Người thầy 40 năm gắn bó với trẻ mầm non bất chấp mọi trở ngại
Ngay từ khi học hết cấp 2, người dân đã vận động thầy Bùi Văn Bông dạy học cho các em nhỏ trong bản và cũng từ đó thầy bén duyên với công tác giáo dục mầm non.
Thầy Bùi Văn Bông (SN 1963, trú bản Kho Mường, xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, Thanh Hóa, hiện đang công tác tại Trường Mầm non Thành Sơn) là người đã gắn bó với trẻ mầm non suốt 40 năm qua.
Thầy Bùi Văn Bông bén duyên với giáo dục mầm non đã 40 năm qua.
Có mặt tại điểm trường lẻ Eo Kén nơi thầy Bông đang giảng dạy, khi bước vào sân trường chúng tôi đã gặp ngay hình ảnh người thầy nhiều tuổi đang hướng dẫn cho trẻ mầm non tập thể dục và chơi các trò chơi với các động tác mềm mại không khác gì những giáo viên nữ.
Thầy Bông chia sẻ: “Tôi sinh và lớn lên ở bản Kho Mường nằm trong thung lũng được bao bọc bởi núi, xa trung tâm xã nên việc đi lại học tập vô cùng khó khăn. Năm 1982, sau khi học hết cấp 2 (lớp 7) thì trong bản lúc đó chỉ có 2 người học hết cấp 2, không có ai dạy trẻ mầm non nên chính quyền, nhân dân vận động tôi đứng lớp để dạy trẻ, cũng từ đó tôi bén duyên với giáo dục trẻ mầm non”.
Khi đó, thầy Bông vừa là người anh, người cha, người mẹ dạy trẻ đọc viết, múa hát, chăm sóc các em nhỏ trong bản và được dân bản đóng góp cho 20kg lúa/1 vụ.
Sau đó, thầy Bông tiếp tục học thêm nghiệp vụ sư phạm và về công tác tại Trường mầm non Thành Sơn từ năm 1995 đến nay và cũng từng làm hiệu trưởng của nhà trường.
Thầy Bông dạy trẻ nhận biết những chữ cái đầu tiên.
Video đang HOT
“Lớp đầu tiên tôi dạy chỉ có 9 em nhỏ ở trong bản mình sinh sống. Do là xã miền núi chủ yếu là người dân tộc Mường, Thái ở các bản xa xôi, đường xá đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt sống ở các sườn đồi núi nên việc cho trẻ đến lớp rất ít. Vậy nên cũng từ đó tôi cũng làm luôn chuyên trách mẫu giáo, cùng chính quyền địa phương đi vận động ở khắp các bản đưa trẻ đến lớp” thầy Bông tâm sự.
Việc chăm sóc, giảng dạy cho trẻ đối với giáo viên nữ đã gặp nhiều khó khăn thì đối với thầy Bông việc đó càng khó khăn gấp bội. Thế nhưng vì lòng yêu nghề, mến trẻ thầy đã từng ngày học tập thêm kinh nghiệm từ các nữ đồng nghiệp và cố gắng luyện tập các điệu múa, hát…
Là giáo viên nam nhưng thầy Bông dạy trẻ múa hát giỏi không kém các giáo viên nữ.
“Trong quá trình dạy trẻ tôi xem học trò như con cháu mình ở nhà nên mọi việc như vệ sinh, rửa ráy, cầm thìa, cho trẻ ăn… thì tôi cảm thấy bình thường như làm với cháu ở nhà. Vì là nam, việc múa hát chưa được dẻo nên tôi phải cố gắng từng ngày. Với đồ chơi cho trẻ, tôi cũng phải mua đồ về tự làm cho phù hợp”, thầy Bông bộc bạch.
Trải qua giảng dạy ở nhiều điểm lẻ khác nhau nên thầy Bông được rất nhiều học trò, phụ huynh quý mến, nhiều trẻ cũng mong muốn thầy lên dạy lớp 1 để dạy các em.
Thầy Bông tận tình chăm sóc trẻ nhỏ.
Thầy Bông giảng dạy tại góc truyền thống địa phương cho trẻ.
Thầy như người ông vui chơi với con cháu trong nhà.
Cô Trương Thị Nội (52 tuổi) là người từng giảng dạy với thầy Bông từ năm 1997 đến nay cho biết: “Anh Bông là người tâm huyết với nghề, thân thiện với đồng nghiệp, ân cần với trẻ nhỏ, cố gắng vượt lên những khó khăn trong việc dạy múa, hát cho trẻ cùng với kết hợp việc tuyên truyền vào trong các tiết giảng dạy”.
Trong khi đó, cô Hà Thị Xuyên, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Thành Sơn chia sẻ: “Thầy Bông là người công tác trong ngành giáo dục mầm non đã lâu. Dù là giáo viên nam nhưng thầy Bông đã cố gắng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà nhà trường giao phó, thậm chí còn hoàn thành tốt hơn cả giáo viên nữ”.
Giáo dục mầm non là lĩnh vực vô cùng đặc thù, nơi người giáo viên dạy cho trẻ những bước đầu tiên về nếp sống, giao tiếp, ứng xử xã hội và chăm sóc bản thân. Thật đáng quý và cảm phục biết bao khi thầy Bông đã giúp bao nhiêu thế hệ học trò có được viên gạch nền vững chắc để kiến tạo tương lai!
