Người tham gia tố tụng khai “tiền hậu bất nhất” có bị “truy” tội?
Trước mỗi phiên xử, thư ký phiên tòa đều phổ biến quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng. Trong đó, tòa yêu cầu những người tham gia tố tụng phải khai báo trung thực.
Những trường hợp khai báo gian dối sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Đã hiểu rõ tầm quan trọng về phát ngôn của mình nhưng không ít người vẫn khai “tiền hậu bất nhất”. Phải chăng vì thực tế, vấn đề xử lý hành vi khai báo gian dối chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa” nên họ “nhờn”?
Bị hại và nhân chứng “quay ngoắt 1800″
Vừa qua, báo PL&XH phản ánh quá trình tố tụng của vụ án chống người thi hành công vụ ở TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái và “ kỳ án” hiếp dâm, cướp tài sản ở huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là 2 vụ án điển hình về chuyện “tiền hậu bất nhất” của bị hại và cả nhân chứng khiến tòa các cấp phải trả hồ sơ nhiều lần để điều tra bổ sung. Cũng từ những lời khai “rối như gà mắc tóc” hé lộ dấu hiệu truy tố oan sai đối với bị cáo.
Ở vụ án chống người thi hành công vụ, báo PL&XH đã có loạt bài “Cái cần gạt nước tố sự giả dối” phản ánh, chỉ người tí hon mới có thể đánh đu trên cần gạt nước chiếc xe ô tô tải Hoa Mai và bị kéo lê 29m. Sau khi báo nêu, HĐXX cấp phúc thẩm của TAND tỉnh Yên Bái đã ra Bản án số 19/2011/HSPT ngày 30-9-2011 tuyên hủy bản án sơ thẩm số 53/HSST/ ngày 15-7-2011 của TAND TP Yên Bái để yêu cầu làm rõ tư thế của ông Nguyễn Trung Thành, cán bộ CA phường Yên Thịnh, TP Yên Bái và hành động dùng tay đấm vỡ cửa kính bên trái buồng lái xe của ông Nguyễn Việt Hùng, Phó trưởng CA phường Yên Thịnh. Quá trình điều tra lại, VKSND TP Yên Bái ra bản cáo trạng mới, số 57/KSĐT-TA với một số tình tiết khác. Nhưng vẫn truy tố bố con anh Cao Xuân Thanh về tội “Chống người thi hành công vụ”.
Đáng nói, điều tra lại, quá trình thực nghiệm của ông Thành khác hoàn toàn so với lời khai của ông Thành, ông Hùng trước đây. Khi xe lăn bánh từ từ, 2 chân ông Thành giẫm lên ba đờ sốc, 2 tay bám vào gốc cần gạt nước (chứ không phải cần gạt nước như trước). Xe ô tô đi chậm rãi hơn 10m (theo cáo trạng, ông Thành bám vào xe; xe chạy khoảng 29m thì dừng lại) thì điều tra viên cho xe dừng. Đã là sự thật thì chỉ có một. Nhưng ở vụ án này, lời khai của ông Thành “bất nhất”. Trong báo cáo sự việc ngày 26-3-2011, ông Thành viết: “Tôi đã bám được vào cần gạt nước (không phải gốc cần gạt nước; gốc cần gạt và cần gạt là khác nhau – PV) kính chắn gió của xe nhưng xe ô tô chạy với tốc độ nhanh hơn, đồng chí Hùng đã phải dùng tay đấm vào cửa kính bên trái làm vỡ ra, lúc này lái xe mới cho xe ô tô dừng lại”. Phải chăng, sau khi báo nêu và TAND tỉnh Yên Bái hủy án để điều tra lại, ông Thành đã thay đổi lời khai cho phù hợp (?).
