Người mẹ mắng con giữa đường vì suốt ngày mang giày ngược, chuyên gia chỉ ra mẹ có lẽ đã dạy con sai cách
Mang giày là một việc rất đơn giản đối với người lớn nhưng với trẻ em, đó là cả một thử thách không hề nhỏ. Vì vậy, bố mẹ cần phải lưu ý một số điều dưới đây để việc dạy con trở nên suôn sẻ hơn.
Mới đây, một người phụ nữ họ Lưu đã chia sẻ câu chuyện mà cô đã chứng kiến lên mạng xã hội. Theo đó cô Lưu cho biết, hai ngày trước cô đi đón con về và thấy một người mẹ đã tức giận với đứa con gái của mình.
Cô Lưu nghe được, người mẹ đổ lỗi cho con mình: “Con đã đi học bao lâu rồi, sao có thể mang giày ngược thế này mãi chứ, mẹ đã dạy con bao nhiêu lần rồi?”. Sau đó, người mẹ đã cởi giày của con mình một cách giận dữ và mang lại cho đúng, kèm theo sự trách mắng: “Con nhìn kỹ cho mẹ, đây là lần cuối cùng đấy”. Đứa con gái đứng kế bên gật đầu nhẹ nhàng. Với tình huống này, cô Lưu cho rằng có thể lần sau đứa bé kia lại tiếp tục mắc phải sai lầm. Trong tình huống này, nhiều bà mẹ khác cũng chia sẻ quan điểm của mình, đa phần họ cho rằng người mẹ kia quá hấp tấp hoặc có khả năng cô đã dạy sai cách mang giày cho trẻ.
Cá nhân cô Lưu nói rằng, không nói đến trẻ con, từ những ngày đầu làm mẹ, bản thân cô cũng mang giày ngược cho con. Đặc biệt đối với những đứa trẻ mới biết đi, việc người lớn phân biệt chân trái và chân phải không hề đơn giản. Bởi lẽ khi mẹ mang giày cho trẻ thì mẹ đã ở đối diện trẻ, cho nên phương hướng cũng bị đảo lộn, rất dễ mang giày ngược. Vì vậy, làm thế nào để dạy cho trẻ mang giày đúng hướng, chuyên gia chỉ ra 2 cách đơn giản này.
Cách thứ 1: Hãy nói với trẻ: “Cùng mẹ quan sát đôi giày”
Các mẹ chú ý, bạn phải đứng cùng hướng với bé và đặt đôi giày trước mặt bé. Đặc biệt, lúc này giày phải được đặt cùng hướng với bàn chân, nghĩa là giày bên trái phải để kế chân trái, giày bên phải để kế chân phải. Nếu đôi giày được đặt theo cách này, thì ngón chân cái là đại diện cho tình yêu. Nghĩa là, khi bạn đặt đôi giày gần nhau, bạn sẽ nói với con rằng: “Nếu như con đặt đôi giày vào đúng vị trí, thì chúng sẽ ở gần nhau hơn, chúng sẽ yêu thương nhau hơn”. Sau đó, mẹ hãy làm thêm một bước là đặt đôi giày sai hướng, lúc này, hướng của đôi giày sẽ ở xa nhau, bạn có thể nói với trẻ: “Con thấy đó, nếu con đặt giày sai, chúng đã giận nhau rồi, không ai thèm quan tâm ai nữa”.
Video đang HOT
Cách thứ 2: Cùng mẹ mang giày
Mẹ và bé cùng nhau chuẩn bị một đôi giày và ngồi đúng hướng. Bạn mang giày trước và hãy bảo con xem mẹ mang giày như thế nào. Trong quá trình mang, mẹ có thể nhấn mạnh những điều cần lưu ý để bé có thể nhớ kỹ. Sau đó, bạn hãy để bé tự thử, bình thường nên cho bé tập nhiều lần, sau đó bé sẽ không mang giày sai nữa.
Trong những tình huống này, các chuyên gia cũng lưu ý mẹ rằng nên thực hiện những hành động sau đây:
- Kiên nhẫn và cho bé đủ thời gian để tự mang giày, không được giục bé. Thỉnh thoảng, các bậc cha mẹ hay vội vàng, không để chúng tự mang mà mang giúp chúng. Lúc này, bố mẹ vô tình khiến trẻ nghĩ rằng có lẽ mình làm không đúng, và tâm lý này khiến bé không sẵn lòng thử bất cứ điều gì.
- Đừng làm phiền, hoặc gián đoạn quá trình tập mang giày của bé. Khi bé mới bắt đầu học cách mang giày, chúng sẽ có những thao tác rất chậm và thường đi sai. Một số bà mẹ thấy lo lắng, nên khi vừa đi sai thì lại sửa ngay. Trên thực tế, chúng ta nên cho bé cơ hội tìm ra lỗi của mình. Cuối cùng, nếu như bé không nhìn thấy thì bạn có thể nhắc nhở và hỏi: “Con mang giày có cảm thấy thoải mái không?”.
