Người lớn thấy gì khi học sinh bị đánh hội đồng và tung clip lên mạng xã hội ?
Nếu gia đình và Nhà trường kết hợp một cách thường xuyên, liên tục, chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng bạo lực học đường đang diễn ra như hiện nay.
4 nữ sinh Huế đánh bạn ngay trong trường học do trường dạy kỹ năng sống quá kém!Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm: Thầy đổ nước vào miệng học trò nên chuyển nghề khácNơi nào giáo viên chủ nhiệm quan tâm nơi ấy sẽ giảm bạo lực học đường
Mấy ngày gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện 2 clip quay lại cảnh hai nữ sinh lớp 7 (một ở Đồng Tháp và một ở Thừa Thiên – Huế) bị đánh hội đồng một cách dã man, khiến dư luận phải bất bình về tình trạng bạo lực học đường đang diễn ra ở các trường phổ thông hiện nay.
Đáng lẽ ra, ở lứa tuổi của các em (nhất là học sinh nữ) đang ngồi trên mái trường THCS phải đang nuôi dưỡng một tâm hồn trong sáng và lĩnh hội những trang kiến thức mà thầy cô giảng dạy, đang hòa vào tình yêu thương, sẻ chia của gia đình, nhà trường và bè bạn lại sẵn sàng lao vào ẩu đả bạn của mình một cách tàn bạo.
Khi xem các clip một em học sinh nữ ở trường THCS Trần Phú (TP Huế), ai cũng phải rùng mình trước những đòn ác ý, liên tục của 4 học sinh nữ đánh vào vùng đầu của một nữ sinh học cùng khối, cùng trường như vậy.
Từ trường hợp này khiến gợi nhớ đến clip cách đây chưa lâu của học sinh THCS Lý Tự Trọng ở Trà Vinh khi một học sinh nữ lớp 7 bị nhiều bạn nam, nữ trong lớp đánh một cách tàn nhẫn, những cái đấm đá, giật tóc túi bụi…những cái ghế, thậm chí là cả một chồng ghế của nam sinh ném vào bạn gái mà lâu nay ta chỉ mới thấy ở… phim hành động.
Báo động tình trạng học sinh bị đánh hội đồng và tung clip lên mạng xã hội (Ảnh: vietbao.vn)
Rồi, bao nhiêu những vụ ẩu đả, những clip bạo lực được tung lên mạng trong thời gian gần đây khiến cho người lớn chúng ta phải day dứt, đớn đau trước một bộ phận những mầm non tương lai của đất nước đang nuôi dưỡng cái ác, cái xấu!.
Ngày nay, nhữn trường hợp học sinh đánh nhau không còn là hiếm, đó không phải là những xô xát thông thường mà các em sẵn sàng đánh bạn dù những nguyên cớ vô cùng…lãng xẹt.
Một cái nhìn đểu, không cho bạn chép bài, một lời chê, một lời góp ý, bạn chảnh, ghen vu vơ… Những nguyên nhân như vậy nhưng các em không dừng lại những cuộc trao đổi thông thường mà bắt bạn quỳ lạy xin lỗi, lao vào đánh đấm.
Thậm chí đâm chém, lột đồ bạn để làm nhục rồi quay clip một cách thản nhiên, mặc cho bạn đang van xin, khóc lóc.
Các em đã thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của bạn bè mình. Nhiều bạn cùng lớp, cùng trường còn thờ ơ, cổ vũ, reo hò một cách khoái trí thậm chí còn đứng để quay clip rồi tung lên mạng để bình phẩm.
Video đang HOT
Dưới một mái trường, rất ít trường hợp đánh bạn, làm nhục bạn bị đuổi học, bởi đuổi các em ra khỏi trường là đuổi một con người đến ngõ cụt của cuộc đời, chấm dứt tương lai của các em.
Hình thức kỉ luật phổ biến các em là bằng hình thức răn đe như hạ hạnh kiểm, cảnh cáo trước toàn trường, cao nhất là đuổi học học 1năm (nhưng rất hiếm).
Bởi không một thầy cô, hay Ban giám hiệu nào lại đuổi học các em khi mà mình đang làm cái thiên chức “dạy người”. Đó cũng chính là nỗi đau lớn của ngành giáo dục, của toàn xã hội.
Điều đau đớn là các em bị đánh, bị nhục mạ về tinh thần đã ảnh hưởng đến sức khỏe, đến tâm lí rồi phải bỏ học giữa chừng, hoặc vì một lí do nào đó mà các em mặc cảm không thể đến trường.
Ngày nay, khi mà mỗi gia đình chỉ có 1-2 con nên nhiều gia đình đã quá cưng chiều con em mình. Nhiều bậc làm cha, làm mẹ đã dung dưỡng những cái sai trái từ nhỏ, luôn đáp ứng yêu cầu của con cái, phó mặc con em mình cho nhà trường, cho thầy cô mà quên quan tâm, dạy dỗ chúng một cách toàn diện.
