Người lính Mỹ một mình bắt sống cả đội quân Đức
Sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó, thất học và từng là 1 kẻ nghiện rượu, thế nhưng Thế chiến 1 đã biến trung sĩ Mỹ Alvin York trở thành 1 người hùng với chiến công bắt sống cả đội quân Đức.
Alvin York, sinh năm 1887, là đứa con lớn thứ 3 trong tổng số 11 người con của gia đình. Trong suốt tuổi thơ, do điều kiện khó khăn, ông chỉ tới trường được 9 tháng rồi buộc phải nghỉ học để giúp đỡ gia đình với việc săn bắn và trồng trọt. Sau khi cha ông mất, York trở thành 1 kẻ nghiện rượu và thường xuyên dính líu tới các cuộc ẩu đả. Chỉ khi người bạn thân Everett Delk chết sau 1 cuộc đánh lộn, ông mới từ bỏ rượu và bắt đầu trở thành 1 người ủng hộ hòa bình, phản đối bạo lực.
Người hùng bắt sống cả đội quân Đức Alvin York
Tuy nhiên, khi Thế chiến 1 bùng nổ và York bị gọi nhập ngũ, tư tưởng phi bạo lực đã trở thành rắc rối cho chính bản thân ông. Tháng 12.1917, sau khi đơn xin miễn nhập ngũ bị bác bỏ, ông gia nhập quân đội và được phân công vào Đại đội G thuộc Trung đoàn Bộ binh số 328 của Sư đoàn Bộ binh số 82. Sau đó, sư đoàn của ông được gửi tới Pháp để tham gia Chiến dịch tấn công Saint-Mihiel.
Khi chiến dịch kết thúc, ông tiếp tục tham gia Chiến dịch tấn công Meuse-Argonne. Đây cũng chính là sự kiện giúp ông ghi tên mình vào lịch sử quân đội Mỹ với thành tích có 1 không 2.
Vào ngày 8.10.1918, York cùng đơn vị mình nhận được chỉ thị chiếm giữ cứ điểm của quân Đức xung quanh Đồi 223, nằm dọc đường ray tàu hỏa Decauville, phía bắc xã Chatel Chery (tỉnh Ardennes, Pháp). Tuy nhiên, người Đức với súng máy trên đỉnh đồi trở thành 1 đối thủ đáng gớm, sẵn sàng “làm cỏ” bất cứ toán lính Mỹ nào dám tiến công.
Để tránh thiệt hại gia tăng, York cùng với 1 số sĩ quan và 13 binh sĩ khác vòng ra đằng sau để hạ các ổ súng máy. Chiến thuật này tỏ ra hiệu quả khi nhóm của ông đã bất ngờ chiếm được sở chỉ huy quân Đức, bắt sống nhiều binh sĩ kẻ thù. Thế nhưng, các ổ súng máy trên đồi bất ngờ nhắm thẳng vào nhóm của York khiến 6 người thiệt mạng và 3 người khác bị thương. Trong tình thế nước sôi lửa bỏng, York – lúc này đã trở thành chỉ huy – ra lệnh cho các đồng đội canh chừng tù nhân, còn bản thân thì tìm cách vô hiệu hóa súng máy.
Trung sĩ Alvin York tại quả đồi ông lập chiến công 3 tháng sau khi Thế chiến 1 kết thúc
Lúc này, 1 mình ông phải đối mặt với 30 lính Đức. Tuy nhiên, bằng những kĩ năng săn bắn thời còn trẻ, ông trở thành cơn ác mộng với kẻ thù bằng thủ thuật “bắn-nấp” cực kì chính xác của mình. Đã có lúc, 9 người lính Đức xông lên để hạ gục York nhưng ông vẫn bình tĩnh rút súng lục bắn hạ tất cả trước khi họ có cơ hội tiếp cận mình.
Video đang HOT
Sau khi nghe được lời kêu gọi đầu hàng của York, trung úy Paul Vollmer – sĩ quan chỉ huy quân Đức đã chấp nhận buông súng để không phải hi sinh vô ích. Sau trận chiến tưởng chừng không cân sức, York và 7 người lính Mỹ nữa áp giải tổng cộng 132 tù binh Đức về căn cứ.
Nhờ chiến công này, York được thăng quân hàm trung sĩ và nhận Huân chương Phục vụ Xuất chúng (sau này được nâng cấp thành Huân chương Danh Dự). Không chỉ có vậy, dù là 1 người lính Mỹ, ông vẫn được nước Pháp trao cho Huân chương Croix de Guerre và Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh.
Theo Danviet
Phép màu khiến quân Anh và Đức đang bắn nhau quay ra bắt tay, đá bóng
Tưởng rằng những kẻ thù ở hai đầu chiến tuyến chỉ có thể nghĩ tới việc tiêu diệt nhau. Vậy nhưng phép màu đã xảy ra ở chiến trường nước Pháp, vào dịp Giáng sinh.
