
Ngày Nhà giáo Việt Nam cận kề cũng là lúc thầy giáo Phạm Anh Sơn, giáo viên Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Kbang (Gia Lai) đau đáu nhớ về người vợ đã mất. Cũng chính thời điểm này cách đây 7 năm, vợ của anh - chị Nguyễn Thị Yến, giáo viên Trường Tiểu học Kông Lơng Khơng - đã qua đời vì một cơn lũ dữ.
Lúc đó là những tháng cuối năm 2014, 2 cô giáo trẻ Nguyễn Thị Yến (SN 1980) và Nguyễn Thị Hằng Nga (SN 1990) băng rừng đến với học sinh thân yêu. Cô giáo Yến đi trước, nhưng vừa đi được đến giữa con đập tràn thì lũ ống ào về cuốn cô đi. Nhìn thấy đồng nghiệp bị con lũ hung dữ cuốn trôi, cô giáo Nga đã dũng cảm bất chấp nguy hiểm lao ra ứng cứu.
Chới với giữa dòng nước lũ, 2 cô bám vào được một cành cây, nhưng nước chảy xiết đã cuốn các cô đi. Cô Nga được tìm thấy sau đó, còn thi hài cô Yến phải mất mấy ngày sau mới được đưa về nhà.
Sự ra đi của hai cô giáo khiến đồng nghiệp, học sinh tiếc thương khôn nguôi.
Giờ đây, nhìn lại hình ảnh của mẹ, em Phạm Nguyễn Yến Nhi (con gái cô Yến) xúc động nghẹn ngào: "Mỗi ngày em đều mong có mẹ bên cạnh...". Nhi kể lại rằng, từ khi mẹ ra đi, cả 3 bố con đều sống tựa vào nhau. Có những nỗi buồn, em đều phải nén lại trong lòng.
"Mẹ đã bỏ em đi sau cơn lũ dữ. Em mơ ước sau này cũng trở thành một giáo viên giống như con đường mà bố mẹ đã chọn", Nhi bộc bạch.
Nhi nghẹn ngào khi nhắc đến mẹ (Ảnh:GDTĐ)
Xúc động và cảm phục trước sự hi sinh thầm lặng của những người thầy, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói rằng, câu chuyện của những thầy cô giáo mầm non nơi vùng cao Tây Bắc lấy niềm vui của con trẻ làm động lực để vượt qua khó khăn, thiếu thốn, sự đơn độc giữa núi rừng hay những giáo viên gắn bó cả cuộc đời với mảnh đất Tây Nguyên mà tên của họ đã được lưu truyền như huyền thoại với bà con dân bản... tất cả đều rất đẹp và ý nghĩa.
Còn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam không giấu nổi sự xúc động. Ông cho biết, mỗi câu chuyên khác nhau nhưng đều mang tới một hình ảnh, đó là rất nhiều thầy giáo, cô giáo, ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trên số phận, vượt lên trên chính mình, tất cả vì học sinh thân yêu. Thông qua đó, Phó Thủ tướng cũng mong muốn gửi tới các thế hệ thầy giáo, cô giáo những lời tri ân với tất cả tấm lòng chân thành và kính trọng.
Thúy Nga
Theo vietnamnet
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gặp mặt các "Nhà giáo của năm" Tối 16/11, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có buổi gặp mặt các thầy cô giáo được tôn vinh trong chương trình "Nhà giáo của năm" năm 2019. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng các "Nhà giáo của năm" năm 2019. Tại buổi gặp mặt các thầy giáo, cô giáo tiêu biểu của năm 2019 do Công đoàn...