Người ra đề thi Toán ở quận Thanh Xuân là ai mà bất cẩn thế?
Chuyên viên chỉ đạo chuyên môn mà không nắm được chương trình, không nắm được trình độ học sinh để ra đề “trên trời” thì quả là đáng trách.
Chuyện toàn bộ học sinh lớp 9 của quận Thanh Xuân phải thi lại môn Toán học kỳ I vào ngày 17/12 vừa qua do tỷ lệ điểm dưới trung bình trong lần thi đầu lên đến 70% đã thu hút sự chú ý của những người quan tâm đến giáo dục.
Đề thi của học sinh lớp 9 quận Thanh Xuân được đánh giá là không phù hợp với trình độ học sinh (Ảnh tuyển sinh 247.com)
Nhiều câu hỏi được đặt ra: “Tại sao lại phải tổ chức thi lại khi học sinh đạt điểm thi quá thấp?”;
“Có lẽ nào đây chính là chất lượng thật của học sinh khi thi đề chung của Phòng nên không trúng tủ?”; “Thực tế thì nên chấp nhận sao phải tổ chức thi lại? Có phải vì căn bệnh thành tích không?”
Hãy nghe lời giải thích của cán bộ phòng giáo dục
Trả lời cho việc tổ chức thi lại cho học sinh lớp 9 của quận Thanh Xuân, ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân cho biết:
“Quận Thanh Xuân quyết định tổ chức thi lại vì đề thi ra trước đó không phù hợp với dạng bài của học sinh đã học và ôn trên lớp”.
Nói đề thi ra trước đó không phù hợp với dạng bài của học sinh đã học và ôn trên lớp, nhưng vị lãnh đạo phòng vẫn công nhận “Đề thi không có lỗi, vẫn nằm trong chương trình lớp 9, nhưng chuyên viên ra đề theo hướng mới nhằm nâng cao chất lượng, chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh lớp 10.
Do chưa được làm quen và thực hành nhuần nhuyễn, nên học sinh đã lúng túng, dẫn đến việc làm bài không tốt, 70% điểm dưới trung bình.
Tuy nhiên, ban ra đề của phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân đã ra một ma trận đề mới nên trở thành “thách thức lớn” với học sinh.
Do các trường chưa được tập huấn, làm quen với ma trận đề mới này nên thấy không hợp lý và đã báo cáo cấp trên”.1
Những bất hợp lý sau lời giải thích của đại diện Phòng Giáo dục quận Thanh Xuân khi không công nhận đề thi có lỗi
Nghe những lý giải vì sao lại cho học sinh khối lớp 9 thi lại chỉ vì đạt điểm quá yếu của đại diện Phòng Giáo dục quận Thanh Xuân chúng tôi hoàn toàn bất ngờ và thất vọng. Bởi, nếu đề thi không có lỗi vậy ai thật sự có lỗi đây?
Video đang HOT
“Do chưa được làm quen và thực hành nhuần nhuyễn, nên học sinh đã lúng túng, dẫn đến việc làm bài không tốt, 70% điểm dưới trung bình?” lại càng vô lý hơn.
Làm quen thực hành nhuần nhuyễn là phải cho học sinh ôn đề giống y chang đề này hay sao?
Còn kiến thức trong đề thi vẫn nằm trong chương trình lớp 9 có nghĩa là phần lớn học sinh chưa đạt mức kiến thức cơ bản? Nếu vậy, chất lượng học sinh thế này có thực sự đáng báo động hay không?
Giáo viên chuyên môn toán nói gì?
Cầm chiếc đề toán thi lớp 9 ở huyện Thanh Xuân, chúng tôi hỏi một số giáo viên hiện đang dạy học ở một trường điểm của tỉnh Bình Thuận.
Cô giáo A. vừa nhìn thấy đề đã lắc đầu và nói: “Đề ra quá cao, đề này dành cho học sinh giỏi thì hợp hơn”.
Rồi cô cho biết với đề này, muốn học sinh làm được thầy cô giáo phải ôn đi ôn lại những dạng ấy một cách nhuần nhuyễn. Tuy thế, cũng không có nhiều học trò làm được đâu.
Về nguyên tắc, khi ra đề thi, đề kiểm tra, giáo viên phải bám vào ma trận đề. Mức điểm của từng phần cũng biến đổi không đáng kể tùy theo quy định của từng địa phương.
Ví như có nơi ma trận toán theo thang (4-3-3), nơi lại áp dụng (cụ thể tại tỉnh Bình Thuận sẽ là (4-4-2). Nghĩa là, phần nhận biết 4 điểm để cho học sinh yếu, trung bình làm được.
Phần thông hiểu 4 điểm vẫn có những câu dành cho học sinh yếu và trung bình để các em đảm bảo điểm 5.
Phần vận dụng 2 điểm trong đó có vận dụng thấp và vận dụng cao. Ra đề kiểu này cả khối mới có dăm em đạt điểm 9,10 nhưng học sinh yếu, trung bình sẽ đạt theo đúng chuẩn kiến thức kĩ năng.