Bức vẽ trên tờ The Illustrated London News, ngày 9.1.1915, về cảnh lính Anh và Đức bắt tay đổi mũ với nhau giữa hai chiến hào
Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất nổi bật với hình ảnh những chiến hào và điều kiện chiến đấu đáng sợ không thể tưởng tượng nổi mà những người lính phải chịu đựng hàng ngày. Tuy vậy, bất chấp mọi sự tệ hại, một phép màu đã xảy ra vào năm 1914. Nó trở thành mối đe doạ với chính phủ các bên cũng như tiến trình của cuộc chiến.
Mối đe doạ đó là gì? Giáng sinh.
Người Đức bắt đầu cuộc chiến vào tháng 7.1914. Chiếm được Bỉ và một phần nước Pháp, họ tự tin rằng mình sẽ chiếm Paris nhanh chóng và cuộc chiến sẽ kết thúc trước Giáng sinh. Người Anh, người Pháp, và các đồng minh của họ cũng tin rằng mình sẽ đánh bại quân Đức trước Giáng sinh. Tất cả bọn họ đã lầm.
Quân Đồng minh đẩy lùi bước tiến của người Đức trong Trận Marne lần thứ nhất, kéo dài từ ngày 5 đến ngày 12.9, ép quân Đức rút về thung lũng Aisne cố thủ. Quân Đồng minh tiến tới vào ngày 13.9, và Trận Aisne lần thứ nhất bắt đầu. Trận đánh kết thúc trong thế giằng co.
Người Đức muốn tiến tới vùng bờ biển của nước Pháp, và phe Đồng minh không muốn điều đó xảy ra. Hai bên đào rất nhiều tuyến hào, cố gắng đánh tạt sườn nhau. Các lớp hào bị chia cách bởi các vùng được gọi là "no man's land" (vùng đất nằm giữa khu vực chiến sự mà không bên nào chiếm đóng được do sức ép của quân địch).
Quân Đồng minh ngặn chặn quân Đức bằng cách đào hào về hai phía Đông - Tây, người Đức cũng làm điều tương tự, cho đến khi chiến tuyến của cả hai phe kéo dài tới Biển Bắc.
Đến đầu tháng 12, mỗi bên đã đào hơn 250km chiến hào cũng như hứng chịu những thiệt hại to lớn trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến. Anh mất gần 100.000 quân. Với Pháp, chỉ riêng trong tháng 8, thiệt hại của họ đã gấp đôi con số đó, gần như tương đương với thiệt hại của Đức.
Không phải mọi binh lính đều chết trong chiến đấu. Bệnh tật có tác động rất kinh khủng trong điều kiện lạnh lẽo, chật hẹp và ẩm ướt, cũng như bùn và nước bẩn. Trong chiến hào, chân người lính thường ướt sũng. Thiếu thốn sự điều trị, vậy là tình trạng hoại tử và cái chết lan ra khắp nơi.
Có khi hào được đào sâu để chôn cất chính những người lính mà chúng bảo vệ. Nhưng kể cả những đoạn hào tốt nhất cũng có thể trở thành những cái bẫy chết người nếu trúng đạn trực diện, vì lực nổ của bom đạn sẽ tập trung hơn so với khi nổ ở không gian mở. Thường thì binh lính chỉ có thể nhìn trong vô vọng khi bom đạn nổ trước mặt, vì họ không thể trốn đi khi tất cả bị dồn sát vào nhau.
Cuối cùng là công tác tuyên truyền. Các bên đều miêu tả đối phương như súc vật vô cảm, vì người ta sẽ giết nhau dễ dàng hơn nếu không nhìn đối phương như con người nữa.
Vậy nhưng đến tối ngày 24.12, các vùng đình chiến xuất hiện. Không ai rõ nó bắt đầu từ đâu, nhưng người ta tin rằng nó bắt đầu từ vùng Flanders trước khi lan rộng ra toàn bộ Mặt trận Phía Tây.
Những người lính Anh thuộc đơn vị Khinh kỵ Northumberland gặp mặt quân Đức ở "no man's land"
Quân Đức bắt đầu hát những bài ca Giáng sinh. Rồi đèn và thuốc lá được thắp lên - một điều nguy hiểm vì nó sẽ giúp quân Anh thấy rõ vị trị quân Đức.
Nhưng kể cả khi hầu hết người Anh không hiểu tiếng Đức, họ vẫn nhận ra các giai điệu. Một số trong bọn họ đã hát cùng bằng tiếng Anh. Vì thế, ánh đèn và diêm được thắp sang nhiều hơn dọc theo tuyến quân Đức. Không một người Anh nào muốn bắn họ.
Đến buổi sáng ngày Giáng sinh, Trung sĩ Công binh J.J. &'Nobby' Hall dán một dấu hiệu báo mừng Giáng sinh lên một cây gậy và vẫy nó dọc theo chiến hào. Một dấu hiệu tương tự cũng được vẫy lên ở tuyến quân Đức.
Đến buổi trưa, một lính Đức nhảy ra khỏi chiến hào bất chấp việc bị quân Anh ngắm bắn. Anh ta giơ tay và đi qua "no man's land" mà không mang vũ khí. Binh nhì Ike Sawyer tiến ra để gặp mặt. Khi đến giữa vùng trống, họ bắt tay. Từ phía quân Đức, nhiều binh lính cũng tiến lên, giơ tay và gặp những người Anh ở giữa vùng trống.
