Người mang văn hóa đọc đến mọi nơi
Sau 8 năm học tập và nghiên cứu tại Nhật Bản, anh Nguyễn Quốc Vương sinh năm 1983, ở Bắc Giang đã quyết định trở về Việt Nam gắn bó với nghiệp sách của mình. Vừa dạy học, dịch sách, viết sách… người thầy đặc biệt này còn rong ruổi khắp nơi để bán sách.
Nguyễn Quốc Vương sinh ra ở Bắc Giang trong một gia đình có truyền thống hiếu học, ham đọc sách. Chẳng biết từ khi nào những trang sử đã ngấm vào con người anh. Anh Vương quyết định thi vào Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội và trở thành giáo viên Trường THPT Nguyễn Tất Thành. Năm 2006, anh được Chính phủ Nhật Bản cấp học bổng du học.
8 năm nghiên cứu ở Nhật Bản
Anh Vương tham gia nhiều chương trình về sách tại quê hương.
Đến năm 2011, sau khi hoàn thành Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học lịch sử tại Khoa Giáo dục Đại học Shiga, Vương về nước tiếp tục với nghề giáo viên.
Chưa dừng lại ở đó, một lần nữa anh lại sang Nhật tiếp tục nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành Giáo dục Lịch sử Đại học Kanawa. Ngày nhận bằng tiến sĩ, nhiều bạn bè, thậm chí người thân cũng khuyên anh nên ở lại Nhật. Thế nhưng, không mất quá nhiều thời gian để suy nghĩ, anh Vương quyết định trở về Việt Nam để tìm hướng đi phù hợp.
Anh Nguyễn Quốc Vương kể: Tôi thích nhất là những ngày nhàn rỗi, trở về quê, ngồi thanh thản đọc sách. Những hôm nắng mang sách ra phơi để chống ẩm mốc như một thú vui.
Một việc yêu thích nữa là tôi được làm những công việc nhà nông, đồng áng nặng nhọc. Đây là những công việc mà tôi được tiếp xúc nhiều với thiên nhiên và tinh thần luôn được tự do thoải mái nhất.
8 năm ở Nhật cũng là thời gian anh nhìn nhận được thái độ, hành xử văn minh, cách làm việc chăm chỉ và có trách nhiệm của con người nơi đây. Đặc biệt, anh Vương ấn tượng nhất là văn hoá đọc của người Nhật. Với tình yêu vốn có với những cuốn sách và nhận thức của một người nghiên cứu về giáo dục, anh đã nuôi giấc mơ xây dựng và lan toả văn hoá đọc rộng rãi ở Việt Nam.
Năm 2017, anh Vương cho ra cuốn sách “Môn Sử không chán như em tưởng” (NXB Phụ Nữ) đã thu hút được sự chú ý của đông đảo giáo viên và học sinh. Cuốn sách chỉ có 290 trang, xoay quanh những câu hỏi như: Học sinh có thích học lịch sử không? Học lịch sử thì có ích gì cho đời sống? Người giáo viên sẽ phải dạy lịch sử như thế nào để học sinh không chán học? Điều rất đặc biệt là ở cuốn sách này là được tổng kết từ thực tiễn giáo dục của cá nhân giáo viên Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành từ năm 2011 đến 2014.
Một nửa cuốn sách đăng những bài kiểm tra hoặc bài tập về nhà của học sinh. Những độc giả được đọc thử cuốn sách đều cảm thấy sốc khi tiếp cận những vấn đề mà một đề bài kiểm tra 45 phút có thể ra. Chẳng hạn: “Trước tình trạng đất nước ngày một nguy khốn, từ năm 1863-1873, Nguyễn Trường Tộ đã gửi lên triều đình 30 bản điều trần phân tích toàn diện tình hình đất nước ta và đưa ra các đề nghị cải cách.
Nếu em là một vị quan đại thần trong triều đình nhà Nguyễn đương thời, em sẽ có suy nghĩ như thế nào sau khi đọc 30 bản điều trần nói trên?”. Hay: “Vào ngày kỷ niệm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, học sinh Nhật Bản thường tới thăm Công viên Hòa Bình ở Hiroshima thả hạc giấy lên trời kèm theo thông điệp hòa bình. Hãy tưởng tượng em được đến Hiroshima vào ngày đó và đưa ra thông điệp hòa bình của bản thân”…
Video đang HOT
Độc giả đã phải giật mình khi đọc những lý giải và suy nghĩ của những học sinh lớp 6 hoặc lớp 8 trước những vấn đề mang tầm vĩ mô có thể trở thành cả một công trình nghiên cứu. Anh Vương từng đăng tải những ví dụ này trên Facebook cá nhân, rất nhiều giáo viên ở các tỉnh đã xin phép áp dụng mô hình này.
Thích được gọi là “kẻ bán sách rong”
Với 8 năm nghiên cứu và học tập tại Nhật Bản, số lượng sách mà anh Vương sở hữu không hề ít. Anh kể: “Mỗi lần từ Nhật về Việt Nam, những cuốn sách trở thành mối bận tâm hàng đầu sau sức khỏe của vợ con. Số sách ấy do anh tích lũy trong suốt những năm ở Nhật, có cuốn phải mua đắt bằng nửa tháng lương ở nhà”.
