Người Rục chinh phục con chữ
Sau hơn 50 năm rời hang đá, người Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) đã có một bước tiến trong hành trình hòa nhập cộng đồng, bằng việc chinh phục con chữ.
Hành trình đưa chữ đến người Rục
Kể từ khi phát hiện tộc người Rục (năm 1959) trong hang đá ở vùng núi xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, gần 55 năm qua, các cấp chính quyền và Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã nỗ lực không mệt mỏi để đưa người “em út” hòa nhập cộng đồng. Ngoài việc đưa người Rục ra bản sống định cư, dạy cho họ biết tự sản xuất, ổn định cuộc sống thì việc dạy chữ cho đồng bào đặc biệt được chú trọng, bởi lẽ cái chữ được xác định là con đường ngắn nhất để họ hòa nhập cộng đồng. Và trọng trách đầu tiên được đặt lên vai các chiến sĩ biên phòng.
Các thế hệ chỉ huy ở Đồn Biên phòng Cà Xèng (đóng quân trên địa bàn) coi nhiệm vụ dạy chữ cho đồng bào Rục quan trọng không kém gì so với việc bảo vệ an ninh biên giới. Từ khi đưa những người Rục rời khỏi hang đá, hầu như năm nào Đồn Cà Xèng cũng mở các lớp xóa mù để dạy chữ cho đồng bào.
Anh Hồ Tiến Nam – người Rục đầu tiên trở thành thầy giáo
Thiếu tá Trương Thanh Lưu – cán bộ đồn biên phòng có thâm niên 10 năm cắm bản, cũng là người được bà con người Rục trìu mến gọi bằng thầy vì đã dạy cho họ biết cái chữ. Anh Lưu cho biết, những chiến sĩ biên phòng như anh thường dạy những “học sinh” đã làm mẹ, làm bà trong những lớp học xóa mù vào buổi tối. Lớp học mới nhất anh đứng lớp có 35 học sinh từ 15-50 tuổi. Từ các lớp học này, nhiều người Rục đã biết chữ, đã biết ký tên mình vào các văn bản mà trước đây họ phải điểm chỉ.
Trong khi người lớn được học xóa mù trong những lớp học vào ban đêm thì trẻ em người Rục đều được đến trường học chữ. Thầy Trần Thanh Bun – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Hợp cho biết, hiện ở bản người Rục có 126 học sinh đang theo học ở trường. Đây cũng là kỳ đầu tiên nhà trường mở thêm 2 lớp nhô THCS là lớp 6 với 20 học sinh và lớp 7 với 16 học sinh. Theo thầy Bun, hiện việc học của con em người Rục dẫu vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đã có một bước tiến thật dài.
Video đang HOT
Người Rục đầu tiên làm thầy giáo
Đó là Hồ Tiến Nam, người con ưu tú nhất của bản làng, là niềm tự hào của người Rục. Để có được ngày hôm nay, Hồ Tiến Nam đã trải qua một quãng đời đầy cơ cực. Gia đình nghèo của Nam có 8 anh chị em, anh là con thứ 7. Trước năm 1959, ông bà và bố mẹ Nam còn sống trong hang đá. Bộ đội biên phòng phát hiện và đưa họ về với thế giới văn minh. Khi được bộ đội biên phòng và các giáo viên vận động đến lớp, Nam cũng theo lũ bạn đi học cho vui.
Nhưng khác với các học sinh người Rục khác, Nam là một cậu bé ham học. Không lâu sau, Nam đã biết đọc, biết viết rồi nói tiếng Kinh thành thạo. Được thầy cô dạy bảo, anh sớm nhận thức rằng: Chỉ có học được cái chữ mới hy vọng thoát nghèo. Từ suy nghĩ đó, Nam càng quyết tâm học hành.
Trưởng bản Yên Hợp – Cao Ngọc Hà tự hào nói: “Miềng sẽ vận động con cháu trong bản phải noi gương thằng Nam mà phấn đấu học hành, sau này trở thành người có ích cho bản làng”.
Trong 3 năm đầu học tại Trường Tiểu học Yên Hợp, Nam luôn dẫn đầu lớp về thành tích học tập. Học xong kỳ 1 năm lớp 3, anh phải băng rừng vượt suối trên con đường Huynh Đệ về Trường Dân tộc nội trú huyện học. Nam nhớ lại: “Ngày đó, đường đi lại khó khăn vất vả lắm. Những lần đầu “hạ sơn” về trường còn có bạn và người lớn đi cùng mới đỡ sợ”.
Học xong cấp 2, Nam lại tiếp tục học cấp 3 ở Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh. 3 năm sau, Nam được tuyển vào Trường ĐH Quảng Bình chuyên ngành sư phạm tiểu học. Sau 5 năm dùi mài kinh sử, năm 2013, Nam đã tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại khá. Đúng ngày 10.10 năm nay, Nam nhận được quyết định phân công về Trường Tiểu học Yên Hợp, ngay tại bản làng mình để công tác.
Nam tâm sự: “Em rất vui khi trở thành người Rục đầu tiên làm thầy giáo. Lúc cầm quyết định trên tay, em mừng đến phát khóc. Để có được ngày hôm nay là nhờ công lao dạy bảo, yêu thương hết mực của thầy cô giáo đã dành cho em, đó là những người mà trọn đời em luôn mang ơn”.