Vài lính Đức bẻ cành cây thông để làm cờ trắng khi họ băng qua. Những món quà gồm thức ăn, thuốc lá, quần áo được trao đổi với nhau. Hai bên đã chơi những trận bóng đá, và người Đức không thể nhịn cười khi chơi cùng những người Scotland không thèm mặc gì dưới những bộ "kilt" - bộ đồ truyền thống của người Scotland, khá giống một chiếc váy.
Tình bạn ấm áp như vậy chỉ xuất hiện ở trận tuyến giữa Anh và Đức. Người Pháp không có tâm trạng mà kết thân với kẻ thù đang chiếm lấy một phần đất nước họ. Ở Mặt trận Phía Đông, người Nga không ăn mừng Giáng sinh cho đến ngày 7.1 (nước Nga lúc này vẫn theo bộ lịch cũ nên tính ngày chậm hơn các nước khác).
Vì có nhiều người Đức làm việc ở Anh trước chiến tranh, nên họ có thể nói tiếng Anh khá tốt. Thậm chí, Đại uý Clifton Stockwell đã bắt tay một lính Đức làm bồi bàn ở nhà hàng ông hay tới ăn trước cuộc chiến. Một lính Anh khác thì để một lính Đức từng làm thợ cắt tóc trước chiến tranh được cắt tóc và cạo râu cho mình.
Lính Anh và lính Đức gặp nhau ở "no man's land" trong cuộc đình chiến không chính thức. Mặc dù mọi người dành tình cảm ấm áp cho nhau, họ cũng có một quy tắc bất thành văn: Cả hai bên không được tới chiến hào đối phương để không làm lộ vị trí kho vũ khí và vị trí phòng thủ. Và cũng không phải tất cả các vị trí trên chiến tuyến giữa Anh và Đức được yên bình, một số nhỏ vẫn chiến đấu trong dịp Giáng sinh.
Chính quyền các bên cảm thấy như bị làm nhục. Họ đe doạ bằng những hình phạt khắc nghiệt cho những ai làm thân với quân địch, nhưng nó chẳng có hiệu quả gì với những người lính lúc này đã làm bạn với nhau.
Điều đáng sợ nhất với chính quyền các bên đó là cuộc chiến sẽ kết thúc ở Mặt trận Phía Tây. Hơn nữa, các phong trào chống lại hoàng gia và ủng hộ chủ nghĩa cộng sản lan rộng ở nhiều nước làm giới cai trị phương Tây lo sợ điều tệ hại nhất có thể xảy ra cho chính phủ của họ nếu binh lính vứt bỏ vũ khí và đi đến hoà bình lâu dài.
Với những người trên chiến tuyến, sự đình chiến hầu hết đều kéo dài đến hết ngày 26.12. Ở một số nơi khác nó còn diễn ra lâu hơn, nhưng với binh nhì Archibald Stanley, nó đã kết thúc ngay sau ngày 24.12. Sĩ quan chỉ huy của anh này, lo sợ một cuộc nổi loạn, đã cho phép đình chiến trong ngày hôm đó. Ngay hôm sau, ông ta ra lệnh cho binh lính bắn bất kỳ lính Đức nào còn đứng ở "no man's land". Nhưng chẳng ai tuân lệnh.
Đến chiều muộn, sợ rằng mình đang mất quyền kiểm soát, viên sĩ quan người Anh bắn chết một sĩ quan Đức không vũ trang. Mọi thứ tệ hại dần từ đó. Cuộc chiến tiếp diễn và những vũ khí mới được sử dụng như khí gas độc, vậy là cả hai bên không còn hứng thú với một cuộc đình chiến thứ hai nữa.
Peter Knight và Stefan Langheinrich, cháu của những người lính tham gia Thế chiến thứ nhất, bắt tay nhau ở đài tưởng niệm Cuôc đình chiến Giáng sinh ở Frelinghien, Pháp để tái hiện hình ảnh sự kiện
Đến ngày 11.11.2008, một đài tưởng niệm Cuộc đình chiến Giáng sinh được dựng lên ở Frelinghien, Pháp. Con cháu của các cựu binh, những người đã liều lĩnh để tinh thần Giáng sinh tác động đến họ trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất dù chỉ trong ngày một hai ngày, đã tham dự ngày khánh thành đài tưởng niệm.
Theo Danviet/Huy Đức (WarHistoryOnline)
Trận tử thủ của 800 lính Ba Lan trước 42.000 quân Đức năm 1939 Một đơn vị 800 lính Ba Lan đã cầm chân quân đoàn thiện chiến đông gấp 52 lần của phát xít Đức suốt ba ngày. Đại úy Wadysaw Raginis. Ảnh: Wikipedia. Khi phát xít Đức tràn qua biên giới Ba Lan ngày 1.9.1939, đại úy Wadysaw Raginis được giao nhiệm vụ chỉ huy lực lượng phòng thủ tại khu vực Wizna, cách tiền...