Mang giày là một việc rất đơn giản đối với người lớn nhưng với trẻ em, đó là cả một thử thách không hề nhỏ. Các chuyên gia khuyên rằng, bố mẹ nên kiên nhẫn chờ đợi, để bé tự học, mặc dù có chậm nhưng sẽ hiệu quả, không nên trách mắng con là “đồ ngốc”, vì hai từ này sẽ gây ra sự tổn thương nghiêm trọng trong tâm hồn. Nhìn bé mang giày có vẻ chậm và đôi khi không biết mang, bố mẹ hối thúc sẽ khiến chúng rối loạn. Trên thực tế, chúng đã suy nghĩ rất nhiều về điều này.
Nguồn: Sohu
7 điều cần dạy trẻ để tránh bị sàm sỡ khi chỉ có một mình
Trước sự việc cô bé bị sàm sỡ trong thang máy ở Sài Gòn, Brightside đã đưa ra 7 cách gợi ý cho phụ huynh dạy con, giúp trẻ an toàn trước nạn quấy rối khi không có cha mẹ ở bên.
Giữ khoảng cách và hạn chế nói chuyện với người lạ: Trẻ em đều được dạy rằng không được nói chuyện với người lạ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, chúng buộc phải giao tiếp với người không quen. Hãy cho con biết rằng thời gian cho một cuộc nói chuyện như thế chỉ cần kéo dài từ 5 đến 7 giây. Nếu dài hơn, trẻ nên bỏ đi và đến chỗ an toàn hơn. Mặt khác, bố mẹ nên dạy con mình rằng hãy giữ khoảng cách giữa bản thân với người lạ là từ 2m trở lên.
Không sử dụng thang máy một mình hoặc đi một mình cùng người lạ: Bố mẹ nên hạn chế cho trẻ đi thang máy một mình. Trong trường hợp bắt buộc, hãy dạy trẻ đứng tựa vào tường để có thể dễ dàng quan sát hành động của những người xung quanh. Nếu đang đi thang máy một mình, khi người lạ bước vào, tốt nhất trẻ nên ra khỏi thang máy. Bố mẹ cũng nên dạy trẻ cách từ chối lịch sự khi người lạ rủ đi cùng thang máy: "Cháu đang đợi bố mẹ" hoặc "Bố mẹ dặn cháu không đi thang máy cùng người lạ".
Hét lên khi người lạ tiếp cận: Nhiều trẻ sẽ không biết cư xử thế nào khi có người lạ tiếp cận mình. Bố mẹ cần căn dặn trẻ rằng khi người lạ có hành động không đúng như đụng chạm, kéo, dắt tay, trẻ có quyền cư xử "mạnh mẽ" hơn bình thường. Trẻ hoàn toàn có thể tự vệ bằng việc cắn, đá người lạ và gây chú ý cho người xung quanh. Bên cạnh đó, trẻ không nên tự phản kháng mà hãy hét to lên "Cháu không quen người này" để mọi người xung quanh giúp đỡ.
Không mở cửa cho người lạ khi ở nhà một mình: Khi bố mẹ đi vắng, nếu người lạ gọi, hãy căn dặn trẻ không được mở cửa với bất kì lý do nào. Ngoài ra, trẻ cũng không nên trả lời rằng mình chỉ ở nhà một mình dù đó là ai đi chăng nữa. Nếu đối phương vẫn kiên quyết đòi mở cửa hay có ý định xông vào, trẻ phải nhanh chóng gọi điện cho bố mẹ.
Không tiết lộ thông tin cá nhân cho người lạ trên Internet: Trẻ em ngày nay có khả năng sử dụng mạng xã hội, Internet thành thạo. Bố mẹ nên cảnh báo với trẻ rằng người xấu thường sử dụng Internet để tìm kiếm "con mồi". Chính vì thế, khi sử dụng, trẻ tuyệt đối không được tiết lộ thông tin cá nhân của mình, trò chuyện với người lạ trên mạng và gặp trực tiếp bên ngoài. Bố mẹ nên trò chuyện thường xuyên với trẻ về chuyện hàng ngày, các mối quan hệ xung quanh để có thể nắm bắt và can thiệp vào những mối quan hệ không lành mạnh đúng lúc.
Dạy trẻ rằng người xấu sẽ không xuất hiện với bộ dạng đáng sợ: Trong nhận thức của trẻ, người xấu đồng nghĩa với ngoại hình xấu. Ví dụ như thường đeo kính đen, ăn bận xuề xòa, gương mặt dữ tợn,... Tuy nhiên, trên thực tế, kẻ xấu có thể là người xuất hiện với vẻ bề ngoài trau chuốt, tươm tất và nụ cười dễ mến. Chính vì thế, bố mẹ phải dặn trẻ cảnh giác với bất kì người lạ nào và biết từ chối trước mọi lời mời.
Không nghe những lời mời "ngọt ngào": Hầu hết trẻ em đều thích được đi chơi. Bố mẹ cần căn dặn trẻ tuyệt đối không được lên xe người lạ nếu có những lời mời như "xe chú xịn lắm, lên chú chở đi một vòng chơi", hoặc "đi theo chú, chú cho ăn món này rất ngon".
Theo Zing
Mẹo giúp trẻ sử dụng Internet an toàn Bố mẹ nên thảo luận với con để xây dựng quy ước khi sử dụng Internet, nhắc nhở trẻ về nguy cơ có thể gặp để tăng cường cảnh giác. Trước khối lượng thông tin khổng lồ ngày càng khó kiểm soát từ mạng xã hội, không ít cha mẹ chọn cách cấm không cho con sử dụng Internet để phòng ngừa những...