Theo Dân Viêt
Nhọc nhằn con đường đến lớp
Nhà ở sâu trong đồng, mỗi ngày đến lớp Trà My phải đi bộ hơn 5 cây số. Mùa này, sáng nào đến trường, hai ống quần của em cũng ướt đẫm sương. Đường đến lớp dẫu dài, băng qua nhiều đồng ruộng, nhưng dường như cũng ngắn lại trước quyết tâm theo đuổi con chữ của em và gia đình.
My luôn mơ ước có một chiếc xe đạp đến trường nhanh hơn để kịp giờ học
Nhịn đói, đi bộ đến lớp
Cảnh đi bộ của Trà My cũng như nhiều trẻ em ở huyện U Minh Hạ (Cà Mau) có nhà nằm sâu trong những cánh đồng, đã quá quen thuộc với mọi người.
Nhà có mỗi chiếc xe đạp nhưng phải ưu tiên cho ba mẹ đi làm thuê ngoài thị trấn nên chị em Trà My phải đi bộ đến trường. Hôm nào không ai thuê, nghỉ làm, ba sẽ đèo hai chị em đến lớp. Được ba chở đi học nhưng Trà My không thấy mừng vì "ngày nào ba chở đi học là ngày đó nhà không có tiền mua gạo". Mới học lớp 4, cái tuổi còn "ăn chưa no lo chưa tới" nhưng cô bé đã suy tư nhiều về cảnh nhà.
"Em đi bộ đi học mỗi ngày cũng được, chỉ mong ba mẹ có việc làm để mỗi sáng đi học bụng em không phải đói", Trà My hồn nhiên cho biết.
Bỏ học vì không có tiền đi đò
Hoàn cảnh của Trà My chúng ta cũng bắt gặp đâu đó ở nhiều vùng sâu khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhất là miệt thứ An Giang, Kiên Giang, các huyện vùng xa của Trà Vinh, Sóc Trăng... Ở những vùng này, đi đò theo hệ thống kênh rạch là chủ yếu, nếu men theo đường ruộng, phải đi bộ rất xa mới đến được lớp học. Ước tính bình quân từ nhà các em đến lớp khoảng 4 - 10 cây số, tiền đò mỗi tháng ít nhất cũng 200 - 300 ngàn đồng, xa hơn phải 400 - 500 ngàn đồng. Thu nhập bấp bênh từ việc làm thuê làm mướn của ba mẹ còn không đủ chi tiêu trong nhà lấy đâu ra trả tiền đò cho các em. Vì thế, nhiều em phải đành nghỉ học vì đi bộ quá xa. Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 200.000 trẻ em bỏ học, trong đó thiếu phương tiện đến lớp như trường hợp của Trà My cũng là một trong nhiều nguyên nhân.
Ước mơ "hai bánh"
Những ngày cuối năm, thời tiết lạnh, sương rơi nhiều trên cỏ hai bên đường, Trà My và các bạn phải dùng bịch nylon bọc vào hai bàn chân cho đỡ lạnh và khỏi ướt.
"Em quen rồi", Trà My cười tươi khi có ai hỏi em lạnh không. "Tết này em không mơ có nhiều quà bánh đâu, chỉ cần 2 bánh là đủ rồi...", cô bé dí dỏm trả lời câu hỏi về ước mơ ngày Tết. Dẫu không nói ra nhưng ai cũng hiểu, "hai bánh" mà Trà My cũng như bao trẻ em vùng sâu khó khăn đang phải đi bộ mỗi ngày đến trường ao ước là chiếc xe đạp.
Trong thời buổi hiện nay, đối với nhiều người, khi xe máy, xe hơi và các thiết bị di động tăng đến chóng mặt về số lượng lẫn giá cả thì giá trị của những chiếc xe đạp chẳng là bao. Thế nhưng, đó lại là mong ước cháy bỏng của những trẻ em nghèo ham học, đang đối mặt với nguy cơ bỏ trường vì quãng đường quá dài đến lớp. Dẫu có bền gan vững chí nhưng đến khi những đôi chân dần kiệt sức, các em cũng khó lòng đi tiếp hành trình đến với con chữ... ( Nguyễn Minh)
Cùng chia sẻ và thực hiện ước mơ có chiếc xe đạp đến trường cho những trẻ em nghèo tại website www.tet.aiav.com.vn của AIA. Mỗi lượt xem, yêu thích, chia sẻ video, gửi thiệp điện tử, tải hình nền của bạn, AIA sẽ đóng góp 10.000 đồng vào Quỹ Yêu Thương để cùng nhau mang thật nhiều xe đạp cho các em học sinh vùng sâu, vùng xa trên khắp cả nước. Chương trình sẽ không dừng lại mà sẽ được phát triển hơn nữa trong suốt năm 2014 tại chương trình "Hành trình cuộc sống" của AIA Việt Nam.
Theo TNO
Con chữ hạ nhiệt "điểm nóng" vùng cao Hai xã Chà Nưa và Si Pa Phìn là "điểm nóng" về ma túy, trộm cắp của vùng cao nguyên Si Pa Phìn. Những điểm nóng này đã hạ nhiệt nhờ con chữ đã dạy dân bản những điều hay... Đây là 2 xã biên giới của huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Mấy năm trở lại đây miền cao nguyên đầy nắng...