Người mẹ ở trọ, lương 13 triệu cho con đi du học
Lương giáo viên, toàn bộ tiết kiệm chỉ có 200 triệu, chị Hảo (Hà Nội) vẫn quyết định cho con đi du học Anh từ bậc phổ thông.
Vừa cùng con gái trở về sau một trại hè Singapore, chị Nguyễn Phương Hảo, 43 tuổi, mệt bã trong tiết trời nóng của Hà Nội. Nhưng ngay khi bước vào căn chung cư ở quận Cầu Giấy, chị liền thấy nhẹ nhõm. “Mẹ thấy nhà vệ sinh có sạch và thơm không? Nhà con lau sạch rồi, mẹ đi có mát chân không?”, Hoàng Long, 19 tuổi – du học sinh Anh đang về nước nghỉ hè – vừa nói vừa chạy đến đỡ đồ cho mẹ.
Long chuẩn bị lên năm hai, ngành truyền thông và truyền hình tại St Mary Twickenham (Đại học Công giáo La Mã lâu đời nhất ở Anh) sau khi nhận được học bổng 30%. Trước đó, cậu cũng trải qua hai năm phổ thông ở Anh.
Chị Hảo và con gái đón Long (trái) về nhà nghỉ hè đầu tháng 6 vừa qua. Ảnh: L.H.
Năm 2014, chị Hảo – lúc đó là giáo viên tiếng Anh một trường liên cấp ở Hà Nội – ly hôn. Con trai chị sau đó thi vào trường chuyên, còn con gái đạt huy chương vàng toán quốc tế Sasmo khi đang học lớp 3.
Lớp 10, Long tâm sự với mẹ: “Tại sao ở nước mình lại có nhiều kỳ thi tới vậy. Con tham khảo chương trình của các nước thì mỗi năm họ chỉ có một kỳ thi”. Chị Hảo khuyến khích con muốn được hưởng nền giáo dục đó hãy đặt mục tiêu giành học bổng du học.
Cơ hội mở ra tháng 5/2016 khi chị Hảo biết có một trường cấp 3 của Anh tổ chức phỏng vấn tại Hà Nội nên cho con tham gia thử. Trước khi con vào phòng thi, người mẹ chỉ dặn: “Mọi câu trả lời của con phải trung thực”. Kết quả, Long là một trong vài thí sinh được nhận vào trường trung học DLD College London với mức học bổng 50%.
Khi đó ba mẹ con chị Hảo đang ở nhà thuê, lương của chị là 13 triệu đồng và khoảng 2 triệu dạy thêm. Toàn bộ tiền tiết kiệm cũng chỉ có 200 triệu đồng. “Ở nước ngoài sinh viên vay tiền đi đại học, ra trường trả nợ. Con đã tìm hiểu kỹ rồi. Sang đó con sẽ đi làm thêm, mỗi tuần 20 giờ cũng đủ lo cho cuộc sống”, Hoàng Long hạ quyết tâm.
Nhìn thấy sự kiên định trong ánh mắt con, chị Hảo tin con làm được, mình cũng làm sẽ làm được. “Thông thường các gia đình hay tính du học theo cả chặng đường dài 5 năm, mỗi năm hết 500-700 triệu, tính ra cần tới 3 tỷ đồng. Nhưng lúc đó mẹ con tôi đã nhìn con đường này theo từng chặng ngắn và vạch kế hoạch rõ từng giai đoạn”, chị nói.
Chị vay bạn bè thêm 200 triệu đồng để có 400 triệu, đủ đóng học phí cho con năm đầu tiên. Một người quen ở Anh cũng nhận sẽ hỗ trợ Long ăn ở, nên về cơ bản năm đầu tiên đã ổn thỏa.
“Thời đó mẹ tôi phản đối khủng khiếp. Bà bảo đi mua cái nhà mà ở, phải an cư lạc nghiệp đi. Rồi bà nói sẽ phá. Thế nhưng ở với cháu mấy ngày, bà thay đổi thái độ vì nhìn thấy quyết tâm của cháu”, chị Hảo kể thêm.