Cô A. cho biết thêm ngay câu đầu tiên phần nhận biết đã vô cùng khó. Toàn bài gần như là vận dụng thấp và cao.
Trong group Toán toàn quốc, nhiều giáo viên dạy Toán bất bình cho biết, đề này thử hỏi sao các em có thể yêu toán được nếu các em không giỏi toán? Đề này là đề thi học sinh giỏi rất vừa sức vơi giáo viên.
Có người cho biết: “Đề ra chưa đúng trọng tâm học kỳ 1, học biến đổi biểu thức mà ra ngay giải phương trình. Học sinh mắc ngay bài 1mà không có thời gian làm bài sau. Tất cả các câu đều khó. Quá khó không phù hợp với thi học kỳ mang tính đại trà”.
Có giáo viên khá nặng lời vì bức xúc: “Thi từ 12/12 nghĩa là chương trình chưa hết, ra một cái đề vô trách nhiệm, vô cảm tốn thời gian tiền bạc của nhà nước, của giáo viên và học sinh”.
“Ối sao như đề thi đại học vậy? Bó tay ! Tui cũng từng đi dạy toán cấp 2,nhưng nếu đi thi,tui vẫn dưới 5 điểm”…
Có người lại suy diễn theo một góc nhìn khác: “Đề Toán này là đề cải thiện kinh tế cho các thầy cô dạy toán của trường. Quí vị thông cảm nhé!”.
Vì sao lại không thừa nhận đề thi có lỗi mà đá trách nhiệm cho trường?
Vị đại diện Phòng Giáo dục luôn nói: “Đề thi không có lỗi, vẫn nằm trong chương trình, nhưng chuyên viên ra đề theo hướng mới nhằm nâng cao chất lượng, chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh lớp 10.
Do chưa được làm quen và thực hành nhuần nhuyễn, nên học sinh đã lúng túng, dẫn đến việc làm bài không tốt, 70% điểm dưới trung bình”.
Và trách nhiệm lại đổ lên đầu các trường như lời vị đại diện cho biết: “Do các trường chưa được tập huấn, làm quen với ma trận đề mới này nên thấy không hợp lý và đã báo cáo cấp trên cho kiểm tra lại với tất cả học sinh, kể cả các em có điểm từ trung bình trở lên, để kết quả công bằng với học sinh”.”.
Đổi lỗi cho trường là không tập huấn kĩ, phải chăng, cấp trên đang đá trách nhiệm xuống cấp dưới của mình?
Ra đề thi chung cho cả quận, thường được thành lập tổ ra đề và tổ phản biện đề. Bộ phận ra đề không biết đề thi vượt sức học sinh thì bộ phận phản biện đề ở đâu để tình trạng này xảy ra?
Chỉ có thể hiểu rằng, những người ra đề hay phản biện đề đều không phải là giáo viên đang giảng dạy?
Vì là giáo viên đang giảng dạy các thầy cô sẽ biết ra đề thế nào cho phù hợp. Người ra đề này rất có thể họ chính là chuyên viên chỉ đạo chuyên môn của cấp phòng chăng?
Chuyên viên chỉ đạo chuyên môn mà không nắm được chương trình, không nắm được trình độ học sinh để ra đề “trên trời” thì quả là đáng trách.
Lé ra lúc này, Phòng Giáo dục quận Thanh Xuân cần thẳng thắn nhận khuyết điểm vì ra đề vượt chuẩn kiến thức kĩ năng theo quy định. Và cần nói lời xin lỗi đến giáo viên, học sinh khi phải tốn thêm thời gian, công sức tổ chức thi lại.
Tài liệu tham khảo:
//www.nguoiduatin.vn/hy-huu-toan-bo-hoc-sinh-lop-9-cua-quan-phai-thi-lai-vi-diem-thap-a460297.html?fbclid=IwAR1tIRLPghtGAFrNluHZsmXvxbw-2YG0gXuNqaFXO9_lhONr5BX_N4e29z01
Phan Tuyết
Theo giaoduc.net
Tất cả học sinh lớp 9 của một quận ở Hà Nội phải thi lại môn toán
Toàn bộ học sinh lớp 9 ở các trường THCS trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã phải thi lại môn toán của kỳ thi học kỳ 1 vì phần lớn kết quả bài làm dưới trung bình do "lỗi" của đề bài.
Tất cả học sinh lớp 9 của quận Thanh Xuân phải thi lại môn toán vì lỗi ra đề (ảnh minh họa) - NGỌC THẮNG
Trên một số diễn đàn dành cho phụ huynh học sinh của Hà Nội, nhiều phụ huynh xôn xao về việc điểm thi học kỳ 1 môn toán của học sinh lớp 9 quận Thanh Xuân có tới 90% bài thi có kết quả dưới trung bình, khiến cho học sinh lớp 9 của cả quận này phải thi lại môn toán để tính điểm tổng kết học kỳ 1
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo quận Thanh Xuân thừa nhận, có việc học sinh lớp 9 của quận phải kiểm tra lại môn toán vào ngày 17.12 vừa qua. Tuy nhiên, ông Hữu cho rằng thông tin 90% học sinh có điểm dưới trung bình môn toán là chưa chính xác mà con số này chỉ khoảng 70%, 30% bài thi có điểm từ trung bình trở lên.
