Người Sài Gòn “bơi” về nhà dù trời không mưa
Hàng trăm người Sài Gòn phải “bơi” trong nước bốc mùi hôi thối nồng nặc để về nhà dù trời không mưa.
Triều cường dâng cao gây ngập một số khu vực trũng ở TP.HCM vào chiều 14.12
Chiều 14.12, trời không mưa nhưng triều cường dâng cao ở mức 1,57-1,62m (cao hơn mức báo động 3 là 0,07 -0,12m) khiến nhiều tuyến đường ở TP.HCM bị ngập nước, nhiều người phải hì hục đẩy xe cả km để về nhà.
Nặng nhất là tuyến đường Lê Văn Lương (xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè), nước ngập hơn 0,5m, một khu vực trên đường ngập sâu khiến hàng loạt xe máy bị chết máy, người dân phải “bơi” trong nước hôi thối để về nhà.
Mỗi khi có xe ô tô chạy qua tạo thành sóng đánh văng tung tóe hai bên đường, người dắt xe trong nước ngập phải gồng mình để không bị ngã. Hoạt động kinh doanh, buôn bán của các hộ dân hai bên đường bị ế ẩm trầm trọng do nước bao vây. Do nước ngập nên nhiều em học sinh tan trường phải đứng trước cổng chờ phụ huynh đến đón.
“Mỗi đợt triều cường là mỗi lần mệt. Lội trong nước bốc mùi hôi thối để về nhà nên lần nào chân cũng bị ngứa, nổi nhiều mẩn đỏ”, chị Nguyễn Thị Thùy đẩy xe trên đường ngập nước nói.
Triều cường gây ngập đường Lê Văn Lương hơn 0,5m kéo dài hơn 1km khiến hàng loạt phương tiện bị chết máy, người dân phải hì hục đẩy xe về nhà
Và thuê xe ba gác máy vượt qua “biển nước” trên đường
Để tránh nước ngập nhiều người đi xe máy thuê xe ba gác máy chở cả người lẫn xe qua khu vực ngập nước hơn 1km với số tiền 40.000-50.000đ. Số khác do xe đã chết máy nên chấp nhận dẫn bộ vượt “biển nước” trên đường.
“Sáng lội qua đây xe chết máy một lần rồi. Chiều nay về tiếp tục chết máy nên phải dẫn bộ. Ráng vài ngày nữa, triều cường tôi sẽ mang xe đi thay nhớt sửa xe lại”, anh Văn Tuấn ngụ huyện Nhà Bè cho biết.
Tại giao lộ Lê Văn Lương – Nguyễn Bình ngập năng nhất khiến tất cả các phương tiện qua đây bị chết máy.
Video đang HOT
Đến 20h, nước đã rút nhưng nhiều người vẫn đứng ven đường chờ nước rút hết mới dám về nhà.
Đến 20 nước trên đường Lê Văn Lương bắt đầu rút nhưng vẫn còn khá sâu, người dân phải “rẽ sóng” để về nhà
Ngoài ra, trong chiều nay, triều cường cũng gây ngập nặng các tuyến đường Trần Xuân Soạn (quận 7) Bình Đông (quận 8), khu Thanh Đa, đường Bình Quới (quận Bình Thạnh) Huỳnh Tấn Phát (huyện Nhà Bè)…khiến nhiều người phải khổ sở để trở về nhà.
Theo Đài khí tưởng thủy văn khu vực Nam bộ, đỉnh triều cao nhất trong đợt xuất hiện này vào ngày 14 và 15.12. Đỉnh triều tại trạm Phú An vào ngày ngày 14.12 là 1,57m và 1,62m vào ngày 15.12. Tại trạm Nhà Bè là 1,57m vào ngày 14.12 và 1,62m trong ngày 15.12.
Sau khi đạt đỉnh, mực nước tại các trạm xuống chậm. Mực nước tại trạm Phú An có khả năng cao hơn mức báo động 3 đến hết ngày 17.12 sau đó sẽ giảm xuống.
Mỗi khi có xe ô tô chạy qua tạo thành sóng nước văng tung tóe hai bên đường và tràn vào nhà dân
Cách “chống ngập” hiệu quả của thanh niên
Thoát qua khu vực nước ngập, người đàn ông cố khởi động xe máy.
Học sinh trở về nhà trên con đường đầy nước.