Còn vụ “kỳ án” thứ 2, VKSND huyện Bình Xuyên buộc tội Nguyễn Văn Bộ, SN 1988, trú tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, vì đã “cướp tình” và lấy ĐTDĐ của chị Lê Thị Đ. Đáng chú ý, Bộ quả quyết, hai người chỉ va chạm giao thông. TAND huyện Bình Xuyên 2 lần mở tòa nhưng không thể ra phán quyết được với Bộ vì có quá nhiều tình tiết phi lý. Tòa đã trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung. Cũng giống như vụ án trên, ở “kỳ án” này, lời khai của bị hại Đ và nhân chứng Trần Thị Vân, cán bộ Trạm y tế thị trấn Hương Canh, tỉnh Vĩnh Phúc, “quay ngoắt 1800″ chỉ sau vài tiếng đồng hồ. Cụ thể: Về tờ giấy điều trị của chị Đ, được lập tại Trạm y tế thị trấn Hương Canh, vào 14h20 ngày 7-8-2011. Nội dung giấy này thể hiện dấu vết để lại trên cơ thể bị hại do hung thủ hãm hiếp. Nhưng chị Đ 3 lần khẳng định trước phiên tòa sơ thẩm lần 2 ngày 6-6-2012, chiều 7-8-2011, chị không đến Trạm y tế thị trấn Hương Canh khám. Y sỹ Trạm y tế thị trấn Hương Canh Trần Thị Vân cũng có lời chứng, không vào trạm y tế khám thời điểm đó. Thế nhưng, chỉ sau khi tòa tạm nghỉ và trở lại làm việc thì chị Vân, chị Đ lại bất ngờ thay đổi lời khai. Theo đó, chị Đ có khám tại Trạm y tế chiều 7-8-2011 (?).
Lời của bị hại còn liên tục “đá” nhau khi quả quyết, bị Bộ đè lên làm chị gãy đài quay tay phải. Nhưng chị Đ lại có thể tự lái xe máy về nhà. Chuyện “cái tay đau” cũng còn nhiều uẩn khúc. Chị Đ khai rằng, tay bị đau nên không thể viết đơn trình báo ngay phải nhờ người khác viết rồi điểm chỉ vào cuối mỗi biên bản. Nhưng ở Biên bản nhận dạng ngày 8-8-2011, 1 ngày sau khi bị gãy tay, bị hại lại có thể cầm bút viết 98 chữ rất đẹp và ký tên vào mục người nhận dạng. Ngoài ra, trong hồ sơ lời khai của chị Đ, có đến một phòng khám tư nhân ở TP Phúc Yên chụp X.quang cánh tay phải. Nhưng hồ sơ lại không hề có tấm phim X.quang nào.
Phiên tòa xử bị cáo Nguyễn Văn Bộ. Ảnh: Hoa Đỗ
Video đang HOT
Truy đến cùng hành vi khai gian dối chỉ đếm trên đầu ngón tay!
Chuyện những người tham gia tố tụng khai báo “bát nháo” như cơm bữa nhưng những người bị xử lý thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có thể kể ra vài ví dụ sau đây:
Ngày 2-9-2001, Nguyễn Thanh Phong chở Trần Thanh Hùng, đều SN 1983, trú tại quận Thủ Đức, TP HCM đi Cần Giờ, đến trụ điện số 31, đường Rừng Sác thì gây tai nạn làm chết anh Nguyễn Tô Lượm. Phong không có giấy phép lái xe máy nên nhờ Hùng nhận tội thay. Hai người này còn xê dịch hiện trường vụ án, đổi chiều lưu thông của xe khiến CQĐT khó lần ra sự thật. Đó cũng là lý do vụ án bị “chìm xuồng” 2 năm. Tháng 3-2003, VKSND TP HCM phục hồi điều tra và làm rõ hành vi của Phong, Hùng. Bốn tháng sau, TAND TP HCM đã tuyên phạt Phong 4 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về điều khiển giao thông đường bộ”; còn Hùng 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Khai báo gian dối”.