Ông Hữu cho biết, sau khi nhận kết quả môn toán có điểm thấp bất thường, ông đã cho họp để xem xét, đánh giá lại đề thi, thì nhận thấy trong đề có những dạng câu hỏi mới với học sinh; 1- 2 câu yêu cầu quá dài so với thời gian làm bài khiến học sinh mất nhiều thời gian; ma trận đề chưa được định hướng kỹ với các nhà trường.
"Đề không sai về mặt nội dung, kiến thức vẫn nằm trong chương trình, nhưng dạng đề hơi mới, các trường chưa được tập huấn, làm quen nên tôi thấy không hợp lý và đã báo cáo cấp trên và cho kiểm tra lại với tất cả học sinh (kể cả học sinh có điểm từ trung bình trở lên) để kết quả công bằng với học sinh", ông Hữu nói.
Ông Hữu cũng bày tỏ đây là sự cố đáng tiếc và lần đầu tiên Phòng Giáo dục - Đào tạo quận Thanh Xuân phải tổ chức thi lại, mong được phụ huynh, học sinh thông cảm. Sau sự việc này, Phòng Giáo dục - Đào tạo đã nghiêm túc tổ chức rút kinh nghiệm với bộ phận ra đề và sẽ tiếp tục quan tâm hơn tới việc tập huấn về kỹ thuật ra đề, xây dựng ma trận đề, định hướng về đổi mới cách ra đề kỹ hơn để tránh tối đa việc ra đề quá khó, quá mới với cách dạy học ở các nhà trường hay sai sót làm ảnh hưởng đến kết quả bài làm của học sinh.
Ông Hữu cũng cho rằng nội dung, cách thức ra đề thi, kiểm tra luôn là vấn đề được các nhà trường và phụ huynh học sinh quan tâm, do vậy trước khi đổi mới ra đề kiểm tra thì việc tập huấn, phổ biến đến từng nhà trường, từng giáo viên để họ nắm bắt và thay đổi phù hợp trong quá trình dạy học, ôn tập cho học sinh là rất cần thiết.
Lý giải về việc vì sao quận phải ra đề đề kiểm tra học kỳ để áp dụng cho tất cả học sinh lớp 9 trên toàn quận thay vì để mỗi nhà trường, giáo viên tự ra đề như các khối còn lại, ông Hữu cho biết, theo chỉ đạo chung của Sở Giáo dục - Đào tạo lâu nay thì Phòng Giáo dục - Đào tạo các quận huyện ra đề kiểm tra học kỳ 1 và học kỳ 2 cho học sinh lớp 9 là để đánh giá mặt bằng chất lượng chung của học sinh toàn quận.
Đây là năm cuối cấp THCS và học sinh sẽ phải dự thi tuyển sinh vào lớp 10 theo đề thi chung của Thành phố. Do vậy, nếu để mỗi trường tự ra đề thì có thể mức độ đề khác nhau sẽ không phản ánh được sát thực chất lượng chung của học sinh toàn quận. "Chúng tôi tổ chức ra đề chung và chấm chéo giữa các trường để đảm bảo có kết quả khách quan nhất. Từ đó rút kinh nghiệm trong công tác dạy và học ở từng trường", ông Hữu nói.
Theo ông Hữu, kết quả thi lại môn toán học kỳ 1 của học sinh lớp 9 dự kiến sẽ được công bố vào ngày mai (20.12).
Trước đó, nhiều phụ huynh có con học lớp 9 ở các trường THCS quận Thanh Xuân tỏ ra rất hoang mang vì điểm thi học kỳ 1 lớp 9 của con mình thấp một cách bất thường. Nhiều học sinh ngay sau khi làm bài đã rất buồn vì đề khó quá, khiến các con không làm được. Có những lớp hơn 90% học sinh có điểm dưới trung bình, trong khi đó có nhiều con vốn có học lực tốt về môn này.
Không ít phụ huynh bàn tán, cho rằng đề kiểm tra định kỳ mà kết quả hầu hết bài thi dưới mức trung bình thì hoặc là đề thi sai, hoặc là "cố tình" đánh đố học sinh, ép học sinh phải học thêm để trúng tủ. Nếu không thì chỉ có thể là cách dạy và học của các nhà trường có "vấn đề"...
Theo Thanh niên
Tại sao có nhiều đề thi Ngữ văn ra trùng nhau? Đề thi trùng nhau cũng cho thấy, một số thầy cô giáo được giao nhiệm vụ ra đề chưa thật sự đầu tư và tự tin vào kiến thức, chuyên môn của mình (sợ sai sót). LTS: Đưa ra một số nguyên nhân lý giải vì sao hiện nay lại có nhiều đề thi Ngữ văn ra trùng nhau, tác giả Sông Trà...