Hơn nữa, trong trường học, nhiều áp lực của ngành mà người thầy sẵn sàng chấp nhận bỏ qua lỗi của các em. Bởi một điều đơn giản, đánh học trò, chửi học trò là vi phạm đạo đức nhà giáo, bị kỉ luật, bị phụ huynh làm khó dễ, bị dư luận lên tiếng. Trong khi có nhiều em vào trường quậy phá, học ít, chơi nhiều, coi thường thầy cô…
Clip đánh hội đồng một cách chủ ý như các em học sinh nữ trường THCS Trần Phú không phải là trường hợp đầu tiên được tung lên mạng và chắc chắn cũng không phải là cuối cùng.
Cho nên, muốn hạn chế tình trạng cái ác, tình trạng bạo lực học đường không có cách nào hơn là những bậc làm cha, làm mẹ phải thường xuyên gần gũi, quan tâm đến con em mình, cần giám sát chặt chẽ giờ giấc, bạn bè của các em.
Nhà trường cần phát hiện kịp thời những biểu hiện bất thường của các em học sinh và liên hệ chặt chẽ với Ban giám hiệu, Đoàn – Đội và phụ huynh để giáo dục đạo đức học sinh.
Trong lớp học cần kết hợp mô hình “Đôi bạn cùng tiến”, cần xếp các em cá biệt ở những vị trí dễ quan sát để từ đó phát hiện và loại bỏ những cái sai, cái chưa tốt của một bộ phận học sinh chưa ngoan.
Đặc biệt, khi Ban giám hiệu phân công giáo viên chủ nhiệm cần phải “chọn mặt gửi tên” tránh tình trạng giáo viên thiếu tiết cho chủ nhiệm…
Và, thầy cô chủ nhiệm lớp phải lựa chọn được Ban cán sự lớp gương mẫu, đáng tin cậy, thường xuyên cập nhật tình hình lớp.
Nếu chúng ta làm tốt và kết hợp một cách thường xuyên, liên tục, chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng bạo lực học đường đang diễn ra như hiện nay.
Theo giaoduc.net.vn
Sự vô cảm "tiếp tay" cho bạo lực học đường
"Nhà trường không đơn thuần chỉ thông báo kỉ luật học sinh mà phải có ý kiến, lên án để những người đứng xem thấy được thiếu sót của mình, người đánh nhau vì sao làm như vậy và người thản nhiên đứng quay clip là vô cảm", Tiến sĩ Tùng Lâm nói.
"Tiếp tay" cho tình trạng bạo lực
Vài ngày gần đây, clip 4 học sinh lớp 7 (Trường THCS Trần Phú- Huế) đánh hội đồng bạn gái ngay tại trường học khiến nhiều người phẫn nộ. Điều xót xa là khi trận đòn thù giáng tới tấp lên đầu nạn nhân, gần chục học sinh nam nữ xung quanh vẫn vỗ tay cổ vũ reo hò, không hề ngăn cản.
Anh Xuân Hùng, một phụ huynh đang có con học THCS tại Hà Nội chia sẻ, xem clip mà tôi như run lên. Đáng buồn là khi trận đòn thù trút xuống đầu nữ sinh lớp 7 diễn ra rất dã man ngay hành lang lớp học, xung quanh có hàng chục học sinh nam nữ nhưng hầu hết đều đứng xem và cổ vũ. Chỉ duy nhất một nữ học sinh đứng ra can ngăn. Được biết, ngay sau đó vài ngày, nữ sinh can ngăn này cũng bị nhóm bạo hành vây đánh để "dằn mặt".
TS Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho biết, việc học sinh đánh nhau thể hiện tâm lý muốn khẳng định mình của tuổi mới lớn nên thường dễ xảy ra xô xát. Đây không phải hiện tượng lạ nhưng biện pháp làm thế nào để ngăn chặn nó thì dường như vẫn còn hạn chế.
"Theo tôi, nhà trường không đơn thuần chỉ thông báo kỉ luật học sinh mà phải có ý kiến, lên án để những người đứng xem thấy được thiếu sót của mình, người đánh nhau vì sao làm như vậy và người thản nhiên đứng quay clip là vô cảm. Nhất là người quay clip và quăng lên mạng để chứng tỏ mình tài giỏi, đã vô tình tiếp tay cho hành động bạo lực học đường lan truyền trên mạng xã hội", TS Lâm khẳng định.
BS Nguyễn Trọng An (Phó Giám đốc TT Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển cộng đồng , nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em- Bộ LĐTB& Xã hội) cho biết, trước hết phải khẳng định vụ việc xảy ra ở Trường THCS Trần Phú vừa qua là một hành động côn đồ, không thể chấp nhận trong môi trường học đường.
Ông cho rằng, bản thân mình hay bất kể một người cha, người mẹ nào có con bị các bạn cùng trường đánh hội đồng như hình ảnh trong clip đều rất đau xót, thương cảm và vô cùng phẫn nộ về hành động tàn bạo này.