Một vụ án “đình đám” khác, tròn 20 tuổi, Trần Thanh Minh, SN 1971, quê Bến Tre, lấy chị Nguyệt, cùng quê nhưng không đăng ký kết hôn. Năm 2000, Minh vào TP HCM làm phụ hồ. Thời gian ở đây, Minh lừa tiền và bị tòa tuyên 3 năm tù. Năm 2006, Minh ra tù và lại lang bạt tại TP HCM làm phụ hồ. Ba năm sau, Minh chuyển đến TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, chung sống như vợ chồng với chị Lê Thị T. Khi phát hiện vợ hờ không có khả năng sinh, Minh chán nản và cặp kè với Nguyễn Thị Hồng Nga. Nga cùng làm phụ hồ với Minh, đã có chồng và 2 con. Sáng 7-1-2011, Minh và Nga đến nhà anh Nguyễn Văn D lát nền. 8h30 cùng ngày, Minh nhận được điện thoại của chị T hẹn gặp. Minh đến, chị T tát vào mặt chồng rồi cất giọng ghen tuông. Minh đã đánh vợ khiến chị T ngã quỵ. Sau đó, Minh kéo chị T ra chỗ khuất, vơ cỏ khô chất xung quanh người chị T châm lửa đốt. Ngọn lửa bùng cháy, Minh mặc vợ, bỏ đi.
TAND tỉnh Gia Lai đã tuyên Minh mức án tù chung thân về tội “Giết người”. Phạm Thị Hồng Nga, với tư cách là người làm chứng, cũng phải nhận 3 tháng tù giam vì tội “Khai báo gian dối”. Nga khai gian rằng, từ 7h30 đến 11h30 ngày 7-1-2011, Minh và Nga cùng nhau lát gạch nền nhằm tạo chứng cứ ngoại phạm cho Minh.
Hậu quả của việc khai báo gian dối!
Luật sư Đinh Duy Hải, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết, những bị hại cố tình khai gian dối là có hành vi vu khống. Điều 122 BLHS nêu rõ, vu khống là hành vi bịa đặt, loan truyền những điều mà người loan truyền biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền và sẽ bị xử phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; phạm tội có tổ chức, lợi dụng chức vụ – quyền hạn, đối với nhiều người, với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình, người thi hành công vụ, vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị phạt tù từ 1 đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 1 đến 10 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Về hành vi khai báo gian dối, ông Hải viện dẫn, Điều 307 BLHS quy định, người giám định, người phiên dịch, người làm chứng nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm; phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 1 đến 3 năm; phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 3 đến 7 năm; người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
“Người nào từ chối khai báo hoặc trốn tránh việc khai báo, việc kết luận giám định hoặc từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng còn bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm; người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm” – Điều 308 BLHS. Tuy nhiên, việc xác định người làm chứng có từ chối, trốn tránh khai báo hoặc khai báo gian dối hay không do các cơ quan tiến hành tố tụng quyết định (trên cơ sở những tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ án).
Nếu những người làm chứng, vì bị mua chuộc, cố tình từ chối, trốn tránh khai báo hoặc khai báo gian dối để làm sai lệch sự thật khách quan của vụ án thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 309 BLHS (khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù).
Theo PLXH
Bị hại "đi mây về gió" trong "kỳ án" hiếp dâm" ở Vĩnh Phúc?
Cùng một khoảng thời gian nhưng bị hại đã xuất hiện tại 3 địa điểm để làm việc với 3 nhóm người khác nhau. Còn bị cáo cũng có khả năng tương tự khi cùng lúc có mặt ở hai nơi để ký vào hai biên bản làm việc. Đây có phải là "chuyện bình thường trong những vụ án nóng" như lập luận của Kiểm sát viên?.
Chiếc áo tang vật này bị đứt 3 khuy, nhưng CQĐT đã không tìm thấy chiếc khuy nào ở hiện trường vụ án.
Đâu là hiện trường vụ va chạm xe?