Người bán hủ tiếu, trứng vịt lộn “thở dài” khi nước bao vây đường Lê Văn Lương
Một chủ cửa hàng bán đồ gỗ, nệm mệt mỏi chờ nước rút
Do quá sợ cảnh đẩy xe cả km trên đường, nhiều người chấp nhận chờ đợi nước rút cả giờ đồng hồ.
Theo Dương Thanh (Dân Việt)
Người Sài Gòn bình thản đón triều cường
Chiều 14/12, triều cường tiếp tục dâng cao khiến nhiều tuyến đường ở quận 7, huyện Nhà Bè (TP HCM) bị nhấn chìm, dù vậy nhiều người vẫn vui vẻ sống trong cảnh ngập.
Khoảng 16h, triều cường lên cao khiến nhiều tuyến đường ở huyện Nhà Bè và quận 7 bị ngập. Trong đó, ngập nặng nhất là đường Lê Văn Lương, đoạn chạy qua xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè. Nước triều dâng cũng là lúc những đứa trẻ tại đây đổ ra đường đùa nghịch.
Mặc nước triều tràn lên vỉa hè, chị Lê Thị Mỹ Hạnh, ở tại ngã tư đường Lê Văn Lương, xã Nhơn Đức bình thản làm mâm cơm cúng trong ngày rằm. "Vừa cúng rằm, tôi vừa cầu khấn đường sá sẽ sớm được sửa chữa, bớt ngập chứ thuê nhà ở đây đã nhiều năm rồi, mỗi lần triều cường lên khổ lắm", chị Hạnh chia sẻ.
Bán bánh mì ở ngã tư đường Lê Văn Lương đã 4 năm, anh Nguyễn Hoàng Tâm cho biết đã quen với cảnh ngập triều cường hàng tháng. "Sống với ngập đường miết, có lúc tôi cũng muốn chuyển trọ đi nơi khác nhưng tuyến đường này làm ăn rất thuận lợi. Mỗi tháng nếu chịu khó đẩy xe dạo cũng kiếm được 4-5 triệu đồng, tất nhiên còn hên xui nữa", anh Tâm nói.
Trong lúc chờ sửa xe chết máy, anh Đạt, công nhân xây dựng đứng lại để chụp vài bức ảnh "tự sướng" với con đường ngập.
Vợ chồng anh Hậu đẩy xe về nhà trên đường Lê Văn Lương, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè. Anh cho biết đã quá quen thuộc với triều cường. "Mỗi tháng, đường hai ba lần ngập vì triều cường. Chỉ mong đường sá sớm được sửa chữa để bà con bớt khổ", anh Hậu nói.
Xe bị chết máy giữa đường vì ngập, anh Dũng vui vẻ đẩy xe giúp bạn đến đoạn đường khô ráo.
Còn cả gia đình này cũng cười tươi khi băng qua đoạn đường ngập.
Gần một tháng nay, ngày nào anh Lâm (ở xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) cũng chạy xe ba gác gần 2 km đưa đón con đi học. "Nhà tui sống ở đây quen với ngập rồi. Cũng may nhà có ba gác nên ngày nào cũng đưa bọn nhỏ đi học", anh Lâm chia sẻ.
Không chỉ bình thản đón triều cường, người đi đường còn sẵn sàng tương trợ cho nhau khi xe ai đó chết máy.
Nhà ông Quốc Dũng trên đường Lê Văn Lương, xã Nhơn Đức không nâng được nền nên cứ khi mưa xuống, triều cường lên, cả gia đình lại sống chung với cảnh ngập.
Theo Trung tâm chống ngập TP HCM, ngày 14/12, tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) đỉnh triều đạt 1,59 m; ngày 15/12 tăng lên 1,6 m.
Dự báo sẽ có 9 tuyến đường bị ngập (chưa kể các tuyến đường do quận huyện quản lý). Trong đó, 2 đường ngập nặng là Lương Định Của (quận 2) và Huỳnh Tấn Phát (quận 7); 7 tuyến đường ngập nhẹ là Nguyễn Văn Hưởng, Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 50, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn, Tỉnh lộ 10, đường 26.
Thành Nguyễn - Quỳnh Trần
Theo VNE
Áp thấp suy yếu, Sài Gòn sẽ mưa to Hoàn lưu áp thấp tiếp tục gây mưa lớn, dông lốc, lũ quét ở nhiều khu vực; riêng TP HCM còn có triều cường nên gây ngập nhiều tuyến đường. Sáng 13/12, sau khi vào vùng biển các tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận, áp thấp nhiệt đới suy yếu thành một vùng áp thấp, sức gió mạnh nhất còn dưới cấp 6...