Nói về sự vô cảm hiện nay, BS An cho rằng, không chỉ xảy ra trong giới trẻ, mà có thể nói là vô cảm trong toàn bộ hệ thống xã hội.
"Trong Bệnh viện thì bác sĩ thờ ơ với nỗi đau của bệnh nhân, y tá thì ăn bớt vắc xin của trẻ em, doanh nghiệp thì chôn thuốc trừ sâu xuống đất mà không nghĩ đến hậu quả gây ra ung thư cho cộng đồng, lãnh đạo cơ quan công quyền chạy chọt đút lót để lên cấp lên chức nhưng công việc thì thờ ơ với người dân... Trong trường học, học sinh đứng nhìn bạn bị đánh, cười nói, quay clip mà không ngăn cản, thầy cô giáo chỉ biết dạy chuyên môn mà không quan tâm đến sự thay đổi tâm sinh lý của học sinh...", BS An phân tích.
Giáo dục chưa đúng cách
Trao đổi với chúng tôi, TS Lâm cho rằng, qua sự việc này, các trường cần xem lại đã giáo dục học sinh tới nơi tới chốn chưa. Ông nhận xét, hiện các trường chỉ dạy kĩ năng sống trong nhà trường như: Kĩ năng giao tiếp, kĩ năng ứng xử chứ chưa dạy giá trị sống.
Như thế, nghĩa là chưa dạy được tận gốc của vấn đề nên giá trị yêu thương tôn trọng, giá trị khoan dung chưa ngấm vào mỗi học sinh nên vẫn còn bạo lực trong học đường. Thứ hai, hiện các trường là dạy không đúng cách, chỉ dạy lý thuyết, học sinh thiếu trải nghiệm. Tốt nhất, cần đưa chính những trường hợp này để dạy.
"Trường chúng tôi cũng phải tập huấn giáo viên, phải đưa các câu chuyện nóng trên mạng ra để làm thí dụ và liên hệ nhắc nhở học sinh thường xuyên bởi lứa tuổi mới lớn phải nhắc nhở nhiều lần, không thể chỉ một lần mà các em nghe theo", TS Lâm cho biết.
Còn theo BS An, ông cho rằng, tất cả nguyên nhân đều bắt nguồn từ sự giáo dục, trước hết và quan trọng nhất là giáo dục gia đình. Tiếp đến là Giáo dục của nhà trường và của xã hội.
Giáo dục trong nhà trường không chỉ đơn thuần là thầy cô lên lớp, nhồi nhét kiến thức cho trẻ hoặc vẽ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" thật to treo ở cổng trường. Đó là các giờ giáo dục đạo đức, giáo dục công dân phải cụ thể và thực chất. Thầy cô cần quan tâm cả đến sự thay đổi tâm sinh lý của trẻ, cần dạy dỗ và uốn nắn các em có tình người, tình yêu đối với người thân, ông bà, cha mẹ, thầy cô, bè bạn...có nhân cách tốt.
Để chữa trị căn bệnh vô cảm, theo BS An, cần tạo dựng lòng nhân ái, kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp nhưng trước hết phải tăng cường giáo dục gia đình, gia phong và cải thiện hệ thống giáo dục nhà trường đi vào thực chất hơn, song song với dạy kiến thức là giúp các em trở thành con người giàu lòng nhân ái, một môi trường sống cộng đồng đầy nghĩa tình.
Đồng thời, phải tạo cho xã hội một sức đề kháng, đó chính là việc xây dựng và không ngừng nhân lên những yếu tố tích cực trong xã hội. Một môi trường xã hội tốt, lành mạnh sẽ tạo được sức đề kháng cao với căn bệnh vô cảm.
Trong câu chuyện bạo lực học đường này, là một người đã từng gắn bó lâu năm với công tác trẻ em, BS An cho hay, trước hết ngành giáo dục và Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế phải can đảm nhìn nhận những khiếm khuyết của mình. Với quy định Luật pháp VN hiện nay, có thể không có một quan chức nào của ngành/của sở phải gánh trách nhiệm về vấn đề này, song tất cả đều phải thừa nhận với lương tâm của mình về những gì mình đã làm không đúng như đạo đức, chưa tròn trách nhiệm của một nhà giáo.
Ngành giáo dục cũng cần sớm hình thành hệ thống Tư vấn tâm lý học đường để hỗ trợ phát triển sức khỏe tinh thần và kịp thời phát hiện, điều chỉnh tâm lý của các em học sinh khi bị xáo trộn.
Theo Dân trí
Nữ sinh lớp 7 đánh bạn: Trách nhiệm thuộc về người lớn "Sự việc đau lòng đã xảy ra và không thể đuổi học các cháu là xong, bởi các cháu còn quá nhỏ, ra đời sớm sẽ ra sao?", Phó chủ tịch UBND TP Huế nói về vụ nữ sinh đánh hội đồng bạn. Ngày 14/1, nói về vụ học sinh lớp 7 đánh bạn gây xôn xao dư luận tại cuộc họp báo...