Video đang HOT
Hiện chị Hảo là giám đốc một trung tâm du học. Ảnh: Phan Dương.
Mùa thu năm đó chàng trai 17 tuổi sang Anh. Cuối kỳ một trường báo về, điểm của Long thường được A và B (về cơ bản điểm tốt). Trong những học kỳ sau, cậu cũng luôn duy trì được điểm số.
Ngay khi ổn định việc học, chàng trai nhận dạy thêm tiếng Anh cho học sinh, sinh viên từ Việt Nam sang còn yếu với mức lương 15 bảng/giờ, sau đó làm bồi bàn cho thu nhập cao hơn, cũng như tăng giao tiếp với người bản ngữ. Theo quy định tại đây, học sinh phổ thông được làm thêm tối đa 10 giờ/tuần, sinh viên 20 giờ/tuần. Nếu tính ra thu nhập của Long cao gấp đôi của mẹ ở Việt Nam. Từ những năm học sau, cậu tự lo được chi phí sinh hoạt và một phần học phí, còn lại mẹ hỗ trợ.
Chị Hảo sang thăm con lần 2 tháng 12/2018 nhân chuyến công tác. Một số người bạn từng thấy chị Hảo “liều” cho con đi khi kinh tế chưa vững, nhưng đến nay thấy việc làm của chị là đúng. Ảnh: Hoàng Long.
Giai đoạn này chị Hảo cũng có sự thay đổi mạnh mẽ khi nghỉ dạy và chuyển hướng làm về du học. Thu nhập cao hơn, song chị vẫn chưa có ý định mua nhà, mà dành hết để đầu tư cho học hành của hai con trong tương lai. Con gái chị đã giành được học bổng 100% của một trường cấp 2 ở Singapore và người mẹ dự tính một đến hai năm nữa mới cho đi.
Người mẹ đơn thân bộc bạch, cũng không thể ngờ khi buông ra, con trai chị lại trưởng thành tới vậy. Long đi 2 năm không về và tranh thủ các kỳ nghỉ ở lại làm thêm. “Lần về con tự lo vé và mang theo 700 bảng để gia hạn visa. Lúc đi, trong ví con còn có 20 bảng và nhất quyết không lấy tiền mẹ cho”, chị nói.
Với Lê Nguyễn Hoàng Long, du học không phải màu hồng mà cần sự can trường, kiên định. “Có lúc mình đã hoài nghi con đường này đi có đúng không, nhưng suy nghĩ đó chỉ thoáng qua và mình lại cố gắng tiến về phía trước. Vì lẽ gì mình phải xa bố mẹ, em gái, xa quê hương để học ở một nơi xa lạ, không phải là vì để có một tương lai tốt hơn sao, nên dù khó khăn đi nữa vẫn quyết tâm đi con đường này”, Long nói.
Thực tế, một bộ phận du học sinh tại Anh như Long vẫn vừa học, vừa làm, tự trang trải học phí cho mình. Diệu Thuỳ (21 tuổi, Cửa Lò, Nghệ An) đang học dự bị trước khi vào một đại học ở Anh. Chương trình học 8 tháng/năm và cô có 4 tháng để làm thêm. “Mình làm fulltime ở tiệm nail, chi phí ăn ở chủ lo, thu nhập được 2.800 bảng/tháng. Bốn tháng đi làm, mình đã lo được học phí”, Thuỳ cho biết.
Thông qua một trung tâm tư vấn, con gái của chị Nguyễn Thu Hồng ở thành phố Hải Phòng đã được nhận vào một trường cấp 3 công lập ở Anh, học phí 180 triệu đồng/năm. “Con sang Anh tháng 9/2018 và ở nhà người quen đi học. Năm nay con chuyển ra ngoài trọ và đi làm thêm để tự lo ăn ở và học phí”, chị Nguyễn Thu Hồng, một nhân viên nhà nước, chia sẻ.