Màn múa hát đáng yêu của thầy giáo mầm non và học trò vùng cao gây chú ý
Thầy giáo và những học sinh mầm non lớp 4 tuổi ở Thái Nguyên thể hiện màn múa hát đáng yêu khiến người xem vô cùng thích thú.
Trên trang cá nhân, thầy Ma Đình Hiểu (sinh năm 1989, Trường Mầm non Nghinh Tường, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) mới đây chia sẻ màn hát múa mà thầy triển khai với lớp 4 tuổi.
Thầy Hiểu cho hay trước khi vào mỗi giờ học, anh sẽ có một hoạt động giúp trẻ hứng thú trước khi bước vào một buổi học để đạt hiệu quả cao hơn.
"Thời điểm mới vào nghề khi mình đăng tải những clip dạy học này thường nhận những ý kiến trái chiều. Nhưng hiện tại thì những bình luận hầu hết tích cực. Mình muốn lan tỏa những điều này để những người yêu nghề hãy mạnh dạn, đặc biệt là nam giới vì những đứa trẻ chúng luôn luôn dễ thương và cần sự yêu thương như vậy", thầy Hiểu bộc bạch.
Bắt đầu dạy trẻ từ năm 2014, sau 8 năm làm nghề, thầy Hiểu tự hào khi mình trở thành một người gieo mầm tương lai. Thầy hài hước kể: "Nhiều đồng nghiệp, bạn bè vẫn bảo mình là "nghiện" mầm non, quả đúng là bây giờ mình "nghiện" thật. Tuổi đời của mình thì cứ già đi, còn tâm hồn thì trẻ lại và chẳng... lớn nổi".
Thầy cũng tự nhận mình là thầy giáo "của hiếm" của bậc học này. Toàn huyện Võ Nhai hiện chỉ có thầy Hiểu là thầy giáo mầm non có biên chế chính thức.
Nói về cơ duyên đến với nghề, thầy cho hay xuất phát từ tình yêu trẻ và ước mơ của mình hồi còn đi học là trở thành một giáo viên. Song khi tốt nghiệp THPT, do điều kiện kinh tế gia đình nên từ đó cho đến năm 2012, anh ở nhà và tham gia công tác Đoàn của xã.
Sau khi lập gia đình, kinh tế ổn định hơn một chút, vợ chồng anh Hiểu rủ nhau cùng đi học tiếp và quyết định chọn theo học ngành Giáo dục Mầm non của Trường CĐ Sư phạm Thái Nguyên.
Thầy Hiếu đến nay đã có 8 năm gắn bó với nghề giáo viên mầm non.
Vốn có năng khiếu múa, hát nên từ ngày bước vào nghề, thầy trở thành biên kịch cho tất cả các hoạt động văn nghệ của thầy cô và trò ở trường cũng như thôn, xã. Các tiết học của thầy cũng vì thế mà sôi nổi hơn.
Tuy vậy, là nam giới theo nghề dạy trẻ mầm non, thời gian đầu đi dạy, thầy Hiểu cũng bắt gặp rất nhiều ánh mắt dị nghị, lời bàn tán không hay từ mọi người. Đó cũng là quãng thời gian công việc có nhiều khó khăn khiến thầy từng nghĩ để chuyện dừng lại để đổi công việc khác. Năm đầu tiên đi dạy, thầy nhiều lần phải bật khóc vì cảm thấy áp lực, cứ đi làm về chẳng muốn ăn uống gì chỉ muốn đi ngủ bởi mệt mỏi,...
Nhưng tình yêu nghề, mến trẻ khiến thầy Hiểu dần quen với công việc này. Thầy dần thuần thục với việc tết tóc, cho ăn, dỗ dành hay vệ sinh cho trẻ cũng như "cảm hóa" các bậc phụ huynh bằng tấm lòng, sự nhiệt tình của mình. Ở một số giờ dạy, thầy mời phụ huynh đến lớp cùng dự để hiểu hơn về mình cũng như công việc của các thầy cô mầm non, từ đó gây thiện cảm với họ.
Từ tháng 11/2020, thầy Hiểu được bổ nhiệm vị trí Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Nghinh Tường. Nơi thầy Hiểu hiện công tác có 4 điểm trường, trong đó điểm xa nhất cách trường chính hơn 10 km, theo học là trẻ dân tộc Tày và Dao.
Dù đã làm quản lý, song thầy Hiểu vẫn thường xuyên đứng lớp, trực tiếp tham gia các hoạt động giáo dục 4 giờ trong mỗi tuần.
Ở vị trí quản lý, thầy cho rằng bản thân càng cần sự nhiệt tình, gần gũi với con trẻ để phụ huynh muốn cho con đến trường và tin tưởng giao trẻ.
Nói về kỉ niệm làm nghề, thầy phó hiệu trưởng trẻ tuổi hào hứng kể, mỗi ngày đến lớp, đến trường đều có những niềm vui rất khác nhau bởi sự đáng yêu, ngộ nghĩnh của lũ trẻ.
Cô giáo vượt qua nghịch cảnh, 28 năm lên lớp yêu trẻ Vượt qua nghịch cảnh đằng đẵng nuôi chồng và con trai bị bệnh tâm thần, cô giáo Lữ Thị Thúy vẫn ngày ngày miệt mài làm tốt công việc chăm lo cho trẻ mầm non. Trong chuyến công tác tại trường Mầm non xã Tam Văn (huyện Lang Chánh, Thanh Hóa), cô Hoàng Thị Hằng, Hiệu trưởng nhà trường đã cho chúng tôi...