Rất nhiều người cho hành động của anh Vương là… điên khùng, bởi lần học xong cao học trở về anh gửi đường biển 5 thùng catton toàn sách. Cước phí gửi sách mất khoảng 20 triệu đồng trong khi lương của anh khi ấy ở Việt Nam chỉ là 1,8 triệuđồng/tháng.
Hành trình mang những cuốn sách về phải mất hơn 1 tháng, anh Vương nhớ lại: “Khi sách về đến nhà, mọi người tỏ ra rất tò mò, tôi rút dao mổ tung tất cả các thùng lôi ra toàn sách. Một tuần sau, có một ông bác họ đến nhà chơi, sau khi biết “nghiên cứu sinh” chẳng mang gì từ Nhật về ngoài sách, ông chân tình bảo bố tôi: Thằng này học nhiều bị ngơ rồi chú! Nhật đầy máy móc thì không biết mang về bán mang sách về làm gì?”.
Anh bảo, giai đoạn này, ngoài dạy học anh sẽ chuyên tâm vào hai công việc mà anh thích: Bán sách (chỉ bán những cuốn sách tự viết và dịch) và chơi sách (đọc, cho mượn miễn phí tại nhà). Mới về Việt Nam không lâu, đường chưa thạo, vì thế mỗi lần “ra phố” bán sách rong, anh Vương sẽ thông báo trên facebook: Hôm nay đi cung đường nào, trong ba lô có những cuốn sách nào, ai cần mua sách có chữ ký thì gọi anh.
Có ngày, anh đi bộ 5km trong khói bụi, còi xe đinh tai nhức óc bán được 4 cuốn sách. Bù lại, có một khách hàng học Đại học Sư phạm Toán đạp xe mồ hôi nhễ nhại đến chỉ để mua một cuốn lịch sử học. Vợ con có than anh vất vả thì anh Vương chỉ cười nói: “Bán cho vui thôi, chứ muốn mưu sinh thì có thể dịch tiếng Nhật là sống ổn”.
Với anh Vương, việc tự mang sách đi bán, bán cho nhiều người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau có thể giúp anh biết được những ai quan tâm và đọc sách của mình. Hơn nữa, kết nối với độc giả, anh có thể biết được cảm nhận, phản hồi, nhận xét của họ như khen, chê, chỉ trích.
“Một điều thú vị là có thể cảm nhận được văn hoá đọc của Việt Nam đang ở đâu, người ta đang đọc cái gì, những ai đang đọc sách mình và họ mong muốn gì từ việc đọc sách đó. So sánh với nước Nhật, ở Việt Nam văn hoá đọc vẫn đang yếu. Thậm chí những người đáng ra là đọc nhiều nhất như nhà báo, nhà văn hay giáo viên, số người đam mê đọc sách cũng không nhiều” – anh Vương chia sẻ quan điểm của mình.
Không chỉ rong ruổi đi bán sách khắp nơi, anh Vương đã lập riêng tủ sách tại quê nhà (thôn Sấu, xã Liên Chung, huyện Tân Yên, Bắc Giang), tủ sách mang tên “Đồi Chẹm”. Tủ sách luôn mở cửa miễn phí đón tất cả bạn đọc trong vùng đến mượn sách. Với anh, một người có thể không thay đổi được xã hội nhưng nhiều người thì chắc chắn có thể. Hành trình lan toả tình yêu đối với những cuốn sách của anh đang ngày càng kết nối được nhiều độc giả, mỗi độc giả sẽ góp phần nâng cao văn hoá đọc của người Việt đúng như mong ước của anh.
Nguyễn Minh – Phong Anh
Theo laodongthudo
Chuyện nhóm sinh viên bị vị đạo diễn mắng "hãy làm nghề đàng hoàng hoặc cố kiếm đại gia"
Một nhóm sinh viên thực tập, thực hiện đề tài liên quan đến văn hóa đọc. Khi họ đặt câu hỏi cho một vị đạo diễn nổi tiếng, đã bị người này đặt ngược lại câu hỏi cùng những lời nói thẳng thắn.
Sự việc xảy ra tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, TPHCM. Nhóm bạn trẻ gồm 3 người là sinh viên năm cuối một trường ĐH ở TPHCM, đang đi thực tập tại một công ty truyền thông.
Với đồ nghề máy quay, ghi âm, micro... các bạn thực hiện phỏng vấn lấy ý kiến quanh chủ đề về văn hóa đọc.
Người trẻ chờ xin chữ ký tác giả trong một buổi ra mắt sách ở đường sách Nguyễn Văn Bình, TPHCM
Họ không bỏ lỡ cơ hội khi bắt gặp L.H, vị đạo diễn cực kỳ nổi tiếng đang ngồi cà phê, đọc sách ngay khu vực trung tâm đường sách. Các bạn thuyết phục được vị đạo diễn này để phỏng vấn, ghi hình.