Chị Nguyễn Hồng Xuân, giám đốc một trung tâm tư vấn du học Nhật – Hàn có thâm niên hơn 10 năm ở Hà Nội, một người bạn của chị Phương Hảo, chia sẻ: “Để thành công cần một chút mạo hiểm, song đầu tư vào những đứa trẻ không có chí tiến thủ, nhắm mắt, nhắm mũi không tìm hiểu kỹ lộ trình du học là không nên. Hảo may mắn có con trai rất ngoan. Hảo cũng có những người bạn tốt, trong trường hợp rủi ro có thể nhờ cậy”.
Chị Xuân từng đưa một du học sinh đi Nhật, xuất phát là một sinh viên đại học Hà Nội chơi bời, sa vào đa cấp, bị đuổi học. Chỉ có hai mẹ con và người mẹ đã bán nhà cho con đi du học. “Tôi nhìn thấy quyết tâm sửa sai của cô bé ấy. Quả thật vài năm sau cô ấy khoe đã mua lại được ngôi nhà từng bán và sửa sang lại cho mẹ ở”, chị Xuân kể.
Theo giám đốc một trung tâm du học Mỹ chi nhánh tại Hà Nội, đại đa số các phụ huynh tìm đến trung tâm chị đều có tiềm lực kinh tế. Trường hợp người mẹ thu nhập 13 triệu, tiết kiệm chỉ 200 triệu đồng mà cho con đi du học Anh là vô cùng hiếm.
“Không phải ai cũng làm được như người mẹ này. Tốt nhất các bậc phụ huynh nên chuẩn bị kỹ về tài chính và kỹ năng cho con em mình trước khi cho ra nước ngoài. Một số trường hợp du học sinh đã gặp rắc rối vì làm thêm trái phép hoặc không cân đối được việc học và làm, dẫn đến bị tụt học bổng, thậm chí không ra được trường”, vị này nói.
* Tên một số nhân vật đã thay đổi
Phan Dương
Theo VNE
Du học: Đường thẳng và đường vòng?
Theo anh Lê Nam - Nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Dublin, Ireland, đa phần các bạn trẻ Việt thường thích đi du học ở các nước Mỹ, Anh, Tây Âu... Tuy nhiên, việc nộp hồ sơ sang các quốc gia này vô cùng cạnh tranh. Do đó, bạn trẻ phải cân nhắc kỹ lưỡng mình là ai, nguồn lực của bản thân ra sao để chọn lộ trình "đường thẳng" hay "đường vòng" nhằm đi đến đích.
Nói về chủ đề du học, hầu hết các bạn trẻ Việt Nam đều thích đi Mĩ - Anh - Tây Âu. Tuỳ thuộc bạn là ai (có điều kiện kinh tế không, năng lực cá nhân tương quan ra sao,...) sẽ có nhiều lựa chọn trong mục tiêu ngắn - dài hạn khác nhau.
Nhưng nói chung đi du học giờ cũng có nhiều cách tính toán. Mà nổi lên thì cũng không nhất thiết phải đi đường thẳng, từ Việt Nam -> Đại học top ở Mĩ - tuyến đường này phải cạnh tranh rất nhiều về hồ sơ học tập cũng như tiền.
Apply Đại học còn ổn vì bằng Phổ thông Việt Nam được recognised (công nhận), học sinh phổ thông Việt Nam (cũng như các anh da vàng Đông Á) có tiếng là chăm học và được dạy nhiều kiến thức ở bậc phổ thông hơn so với đa số các học sinh phổ thông phương Tây. Với các bạn apply du học bậc sau ĐH (thạc sĩ, tiến sĩ) ở Mĩ hay Tây Âu, mà cầm bằng đại học Việt Nam, nhất là với ai mà học cả thạc sĩ trong nước nữa, thì quả thực là... hơi khó (trừ trường hợp xin Học bổng Chính phủ hoặc liên doanh Nhà nước, cái này mình không bàn ở đây).
Lê Nam, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Dublin, Ireland (trái) - tác giả bài viết.
