Người mang chữ đến bản nghèo
(Cadn.com.vn) – Sinh ra và lớn lên tại xã nghèo Tam Sơn (H. Anh Sơn, Nghệ An), sau khi tốt nghiệp cấp 3, Hà Văn Tâm ngày ấy đã đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, lên đường nhập ngũ vào Tiểu đoàn 110, sư đoàn 441 Quân khu 4. Sau 7 năm huấn luyện trong quân ngũ (1982 – 1989), Tâm trở về quê hương mang dao rựa lên rừng, phát nương làm rẫy…
Thế nhưng, khi trở về bản, tận mắt chứng kiến cảnh thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên đã thôi thúc Tâm quyết định thi vào Trường Sư phạm miền núi. Năm 1996, Hà Văn Tâm tốt nghiệp ra trường và được phân công về Trường Tiểu học Tường Sơn. Lúc này, 2 bản Ồ Ồ và Già Hóp của xã còn thiếu giáo viên nên Tâm đã xung phong vào đây dạy học.
Thầy Hà Văn Tâm trong một lần đưa các em học sinh tham gia văn nghệ.
Nhọc nhằn “gieo chữ”
Video đang HOT
Tâm chia sẻ: “Những ngày đầu tiên làm giáo viên bám bản thật nhiều kỷ niệm khó quên. Con đường mòn vào bản gập ghềnh, luồn dưới tán rừng rậm rạp, muốn đi vào bản phải cuốc bộ hơn 10 km, qua suối, qua khe. Chưa có trường, có lớp, tôi phải lặn lội tìm đến nhà trưởng bản nhờ vận động bà con góp tranh, nứa và gỗ để dựng lớp, dựng trường. Không có mặt bằng, lại đi vận động trưởng bản cho dựng lớp học ngay tại vườn nhà rồi vận động bà con cho con em mình đi học. Cứ như vậy, đến năm 2005, hai bản Ồ Ồ và Già Hóp mới được đầu tư xây dựng điểm trường”.
Là 2 bản nằm tách biệt với trung tâm xã, bà con được di cư từ bản làng của các huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn đến, cuộc sống du canh, du cư nên cứ sau mỗi mùa đốt nương làm rẫy, đất đai bạc màu là họ lại dắt díu cả gia đình dời đi nơi khác sống. Chính vì vậy, những đứa trẻ không có điều kiện để đến trường, đến lớp.
Để thay đổi được tập quán sinh hoạt này, sau những buổi họp dân bản, thầy Tâm lại phải đến từng nhà để nói chuyện, tâm tình và vận động bà con sống định canh định cư để được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Ban đầu, nhiều phụ huynh không muốn cho con đến lớp, vì phải mất một khoản tiền mua sách vở, bút mực và gia đình không có người lên nương, làm rẫy… Tuy nhiên, trước những lời nói khuyên bảo ân cần của thầy Tâm, bà con nơi đây đã dần hiểu ra lợi ích của việc cho con đến lớp học chữ.
Sau khi vận động được học sinh bám lớp, bám trường, thầy Tâm đã sát cánh cùng các giáo viên tại điểm trường Ồ Ồ, Già Hóp kiên trì dạy chữ cho các em. Thầy Tâm cho biết, do học sinh nơi đây sống ở nơi tách biệt với vùng trung tâm nên khả năng tiếp nhận và giao tiếp xã hội còn rất chậm chạp. Để giúp các em học hành nhanh tiến bộ, ban đêm, thầy cùng trưởng bản phải đi đến tận nhà từng học sinh để vừa kiểm tra việc học ở nhà, vừa tìm hiểu hoàn cảnh gia đình và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các bậc phụ huynh. Cứ như thế, học sinh dần dần tiến bộ hơn và ham học hơn.
Thầy Tâm đến thăm và động viên học sinh.
Càng khó càng quyết tâm
Tuy nhiên, tình trạng các em học sinh bỏ học vẫn thường xuyên xảy ra, mấy năm trước, bậc mầm non vẫn chưa có lớp học, các em phải học trong những lán tạm ghép bằng ván gỗ, tre nứa nên cứ trời mưa rét là phải nghỉ. Còn riêng bậc THCS, do chưa có phân hiệu nên các em muốn học tiếp lên THCS phải đi cách bản 14 km, trong khi lại chưa có khu nội trú. Chính vì thế, học sinh cứ “rơi rụng” dần theo từng năm học.
Để giải quyết tình trạng này, Phòng GD-ĐT H. Anh Sơn đã giao cho 2 trường THCS Tường Sơn và THCS Hội Sơn tiếp nhận và tổ chức bán trú cho các em học sinh lớp 6. Đồng thời, quyết định chuyển lớp mẫu giáo (3 – 5 tuổi) từ nơi học cũ về học tại nhà công vụ của các thầy cô.
Vì công cuộc gieo chữ cho các em ở hai bản Ồ Ồ và Già Hóp, thầy Tâm cùng các thầy cô giáo trong trường đã cố gắng hết mình để giúp đỡ các em học sinh có được con chữ đã khiến bà con dân bản cảm động và quyết tâm cho các cháu đến trường. Năm 2013, điểm trường mầm non đã được xây dựng 3 phòng học mới, đồng thời thầy Hà Văn Tâm cũng được bổ nhiệm làm cụm trưởng phụ trách giáo dục cụm mầm non – tiểu học điểm bản Ồ Ồ, Già Hóp.
Đặc biệt, 2 năm trở lại đây, thầy Tâm đứng ra phụ trách và cùng với một số giáo viên khác giảng dạy 2 lớp bổ túc văn hóa cho các em nghỉ học giữa chừng và lớp xóa mù cho bà con trong bản. Phong trào học tập của tất cả các tầng lớp, lứa tuổi trong hai bản đã được khơi dậy và ngày càng sôi nổi.
Thầy Nguyễn Đức Vĩnh, Trưởng Phòng GD-ĐT H. Anh Sơn cho biết: “Thầy Hà Văn Tâm là người có công lớn trong việc vận động, duy trì học sinh đến lớp, giúp phòng làm tốt công tác quản lý, tham mưu việc dạy và học ở bản Ồ Ồ và Già Hóp, là cầu nối thông tin 2 chiều giữa bà con dân bản với phòng GD-ĐT…”.
Hiện cụm trường Ồ Ồ, Già Hóp đã có 62 cháu mầm non, 81 cháu tiểu học, 18 cháu học cấp 2, và đã có 3 em tốt nghiệp THPT. Chính những thành tích đó nên năm học 2013 – 2014, thầy Tâm đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở và được UBND huyện tặng giấy khen đạt thành tích trong phong trào Xây dựng phát triển đồng bào dân tộc thiểu số H. Anh Sơn giai đoạn 2009-2014.
Giờ đây, khi mái tóc đã điểm bạc màu sương nhưng ngoài dạy học, thầy Tâm dành thời gian đi khắp nơi để vận động mọi người quyên góp sách vở, đồ dùng học tập để tặng cho học sinh với mong muốn xây dựng một tủ sách nhỏ để các em được đọc thêm, hiểu biết thêm những điều mới lạ. Mong cho những mong ước ấy của thầy Tâm sớm trở thành hiện thực.
Theo cand.com.vn