Người người chuyển hướng kinh doanh để có thể kiếm thêm thu nhập trong đại dịch Covid-19: Dịch vụ ăn uống, bán hàng online lên ngôi
Hạn chế tụ tập đông người, không đi ra ngoài trong mùa dịch Covid-19, nhiều người chuyển sang kinh doanh online, ship hàng cho người xung quanh để kiếm thêm thu nhập mà vẫn đảm bảo an toàn.
Dịch Covid-19 bùng phát mạnh khiến các trường học liên tục được gia hạn nghỉ học, các công sở chuyển sang làm việc online tại nhà, quán xá đóng cửa, người người hạn chế đi lại, tiếp xúc để phòng, chống dịch. Kỳ nghỉ dài nhất lịch sử vì dịch Covid-19 khiến người người ngao ngán. Bởi không chỉ khiến cuộc sống bị hạn chế, nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến nồi cơm của mỗi người.
Nghỉ việc, ở nhà rảnh rỗi nhiều người đã tìm cách xoay sở chuyển sang bán hàng hóa nhu yếu phẩm để kiếm thêm thu nhập. Chị Yến Vy là giáo viên cấp 2 ở Hà Đông, Hà Nội đã nghỉ ở nhà gần 3 tháng nay vì dịch Covid-19. Không đi dạy, không có nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống, chị Yến rất trăn trở. Sẵn có năng khiếu nấu ăn, chị Yến nghĩ ra cách bán thịt xiên tại nhà để phục vụ những người xung quang và có ship trong phạm vi gần.
“Vì bán cho những người hàng xóm là chính nên tôi lựa chọn nguyên liệu rất kỹ, không nhặt nhạnh lôm côm. Tôi làm cho các chủ yếu các bé ăn nên lúc nào cũng đặt chữ tâm lên hàng đầu, đảm bảo vệ sinh. Mọi người xung quanh thì đến mua trực tiếp mang về, ai không tiện thì tôi có nhận ship trong bán kính 1-2 km”, chị Yến cho biết.
Quầy bán thịt xiên mỗi cuối chiều của chị Yến Vy khá đắt khách, chủ yếu mọi người mua mang về nhà ăn chứ không ngồi tại chỗ theo chủ trương “tránh dịch”.
Chị Vũ Thanh Huyền vốn là một nhân viên tổ chức sự kiện năng động. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các hoạt động văn hóa, sự kiện đều bị trì hoãn, vì thế công ty của chị chẳng có nhiều hợp đồng. Đã hơn 1 tháng này chị tạm thời nghỉ việc chờ qua mùa dịch. Tuy nhiên, tiền nhà, tiền ăn rồi chi tiêu trong gia đình vẫn cần phải có.
Video đang HOT
Từ bé chị học được bí quyết làm món bánh sắn của mẹ nên đã mạnh dạn thử kinh doanh online để cải thiện thu nhập của gia đình. May mắn, trước khi có quyết định hạn chế đi lại, chị đã kịp nhờ người chuyển một ít nguyên liệu làm bánh từ quê lên. Hiện giờ, chị Huyền vừa làm bánh vừa ship cho khách đặt hàng trước.
“Từ ngày tạm nghỉ việc ở công ty, tôi chuyển sang làm bánh sắn bán online. May mắn làm bánh hợp khẩu vị với nhiều người nên mỗi ngày bán cũng được số lượng tương đối. Trừ các khoản nguyên liệu, lấy công làm lãi thì mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm nghìn. Bánh chủ yếu do mọi người hàng xóm đặt trước để ăn sáng, ăn vặt. Hôm nào ông xã ở nhà đi ship giúp thì có thể nhận đơn xa hơn một chút. Trước mắt thì cũng có thể xoay sở được, còn nếu bệnh dịch kéo dài thì tôi cũng tính xa hơn”, chị Huyền tâm sự.
Chị Thạch Thị Quý ở Phú Thọ lại có cách kiếm tiền khác trong thời gian nghỉ làm vì dịch bệnh. Chị vốn là giáo viên mầm non, nhưng từ hơn 3 tháng nay trường học tạm cho nghỉ. Có mối người quen vận chuyển cây cảnh, chị Quý liên hệ và đăng bán trên trang cá nhân các loại cây cảnh, hoa, cây trồng ăn trái…
“Trường mầm non đã cho các cháu nghỉ tránh dịch từ 3 tháng nay. Chồng tôi có đam mê cây cảnh từ lâu, nên tôi nghĩ tới việc chuyển sang kinh doanh các loại cây trong mùa dịch. Trong thời gian này mọi người nghỉ tránh dịch nên có nhiều thời gian rảnh rỗi trồng cây, chăm vườn. Vì thế nhu cầu mua cây cảnh, hoa, và cả các loại cây ăn quả của mọi người cũng khá cao. Hàng về đợt nào là hết ngay đợt đó”, chị Quý chia sẻ.
Chị Quý còn chu đáo chuẩn bị găng tay đeo miễn phí và nước sát khuẩn tay cho khách tới xem cây. “Bán hàng mùa dịch thì càng cần phải có tâm và cẩn thận, thực hiện đủ các quy định phòng chống dịch để bảo vệ sức khỏe cộng đồng”, chị Quý chia sẻ.
Ý tưởng kinh doanh cây cảnh đã giúp vợ chồng chị tận dụng thời gian rảnh rỗi, kiếm thêm được nguồn thu nhập đáng kể, lại phù hợp với sở thích riêng. Chị Quý cũng chia sẻ, sau đợt dịch này, khi quay lại với công việc chính là giáo viên mầm non thì chị vẫn tiếp tục kinh doanh cây cảnh như nghề tay trái.