Sau vài câu hỏi các bạn đặt ra về văn hóa đọc như vì sao phụ huynh lười đọc sách cho con, người trẻ "làm ngơ" với sách, làm sao để phụ huynh quan tâm đến việc đọc sách trong gia đình... Đạo diễn L.H hỏi lại: "Các bạn hãy kể giúp tôi một số cuốn sách thiếu nhi nên đọc".
Hai nữ sinh trực tiếp cầm micro phỏng vấn ú ớ, nói vòng vo thì vị đạo diễn hỏi tiếp: "Các bạn chỉ cần nói giúp tôi tên một cuốn sách thiếu nhi các bạn từng đọc". Một trong hai cô gái đáp: "Em nghĩ đó là cuốn kỹ năng phòng chống xâm hại...".
Nghe đến đây, vị đạo diễn đanh đá nổi khùng, thẳng lời mắng té tát nhóm bạn trẻ rằng đến tên một cuốn sách thiếu nhi các bạn còn không biết, chính bản thân không đọc sách lại đi hỏi, đi dạy thiên hạ vì sao họ không đọc sách cho trẻ.
Khi cơn giận đã qua, có chút nguôi ngoai, ông vỗ vai các cô gái và nói rằng, nếu tôn trọng nghề nghiệp của mình, tôn trọng bản thân mình hãy học tập, làm nghề nghiêm túc.
Còn đơn thuần chỉ làm nghề như một công việc để kiếm sống thì ông khuyên, các bạn cũng có nhan sắc, thà đi kiếm đại gia để dựa dẫm vừa sung túc, nhàn thân hơn và ít gây hại cho người khác hơn.
Cuộc phỏng vấn kết thúc...
Câu chuyện lười đọc sách trong người trẻ là một vấn đề đã được nhắc đến từ lâu nay. Nhiều bạn trẻ khi ở phổ thông, ở giảng đường có thể vùi thời gian trong nhiều trò tốn công vô ích như tám chuyện, lướt mạng, mua sắm, nhậu nhẹt, lao vào những cuộc tranh cãi vô bổ... thay vì cầm một cuốn sách để đọc một cách nghiêm túc.
Công nghệ nghe nhìn đang "lấn át" văn hóa đọc trong người trẻ
Nhà giáo dục Trịnh Thị Phương Thảo, từng dạy học ở Mỹ chia sẻ, ở sân bay, thấy nhóm bạn trẻ nào xúm đầu vào điện thoại, ipad thì có thể dễ dàng nhận ra hầu hết đó là người châu Á. Còn những người yên tĩnh ngồi đọc sách thì thường là người châu Âu hoặc người Mỹ.
Về Việt Nam, bà càng nhìn thấy thực trạng nhiều bạn trẻ đang bị công nghệ và việc học "chiếm" hết thời gian và tâm trí khi không có thói quen đọc sách.
Có rất nhiều nguyên nhân tác động đến việc đọc sách của trẻ, trong đó theo các nhà phân tích, chính chương trình học nặng về kiến thức, thi cử, chưa khuyến khích trẻ đọc sách để tự học, tư duy và nỗ lực tự thân của mỗi người.
Không ít bạn trẻ vào đời với hành trang kiến thức, nền tảng non yếu hay rỗng như trường hợp nhóm bạn bị vị đạo diễn mắng té tát trên. Âu họ cũng là nạn nhân nhưng cũng là "thủ phạm" khi chưa thật sự nỗ lực khổ luyện để khắc phục hạn chế của bản thân...
63% học sinh tiểu học TPHCM thường xuyên sử dụng thiết bị điện tử
Theo khảo sát "Niềm tin và thói quen đọc của giới trẻ tại TPHCM" của NXB Trẻ và Hội xuất bản Việt Nam vừa công bố ghi nhận 63% học sinh cấp 1 trả lời rằng thích chơi ipad, điện thoại hơn là đọc sách.
Có 59% học sinh cấp 1, và 38% học sinh cấp 2 được hỏi trả lời loại sách mình thích đọc nhất là truyện tranh.
Quá trình khảo sát còn cho thấy nhiều em học sinh chưa hiểu đúng về định nghĩa "sách", đặc biệt là các em khối lớp 6, 7. Nhiều em mang tâm lý sách là sách giáo khoa, là loại sách học tập, nên khi nói đến sách, các em thường cảm thấy sợ và chán.
Khảo sát này nhấn mạnh, để tạo lập thói quen đọc trong nhân dân, nhất là giới trẻ, cần phải xác lập niềm tin rằng việc đọc sẽ tạo ra giá trị cho cá nhân, cộng đồng, quốc gia. Giải pháp cốt lõi và đầu tiên chính là tạo dựng niềm tin nơi người đọc.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và xuất bản sách, giáo trình Hội thảo "Ứng dụng công nghệ 4.0 trong xuất bản sách và giáo trình" đưa ra nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ mới trong xuất bản sách và các giáo trình, giúp cho các nhà khoa học dễ dàng thực hiện việc viết sách và chia sẻ tri thức tới toàn thể cộng đồng, chống hiện tượng sách giả, sách lậu. Ngày...