Như PLVN đã đề cập thì Giấy điều trị thể hiện bị hại Đ. vào Trạm y tế Thị trấn Hương Canh, huyện Bình xuyên khám thương lúc 14h20 ngày 7/8/2011. Không biết quá trình khám thương này kéo dài đến lúc nào nhưng chỉ biết rằng, 40 phút sau (15h) thì chị Đ. kết thúc việc trình báo sự việc tại Trụ sở Công an T.T Hương Canh (có lập biên bản ghi nội dung trình báo). Chưa tính thời gian di chuyển thì trong 40 phút, người ta có thể hoàn thành 2 công việc như trên được không?.
Biên bản khám nghiệm hiện trường thể hiện, từ 13h40 đến 16h30 chiều 7/8/2011, bị hại đã có mặt tại hiện trường vụ án để khám nghiệm hiện trường cùng lực lượng công an. Vậy là trong chiều, bị hại Đ. vừa làm việc tại trụ sở Công an Thị trấn, vừa làm việc tại hiện trường vụ án trong khi hai địa điểm này cách nhau khoảng 2-3 km. Cả hai biên bản đều thể hiện chị Đ. làm việc liên tục, không bị gián đoạn bởi các công việc khác.
Lý giải với Hội đồng xét xử, chị Đ. khai: "Chiều 7/8, tôi không có mặt để tham gia khám nghiệm hiện trường mà làm việc tại Công an TT Hương Canh. Làm việc xong thì trời tối nên tôi về nhà luôn. Chỉ có chồng tôi ở đó. Lúc điểm chỉ vào biên bản, tôi cũng không đọc vì tin tưởng các anh Điều tra viên"
Như vậy, chưa nói tới việc vắng mặt bị hại khi khám nghiêm hiện trường là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng thì đã có dấu hiệu của một vụ "hợp thức hóa" chứng cứ kết tội. Nguy hiểm hơn, không có bị hại thì lấy cơ sở nào để khẳng định địa điểm mà công an tiến hành khám nghiệm đúng là hiện trường vụ án, nhất là khi bị cáo khăng khăng rằng "vụ va chạm giao thông ở ngã tư đường" (tức là cách chỗ công an khám nghiệm khoảng 100m). Cũng không có kết luận của cơ quan giám định xem dấu vết để lại hiện trường có phù hợp với lời khai của chị Đ. về việc bị ngã xe ở đây không?.
Trong khi bị hại Đ. khai:"Hung thủ giật đứt 3 cúc áo, 1 cúc quần của tôi lúc vật nhau trên bãi cỏ, gần chỗ ngã xe". Tuy nhiên, ở hiện trường vụ án, cơ quan công an đã không thu giữ được bất cứ vật gì, kể cả 1 trong 4 chiếc khuy được coi là bị đứt và rơi ở đây.
Còn về hiện trường do Bộ khai, kiểm sát viên thừa nhận "lúc này, chưa có lời khai của Bộ về việc va chạm xe ở ngã tư nên CQĐT đã không đến địa điểm này để xem xét". Như vậy có thể thấy, cũng không có chứng cứ gì để bác bỏ lời khai của bị cáo về việc hiện trường vụ tai nạn giao thông ở gần giữa ngã tư đường cả.
Bị cáo có "3 đầu 6 tay"?
Việc 1 người xuất hiện ở hai nơi không phải là hiếm trong vụ án này. Theo biên bản thì 15h40 ngày 8/8, Bộ vẫn có mặt ở nhà để ký biên bản "giao nộp vật chứng" là chiếc xe Wave của mình cho công an. Nhưng trước đó 10 phút, thì Bộ đã có mặt cách đó 3km, tại trụ sở Công an huyện Bình Xuyên để "xem xét dấu vết trên thân thể".
Bộ khai: "Bị cáo được công an đến mời lên ủy ban làm việc nhưng bị dẫn giải lên công an huyện luôn, từ lúc 2h. Khi vào phòng làm việc, bị cáo bị 3 cán bộ công an đánh, ép nhận tội rối bắt ký vào một số giấy tờ. Sau đó thì mới có chị Vân đến xem xét dấu vết trên thân thể".