Trước diễn biến khá phức tạp của dịch bệnh COVID-19, việc kinh doanh buôn bán và một số ngành nghề khác cũng bị ảnh hưởng lớn, nhiều người đã chuyển đổi công việc của mình để xoay sở mưu sinh qua mùa dịch. Trong thời điểm người người khó khăn như hiện nay, sự linh hoạt, năng động là rất cần thiết. Chúng ta chắc chắn có thể cùng nhau vượt qua những khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Doanh nghiệp chuyển làm việc online
Dịch COVID - 19 đang khiến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước việc phải hạn chế tụ tập đông người, hội họp, nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang hình thức kinh doanh, làm việc trực tuyến.
Mô hình lớp học trực tuyến của Công ty IMAP Việt Nam giúp doanh nghiệp này trụ vững qua mùa dịch COVID-19
Nhiều doanh nghiệp đồng loạt làm việc online, tránh lây nhiễm dịch
Khác với những ngày bình thường, thay vì lên công ty vào lúc 8h sáng hàng ngày, chị H.T.H, bộ phận Digital Marketing, Công ty Cổ phần Sách Alpha được làm việc tại nhà. Gần 10 ngày nay, các cuộc họp thay vì trực tiếp như trước, giờ được chuyển sang làm việc ở chế độ online.
Theo chị H, do ảnh hưởng của dịch COVID - 19, các bộ phận sale (bán hàng) trực tiếp công ty phải nghỉ việc. Mỗi nhân viên chỉ được lên công ty mỗi tuần 2 ngày. Bộ phận nào không cần thiết có thể đăng ký làm việc ở nhà. "Các nhà sách của công ty đóng cửa. Hội chợ sách cũng không tổ chức được nên doanh thu sụt giảm mạnh. Công ty chỉ còn trông vào doanh số của đội Marketing Online", chị H cho hay.
Bà Nguyễn Thị Giang, TGĐ Cty Cổ phần giáo dục và đào tạo IMAP Việt Nam cho biết, hơn 2 tháng nay, 40 cơ sở trên toàn quốc của công ty đều phải đóng cửa. Các hợp đồng với đối tác mới đều bị hoãn khiến doanh thu sụt giảm đến 80-90%, phải cắt giảm khoảng 30% nhân sự.
Trong bối cảnh đó, công ty chuyển sang hình thức giảng dạy online trên nền tảng trực tuyến Ebomb kết nối trực tiếp giữa giảng viên và học viên. Người học có thể học mọi lúc, mọi nơi, với số lượng từ 12-15 người/lớp.
"Nhờ chuyển sang mô hình trực tuyến nên giáo viên vẫn có việc làm. Còn học viên không bị gián đoạn quá trình học tập khi phải nghỉ học dài ngày ở nhà. 2 tháng qua công ty may mắn chưa phải dùng đến quỹ dự phòng", bà Giang chia sẻ.
Xu thế làm việc mới
Ông Ngô Xuân Thắng, TGĐ Cty TNHH Alibaba Việt Nam, một đơn vị đào tạo tiếng Anh chia sẻ, trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, các lớp học offline (trực tiếp) của công ty đều không mở được, khiến nguồn thu của công ty giảm mạnh. Trong khi đó, các chi phí như thuê văn phòng, tiền lương cho nhân viên, điện nước...vẫn phải chi bình thường.
Để vượt qua mùa dịch, công ty đang xây dựng các khoá học trực tuyến với mô hình lớp học chỉ 7 đến 10 học viên, đồng thời cho ra mắt chuỗi video dạy tiếng Anh từ các giảng viên xuất sắc.
Theo ông Thắng, xu hướng học online là hướng đi hiệu quả, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Thời gian tới, đơn vị này sẽ xây dựng 1 thương hiệu tiếng Anh học qua trực tuyến nhằm đa dạng hóa các kênh kinh doanh, hạn chế các rủi ro.
Theo PGS-TS Lê Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động (Bộ LĐ-TB&XH), xu hướng làm việc online được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng trong thời đại công nghệ 4.0. Khi dịch bệnh hoành hành, giải pháp này còn giúp giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.
"Đây cũng là xu thế làm việc mới trong thời gian tới tại Việt Nam. Trong cái rủi, có cái may, các doanh nghiệp có thể thấy rõ lợi ích của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh, sản xuất mà đầu tư, chuyển đổi mạnh mẽ hơn", bà Hương cho hay.
Trao đổi với Tiền Phong, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, hiện các cuộc họp của Bộ đã chuyển sang hình thức online. Ngoài ra, Bộ đang có ý tưởng xây dựng một ứng dụng phần mềm trực tuyến tích hợp các vấn đề như bảo hiểm thất nghiệp, thị trường lao động, cách lựa chọn trường nghề... Từ đó, tiến đến tích hợp 6 trụ cột an sinh, gồm: Người có công, chính sách bảo trợ xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, hộ nghèo, hưu trí, an sinh xã hội, bảo hiểm y tế trong một ứng dụng.
Dương Hưng
Taxi công nghệ dán niêm yết 'Xe hợp đồng' và phù hiệu, Taxi truyền thống có thể bỏ hộp đèn Nghị định mới lần đầu tiên đưa ra những phân định rõ ràng giữa hai hình thức kinh doanh vận tải và cung cấp dịch vụ ứng dụng kinh doanh vốn gây ra những tranh cãi trong một thời gian dài. Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô chính thức có...