Những bạn ở Việt Nam mà xuất sắc cả ngoại ngữ lẫn chuyên môn thì mình tin là họ đã rõ con đường và sẽ tự tin đi đường thẳng.
Nhóm còn lại là những bạn "chưa kịp" xuất sắc ở thời điểm đó, có thể là có nhiều bối rối về tương lai du học.
Thay vì đường thẳng, các bạn có thể đi những con đường vòng.
Với các bạn muốn học ĐH bên Mĩ, có thể nghĩ đến việc học các trường Community College (Cao đẳng cộng đồng) 2 năm, cố gắng đạt thành tích top đầu các trường này (mình nghĩ, khá dễ với học sinh Việt Nam) sẽ có điều kiện xét tuyển vào các ĐH của bang đó, tuỳ trường. Đây được coi là hình thức giống Liên Thông Cao đăng - Đại học ở Việt Nam. Mình cho là rất hay, kể cả học tự túc Cao đẳng cộng đồng thì chi phí cũng rất rẻ.
Các bạn muốn đi học thạc sĩ/ tiến sĩ ở các quốc gia, đại học lớn mà chỉ có bằng ĐH/Ths ở Việt Nam (và cũng "chưa kịp" xuất sắc) - mà lại không muốn hoặc không thể đi học theo diện ngoại giao/Chính phủ, có thể đi đường vòng: Vietnam -> 1 nền giáo dục trong khu vực châu Á (Malaysia, Thailand, Ấn Độ,...) -> Mĩ hoặc Tây Âu.
Ví dụ từ Việt Nam -> Ấn độ học Thạc sĩ IT 2 năm, nâng cao cả ngoại ngữ lẫn chuyên môn. Sau đó tấm bằng Ấn Độ kết hợp chuyên môn có thể apply đi Âu Mĩ "thả ga", chỉ tuỳ thuộc vào năng lực của bạn.
Có bằng cấp được recognised/accredited (công nhận/ tín nhiệm) là nỗi đau đầu. Đi đường vòng cũng không quá tệ. Mình biết có anh thích Mĩ lắm, nhưng khi đó ví nhiều lí do, hồ sơ chưa đủ mạnh nên xin đi học ở Malaysia. Học thạc sĩ có 1 thầy hướng dẫn luận văn quý, sau đó thầy này được 1 trường bên Mĩ phong giáo sư, thế là kéo luôn trò cưng qua Mĩ làm tiếp PhD (tiến sĩ), giờ ở Mĩ luôn.
Đó, đường vòng, nếu quyết tâm thì nó vẫn là quá trình phát triển của bạn, đừng quá đặt nặng vấn đề: phải thế này/thế kia... nếu như bạn chưa đủ các "yếu tố", các "nguồn lực cơ bản" (tri thức, tiền, quan hệ).
Mình chia sẻ tóm lược hai con đường để du học ở các nước có nền giáo dục cao ở châu Âu nhưng không hàm ý nói rằng: học ở Việt Nam hay bằng ĐH Việt Nam thì 100% không thể apply thành công. Chỉ nói rằng: bằng cấp Việt Nam có thể có thể bất lợi hơn trong hồ sơ. Những bạn nào giỏi, thì đã tự làm mạnh kiến thức và các kĩ năng khác (ngoại ngữ...) apply đường thẳng hết rồi.
Những bạn nào "chưa kịp giỏi", hay mình dùng từ các nguồn lực chưa đủ, thì thay vì ngồi chờ thời cơ, có thể nghĩ thêm phương án đường vòng.
Lê Nam
(Nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Dublin, Ireland)
Theo Dân trí
Du học: Áp lực không chừa sinh viên giỏi Cách đây gần 2 năm, truyền thông Úc đưa tin về một nam sinh Trung Quốc gieo mình từ căn hộ tầng 21 xuống đất - vụ tự tử chỉ sau 3 tháng cậu sang du học ở đất nước này. Một hội thảo tư vấn du học. Ảnh minh hoạ Điều bất ngờ là trước khi trở thành sinh viên ĐH Melbourne,...