Luật sư bào chữa cho Bộ đánh giá: "Việc xem xét dấu vết trên thên thể Bộ là vi phạm nghiêm trọng Điều 152 Bộ luật Tố tụng hình sự vì lúc này, Bộ chưa có quyết định tạm giam, tạm giữ, chưa phải là bị can. Mặt khác, việc xem xét này lại do nữ giới (Y sỹ Vân) thực hiện". Sau đó, CQĐT cũng không trưng cầu giám định xem những vết xước này có phù hợp với vết cào cấu từ tay bị hại Đ. lúc vật lộn hay không?.
Tại phần luận tội, Kiểm sát viên mô tả hành vi "cướp điện thoại" rằng: "Trong lúc vật lộn, Bộ thấy điện thoại di động của chị Đ. rơi ra nên đã cầm lấy. Một tay Bộ giữ 2 tay chị Đ. (lúc đó, chị Đ. nằm ngửa, 2 tay vòng lên đầu). Tay kia Bộ dùng giật đứt cúc quần...". Tuy nhiên, luật sư bào chữa cho rằng không thể 1 tay của bị cáo vừa cầm điện thoại, vừa giữ được 2 tay chị Đ trong lúc chị Đ. giẫy dụa chống cự quyết liệt, nên luật sư đề nghị HĐXX cho thực nghiệm điều tra.
Tuy thừa nhận việc thực nghiệm điều tra này không thể tiến hành ở phiên xử được nhưng kiểm sát viên vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố, đề nghị xử phạt Bộ 6-7 năm tù về hai tội: Hiếp dâm và Cướp tài sản.
Với những dấu hiệu bất thường trên, thiết nghĩ TAND huyện Bình Xuyên cần xem xét toàn diện các chứng cứ của vụ án để đưa ra phán quyết khách quan và đúng pháp luật.
Bình luận về những bất thường trong vụ án này, Luật sư Đinh Duy Hải (VPLS Band H, Hà Nội) cho biết:
- Một nguyên tắc quan trọng được quy định trong Bộ luật tố tụng Hình sự là "lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với chứng cứ khác trong vụ án".Nhưng trong vụ án này, các lời khai và chứng cứ quan trọng có nhiều mâu thuẫn. Rồi "Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo không buộc phải chứng minh là mình vô tội" nhưng qua những gì diến ra ở Tòa, có thể thấy chứng cứ kết tội là rất mơ hồ: Không có nhân chứng vật chứng không được thu thập kịp thời Biên bản có dấu hiệu lập khống?
Ông đánh giá thế nào khi KSV lý giải "đối với vụ việc nóng, cần điều tra nhanh thì có thể có chuyện, 1 người làm nhiều việc khác nhau, chạy đi chạy lại. Đây là huyện bình thường"?.
- Không thể biện minh như vậy được, vì biên bản có thể hiện việc "chạy đi, chạy lại" đâu. Đã là án "nóng", án nghiêm trọng, án có hình phạt cao thì càng phải cẩn trọng, tránh làm oan người vô tội. Nếu cho đây là chuyện bình thường thì tôi đề nghị cơ quan chức năng cần rà soát lại tất cả các vụ án được coi là "bình thường" ở đây.
Theo PLVN
"Ngã ngửa" trước chứng cứ trong Kỳ án "hiếp dâm" tại Vĩnh Phúc Ngày11/6 tới đây, TAND huyện Bình Xuyên sẽ tuyên án đối với Nguyễn Văn Bộ (SN 1988) trú tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, bị truy tố về tội "Hiếp dâm" và "Cướp tài sản". Cáo buộc Bộ phạm tội, CQĐT và VKSND huyện Bình Xuyên chủ yếu dựa vào lời khai của bị hại, biên bản khám xét dấu vết trên...